Trung tá, phi công cấp 1 Đỗ Trung Dũng, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn đưa tôi đến phòng huấn luyện bay mô phỏng. Anh khoe, nơi đây là điểm rèn phi công có điều kiện đủ để tạo lập thế trận trên không. Lúc này, hai phi công: Thiếu tá Đỗ Việt Cường, Phó phi đội trưởng, Tham mưu trưởng Phi đội 1 và Đại úy Nguyễn Văn Hải đang tập trung luyện tập. Bình thường, một tuần, mỗi phi công có 4 buổi luyện tập trên buồng lái mô phỏng này. Hôm nay, Thiếu tá Đỗ Việt Cường huấn luyện thêm ngoài giờ nhằm giúp Đạị úy Nguyễn Văn Hải nâng cao kỹ năng bay biển và cách tiếp cận tốp máy bay địch trong điều kiện bị chế áp điện tử.

Tôi đứng bên ngoài nghe thấy Đại úy Nguyễn Văn Hải hô: “Chuẩn bị xong”.

Thiếu tá Đỗ Việt Cường lệnh đanh gọn: "Bắt đầu tập!".

Dưới sự giúp đỡ của Thiếu tá Đỗ Việt Cường ngồi ghế sau, chiếc Su-30MK2 do Đại úy Nguyễn Văn Hải điều khiển lăn nhanh dần trên đường băng lấy đà. Thiếu tá Đỗ Việt Cường lệnh qua bộ đàm: “Kéo cần lái, tăng độ cao”. Đầu tiêm kích nhấc lên khỏi mặt đất và lao về phía trước vùn vụt trong tiếng động cơ gầm rú. Tôi quan sát trên bảng điện tử trước mặt Hải, độ cao của máy bay từ 700m rồi lên tới 1.200m, rồi lên cao hơn nữa. Lúc này, tôi thấy Hải rất tập trung xử lý các tình huống mà Cường yêu cầu. Cứ thế, Cường lệnh cho Hải kéo đến độ cao 3.000m và tốc độ bay đạt 800km/giờ... Tôi thả hồn theo màn hình lớn trước mặt và có cảm giác lang thang vô định trong 9 tầng mây xanh trắng cùng những hạt nắng yếu ớt. Tiếng Cường trên vô tuyến làm đứt mạch suy nghĩ của tôi: “Chuyển hướng 180 độ, về hạ cánh”. Lúc này, mũi máy bay chúi xuống, thân nghiêng về trái và cua một vòng trên không. Vài phút sau, máy bay dừng lại, tiếng động cơ nhỏ đều rồi tắt hẳn.  

leftcenterrightdel

 Biên đội Su-30MK2 của Trung đoàn 927. Ảnh: TRỌNG HẢI

Trong câu chuyện với tôi, Đại úy Nguyễn Văn Hải chia sẻ, để lái được Su-30MK2, anh mất gần 7 tháng học dưới mặt đất từ đơn giản đến phức tạp. Muốn nhớ được toàn bộ hệ thống điều khiển trong buồng lái Su-30MK2, Hải đã phải dồn tất cả tinh thần, nghị lực và nhiệt huyết để làm chủ. Anh vẽ lại sơ đồ và để nó trong phòng ở như chúng tôi học nhớ bàn phím máy vi tính ngày xưa. Khi ăn uống, Hải cũng nghĩ tới nó, thức cùng nó và thậm chí ngủ mơ về nó, rồi anh yêu nó lúc nào không hay. Để có trình độ lái như hiện nay, Hải đã trải qua vô vàn khó khăn. Nhưng thế vẫn là chưa đủ. Rất nhiều thử thách, rất nhiều bài tập ở các tình huống khí tượng phức tạp, rất nhiều tình huống đối chọi với địch ở trên không...

Thượng tá Phạm Quốc Vương, Trung đoàn trưởng và Thượng tá Phạm Đức Hinh, Chính ủy Trung đoàn tiếp chuyện tôi dưới bóng cây còn vương hơi sương. Qua câu chuyện, tôi biết thêm nhiều thông tin thú vị. Các anh là “đồng sở hữu” nguồn trang bị và tài nguyên con người cực kỳ quý hiếm của Quân đội, của quốc gia, mà quý nhất là những phi công bản lĩnh, trình độ và dày dạn kinh nghiệm. Trung đoàn trưởng Phạm Quốc Vương cho biết, đây là thời gian cao điểm, là cơ hội để đơn vị biến chủ trương “hai nội dung, hai mục tiêu” thành hiện thực. Bởi hiện nay, Trung đoàn vừa tổ chức trực sẵn sàng chiến đấu vừa huấn luyện bay biểu diễn phục vụ khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 diễn ra đầu tháng 12 tại Hà Nội. Kết quả thực hiện nhiệm vụ là cơ hội khẳng định sức mạnh của Trung đoàn.

leftcenterrightdel
 Đại úy Nguyễn Văn Hải (bên trái) và Thiếu tá Đỗ Việt Cường, Phó phi đội trưởng, Tham mưu trưởng Phi đội 1, Trung đoàn 927 trong buồng lái mô phỏng Su-30MK2. Ảnh: ĐỨC TÂM

Thấy tôi chăm chú, Thượng tá Phạm Đức Hinh giải thích, thực hiện chủ trương xây dựng Trung đoàn tinh nhuệ, hiện đại, từ lâu, Đảng ủy Trung đoàn đã tập trung thực hiện hai vấn đề cốt lõi là xây dựng con người hiện đại và tổ chức bảo đảm hiện đại nhằm huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu an toàn và đạt hiệu quả cao nhất. Trung đoàn trưởng Phạm Quốc Vương góp thêm, tác chiến với vũ khí công nghệ cao của đối phương thì phải có vũ khí hiện đại, con người hiện đại với những tố chất, phẩm chất đặc biệt, trong đó nổi trội là “đặc biệt trung thực”. Anh lý giải, vì mỗi người đảm nhận một chức trách, một nhiệm vụ, một công việc ở các công đoạn khác nhau, nếu làm qua, làm lướt và bao biện, đổ lỗi là cả tập thể phải trả giá, thậm chí trả giá rất đắt. Thế nên ai cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất cho dù đời sống, hậu phương còn nhiều khó khăn. Đây chính là điều kiện cần để giúp các phi công tạo lập thế trận trên không vững chắc, sẵn sàng đối phó với bất cứ kẻ thù nào. Cũng chính vì làm tốt vấn đề này mà nhiều năm qua, bất kỳ nhiệm vụ nào Trung đoàn cũng hoàn thành xuất sắc, an toàn tuyệt đối. 

Thượng tá Phạm Đức Hinh chia tay tôi bằng nụ cười tươi và lời hẹn của những người "trung thực đặc biệt". Theo đó, anh hứa sẽ dành nhiều thời gian cung cấp thêm thông tin cho tôi về cách tạo lập thế trận trên không.

Chỉ nghĩ đến đấy, tôi háo hức quay lại Trung đoàn 927 vô cùng!

THẢO TRANG