Như “cặp đôi hoàn hảo”
Tết và thú chơi câu đối ngày xuân như một cặp đôi. Hồ như không có câu đối thì chưa phải là Tết đủ. Câu đối “đi” vào Tết với nhiều sắc vẻ. Trực tiếp miêu tả sản vật: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” (chưa rõ tác giả. Có sách ghi đôi câu đối này của Trần Tế Xương). Là món hàng Tết: “Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm/ Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ” (Chợ Tết, Đoàn Văn Cừ). Là nguồn sống của một bộ phận lao động xã hội, đồng thời là đồ trang trí nhà cửa: “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực Tàu, giấy đỏ/ Bên phố đông người qua” (Ông đồ, Vũ Đình Liên). Theo Hoài Thanh-Hoài Chân trong “Thi nhân Việt Nam” thì: “Ông đồ là người dạy học chữ Nho xưa… Mỗi dịp Tết đến, ông đồ thường được nhiều người thuê viết chữ, câu đối để trang trí trong nhà”.
Chơi câu đối ngày xuân thường gắn với tục khai bút của những người làm nghề viết. “Xuân vương chính nguyệt sơ nhật, khai bút, đại cát” (Ngày đầu xuân khai bút hết sức may mắn, tốt lành). Nhiều người khai bút bằng viết câu đối. Nhà giáo, nhà thơ trào phúng Trần Tế Xương (1870-1907) quanh năm sống thiếu khó vì đông con, lại học tài thi phận, thi tú tài lần thứ ba mới đỗ... vớt, đầu xuân cũng khai bút bằng câu đối: “Đào tiên đã chín hay chưa, bác mẹ em già, chắp cánh bay lên xin một quả/ Đối Tết không hay cũng dán, bà con ai biết, dừng chân đứng lại ngắm vài câu”. Ông mô tả chuyện khai bút của mình một cách hài hước, đặc sắc qua bài thơ “Tết dán câu đối”: “… Viết vào giấy dán ngay lên cột/ Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay?/ Rằng hay thì thực là hay/ Chẳng hay sao lại đỗ ngay tú tài!/ Xưa nay em vẫn chịu ngài!”…
Hiệu ứng đẹp
Ngày xuân, sự giao hòa giữa con người với tiết trời, thời gian, không gian, cảnh vật… đều hào sảng, tươi mới. Khi đã no-vui thì “con tỳ con vị” tung tăng, tâm hồn lâng lâng phơi phới, sự sáng tạo câu đối chơi xuân trở nên linh hoạt và phong phú, tạo hiệu ứng thẩm mỹ văn hóa tác động vào cuộc sống.
Viết câu đối giữa ngày xuân, lòng xôn xao cảm xúc khơi dậy khát vọng vươn tới ấm no, vui tươi hạnh phúc của con người. Sinh thời, Nguyễn Công Trứ (1778-1858) - nhân vật kiệt xuất trong lịch sử nước nhà viết: “Chiều Ba mươi công nợ rối lu bù, những muốn mười năm dồn một Tết/ Sáng Mồng Một, rượu chè say túy lúy, trông cho ba bữa hóa mười ngày”. Người học trò nghèo biếu thầy 3 quả bưởi để thờ Tết, được thầy đáp lại bằng một câu đối mà qua đó, anh ta mang về cả “bầu trời hy vọng” đầy hưng phấn: “Ủa! Tết đến đó rồi, chẳng lẽ giơ cùi cùng tuế nguyệt/ Kìa! Xuân sang đấy nhỉ, phen này mở múi với giang sơn” (Tam Nguyên Yên Đổ-Nguyễn Khuyến).
Nhân lên cái đẹp thông qua sáng tạo thẩm mỹ chơi chữ là một hệ quả quý của tục chơi câu đối ngày xuân. Điển hình là chơi chữ gắn với nghề nghiệp. Một câu đối ca ngợi công-nông-binh-trí: “Cạn chai bia, xem điệu vũ ba lê, hái hoa súng, tung tăng người đón Tết/ Mở ngăn kéo, gặp vần thơ hóc búa, nâng đàn kìm, man mác khúc ca xuân” (chưa rõ tác giả). Câu đối này rất hợp với những gia đình làm nghề bộ đội, công nhân, văn, thơ, báo, ca múa nhạc… Sau bữa Tất niên, mấy anh em chiến sĩ biên phòng tung ra vế mở thách đối do đọc được trên một số báo xuân đã lâu rồi, nhưng đến nay vẫn chưa thấy vế đối chỉnh: “Tối Ba mươi, người nhái bơi ếch vào bờ bắt cóc. Cóc bắt được ai.
Bị bắt cóc. Người nhái ngồi giương mắt ếch”. Tiễn năm Thân (khỉ, 2016), đón năm Dậu (gà, 2017), họa sĩ Trần Thắng (nguyên cán bộ tuyên huấn Học viện Phòng không-Không quân) và cộng tác viên Báo Quân đội nhân dân Phan Duy Gia nhâm nhi chén rượu, chơi câu đối: “Kê giá vẽ bên giậu mai vàng, họa bức tranh Gà chào mừng Đinh Dậu/ Hầu bạn viết đích thân mài mực, thảo bài tế Khỉ tiễn biệt Bính Thân”.
Nho sĩ, trí thức chơi câu đối đã đành, nông dân, công nhân, gánh hàng đi chợ… cũng đối ra trò. Cụ Phạm Văn Thưởng, thủ quỹ Hợp tác xã Nông nghiệp Nghĩa Dũng (thuộc tỉnh Hải Dương), khi mới có phong trào hợp tác xã (1960) viết: “Tối Ba mươi, việc gia đình quyết định giảm chi, mẹ cái Thêm (con gái của cụ) mừng Tết đến/ Sáng Mồng Một, tiền hợp tác thi đua tăng nhập, thầy thằng Tí (con trai của cụ) đón Xuân sang”. Câu đối Tết cổ vũ công cuộc đổi mới: “Sáng Mồng Một vui thay, đến công viên viếng hội hoa xuân/ Chiều Mồng Ba khoái thật, vào xí nghiệp dự phiên gặp mặt”. Hay: “Chúc năm mới: Bình an, phát triển thành công mới/ Mừng ngày xuân: Phú quý, kinh doanh thắng lợi xuân”...
Cái thú chơi câu đối ngày Tết, trong tốt tươi cổ vũ vẫn không quên nhẹ nhàng ý nhị phê phán thói hư tật xấu. Có tác giả đã viết: “Thương hại anh say, mấy chén ngà ngà Xuân lảo đảo/ Buồn trông cậu nghiện, dăm hơi hút hít Tết liêu xiêu”. Về sự này, ngày xuân “chén rượu la đà” từ hai câu Kiều: “Nghĩ mình chẳng hổ mình sao/ Dám đem trần cấu dự vào bố kinh” (câu 3.105) và “Tuồng chi hoa thải hương thừa/ Mượn màu son phấn đánh lừa con đen” (câu 1.415) cách nhau đến gần 1.690 câu mà có người vẫn tìm ra được câu đối: “Dám đem trần cấu dự vào bố/ Mượn màu son phấn đánh lừa con” thì thật là đáng bái phục!
PHẠM XƯỞNG