Báo xuân hồi đó còn đơn giản, chỉ có tên báo và tờ báo in màu đỏ, có cành đào đỏ vẽ theo. Còn lại, khuôn khổ và số trang vẫn như báo ra thường kỳ trong năm. Mọi người mong có báo năm mới vì có thư chúc Tết của Bác Hồ. Việc làm báo Tết, báo xuân sau ngày miền Nam được giải phóng là thông lệ và ngày càng đẹp hơn, nội dung và hình thức phong phú hơn, quy mô đồ sộ, số trang dày hơn. Qua sự phát triển của báo Tết, báo xuân thấy rõ sự phát triển của kinh tế-xã hội, nhu cầu văn hóa ngày càng cao, sự phát triển của kỹ thuật chế bản, in ấn, tầm cao hơn của việc biên soạn, phát hành...
    |
 |
Báo, tranh ảnh, lịch Tết rực rỡ trên phố Tràng Tiền, Hà Nội. |
Đã có báo Tết, lại có báo xuân. Nếu báo Tết là dịp ghi dấu kết quả một năm đã qua, nhắc lại các thành tựu kinh tế-xã hội, khẳng định tính đúng đắn của con đường đi trong năm với các bài học tốt thì báo xuân là để báo hiệu mùa xuân tương lai, vui vẻ và háo hức, hồ hởi vươn lên, tự tin trong năm mới. Vào thời buổi kinh tế thị trường, báo Tết, báo xuân còn là nơi bày tỏ năng lực của các công ty, xí nghiệp. Các nhà kinh doanh nhân cơ hội này để giới thiệu rộng rãi công ty của mình, là hình thức tiếp thị sản xuất, cũng là dịp góp sức, tài trợ phần nào cho các tòa soạn báo vốn là nơi chi phí nhiều hơn là thu, hầu như chẳng bao giờ có lãi trong lĩnh vực tuyên truyền. Các tờ báo lớn ở Trung ương, các ngành lớn thường tiếp nhận hàng trăm quảng cáo của các đơn vị sản xuất, kinh doanh và độ dày của báo Tết cũng phần nào khẳng định sự thành đạt trong làm ăn kinh tế của ngành trong sự nghiệp phát triển kinh tế cả nước.
Báo Tết, báo xuân có yêu cầu chung là phải hay, vui vẻ, hấp dẫn. Chuyện đúng, chính xác là yêu cầu đương nhiên, nhưng vào xuân, báo phải có sức quyến rũ bạn đọc bởi ngày xuân cứ tưởng nhàn rỗi nhưng đâu phải, ai cũng bận ăn, bận chơi, bận thăm viếng. “Bận” thế nên đã đọc là phải đọc cái hay, ảnh phải đẹp, trình bày và trang trí phải hấp dẫn người xem.
Các tòa soạn báo ở Trung ương có vẻ nhàn nhã hơn khi làm báo Tết, báo xuân so với đồng nghiệp làm báo ở các địa phương bởi chắc chắn họ sẽ có nguồn bài, ảnh và các tài liệu khá ổn định, có tờ báo lo nhiều cho khâu loại bớt bài. Loại bớt bài là việc đâu có dễ bởi cần phải giữ quan hệ với các cộng tác viên “chiến lược”, lại phải tìm cách tranh thủ các nguồn cộng tác mới. Còn ở các địa phương thì xem ra phải lo khâu nâng cao tầm rộng của các đề tài, sao cho bài vở năm nay không chỉ quanh quẩn về các sự kiện, tình hình trong năm mà bạn đọc hầu như đã biết. Phải tìm cách cho bạn đọc “ăn” các “món” mới vốn là đặc sản của các tỉnh bạn, của Thủ đô, của các nước trong khu vực, của các châu lục...
Tháng 10-2019, chưa hết Thu, tôi và một số nhà văn, nhà thơ, nhà báo ở Hà Nội đã được một số báo Trung ương, báo địa phương có lời mời “gửi bài, ảnh đăng báo Tết”. Viết bài, gửi ảnh cho báo Tết, báo xuân là niềm vui của các tác giả.
Nhuận bút bài, ảnh của báo Tết cao hơn thường ngày cũng tạo sức hấp dẫn với những người viết, người chụp, đặc biệt với những cộng tác viên đa năng vốn có sức làm việc cao, có “năng khiếu” làm báo Tết. Chẳng gì thú vị bằng có lúc nào đó, trong những ngày Tết, ngày xuân ấm áp, vui vẻ, đọc lại những gì mình đã viết, ngắm lại các bức ảnh đã chụp được đăng trên báo Tết, báo xuân để góp vui cho nhiều lớp người trong xã hội.
Bài và ảnh: Nghệ sĩ nhiếp ảnh VŨ HUYẾN