Đây là một dự án tiểu thuyết sử thi nhằm khắc họa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở 3 giai đoạn quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Người, gồm: Tuổi ấu thơ và tuổi thanh niên của Người, 30 năm Người bôn ba tìm đường cứu nước, những năm tháng Người về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam (1941-1969).

Năm 2022, vào dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 111 năm Ngày người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành xuất dương đi tìm đường cứu nước, tập 1 của bộ tiểu thuyết mang tên "Nợ nước non" đã ra mắt công chúng cả nước. "Nợ nước non" viết về những năm tháng thơ ấu của Bác ở quê nhà và kinh thành Huế; cùng tuổi thanh niên của Bác ở Huế, Bình Định, Phan Thiết, Sài Gòn...

Trong tập 2 mang tên "Lênh đênh bốn biển" xuất bản lần này, tác giả tập trung tái hiện quãng thời gian 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước của chàng trai Nguyễn Tất Thành-Văn Ba-Nguyễn Ái Quốc, trải qua bao sóng gió nguy nan để sau đó trở về Tổ quốc cùng đồng chí, đồng bào tận hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho đất nước. Ở Pháp, Văn Ba-Nguyễn Ái Quốc tham gia Đảng Xã hội Pháp; chủ trì cùng các ông Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường gửi "Yêu sách của nhân dân An Nam" đến Hội nghị Versailles (1919); viết "Bản án chế độ thực dân Pháp" (1920); bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ ba (Quốc tế Cộng sản) để trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp (tháng 12-1920) và là người cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Năm 1922, Người sáng lập Báo Người cùng khổ (Le Paria) là ấn phẩm mà ngay bài viết cho số đầu tiên, Người khẳng định sứ mệnh của tờ báo là “giải phóng con người”.

leftcenterrightdel
Tập 1 và tập 2 của dự án tiểu thuyết sử thi "Nước non vạn dặm". 

Những cột mốc-sự kiện-tư liệu lịch sử trên đây là những tài liệu chính thống mà nhiều thế hệ nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế đã được đọc, được nghe, được biết từ lâu. Điều gì chưa rõ có thể tra cứu, đối chiếu hết sức dễ dàng và chính xác. Đó là thuận lợi nhưng cũng là thử thách đối với nhà văn khi viết về đề tài lịch sử. Càng khó hơn nữa khi đối tượng khai thác là một danh nhân như Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhân vật lịch sử hiện đại mà cuộc đời và sự nghiệp đã định hình sâu đậm trong tâm thức, nhận thức và tình cảm của các thế hệ độc giả trong nước cũng như cả ở nước ngoài. Công việc của nhà văn là sáng tạo, nhưng sáng tạo thế nào để vừa không phải là “minh họa lịch sử” lại vừa không trái với sự thật lịch sử, đặc biệt với đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì sự sáng tạo ấy phải cộng hưởng với tâm thức, nhận thức và tình cảm của các thế hệ độc giả đối với Người. Thật mừng là tác phẩm "Lênh đênh bốn biển" cho thấy nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã kỳ công tìm hiểu, nghiên cứu rất cẩn trọng các nguồn tư liệu liên quan đến những năm tháng hoạt động của Bác Hồ ở nước ngoài. Từ đó đã chọn lựa những câu chuyện và sự kiện tiêu biểu để dựng lên nhân vật lịch sử của mình. Nhà văn đã nắm bắt được những sự kiện chủ đạo trong vô số sự kiện và hoạt động của Văn Ba-Nguyễn Ái Quốc suốt 30 năm bôn ba hải ngoại. Đó là những sự kiện có ý nghĩa bước ngoặt, tại đó, số phận nhân vật được biểu đạt trong tính điển hình của nó.

Trong chuỗi sự kiện quan trọng của 3 thập niên bôn ba, vượt khó tìm đường cứu nước thì nổi bật nhất là sự kiện Nguyễn Ái Quốc bắt gặp ánh sáng của “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lenin. Sự kiện này được chính Bác Hồ kể lại trong một bài viết mà có lẽ nhiều người thuộc nhiều thế hệ đã thuộc lòng, nhưng dưới ngòi bút của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, câu chuyện được kể và tả hết sức sinh động như sau: "Đọc hết trang báo, Nguyễn Ái Quốc ngồi thừ ra. Anh bật khóc. Một nỗi nghẹn ngào không thể nào giải thích nổi ùa đến, bao trùm, tràn ngập tâm hồn anh. “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Anh run rẩy cất lời một mình trong căn phòng nhỏ chật chội nhiều sách vở. Bên ngoài cửa sổ nhỏ là vòm cây sáng óng ánh bởi nắng đã ngả sang chiều. Mùa hè nước Pháp chưa bao giờ đẹp đến thế...".

