Tôi thân quen với anh Nguyễn Văn Hùng, nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp Bình Dương (Becamex IDC) từ lâu. Lúc mới gặp anh, tôi nghĩ anh là một giám đốc mê chơi tennis, nhưng khi trao đổi sâu với anh về đề tài phát triển KT-XH của tỉnh Bình Dương cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Becamex IDC, mới thấy được anh là người say mê với sự đổi mới, sáng tạo đến mức nào. Anh bảo: “Ngày trước Bình Dương phát triển kinh tế từ sự quyết tâm và huy động vốn đầu tư nước ngoài, giờ thì phải có các giải pháp công nghệ hiện đại mới phát triển đột phá được. Becamex IDC cũng vậy. Chúng tôi không chỉ phát triển bằng công nghệ hiện đại mà phải là nơi đi đầu về số hóa, về hợp tác quốc tế, để trở thành công cụ hữu hiệu của địa phương trong phát triển KT-XH và xây dựng thành phố thông minh (TPTM) Bình Dương”.
    |
 |
Lãnh đạo Becamex IDC giao lưu, ký kết hợp tác với đối tác nước ngoài. Ảnh: LẠC TRANH |
Những câu chuyện của anh Hùng cuốn hút tôi vào mô hình xây dựng TPTM Bình Dương, khiến tôi yêu mảnh đất và con người nơi đây lúc nào không hay. Thật ra tôi đã biết vùng đất Sông Bé trước đây từ những năm 80 của thế kỷ trước. Ngày ấy, nơi đây nhộn nhịp bởi sự giao thương và hội tụ từ nhiều vùng trong cả nước. Tuy nhiên, nó vẫn chỉ là một xứ miệt vườn thuần nông thứ thiệt của Nam Bộ với vườn quả Lái Thiêu, với những cánh rừng cao su bạt ngàn của Dầu Tiếng, Tân Uyên, Bến Cát, Phú Giáo... Ấy vậy mà khi chủ trương “trải thảm đỏ” để đón các nhà đầu tư sau ngày tái lập tỉnh (1-1-1997), Bình Dương đã trỗi dậy với tinh thần đổi mới, được cụ thể hóa bằng những chính sách thông thoáng, khai thông cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của mình. Từ chủ trương đúng đắn, các công trình cơ sở hạ tầng ngày ngày mọc lên, đánh thức môi trường đầu tư thân thiện, biến Bình Dương thành miền đất hứa của các doanh nghiệp. Cũng từ đó, dòng vốn đầu tư trong nước và ngoài nước ào ạt chảy về Bình Dương. Các khu công nghiệp, nhà máy mọc lên như nấm, kéo theo nguồn nhân lực khắp mọi nơi hội tụ về vùng đất Thủ. Đứng trước các Khu công nghiệp VSIP1, VSIP2, Protrade, Phú Gia, Đại Năng, Sóng Thần... nhiều người cứ nghĩ mình đang mơ. Nơi thuần nông, đất đai khô cằn năm xưa nay đã thành những khu, cụm công nghiệp trọng điểm của cả nước.
Những năm qua, Bình Dương luôn là điểm sáng về kêu gọi và thu hút vốn đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. Đến nay, toàn tỉnh có 48 khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thu hút rất nhiều doanh nghiệp đến sản xuất, kinh doanh và hàng chục nghìn chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, kỹ sư giỏi... đến làm việc. Bình Dương trở thành vườn ươm cho những khát vọng khởi nghiệp và những nghiên cứu sáng tạo. Đó cũng là nền móng, là động lực để địa phương xây dựng TPTM Bình Dương hiện nay.
Nói về TPTM Bình Dương, TS Nguyễn Việt Long, Giám đốc Văn phòng TPTM tỉnh tâm đắc: “Đề án xây dựng TPTM Bình Dương là chiến lược đột phá của địa phương. Mặc dù học tập thành phố Eindhoven của Hà Lan, nhưng chúng tôi tiếp cận theo cách riêng của mình. Bình Dương sẽ xây dựng TPTM với một hệ sinh thái năng động, sáng tạo, kết nối, trong đó thành một tổ hợp liên tục cải tiến, đổi mới và tối ưu hóa”. Nói đoạn, anh bật máy giới thiệu với chúng tôi về mô hình xây dựng Trung tâm Thương mại Thế giới tại thành phố mới Bình Dương (WTC BDNC). Đây là một không gian phức hợp về công năng rộng 70.000m2, nhằm kết nối và giúp các doanh nghiệp địa phương phát triển giao thương quốc tế, phát triển Bình Dương trở thành một khu vực năng động có đa dạng dịch vụ chuyên nghiệp, phát triển nhân lực có khả năng phát triển thương mại toàn cầu và tăng sức hút cho các dự án bất động sản trong khu vực, có nhà ga Metro kết nối với tuyến Metro số 1 của TP Hồ Chí Minh... WTC BDNC bao gồm cơ sở vật chất và dịch vụ thương mại quốc tế, như: Trung tâm triển lãm và hội nghị quốc tế; tòa nhà văn phòng; trung tâm thương mại; tổ hợp nhà hàng, khách sạn. Cơ sở dịch vụ thương mại quốc tế tại trung tâm gồm các dịch vụ tổ chức hội chợ quốc tế, tổ chức hội nghị quốc tế, kết nối doanh nghiệp thương mại, kết nối phái đoàn thương mại, trung tâm thông tin và hỗ trợ phát triển thương mại quốc tế, trung tâm đào tạo phát triển nhân lực thương mại toàn cầu… Tổng công ty Becamex IDC là đơn vị tiến hành xây dựng WTC BDNC.
