Chương trình kết thúc, ông Vui, với tư cách là chủ phòng đọc miễn phí ở khu dân cư cũng được mời lên chụp ảnh, nhận quà từ nhà trường. Mừng hơn nữa là ông được đứng cạnh diễn giả, ôm hoa. Ông đợi cho xong mọi việc rồi mới bắt tay cậu lần nữa.
- Đúng là mối duyên Chương à. Hôm nay, qua sự kiện này bác mới tìm được đồng đội cũ của mình, chính là bố cháu!
Nhà trường mời cơm tại nhà hàng cách trường không xa. Ông Vui lại ngồi cùng Chương, chuyện trò hỏi han và vui mừng khi biết bố cậu, người đồng đội của ông bao năm vào sinh ra tử vẫn khỏe. Sau ngày đất nước thống nhất, cả hai xuất ngũ rồi bặt tin nhau... Cơm xong, ông mời Chương về thư viện mà ông chỉ dám gọi là phòng đọc gia đình. Hoa giấy phủ rực rỡ lên lối vào nhà. Thư viện nhỏ tươm tất và khá nhiều sách được ông trang hoàng ngăn nắp mà sinh động. Nhờ thế thu hút được nhiều mái đầu con trẻ, người lớn miệt mài với những trang sách. Có đứa ngày nghỉ, vì mê đọc nên mài quần ở đây suốt. Chương không ngờ ở nơi này lại có người thương binh âm thầm, nhiệt thành với sách và sự học đến thế. Ông Vui từng biết về việc làm của Chương, song cũng chẳng ngờ, con trai đồng đội mình từng học ở nước ngoài, dám từ bỏ công việc lương cao để làm diễn giả tự do, nay đây mai đó.
Tiệc trà đậm vị. Một già một trẻ đưa nhau từ bất ngờ này đến bất ngờ khác của hành trình đầy nhọc nhằn. Ông gọi Chương là “ngôn sứ” của sách và cậu luôn có những dự định. Cuộc sống đổi thay chóng mặt. Bọn trẻ bị cuốn hút bởi nhiều thứ quá mà không cẩn thận, chúng sẽ sa đà vào cạm bẫy. Những người như Chương, như ông tự nhận lấy trách nhiệm đi gieo thêm con chữ, như gieo những mùa hoa. Ở nhà trường các cháu được dạy dỗ, nhưng sao đủ được. Các em và cả người lớn, phải đọc thêm nhiều, bởi đó là cách nhân thêm hoa trái cho cuộc đời.
Chương kết nối cho ông Vui nói chuyện với bố. Hai người đồng đội gặp nhau qua điện thoại sau nhiều năm xa cách, vừa thấy tiếng, thấy hình, sao mà mừng quá. Tiếng cười vang không ngớt. Chương cứ củ mỉ cù mì cười thầm. Anh càng tin hơn vào những duyên lành.
Khách về, ông Vui lại đón tiếp các bạn đọc thân yêu của mình. Hoa ngoài vườn trổ rực rỡ như muốn vắt kiệt mình. Sắc hoa đưa tâm hồn ông về thời quá vãng. Ba mươi năm qua, hành trình của người thương binh vẫn theo tinh thần người lính. Ông từng trải qua bao trận đánh ác liệt, bị thương, may mắn được trở về quê để lấy vợ, sinh con. Hai vợ chồng, hai bên chân tập tễnh bước vào đời, có lúc khó khăn ghì sát xuống đất. Bản lĩnh của người lính yêu quê, yêu đồng bãi nhắc ông không thể đầu hàng. Ông làm cho đồng đất nở hoa, mùa màng bội thu. Bà con lối xóm, các cựu chiến binh trong xã đến trò chuyện, học hỏi. Họ tấm tắc: Ông Vui đã chiến thắng giặc ì, giặc đói. Một lần, thằng Dần con trai ông giơ cuốn Ngữ văn lớp 8, hỏi: “Nhìn vào quyển này, bố thấy gì?”. Thấy gì là thấy gì? Đó là cuốn sách chứ là cái gì nữa. Ông nói theo ý mình: “Mỗi cuốn sách đều gửi gắm những tâm tư, kiến thức của tác giả. Sách cho ta hiểu xưa và am tường nay...”. Thằng bé phán như ông cụ non: “Con thấy đi học chả vui. Các bạn chẳng chơi với con vì nhà mình nghèo. Con thấy sách nghèo”. Lời thằng con làm ông lặng đi.
