Vun vút trong màn đêm

Đêm 16-7 vừa qua, khi bão số 2 trực tiếp đổ bộ vào Hà Tĩnh, Đại úy QNCN Nguyễn Mậu Trung cùng đồng đội trực sẵn sàng chống bão. Trạm Biên phòng cảng Xuân Hội phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương di dời hơn 50 hộ dân đến Trường Tiểu học Xuân Hội trú ẩn. Thời điểm đi tránh bão, thời tiết còn nắng đẹp nên nhiều người chủ quan, không muốn di chuyển, khi được bộ đội vận động bà con mới chịu chuyển đi. Đặc biệt, khoảng 100 thuyền công suất nhỏ của ngư dân, nhiều người không chịu rời thuyền. Nguyễn Mậu Trung lấy loa cầm tay thông báo lực lượng bộ đội biên phòng sẽ nhận hoàn toàn trách nhiệm trông coi vật chất, tàu, thuyền cho bà con. Được bộ đội bảo đảm, ngư dân mới lên bờ tránh bão.

Cụ Nguyễn Văn Kiểm, thôn Hội Thủy, xã Xuân Hội, xúc động: “Trong lúc các con tôi đi làm ăn xa chưa về kịp, sợ mất an toàn cho tôi, các chú biên phòng đã lấy xe máy chở tôi lên Trường Tiểu học xã Xuân Hội tránh bão. Các chú còn cấp cả quà bánh, phòng khi chưa có điều kiện nấu nướng”. Được biết, đêm 16-7, anh Trung cùng đồng đội đã đưa đón 16 cụ cao tuổi và hàng trăm hộ dân về nơi trú ẩn an toàn.     

Trạm Biên phòng cảng Xuân Hội phụ trách hơn 32km bờ biển, gần 20km đường sông, trên địa bàn 3 xã: Xuân Hội, Xuân Trường và Xuân Đan, huyện Nghi Xuân; với đặc thù quân số mỏng, lực lượng phân tán đi địa bàn rất nhiều, anh em trong trạm có sáng kiến cung cấp số điện thoại cầm tay của cá nhân cho tất cả ngư dân để sẵn sàng giúp đỡ, đón nhận mọi tin tức ngoài biển khơi và ở bến cảng, âu tàu, thuyền và trên địa bàn dân cư... Mọi thông tin an ninh trên biển, bà con đều “a lô bộ đội”.

leftcenterrightdel

Đại úy QNCN Nguyễn Mậu Trung giúp dân neo đậu tàu tránh bão...leftcenterrightdel

... và hỏi thăm chủ tàu Lê Văn Ất.  

Chúng tôi về đơn vị đúng lúc các anh giúp bà con ngư dân gấp rút chằng néo tàu, thuyền, di dời bà con đến vị trí an toàn. Được chứng kiến không khí hối hả ấy, chúng tôi thấu hiểu vì sao phòng, chống bão lụt lại là "nhiệm vụ chiến đấu thời bình". Dầm mình trong mưa, các anh làm việc quên mình khi đương đầu với gió cấp 5, cấp 6 trước giờ cơn bão đổ bộ vào đất liền. Rất may, đến 19 giờ, gió dịu hơn, tin bão đã suy yếu và chuyển hướng, chúng tôi mới có thời gian lên boong tàu của chủ tàu Lê Văn Ất trò chuyện cùng Nguyễn Mậu Trung. Chuyện công, chuyện tư còn dang dở thì chuông điện thoại của anh lại vang lên... Tin từ anh em đi địa bàn báo về: “Ở xã Xuân Trường vừa có cơn lốc cuốn qua làm tốc mái 13 ngôi nhà và 1 trường học”. Trung hối hả: “Về người có rủi ro nào không?”. Đầu dây bên kia vang lên: “Không thiệt hại về người anh ạ”. Thở phào nhẹ nhõm, nhưng anh vụt đi như một cánh chim đến hiện trường cơn lốc. Giữa mưa gió và trời đêm đen đặc, gạch ngói, cây cối đổ ngổn ngang... Trung xông vào cùng cán bộ địa phương lo ổn định nơi ăn ở cho người dân; rồi gọi điện đề nghị với cấp trên cử ngay một lực lượng đến hiện trường kịp thời giúp nhân dân dọn dẹp, sửa chữa nhà cửa...