Trong "Lênh đênh bốn biển", người đọc còn hứng thú dõi theo rất nhiều chi tiết, cảnh huống, nhân vật, câu chuyện... được nhà văn sáng tạo ra nhưng “rất thật”, rất logic và sinh động, bổ trợ đắc lực cho ý đồ nghệ thuật của tác giả. Chẳng hạn như những ngày lênh đênh trên con tàu buôn, một lần ông già khó tính Escoffier phát hiện ra Văn Ba trong khi thu dọn bàn tiệc đã giữ lại những thức ăn thừa còn khá nguyên và sạch, chứ không bỏ vào thùng rác như những lao công khác. Ông ta gọi Văn Ba đến, hỏi về hành động ấy và được trả lời: "Thật là phí phạm khi chúng ta vứt đi cả một nửa con gà. Thưa ông, chúng ta có thể giữ lại cho người nghèo. Ngoài kia có biết bao nhiêu người nghèo đói đang ước ao, thèm khát dù chỉ một mẩu bánh mì".

Cùng với những trường đoạn sáng tạo đậm chất chính luận như trên là những chi tiết sáng tạo đời thường trữ tình và thú vị, như những họa tiết điểm xuyết cho bức tranh tổng thể thêm sinh động, hài hòa: Lần đầu tiên sơ chế măng tây, Văn Ba dùng dao gọt như gọt khoai tây. May mà bác Mai-một nhân viên người Việt trên tàu-kịp đổ xuống biển trước khi chủ tàu nhìn thấy. Cái cách mà Phillippe và Văn Ba dạy tiếng mẹ đẻ cho nhau. Tình cảm của Phillippe và cô em gái Annette dành cho Văn Ba. Cô thủ thư ở London vì cảm mến chàng trai ham đọc sách đã tặng Văn Ba hai tập sách của bộ "Tư bản luận" mà anh chưa kịp đọc, trước khi anh rời thành phố tiếp tục hành trình. Cô sen nhà ông chủ tàu, cứ mỗi lần tàu cập bến là bà mẹ lại “ốm”, vì... trên tàu có anh bạn trai của cô vừa trở về, v.v...

leftcenterrightdel

Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ phát biểu trong buổi ra mắt tác phẩm " Lênh đênh bốn biển". Ảnh: Văn Nghệ 

Có thể nói, thông qua "Lênh đênh bốn biển", nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã giúp bạn đọc thấy rõ hơn những năm bôn ba hải ngoại, Bác Hồ vừa vất vả lao động kiếm sống vừa khao khát tìm kiếm con đường cứu nước, cứu dân. Người nhận ra chính chủ nghĩa tư bản, bè lũ đế quốc, thực dân là những kẻ gây ra mọi áp bức, bóc lột, đau khổ cho công nhân, nông dân và các tầng lớp khác ở các thuộc địa và ở ngay cả chính quốc. Người hiểu rõ: Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ. Từ chủ nghĩa yêu nước, Người đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin. Sự gặp gỡ, tiếp xúc lịch sử ấy hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên hay may mắn, mà đó là một sự dấn thân và là một tất yếu khách quan mang tính khoa học, cách mạng.

Xung quanh nhân vật chính Văn Ba-Nguyễn Ái Quốc là một hệ thống nhân vật hư cấu và nguyên mẫu, thuộc nhiều dân tộc và xu hướng chính trị, như: Phillippe, Annette, Jacques Duclos, Barbusse, Nicolas, Albert Sarraut, bác Mai, ông Dân, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Phan Văn Trường, Chu Ân Lai... Tất cả họ đều được xây dựng tự nhiên và sắc nét, bằng thi pháp tiểu thuyết vững chắc, với những tính cách sinh động, gần gũi, đời thường trong các mối quan hệ với nhân vật trung tâm là Văn Ba-Nguyễn Ái Quốc. Bằng những thủ pháp nghệ thuật đắc dụng, hiệu quả như vậy, tác giả đã khắc họa khá thuyết phục những tính cách, phẩm chất, tâm hồn đẹp đẽ của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh

Như vậy, cùng với tập 1 "Nợ nước non", tập 2 " Lênh đênh bốn biển " đã tiếp tục khắc họa thành công hình tượng một người yêu nước đặc biệt trong bối cảnh lịch sử, xã hội Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20; đồng thời, tác giả đã dụng công luận giải, minh chứng những yếu tố văn hóa, chính trị, tư tưởng, xã hội... hun đúc nên Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, một nhân vật lịch sử mà gần nửa thế kỷ sau đó (vào năm 1987) đã được UNESCO tôn vinh là Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất. Với tiểu thuyết "Lênh đênh bốn biển", thêm một lần người đọc có cái nhìn thấu đáo, mang tính hệ thống, logic về những bước biến chuyển trong nhận thức, tư duy, tư tưởng của một con người vĩ đại theo cách giản dị nhất. Giản dị như cách mà Người đã sống trong suốt cả cuộc đời mình.

Với những thành công của tập 2 " Lênh đênh bốn biển " và tập 1 "Nợ nước non" trước đó, người đọc có cơ sở để hy vọng và chờ đợi tập tiếp theo của thiên sử thi "Nước non vạn dặm"-tập đại thành về Bác Hồ muôn vàn kính yêu.

TUYÊN HÓA