QĐND - Tại đình Tốt Động, huyện Chương Mỹ-Hà Nội có đôi câu đối có thể nói là… hoành tráng: Mỗi chữ trong câu đối có kích thước 0,8m x 0,6m; chiều cao của mỗi bức đối đúng 5m. Khoảng cách giữa hai vế đối rộng hơn 60m.
Nội dung hai vế đối là: Ninh Kiều chi huyết thành xuyên / Tốt Động chi thi mãn dã. Đây chính là hai câu rút gọn của hai câu thơ trong Bình Ngô đại cáo của thi hào Nguyễn Trãi: Ninh Kiều chi huyết thành xuyên lưu tinh vạn lý / Tốt Động chi thi mãn dã di xú thiên niên. Nghĩa là: Ninh Kiều máu chảy thành sông tanh trôi vạn dặm. Tốt Động thây chất đầy nội nhơ để ngàn năm.
 |
Mỗi vế đối được “đắp” trên một đốc nhà.
|
Sử sách còn ghi rõ: Mùa Đông năm Bính Ngọ 1426, nghĩa quân Lam Sơn với những cuộc vây thành bức hàng khiến quân Minh lâm vào thế chia cắt bị động không ứng cứu cho nhau được. Tháng Mười, vua Minh phong cho Thái tử Hoài vương hầu Vương Thông chức Chinh Di tướng quân, mang 5 vạn quân và 5 ngàn ngựa sang ứng cứu. Khi đến Đông Quan, Vương Thông lập tức tổ chức một cuộc hành quân bão táp với 15 vạn người, “dài đến mười dặm, mũ giáp lòa trời, cờ tàn rợp nội, tự cho là đánh một trận có thể quét sạch quân ta” (Lam Sơn thực lục).
Vương Thông chia quân làm hai mũi tiến công. Mũi chính với 10 vạn do đích thân Vương Thông chỉ huy, hành quân từ Đông Quan qua Tốt Động, toan vòng lên đánh úp bản doanh nghĩa quân Lam Sơn đang trên vùng Cao Bộ. Nghĩa quân Lam Sơn chỉ 3000 người và 2 thớt voi chiến đã bố trí tại Tốt Động một trận địa phục kích. Tại quyết chiến điểm, khi hiệu lệnh vang lên, voi chiến cùng nghĩa quân Lam Sơn hò nhau xông ra. Quân giặc bị bất ngờ, “cả người và ngựa lồng lên hoảng sợ nhảy xuống đầm lầy, giày xéo lên nhau chết chìm không biết bao nhiêu mà kể” (Lam sơn thực lục). Tiền quân tan vỡ, hậu quân dồn lên ứng cứu, và cứ thế hết lớp này đến lớp khác, cánh đồng Tốt Động trở thành mồ chôn xác giặc Minh. Hơn 5 vạn quân giặc bị tiêu diệt tại chỗ, 1 vạn bị bắt sống. Thượng thư Trần Hiệp và nội quan Lý Lượng bị chém đầu. Vương Thông bị trọng thương phải bỏ chạy về Đông Quan, đóng cửa thành viết thư cầu viện binh.
Kết thúc cuộc kháng chiến chống giặc Minh, làng Tốt Động đã dựng đình và thờ ba vị tướng Lam Sơn đã chỉ huy trận Tốt Động là Lê Ngân, Đỗ Bí và Lý Triện làm thành hoàng. Đây là một ngôi đình có kiến trúc đẹp, được nhận nhiều sắc phong qua các triều đại phong kiến và được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia năm 1985.
Năm 2008, đình Tốt Động được trùng tu. Sau khi phục dựng hai dãy “tào mạc”, ông Hà Huy Tiến, một thầy giáo nghỉ hưu xóm Bến đã nảy ra ý tưởng tạc lên đốc hai dãy “tào mạc” đôi câu đối trên. Ý tưởng này được Ban quản lý di tích đình Tốt Động đồng tình và giao cho ông Hà Huy Tiến, người giỏi chữ Nho nhất xã thực hiện.
Vì không gian đặt đôi câu đối quá rộng, ông Tiến phải tính tỷ lệ rồi dùng bút lông viết chữ lên giấy khổ to sau đó cắt ra làm mẫu. Phải mất một ngày đứng trên giàn giáo ông Tiến mới tạc xong 10 đại tự lên hai đốc nhà. Đôi câu đối hướng chính Bắc, nhìn ra cánh đồng di tích trận Tốt Động năm xưa là một lời nhắc nhớ trang sử hào hùng của dân tộc, cũng là một cách truyền hào khí cha ông cho hậu thế. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện ở Viện Hán Nôm là người đã từng đi khắp nơi trên đất nước để nghiên cứu các văn tự cổ, khi đến thăm đình Tốt Động đã thừa nhận là lần đầu tiên ông thấy một đôi câu đối “hoành tráng” đến vậy!
Bài và ảnh: Đỗ Tiến Thụy