Anh kể lại ngày mình trở thành đảng viên thuộc Chi bộ Lưu học sinh Việt Nam tại Viện Bách khoa Grenoble (Pháp) và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành kỹ thuật điện ở đây, khi anh bước vào tuổi 27.

“Có công mài sắt”...

Sinh năm 1986 tại Hà Nội trong một gia đình có nhiều người là đảng viên, đặc biệt là sự chuẩn mực của bố mẹ, Hoàng Anh sớm ý thức mục tiêu lớn lên được đứng trong hàng ngũ của Đảng, cống hiến xây dựng đất nước. Từ khi cắp sách tới trường, Hoàng Anh luôn đồng thời thực hiện việc học tập, tích lũy kiến thức khoa học với rèn luyện, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, tư tưởng chính trị.

Ở bậc THPT, anh được bầu làm Phó bí thư chi đoàn. Vào giảng đường Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, chuyển từ môi trường học phổ thông sang đại học, Hoàng Anh cũng gặp không ít bỡ ngỡ như các bạn khác. Thế nhưng, với sự chăm chỉ, chịu khó, sáng tạo tìm cách học hợp lý nên nhiều học kỳ liên tiếp, anh đều được nhận học bổng, đặc biệt là những học kỳ chuyên ngành hệ thống điện. Ngoài nhiệm vụ học tập, Đặng Hoàng Anh còn hoàn thành rất tốt vai trò phụ trách công tác Hội Sinh viên của lớp trong suốt 5 năm (2004-2009). Cuối khóa, được sự hướng dẫn của Giáo sư, Viện sĩ, TSKH Trần Đình Long, Hoàng Anh được Hội đồng Bảo vệ luận văn tốt nghiệp bằng tiếng Pháp xếp loại xuất sắc. Với kết quả như vậy, Hoàng Anh vinh dự được nhận học bổng của Khối các trường đại học nói tiếng Pháp (AUF) để tiếp tục theo học chương trình thạc sĩ tại nước ngoài. Và anh đã chọn Đại học Bách khoa Grenoble (Cộng hòa Pháp), tiếp bước truyền thống của các thầy cô và nhiều thế hệ sinh viên Bách khoa đã làm rạng danh đất nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Tu nghiệp, học thạc sĩ tại Đại học Bách khoa Grenoble có hai yêu cầu khắt khe. Đó là hoàn toàn dùng tiếng Pháp và lượng kiến thức rất lớn, đòi hỏi phải vận dụng có hiệu quả cao những kiến thức đã học tại bậc đại học. Đây chính là lý do chương trình thạc sĩ tại Đại học Bách khoa Grenoble chỉ chọn những sinh viên xuất sắc nhất tới từ các khối đại học bách khoa của Việt Nam.

leftcenterrightdel
TS Đặng Hoàng Anh và mẹ trao đổi.

Thời gian đầu ở Pháp đối với Hoàng Anh vô cùng khó khăn. Anh rèn mình quen với môi trường sống và làm việc mới lạ. Bất chấp mưa tuyết giá rét, anh không bỏ buổi lên lớp nào. Đêm đêm tự học đến khi tiếp thu đầy đủ kiến thức cần thu nạp trong ngày, anh mới nghỉ ngơi. Có nhiều lúc nhận được điểm số không như ý muốn, tưởng chừng phải bỏ dở, Hoàng Anh quyết tâm chinh phục thách thức. Nỗ lực không biết mệt mỏi của anh đã nhận được kết quả tốt, thể hiện bằng điểm số và sự thừa nhận của các giáo sư giảng dạy. Kết quả học thạc sĩ của Hoàng Anh đứng thứ ba trong lớp (gồm học viên người Việt Nam, các bạn người Pháp, Tunisie, Syrie, Bulgarie và một số nước khác). Với kết quả này, anh được Bộ Giáo dục Pháp cấp học bổng để tiếp tục làm nghiên cứu sinh tiến sĩ. Và thật hạnh phúc khi chàng trai Hà thành nhận được sự quan tâm, hướng dẫn, giúp đỡ của Giáo sư, Tiến sĩ Frederic Wurt và Phó giáo sư, Tiến sĩ Benoit Delinchant trong quá trình nghiên cứu sinh để theo đuổi nội dung nghiên cứu khoa học mới nhất của họ về lĩnh vực hiệu quả năng lượng.

Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành kỹ thuật điện, Hoàng Anh tiếp tục nghiên cứu tại Laboratorie Génie Electrique de Grenoble, Viện Bách khoa Grenoble. Năm 2015, trở về Việt Nam, TS Đặng Hoàng Anh quyết định làm giảng viên thuộc Viện Công nghệ HaUI, tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Hiện nay, anh đảm nhiệm chức vụ Trưởng phòng Mô phỏng và Tính toán hiệu năng cao, thuộc Viện Công nghệ HaUI.

Đặng Hoàng Anh theo đuổi lĩnh vực khoa học-công nghệ không chỉ là đam mê của bản thân mà còn là mong mỏi của cả gia đình, đặc biệt là kỹ sư điện Đặng Hữu Ngọ-thân phụ của anh, một người đam mê nghiên cứu khoa học. Năm 1975, ông Ngọ tốt nghiệp kỹ sư điện tại Trường Bách khoa Leningrad (Liên Xô trước đây, nay là Saint Petersburg, Liên bang Nga) và đã có dự định theo đuổi nghiên cứu sinh tại đó. Tuy nhiên, sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông và các bạn đã về Việt Nam ngay để xây dựng đất nước, trở thành những cốt cán trong ngành điện lực nước nhà. “Tôi rất vui vì đã thực hiện được tâm nguyện của bố và cũng rất mong muốn là giờ đây được góp sức trẻ của mình xây dựng quê hương, đất nước”-TS Hoàng Anh nói.

leftcenterrightdel
TS Đặng Hoàng Anh hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học.

Người đảng viên phải chủ động, sáng tạo...

Trong thời gian học thạc sĩ về điện tử, kỹ thuật điện, tự động hóa và xử lý tín hiệu tại Viện Bách khoa Grenoble, Đặng Hoàng Anh đã được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp (2009-2010). Sau đó, trong quá trình nghiên cứu sinh, anh vẫn tích cực tham gia phong trào của Hội Sinh viên Grenoble (AEVG) và tổ chức rất nhiều hoạt động văn hóa-thể thao dành cho sinh viên Việt Nam tại Pháp, như: Chương trình Noel, Tết Nguyên đán, giải bóng đá của Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF 2011)... Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Hoàng Anh cũng luôn đề cao cảnh giác với các thông tin xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta… Những nỗ lực của anh đã khẳng định vai trò quần chúng ưu tú đối với Đảng và với lưu học sinh cũng như người Việt công tác ngoài nước. Anh được Chi bộ Lưu học sinh Grenoble tại Pháp đề nghị kết nạp vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhớ lại kỷ niệm về lễ kết nạp Đảng của mình, Hoàng Anh không giấu nổi xúc động: “Đó là ngày 18-11-2013. Buổi lễ kết nạp Đảng được tổ chức giản dị tại một căn phòng nhỏ, nhưng trang trọng. Tôi đọc đơn xin vào Đảng, tuyên thệ dưới cờ Đảng và cờ Tổ quốc, bồi hồi nhớ về quê hương, nơi các thế hệ đảng viên đi trước, trong đó có cha ông mình đã cống hiến máu xương và mồ hôi nước mắt cho lý tưởng độc lập dân tộc...

