Trước đó, khi làm thầy giáo Trường Tư thục Thăng Long, Võ Nguyên Giáp từng hùn vốn mua lại tờ Hồn Trẻ bằng tiếng Việt. Tờ Hồn Trẻ bị chính quyền thực dân đình bản, Võ Nguyên Giáp lại cho ra tờ báo tiếng Pháp Le Travail (Lao Động)…

Trong suốt thời kỳ đấu tranh dân chủ, Võ Nguyên Giáp lần lượt hoạt động công khai trong 12 tờ báo tiếng Việt và tiếng Pháp ở Bắc Kỳ. Đầu năm 1941, Bác Hồ về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng, đồng chí Võ Nguyên Giáp hoạt động cùng Bác tại Pác Bó (Cao Bằng). Bác quyết định ra tờ Việt Nam độc lập và giao đồng chí Võ Nguyên Giáp viết một bài về phụ nữ. Ông đã viết hai trang, nội dung khá phong phú và tự đánh giá đó là một bài báo hay. Nhưng khi đưa Bác duyệt, Bác nói: “Dài quá, còn nhiều danh từ quá. Đồng bào ở đây chắc chả mấy ai đọc, và có đọc chắc rồi cũng không hiểu...”. Theo ý kiến của Bác, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã kỳ công viết lại, bài báo vẻn vẹn 200 chữ nên phải cân nhắc từng câu, từng chữ cho dễ hiểu. Viết xong, tác giả còn cẩn thận đem ra đọc cho những người cùng cơ quan nghe. Khi ai nấy đều hiểu được thì bài báo được Bác thông qua, duyệt đăng.

“Viết ngắn, dễ hiểu” là bài học báo chí Bác Hồ dạy Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong suốt cuộc đời mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn khắc ghi lời dạy của Bác về viết báo. Có lần, trò chuyện với Đại tướng, Bác nói đại ý: Chú viết được mấy cuốn sách về chiến tranh nhân dân, Quân đội nhân dân như thế là tốt; nhưng nên suy nghĩ để làm sao viết được một cuốn ngắn gọn hơn về chiến tranh nhân dân, nêu được những việc chính phải làm mà thanh niên, phụ nữ, cụ ông, cụ bà cho đến các cháu thiếu niên đều thích đọc và khi đọc thì thấy dễ hiểu.

Năm 1989, nói chuyện tại Nghệ An, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tâm sự: “Ý kiến của Bác, tôi thấy rất hay và ghi lại vào cuốn sổ công tác nhưng tôi vẫn chưa thực hiện được. Viết được một cuốn sách như vậy thật không dễ”. 

NGUYỄN HỒNG