Cả vùng năm đó còn bậm bạch nghèo. Nhiều người dắt díu nhau ôm giấc mơ lên phố làm ăn. Có người lên tận Cao Bằng, Sơn La với giấc mộng đổi đời. Những đứa trẻ bị bỏ lại cho các ông bà già trông nom. Rồi những đứa trẻ biến thành đám thanh niên choai choai. Không được quản chặt, chúng lấc xấc chơi bời, lánh xa sách vở. Ông tự nhủ, mình chẳng thiếu ăn nữa rồi, nhưng thằng con bé bỏng làm người bố nghĩ suy. Sách nghèo ư? Nghèo thế nào được. Nhìn vào sách phải thấy tương lai, cuộc sống tươi đẹp, thấy cha ông ta đã bảo vệ đất nước anh dũng kiên cường chứ.
Sau mấy đêm trăng thủ thỉ với cây cối trong vườn, ông Vui nghĩ ra một cách. Ông mua và mượn thêm nhiều sách về để có thời gian thì nhắc nhở con đọc. Đám trẻ hàng xóm đến chơi, ông khuyến khích chúng đọc bằng cách cho kẹo. Đám trẻ trở thành bạn đọc nhỏ tuổi đến với ông mỗi tối. Thằng Dần thấy bọn nhỏ hơn mình đọc sách cũng đọc theo. Nhiều lần, thấy bố đọc, Dần hỏi ngược lại ông: “Đọc sách, bố thấy gì ạ?”. Ông cười, bảo: “Bố thấy ở đó nở ra cơm ra gạo, ra đạo lý ở đời”.
Từ đó Dần thay đổi thái độ nhanh chóng. Khi Dần đỗ vào trường Bách khoa thì đám độc giả của ông Vui đã lên hàng trăm. Trẻ đọc, người lớn đọc. Tất cả rủ nhau mê thích sự đọc. Nhưng vợ ông thấy chồng ngoài chuyện đồng ruộng, hoa màu thì lao tâm khổ lực vì sách nên tỏ ra không hài lòng. Ông Vui phải thuyết phục mãi. Sau cùng, bà thấy bọn trẻ quê mình học hành khấm khá hơn, nhiều đứa đỗ đại học nên đã ủng hộ chồng. Bà đồng ý để chồng bỏ số tiền tích cóp ra sửa lại gian nhà, mua thêm giá để bày sách, lắp thêm bóng điện, điều hòa cho phòng đọc. Biết tiếng ông, nhiều người mang sách quý đến biếu hoặc trao đổi. Giờ ông là “đại gia” sách của cả vùng...
***
Ngày nắng vàng rực rỡ. Chương đưa bố đến, trò chuyện một lúc rồi xin phép đi, để ông Vui và ông Đức tha hồ ôn chuyện xưa, chuyện nay. Vài đồng đội trong thôn biết tin ông Đức, cũng tìm đến. Cả nhà rộn rã tiếng cười. Sau bao năm, ông Đức chẳng thể ngờ ông Vui lại có một niềm ham thích, là đưa cái sự đọc thấm vào các em học sinh, đến cả những lão nông quê ông.
- Ngày trước, thằng Chương bỏ công bỏ việc đi nói về tầm quan trọng của văn hóa đọc, tôi cũng có e ngại - ông Đức giãi bày - Thế rồi tôi thấy điều đó có ích nên để con làm những gì nó thích. Nay lại được gặp ông...
Ông Vui vỗ đùi đánh đét:
- Đấy, cái sự đọc nó dễ khiến người ta chia sẻ lắm. Tôi với cậu Chương nhà ông như hai tư tưởng gặp nhau, nói chuyện rất hợp.
Về ông Vui thì đã rõ, nhưng còn ông Đức, những năm qua đã làm gì? Ông Đức kể tuốt tuột. Khuôn mặt hồng giãn ra. Ngày đó ông cũng nặng nề chuyện cơm áo lắm. Sau bao nghề chẳng trụ, ông đi buôn. Ông Đức buôn toàn muối và nước mắm, gia vị. Ông bảo, những thứ đó nó hợp với mình, như thể chúng đã làm ông sống đậm tình hơn. Bây giờ ông Đức có một cơ ngơi cũng khá khẩm, giao cho cậu con út cai quản. Thằng Chương là cả, mê sách và gieo yêu thích về sách thì kệ nó. Đó là con đường của nó.
Bầy chim ríu rít ngoài dây phơi, giúp chuyện càng thêm say. Ông Đức còn biết ông Vui vẫn đang tận lực kết nối thông tin, giúp tìm mộ liệt sĩ. Cách đây chục năm, vợ liệt sĩ Sơn ở xã bên có cất lời nhờ và kết nối nhiều đầu mối khác nhưng vẫn chưa tìm ra nơi chính xác mộ chồng. Ông Vui ôm nỗi áy náy trong lòng. Lúc nào vợ con ông Sơn cũng chỉ mong đưa ông về quê an nghỉ, nơi còn mẹ già đã ngoài trăm tuổi chưa thôi mong ngóng con...
Nhắc chuyện đồng đội và những đồng đội hy sinh chưa tìm được phần mộ, mắt ông lại rơm rớm. Rồi ông Đức dõng dạc:
- Tôi không giàu có, nhưng giờ cũng gọi là có của ăn của để. Các ông cứ kết nối, cần sự hỗ trợ về kinh phí, chuyện đi lại tôi lo được. Chúng ta may mắn được trở về, có vợ con, chúng ta không quên trách nhiệm với những đồng đội đã ngã xuống.
Lời ông Đức khiến ông Vui ngân ngấn, như được tiếp thêm quyết tâm. Giờ vợ ông Vui có thể cai quản được thư viện. Ông có nhiều thời gian cho các cuộc gặp gỡ, trao đổi. Chiều ấy, ông Vui và ông Đức đến gặp vợ liệt sĩ Sơn. Bà mừng khôn tả khi đồng đội đang kỹ lưỡng chuẩn bị cho chuyến lên đường tìm mộ chồng mình. Bà đưa mười lá thư mà chồng gửi về cho ông Vui. “Đây ạ, em gửi các bác xem. Em vẫn gìn giữ cẩn thận. Trong thư, bao giờ ông ấy cũng nói về nỗi nhớ mẹ già, vợ con”.
Ông Vui nắm chặt tay người phụ nữ gần cuộc đời nuôi con, chăm mẹ chồng, chờ chồng mà không cầm được nước mắt. Trong ông đang có điều gì đó thôi thúc. Các đầu mối thông tin đã chắc chắn. Ông cũng đã nhờ sự hậu thuẫn của các đơn vị, địa phương và chuẩn bị cả tinh thần làm xét nghiệm.
Hôm ấy, hai ông dậy sớm, sau khi ăn sáng, uống trà tại phòng đọc, chiếc xe đón nhóm cựu chiến binh đưa về Quảng Trị. Một bình minh thật đẹp đang lên. Ông Vui nghe trong lòng mình ngân lên khúc quân hành. Ông đã chiến thắng đói nghèo, chiến thắng sự đình trệ. Giờ ông tin, mình cũng thành công để thỏa tâm nguyện của những người trân quý.
Trong công cuộc chấn hưng văn hóa đọc hôm nay đòi hỏi sự chung tay, chung sức của toàn xã hội. Ở đó đã xuất hiện nhiều “ngôn sứ” như chàng thanh niên tên Văn Chương, theo cách nghĩ của ông Vui. Nhờ sách mà “hai tư tưởng gặp nhau”, cũng nhờ sách mà ông Vui kết nối được với đồng đội cũ. Sách đã giúp khai trí, khai tâm, sách đã gieo hoa, gieo mầm thiện trong con người... Câu chuyện trong "Gieo hoa" cũng cho thấy phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, dù ở thời chiến hay thời bình cũng đều được tỏa rạng. (Nhà lý luận phê bình BÙI VIỆT THẮNG) |
Truyện ngắn của NGUYỄN VĂN HỌC