“Kamikaze - Thần Phong” là khái niệm không xa lạ với nhiều người Việt Nam - những người ít nhiều quan tâm đến cuộc chiến tranh ở Thái Bình Dương giữa đế quốc Nhật Bản thuộc phe trục phát xít Nhật - Đức - I-ta-li-a và lực lượng Đồng minh. Trong trận chiến này, Nhật Bản đã tỏ ra thua kém Mỹ về nhiều mặt, đặc biệt là vũ khí. Trước tình hình đó, quân đội Nhật Bản nghĩ mọi cách để cứu vãn tình thế và họ đã lập ra các đội đặc công cảm tử hòng lấy lại thế trận. Bên cạnh đặc công trên bộ, đặc công dưới nước, còn có đặc công trên không của Nhật, được biết đến với tên gọi “Kamikaze - Thần Phong”, là lực lượng có nhiệm vụ tấn công đối phương theo dạng “cảm tử” đầy bi tráng.

Những đội cảm tử này, đặc biệt là Thần Phong, cụ thể là gì? Thông tin chung chung thì có, nhưng thông tin chi tiết, đặc biệt là thông tin được chia sẻ từ chính những người trong cuộc thì hầu như không có. Là một người được cha và bác từng trải qua thời chiến tranh kể cho nghe về thời kỳ này, tác giả Ha-y-a-ku-ta Na-ô-ki đã quyết định bắt tay vào tìm hiểu tư liệu và viết nên cuốn tiểu thuyết “Không chiến Zero rực lửa”.

Dựng nên câu chuyện về một cặp chị em đi tìm gặp những đồng đội, nhân chứng cũ đã từng tham gia chiến đấu trong thời kỳ chiến tranh để tìm hiểu về người ông ngoại đã cảm tử trong cuộc chiến tranh trên Thái Bình Dương, tác giả Ha-y-a-ku-ta Na-ô-ki đã kể lại một cách lôi cuốn và hấp dẫn chân dung và cuộc đời của những người lính trong đội đặc công cảm tử trên không “Kamikaze - Thần Phong” của Nhật Bản với 80% nội dung cuốn tiểu thuyết là những câu chuyện có thực ở ngoài đời.

Đọc cuốn tiểu thuyết, độc giả thấy "rùng mình" vì sự khốc liệt của chiến tranh với những trận thủy chiến lừng danh có thật trong lịch sử như: Trân Châu Cảng, Midway, Rabaul... Các trận chiến này đã nhấn chìm hàng trăm chiếc hàng không mẫu hạm và hàng triệu xác người cả binh lính và dân thường xuống Thái Bình Dương; với sự xuất hiện của hàng nghìn chiến đấu cơ, máy bay ném bom, thiết giáp hạm, hàng không mẫu hạm…

leftcenterrightdel
 Bìa sách “Không chiến Zero rực lửa”. 
Tuy nhiên, đây cũng chính là lý do khiến nhiều người mới thoáng nghe, chưa đọc kỹ về cuốn sách đặt ra những câu hỏi nghi ngờ về mục đích và động cơ của tác giả liên quan đến việc ngợi ca tinh thần võ sĩ Nhật Bản gắn với chủ nghĩa phát xít, ca ngợi chiến tranh. Bản thân tác giả cũng nhận được không ít câu hỏi mang hàm ý phê phán như vậy.

Song thực tế, nếu đã đọc kỹ tác phẩm, độc giả sẽ nhận thấy “Không chiến Zero rực lửa” trước hết là một cuốn sách phản ánh chân thực chân dung, cuộc sống của một bộ phận binh lính Nhật Bản trong giai đoạn lịch sử đã qua. Và xét một cách kỹ lưỡng, “Không chiến Zero rực lửa” vẫn là cuốn sách phản chiến. Bởi khi xây dựng hình ảnh của nhân vật chính, tác giả tạo ra một hình tượng chứa đựng mâu thuẫn: Mi-y-a-bê - người phi công Thần Phong không-muốn-chết. Vì sao vậy? Vì phi công Thần Phong của Nhật Bản là những người được giao nhiệm-vụ-chết. Họ là những chàng trai trẻ lái máy bay trang bị đầy bom, thuốc nổ, thủy lôi và xăng đâm vào hàng không mẫu hạm Mỹ, trong nỗ lực tuyệt vọng của các đô đốc già người Nhật muốn phá hủy thêm một chút của đối phương trước khi chính thức thất bại trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Một mặt họ sẵn sàng cảm tử vì nhiệm vụ được giao. Nhưng một mặt họ thực sự không muốn chết khi nghĩ đến người thân ở quê nhà.

Ông Tê-ra-ka-oa Kao-ru (Terakawa Kaoru), một biên tập viên đã thẳng thắn phân tích: Ở đâu trong tác phẩm này ca ngợi cuộc chiến tranh và đội đặc công Nhật Bản? Tôi cho rằng đánh giá này là thiếu cơ sở! Trong tác phẩm này, tác giả nhắc đi nhắc lại nhiều lần sự không ổn và tùy tiện của tổ chức quân đội Nhật Bản cũ cũng như sự sai lầm về tác chiến. Ví dụ, tác giả viết về trận chiến ở đảo Guadalcanal là một giao điểm của cuộc chiến tranh Thái Bình Dương, sự thất bại của tác chiến do “nướng quân từ từ” và bộ tham mưu đã coi thường việc bố trí quân lực làm cho binh sĩ bị chết đói và chết bệnh nhiều… Và do việc chỉ huy tác chiến ngu ngốc đó nên các cự ly bay liên tục của Zero (loại máy bay tiêm kích đặc chủng trang bị cho tàu sân bay của đế quốc Nhật, được tôn vinh là "huyền thoại" trong Chiến tranh thế giới thứ hai-PV) bị dài, khiến cho nhiều phi công bị mất mạng. Các phi công của đội đặc công không phải do “tình nguyện” mà nhiều trường hợp là do bị “bắt buộc”, nên dưới áp lực về vũ khí mới và lực lượng của quân Mỹ, phần lớn Zero đã bị rơi khi chưa đến tàu sân bay.

Về phía mình, thông qua tiểu thuyết này, tác giả Ha-y-a-ku-ta cũng muốn đưa ra thông điệp liên quan đến trạng thái giới hạn của con người. “Ngay ngày mai, bản thân ta hoặc người ta yêu có thể bỏ mạng. Điều đó chắc chắn không phải là sự việc xảy ra ở ngày xưa xa xôi. Hiện tại ta đang được sống trong thời đại hòa bình, ta cảm thấy mặc nhiên như vậy. Nhưng tôi muốn mọi người phải cảm nhận được sự đáng quý của việc đang được sống trong hiện tại. Hơn nữa, tôi sẽ rất hạnh phúc nếu nhân đây tạo ra cơ hội để mọi người suy ngẫm xem “người ta sống vì cái gì, sống vì ai”.

“Không chiến Zero rực lửa” là cuốn sách bán chạy nhất tại Nhật Bản năm 2013 với số lượng bán ra là 3,5 triệu bản (tính đến cuối năm 2013).

HUY QUÂN