Vì dân quên chuyện riêng

Trở về sau cơn lốc, chúng tôi lại thấy một sắc thái khác trên khuôn mặt Trung: Vui đó mà vẫn có nét buồn, cười đó nhưng nụ cười chưa thanh thoát. Anh Vịnh, người đồng đội thân thiết nói hộ anh điều chúng tôi đang muốn tìm hiểu: “Vợ anh ấy mất được hơn 1 năm nay, chị ấy ra đi bỏ lại anh cùng 2 đứa con thơ. Anh ấy phải sống cảnh gà trống nuôi con!”. Câu chuyện làm nhói tim người nghe. Vợ mất khi cháu thứ hai Nguyễn Trọng Nhân chưa đầy 2 tuổi, Trung phải gửi các con về ở với gia đình anh trai để tiếp tục nhiệm vụ.

Anh tâm sự, từ trạm về nhà hơn 50km, đơn vị cho phép anh em thay nhau nghỉ dịp cuối tuần. Thế nhưng trên cương vị Phó trạm trưởng, ở đơn vị chưa có trạm trưởng nên cũng khó thường xuyên về thăm con. Nhắc đến điều này, thấy giọng anh nghẹn lại: “Tôi đi nhiều nên 2 cháu theo bác hơn. Mỗi dịp thu xếp công việc được để về nhà, tôi tận dụng mọi thời gian để chơi và chăm sóc, giúp 2 cháu vơi đi nỗi nhớ thương mẹ”.

Mất mát, thiệt thòi trong hạnh phúc riêng nhưng Nguyễn Mậu Trung lại khá "mát tay" trong chỉ đạo, điều hành đơn vị hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cấp trên giao phó. Ở “sân” nào, Đại úy QNCN Nguyễn Mậu Trung cũng đều gặt hái thành công. Hai năm liền (2015-2016), anh là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, phong trào thi đua đột kích nào cấp trên phát động, anh cũng đều được tặng giấy khen của cấp trên và cấp ủy, chính quyền địa phương. Trong khắc phục hậu quả bão số 2 vừa qua, anh được đơn vị đề nghị cấp trên khen thưởng. Khi bão số 4 đổ bộ, Trung lại như "cánh chim xanh" có mặt ở nhiều nơi trọng điểm... Thành quả đó, anh mừng vì được đồng đội và nhân dân ghi nhận, thế nhưng với anh, điều mừng hơn là trong mỗi cơn bão lốc, những trận mưa lũ lớn, bà con ngư dân được bình an, người neo đơn được bộ đội giúp đỡ. Đó là phần thưởng lớn nhất mà anh và đồng đội hằng mong muốn.

Trở về Đồn Biên phòng Lạch Kèn, chúng tôi được nghe thêm nhiều câu chuyện về bản lĩnh, nghị lực của "cánh chim xanh" Nguyễn Mậu Trung. Trung tá Lê Xuân Thọ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lạch Kèn, chia sẻ: “Nghị lực vượt khó của Nguyễn Mậu Trung là nguồn cổ vũ, động viên toàn đơn vị vượt lên khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Dù vợ mất, hai con còn rất nhỏ nhưng Nguyễn Mậu Trung vẫn khéo hoàn thành cả việc chung, việc riêng. Nhìn anh chăm sóc các con mỗi lần được nghỉ phép, chúng tôi vẫn nói đó là ông bố đảm đang. Với những nhiệm vụ của trạm, đặc biệt là nhiệm vụ giúp dân phòng, chống bão lụt, Trung làm việc với tất cả nỗ lực, luôn quán triệt phương châm "4 tại chỗ", sáng tạo trong mọi việc. Trung mẫn cảm với nhiệm vụ này, dường như dự báo được các tình huống bất ngờ của thiên tai nên luôn chủ động trong hành động”.

Còn với Nguyễn Mậu Trung, anh luôn luôn nghĩ rằng "thiên tai cũng như địch họa", đó là nhiệm vụ chiến đấu cao cả của người lính trong thời bình. Anh chuẩn bị đối phó với mỗi cơn bão như chuẩn bị bước vào những trận đánh. Trung nói với đồng đội: "Chuẩn bị kỹ các phương án là bảo đảm thắng 50%. Phải xem tính mạng, tài sản của nhân dân cũng như tính mạng, tài sản của mình, chỉ có như thế, công tác giúp dân phòng, chống lụt bão may ra mới có để đạt được mục đích đề ra vì thiên tai ẩn họa khó lường".

Đúng vậy, thiên tai càng ngày càng khó lường. Nhưng nhờ "cánh chim xanh" Nguyễn Mậu Trung, bà con ngư dân khu vực Lạch Kèn có thêm động lực và sự chủ động trong "cuộc chiến" gian nan này.

Bài và ảnh: VĂN HẠNH