Tối 24-11-2019, WTC BDNC chính thức được công bố trong chuỗi hoạt động của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Horasis-Bình Dương 2019. Trong lễ công bố này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm nhấn mạnh: “WTC BDNC hơn cả một tòa nhà hay một tổ chức, là một trung tâm phức hợp dịch vụ thu hút các hoạt động thương mại quốc tế tại khu vực Đông Nam Bộ”. Trước đó, tháng 9-2019, WTC BDNC đã trở thành thành viên của Hiệp hội Trung tâm thương mại thế giới (WTCA). Đây là một lợi thế lớn, vì khi gia nhập WTCA, các thành viên sẽ có đặc quyền sử dụng một thương hiệu WTC, tham gia vào mạng lưới toàn cầu, các bất động sản mang tính chất biểu tượng sẽ được đặt tên, cũng như tổ chức các hoạt động thương mại thích hợp.
Càng tìm hiểu, chúng tôi càng say mê với Bình Dương. Say mê bởi những đột phá sáng tạo, say mê bởi sự hào hoa, phong độ trong phát triển KT-XH. Có lẽ vì thế mà cuối tháng 10 vừa qua, tại Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới, Bình Dương tiếp tục được vinh danh là một trong 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển TPTM tiêu biểu của thế giới (Smart21).
Hào hoa, phong độ không có nghĩa là cái gì cũng có sẵn, cái gì cũng đến một cách dễ dàng. Những năm qua, các thế hệ lãnh đạo của tỉnh Bình Dương, các sở, ban, ngành, các đơn vị hành chính trong tỉnh và nhân dân Bình Dương luôn chủ động, sáng tạo và nỗ lực không biết mệt mỏi để có những chủ trương đúng đắn, hướng đi phù hợp và kết quả ngày càng tốt hơn. Nói như đồng chí Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương thì: “Những gì mà Bình Dương đạt được hôm nay là có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát đúng của Trung ương, là công sức, trí tuệ của cả hệ thống chính trị trong tỉnh. Những năm tới, vẫn luôn cần sự phấn đấu, cố gắng nhiều hơn nữa của mọi người. Điều quan trọng là phải kiên quyết đổi mới, sáng tạo bằng công nghệ hiện đại với sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả của mô hình 3 nhà: Nhà nước, doanh nghiệp và nhà khoa học để khơi nguồn lực, tạo bứt phá cho Bình Dương”.
    |
 |
Phối cảnh thành phố mới Bình Dương. |
Tôi đã có mặt trong những ngày diễn ra Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Horasis-Bình Dương cuối tháng 11-2019. Nghe các nhà khoa học, nhà quản lý kinh tế nước ngoài nói về Bình Dương, càng thêm tin tưởng, kỳ vọng và mong mỏi sự phát triển lớn lao hơn nữa của vùng đất này. TS Frank-Jurgen Richter, Chủ tịch Diễn đàn Horasis rất ấn tượng với những gì mà Bình Dương đạt được hôm nay. Ông nói: “Đêm bế mạc Horasis ở Bình Dương, chúng ta thực sự sống trong: Giấc mơ châu Á. Bởi lẽ ở đây đang khơi dậy cho chúng ta niềm cảm hứng sáng tạo mạnh mẽ, những khát vọng cháy bỏng hơn, để thành công rực rỡ hơn”.
Tôi rất đồng cảm với TS Frank-Jurgen Richter và tin là như vậy. Tin vì Bình Dương đang phát huy tất cả những gì tốt đẹp, tiềm năng nhất của mình, để có một TPTM như ý, để cuộc sống của người dân ngày càng hạnh phúc, ngày càng phồn thịnh hơn.
LÊ PHI HÙNG