Khi tôi bày tỏ mong muốn được nghe ông kể về thành tích trận đánh máy bay B-52 vào không kích Hà Nội trong 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không", ông đứng lên, tay mở quyển sách dày, bảo: "Tất cả nó ở đây. Tôi đã ghi đầy đủ ở đây. Đây là cuốn nhật ký tôi ghi hằng ngày nên cái gì cũng có". Tôi lật giở từng trang nhật ký, có trang ố vàng bởi thời gian đã mấy chục năm, những trang nhật ký được ông ghi thật tỉ mỉ, chi tiết... đặc biệt là những trận đánh.

Ông Phạm Văn Chắt nhập ngũ tháng 3-1959. Ngày ấy, việc tuyển chọn chiến sĩ mới rất khắt khe. Tiêu chuẩn phải đạt sức khỏe từ A1 hoặc A2. Những trai làng khỏe mạnh và có chút hình dáng cơ thể chuẩn mực mới được tuyển chọn. Việc huấn luyện cũng rất bài bản, nghiêm túc và kỹ càng. Chính vì vậy mà những thanh niên nhập ngũ thời điểm năm 1959 như ông Phạm Văn Chắt phải chịu áp lực ghê gớm trong huấn luyện. Thế nhưng, ông vẫn kiên trì học tập, huấn luyện để trở thành quân nhân, có lập trường kiên định, ý chí vững vàng...

Hoàn thành 3 năm nghĩa vụ quân sự, năm 1962, ông Phạm Văn Chắt không xuất ngũ mà được tuyển vào một đơn vị phòng không-không quân. Đến tháng 9-1965, ông được biên chế về Tiểu đoàn Tên lửa 72, Trung đoàn 285, Sư đoàn 363 (Quân chủng Phòng không-Không quân). Những ngày huấn luyện, học tập kỹ thuật của người lính tên lửa lại bắt đầu với ông. Cuộc đời ông bắt đầu từ người chiến sĩ, cho đến khi trở thành Tiểu đoàn trưởng, rồi Trung đoàn trưởng với biết bao chiến công và cả gian khổ, hy sinh.

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ bắn phá miền Bắc, ngăn chặn không cho ta tiếp vận lương thực, vũ khí cho cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, Tiểu đoàn 72 đã đánh hàng trăm trận, bắn rơi 35 máy bay các loại, trong đó có "thần sấm", "con ma" F-4, F-105. Đặc biệt, trận đánh máy bay B-52 ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội, Tiểu đoàn 72 đã bắn rơi tại chỗ 1 chiếc B-52. Đó là trận đánh mà đến giờ, dù đã qua mấy chục năm, ông Chắt vẫn nhớ rõ từng chi tiết.

leftcenterrightdel

Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Văn Chắt. Ảnh: NGỌC THƯ 

Ngày 18-12-1972, giặc Mỹ đưa hàng trăm lượt máy bay, cả B-52 và các loại khác vào đánh phá Hà Nội, Hải Phòng. Chúng huênh hoang tuyên bố, Hà Nội, Hải Phòng sẽ bị san bằng trong thời gian ngắn. Thế nhưng, ngay đêm đầu tiên đã có 7 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó có 3 chiếc B-52. Rồi tiếp theo những ngày sau, hàng chục chiếc B-52 gục ngã. Những ngày ấy, Tiểu đoàn 72 đang đóng quân ở Thủy Nguyên, Hải Phòng thì được lệnh của trên yêu cầu nhanh chóng hành quân về trận địa mới ở Đại Chu (thuộc tỉnh Bắc Ninh) để bảo vệ bầu trời Hà Nội. Nhận được lệnh, Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chắt họp ban chỉ huy Tiểu đoàn với các đại đội, triển khai thực hiện nhiệm vụ. Vượt qua bom đạn, vượt qua khó khăn, gian khổ, ông và các đồng đội về đến trận địa mới an toàn theo đúng tinh thần mà Tiểu đoàn đã hứa. Trận địa mới ở Đại Chu thuận lợi cho tầm nhìn, tầm bắn, dễ quan sát, nhưng lại trống trải, địch cũng dễ phát hiện. Biết tình thế như vậy, ông Chắt cho xây dựng một trận địa giả cách trận địa thật khoảng 3km. Sáng 26-12, Tiểu đoàn đã vào trận địa xong, sẵn sàng chiến đấu. Cũng chiều hôm ấy, địch đưa 60 máy bay các loại vào bắn phá Hà Nội và vùng lân cận. Lệnh của chỉ huy yêu cầu Tiểu đoàn 72 bám sát một phi đội F-4 của địch, đây là tốp chỉ huy đang bay trên bầu trời phía Tây Hà Nội.

Nhận được lệnh, Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chắt ra lệnh phát sóng. Các trắc thủ: Nguyễn Chiến cự ly, Trần Chiến phương vị, Lê Đông hướng góc tà đã "tóm gọn" chiếc F-4 trong màn hiện sóng. Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chắt ra lệnh đón đánh nửa góc. Một con rồng lửa vút bay, lao thẳng vào chiếc F-4 khiến nó cháy rừng rực rồi rơi xuống khu rừng tỉnh Hòa Bình, hai tên giặc lái bị nhân dân tóm gọn. Trận đánh thắng ấy góp phần làm phá sản kế hoạch của địch là đánh phá, dọn đường cho trận B-52 tối 26-12.

Đêm 27-12-1972, giặc Mỹ đưa hàng trăm lượt máy bay các loại vào đánh phá Hà Nội. Đi đầu là máy bay RB-66, F262 gây nhiễu, tiếp theo là F-111 đánh phá các trận địa, rồi đến F-4, F-8 vào thả nhiễu tiêu cực, đánh các trận địa tầm thấp của ta để bảo vệ B-52. Kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 72 gồm kíp trưởng, Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chắt, Chính trị viên Tiểu đoàn Dương Bình Phương, Đại đội trưởng Đại đội 1 Nguyễn Văn Xoang, Chính trị viên Đại đội 1 Ngô Chí La, sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Dựng, trắc thủ cự ly Nguyễn Văn Tuyển, trắc thủ phương vị Trương Đăng Khoa, trắc thủ góc tà Nguyễn Đức Chiêu. Kíp trưởng Phạm Văn Chắt lệnh, bám sát dải nhiễu, khi tiêu đồ báo cáo. Thời điểm máy bay B-52 còn cách khoảng 40km, kíp trưởng Phạm Văn Chắt xác định đây là lúc sơ hở của địch, vì là lúc các máy bay yểm trợ quay ra để máy bay B-52 vào đánh phá các mục tiêu. Biết được điểm yếu ấy, kíp trưởng Phạm Văn Chắt lệnh cho sĩ quan điều khiển nâng cao thế phát sóng, trắc thủ phương vị báo cáo có mục tiêu, sĩ quan điều khiển lệnh cho phương vị cự ly tự động. Khi cuộc chiến đã sẵn sàng, kíp trưởng Phạm Văn Chắt lệnh cho sĩ quan điều khiển bỏ phương pháp đánh ba điểm, chuyển sang đánh đón nửa góc hai quả phóng. Sĩ quan điều khiển nhận lệnh. Quả tên lửa thứ nhất bay vút lên, rồi quả thứ hai bay theo. Hai con rồng lửa hướng về chiếc B-52 khi nó vừa vào đến vùng trời Hà Nội. Chiếc B-52 chưa kịp cắt bom tàn phá đã bị trúng đạn, nó cháy ngùn ngụt rồi rơi xuống hồ Hữu Tiệp (còn gọi là hồ Ngọc Hà), làng Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội). Cả Tiểu đoàn hò reo nhìn chiếc B-52 lả tả như chiếc diều cháy từ trên không rơi xuống.

leftcenterrightdel

 Xác máy bay B-52 do Tiểu đoàn 72 bắn rơi đêm 27-12-1972 tại hồ Hữu Tiệp (quận Ba Đình, TP Hà Nội). Ảnh: HOÀNG VIỆT

Trong niềm vui chiến thắng, mọi người lại lặng đi khi nhìn về hướng trận địa giả. Nơi ấy, trước khi phóng tên lửa thật vào chiếc máy bay B-52, Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chắt đã lệnh cho phóng đạn giả để thu hút máy bay địch trút bom vào trận địa giả. Chiến sĩ Nguyễn Văn Nguyệt đã dũng cảm đón nhận hỏa lực địch đổ dồn về phía mình để trận địa thật an toàn, đánh thắng. Mọi người lặng đi, mắt nhòa lệ nhìn nơi trận địa giả khói bom vẫn bao trùm. Một bóng người chạy từ trận địa giả về phía đơn vị. Nguyệt! Mọi người ôm ghì lấy Nguyệt, nước mắt rơi, nước mắt của niềm vui trọn vẹn trong trận đánh B-52. Bấy giờ là 23 giờ 30 phút ngày 27-12-1972.

Tiểu đoàn 72 bắn B-52 rơi tại chỗ, rơi ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội, làm nức lòng quân và dân cả nước. Đây là trận đánh "pháo đài bay" B-52 được đánh giá hay nhất, xuất sắc nhất mà Tiểu đoàn 72 đã đánh thắng, bởi kịp thời ngăn chặn khi chúng chưa kịp thả những tấn bom phá hoại Hà Nội. Không chỉ máy bay B-52 rơi, người dân còn bắt sống 4 tên giặc lái và 2 tên khác...

Đất nước thống nhất, trải qua nhiều vị trí công tác, đến tháng 5-1988, Trung tá Phạm Văn Chắt, Trợ lý Tác chiến, Quân chủng Phòng không-Không quân được nghỉ hưu. Về với địa phương, ông lại tích cực tham gia công tác xã hội và trở thành người kể chuyện truyền thống cho thế hệ trẻ.

Khi ông Chắt bước vào tuổi 80 thì một vinh dự lớn đến với Tiểu đoàn 72 và cá nhân ông. Với thành tích chiến đấu xuất sắc, bắn rơi 35 máy bay Mỹ và trận bắn rơi B-52 tại chỗ giữa Thủ đô, năm 2014, Tiểu đoàn 72 được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân; đồng chí Phạm Văn Chắt, người chỉ huy tiểu đoàn anh hùng ngày ấy được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vào năm 2015.

Đã hơn 50 năm kể từ ngày Tiểu đoàn bắn rơi máy bay B-52, các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn ngày ấy nay người còn, người mất. Mỗi lần gặp mặt truyền thống của Tiểu đoàn, ông Phạm Văn Chắt và các cựu chiến binh gặp nhau ai cũng rưng rưng. Những cái bắt tay, những cánh tay ghì nhau thật chặt, họ lại nói với nhau về Tiểu đoàn 72 anh hùng, về trận đánh B-52 ngày ấy trên bầu trời Hà Nội.

VŨ NGỌC THƯ