Anh sôi nổi hẳn lên khi chúng tôi hỏi chuyện đề xuất ý kiến về rèn luyện và phát huy vai trò đảng viên trong đội ngũ làm công tác khoa học kỹ thuật và công nghệ (KHKT&CN). Vẫn tác phong chân thành, thẳng thắn của người nghiên cứu khoa học (NCKH), anh cho rằng, công tác KHKT&CN mang trọng trách lớn trong công cuộc đưa đất nước tiến lên công nghiệp hóa-hiện đại hóa bằng nội lực. Tuy nhiên, lĩnh vực này đang gặp rất nhiều khó khăn về kiến thức và kinh phí. Đất nước chưa có điều kiện đáp ứng lương bổng tương xứng với lao động KHKT&CN thực thụ, có năng suất cao, chất lượng tốt. Cán bộ NCKH phải có năng lực kiến thức và đạo đức cách mạng để vượt qua trở ngại này. Hoàng Anh cho rằng, người đảng viên phải chủ động, sáng tạo, thích ứng với môi trường và thời đại công nghệ thay đổi nhanh chóng. Từ đó nắm bắt, làm chủ công nghệ, hình thành nội lực phát triển cho quốc gia và đất nước; hạn chế tối đa, tiến tới không phụ thuộc một cách thụ động vào công nghệ từ bất cứ thế lực nào. Anh cũng đặc biệt chú ý phong cách tư duy khoa học, độc lập, tự chủ, đổi mới, sáng tạo, mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, biết động viên, khích lệ cộng sự và mọi người... Anh là một tấm gương đã truyền cho sinh viên những cảm hứng tích cực về tình yêu đối với Đảng và Tổ quốc. Đồng thời, tạo lá chắn mặt trái của mạng xã hội, “miễn dịch” với những suy nghĩ và việc làm đi ngược lại lợi ích của Đảng và dân tộc Việt Nam.

Được biết, trong những năm công tác tại Viện Công nghệ HaUI, TS Đặng Hoàng Anh đã hướng dẫn nhiều sinh viên nghiên cứu khoa học. Một trong những đề tài do anh hướng dẫn đã được đánh giá cao về hiệu quả và tính ứng dụng trong thực tế, đó là “Nghiên cứu ứng dụng cảm biến và điều khiển không dây sử dụng nền tảng IoT vào phát triển hệ thống tưới và chiếu sáng chăm sóc cây trồng”, do nhóm sinh viên thuộc Khoa Điện, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (gồm Bùi Thị Thanh, Vũ Văn Đại, Trần Như Hải, Nguyễn Văn Hoàng) thực hiện. Đề tài đã được trao giải nhất về NCKH của sinh viên và là sản phẩm tiêu biểu trình diễn trong Chương trình Robocon Techshow của kênh VTV2, Đài Truyền hình Việt Nam. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, quá trình nghiên cứu đề tài này gặp khó khăn chủ yếu là không có nhiều cơ hội tiếp xúc, trao đổi khoa học với các chuyên gia cùng ngành. Bên cạnh đó, kinh phí NCKH để hiện thực hóa những ý tưởng gợi mở ban đầu, làm đột phá về kết quả trong tương lai còn hạn chế. Khắc phục trở ngại này, TS Đặng Hoàng Anh đã dành một phần tiền lương để mua vật tư nghiên cứu và tạo điều kiện cho các sinh viên đam mê NCKH tham gia cùng với mình. Anh chủ động giữ liên lạc với giáo sư nước ngoài để trao đổi và cập nhật kiến thức mới.

Nói và làm luôn song hành. Ngoài công tác chuyên môn ở viện, ở trường, Hoàng Anh cũng coi trọng việc sinh hoạt Đảng tại nơi làm việc, thường xuyên giữ liên hệ với tổ chức đảng nơi cư trú. Anh nghiêm túc làm nghĩa vụ công dân, nhiệt tâm góp những ý kiến thiết thực xây dựng khu dân cư vững mạnh. Tối tối, anh thường dành thời gian trao đổi với mẹ mình (bà Hoàng Thị Minh, nguyên là cán bộ trong ngành điện lực đã nghỉ hưu-Tổ trưởng tổ đảng thuộc Chi bộ 14, Đảng bộ phường Yên Phụ) về tình hình hoạt động và sinh hoạt Đảng ở địa phương.

Tạm biệt TS Đặng Hoàng Anh, trong chúng tôi in đậm hình ảnh một nhà khoa học trẻ tuổi, giàu nhiệt huyết với công việc NCKH, có ý thức xây dựng Đảng, hết lòng phụng sự Tổ quốc.

Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG