Một tháng hai hợp đồng cấp quốc gia
Liên tục trong nhiều năm liền, Telemor được đánh giá là doanh nghiệp viễn thông uy tín nhất Đông Timor. Vì thế, không có gì khó hiểu khi chỉ trong tháng 6-2019, công ty đã liên tiếp ký hai hợp đồng với hai bộ trưởng của Đông Timor. Bản hợp đồng thứ nhất được ký giữa Bộ Nông nghiệp Đông Timor và Telemor, triển khai một dự án trọng điểm của bộ trong thời gian 3 tháng (từ tháng 8-2019 đến hết tháng 11-2019). Theo đó, Telemor trở thành nhà thầu cung cấp thiết bị và giải pháp CNTT cho chương trình Tổng điều tra dữ liệu dân số Đông Timor năm 2019, với tổng giá trị hợp đồng hơn 536 ngàn USD. Hợp đồng thứ hai đến từ Bộ Truyền thông-Giao thông vận tải Đông Timor (MTC). Theo đó, năm 2019 Telemor triển khai dự án cung cấp đường truyền, kết nối 140 cơ quan bộ, ban ngành chính phủ Đông Timor. Đây là dự án đóng vai trò nền tảng cho chương trình triển khai Chính phủ điện tử của quốc gia này trong thời gian tới. Hợp đồng với MTC có tổng giá trị 672 ngàn USD/năm cho dịch vụ kênh truyền và là một dự án dài hơi của Telemor với hơn hai năm nỗ lực, kiên trì bám đuổi.
|
|
Telemor - nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tốt nhất tại Đông Timor. |
Tại Đông Timor, các hợp đồng có trị giá trên 500 ngàn USD được coi là lớn, phải được thông qua cơ quan đấu thầu quốc gia và do bộ trưởng các bộ ký trực tiếp với đối tác. Hai hợp đồng với Bộ Nông nghiệp và MTC thể hiện sự tin tưởng và mối quan hệ hợp tác tốt đẹp của Telemor với các cơ quan chính phủ Đông Timor. Tổng giá trị hai hợp đồng cũng tạo ra một bước nhảy vọt về kết quả kinh doanh ở lĩnh vực khách hàng doanh nghiệp của Telemor. Trong 5 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị hợp đồng với khách hàng doanh nghiệp, chính phủ của Telemor là 622 ngàn USD, trong khi đó giá trị của 2 hợp đồng mới vào tháng 6-2019 đã gấp gần hai lần 5 tháng đầu năm.
Tổng giám đốc Viettel Global, ông Đỗ Mạnh Hùng cho biết: “Cùng với chuyển dịch nội dung số, phát triển khách hàng tiêu dùng cao, mảng kinh doanh khách hàng doanh nghiệp, chính phủ và giải pháp CNTT luôn được Viettel coi trọng và đẩy mạnh trong năm 2019 tại tất cả các thị trường Viettel đang đầu tư”. Với thị trường Đông Timor, ông Đỗ Mạnh Hùng đánh giá: “Đây là hai dự án trọng điểm có triển vọng tiếp tục mở rộng và là tiền đề trong việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử của Cộng hòa Dân chủ Đông Timor”.
Bộ Nông nghiệp Đông Timor cho biết, sau khi kết thúc dự án, đơn vị này sẽ cân nhắc việc tiếp tục sử dụng các dịch vụ-giải pháp CNTT của Telemor trong các hoạt động khảo sát, thống kê xã hội học khác, tạo cơ sở cho Telemor phát triển thêm 2.700 khách hàng VIP với doanh thu ước tính đạt 27.000USD/tháng.
Những kỳ tích ở Đông Timor
Khởi công xây dựng mạng lưới từ năm 2012, bắt đầu kinh doanh từ năm 2013, đến năm 2014, Telemor đã trở thành công ty viễn thông lớn nhất Đông Timor về hạ tầng mạng lưới và kênh phân phối với 160 trạm 2G, 160 trạm 3G, 1.600km cáp quang, phủ sóng 96% dân số; 2.500 điểm bán, đại lý. Tổng doanh thu của công ty tính đến hết tháng 6-2014 là 17 triệu USD, lợi nhuận ước tính thu về hơn 4 triệu USD. Telemor là công ty duy nhất chỉ trong vòng 6 tháng kể từ khi khai trương đã đem lại lợi nhuận cho Viettel, trở thành một hiện tượng trong làng viễn thông thế giới.
Tháng 7-2017, Telemor đã trở thành nhà mạng đầu tiên tại Đông Timor cung cấp 4G và cũng là thương hiệu thứ 7 của Viettel chính thức kinh doanh 4G trên tổng số 11 nước hiện có. Ngay trong ngày đầu khai trương, mạng 4G của Viettel đã phủ sóng đến toàn bộ 13/13 tỉnh, thành tại quốc gia này, là nhà mạng đem lại tốc độ và vùng phủ vượt trội về 4G cho mọi người dân Đông Timor. Đã kinh doanh dịch vụ 4G tại 6 quốc gia trước đó (Campuchia, Lào, Burundi, Peru, Haiti và Việt Nam) nhưng Đông Timor là thị trường đặc biệt hơn vì đây là lần đầu tiên Viettel chính thức đưa thiết bị mạng 4G vào sử dụng. Qua đây cho thấy, Viettel đã chủ động nghiên cứu để sản xuất thiết bị viễn thông cho chính mình, đảm bảo cung cấp cho tất cả các công ty của mình trên 11 quốc gia. Điều này không chỉ giúp Viettel chủ động trong khai thác hạ tầng, tạo ra sự độc đáo của riêng mình mà còn kiểm soát được vấn đề an ninh, an toàn thông tin. Cũng trong năm này, Telemor đã thực hiện 5 dự án CNTT lớn cho Chính phủ và các bộ, ngành Đông Timor với giá trị gần 1,8 triệu USD.
Tháng 2-2018, Telemor đã nhận được bản hợp đồng Chính phủ Timor Leste do Thủ tướng Mari Bim Amude Alkatiri ký về dự án “Mở rộng Data center cho Văn phòng Thủ tướng”, với giá trị xấp xỉ 1,5 triệu USD. Dự án mở rộng Data center (Trung tâm dữ liệu) cho Văn phòng Thủ tướng là một trong các dự án CNTT trọng điểm của Chính phủ Đông Timor trong giai đoạn 2017-2018. Ký được hợp đồng này ngay những ngày đầu xuân năm mới có một ý nghĩa vô cùng đặc biệt, đánh dấu sự chuyển dịch của Telemor từ một công ty viễn thông trở thành công ty CNTT và viễn thông hàng đầu tại Đông Timor. Để rồi sau đó, Telemor tiếp tục ghi dấu ấn khi là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất tại Đông Timor được phép cung cấp dịch vụ ví điện tử giúp người dân nước này có cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính dễ dàng hơn thay vì phải phụ thuộc vào mạng lưới ngân hàng nghèo nàn. Sự kiện này được Ngân hàng Trung ương Đông Timor đánh giá là một trong 4 dấu ấn lớn của ngành ngân hàng trong giai đoạn 2016-2018. Trước đó, năm 2015, Telemor đã được nhận giải thưởng Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất năm 2014 khu vực châu Á, châu Úc và New Zealand tại Lễ trao giải Giải thưởng kinh doanh quốc tế 2015.
Những kỳ tích Viettel tạo nên tại Đông Timor là nhờ vào cách làm khác biệt. Đông Timor là một thị trường rất nhỏ (dân số 1,2 triệu người), địa hình có 90% là đồi núi nên việc triển khai hạ tầng mạng lưới rất tốn kém, khó thi công. Bên cạnh đó, dù dân số ít nhưng mạng di động nào cũng phải đầu tư một hệ thống tổng đài và bộ máy hoàn chỉnh nên chi phí cho mỗi thuê bao sẽ rất cao. Đây chính là lý do mà trong hơn 10 năm, đảo quốc này chỉ có một mạng di động vì rất ít hãng viễn thông lớn của thế giới quan tâm đầu tư.
Khi bắt tay vào đầu tư tại Đông Timor, ngay từ đầu, Telemor xác định rõ, nếu không tiết kiệm chi phí ở mức tối đa, công ty sẽ không thể tồn tại kể cả khi có chiến lược đúng. Một ví dụ đơn giản nhất là tất cả các chuyên gia, nhân viên Viettel sang Đông Timor xây dựng mạng lưới đều thuê nhà dân ở. Với 1.000USD/nhà, Viettel có chỗ ở cho 10 người trong 1 tháng. Trong khi số tiền này đi thuê khách sạn thì chỉ ở được 1 người trong 10 ngày (đắt gấp 30 lần). Khi xây dựng mạng lưới trên các vùng núi, thay vì thuê trực thăng để đưa thiết bị lên thì Viettel vẫn sử dụng sức người (nhân công địa phương). Ngoài bài toán chi phí, chiến lược phổ cập hóa dịch vụ viễn thông được đúc rút từ nhiều quốc gia khác (đặc biệt là Việt Nam) là nhân tố giúp Telemor được nhận diện nhanh chóng. Năm 2012, trước khi Viettel đến Đông Timor, mật độ di động tại đây là 30% và 70% người dùng là ở thành thị. Mạng di động độc quyền trước đó chỉ tập trung vào thủ phủ, ít quan tâm đến nông thôn, thậm chí không có mạng 3G hay kênh phân phối tại đây. Truyền dẫn của mạng di động sử dụng viba nên chất lượng dịch vụ thấp. Trong khi đó, ngay khi khai trương, Telemor đã phủ sóng rộng khắp cả 2G và 3G ở nông thôn, kênh phân phối cũng được thiết lập tại đây-điều mà hãng viễn thông độc quyền chưa từng làm. Về hạ tầng, Telemor đã vượt xa đối thủ lớn nhất ngay lúc cung cấp dịch vụ. Thêm vào đó, thay vì dùng truyền dẫn viba, Viettel sử dụng cáp quang nên chất lượng tốt hơn hẳn. Ngoài hạ tầng rộng hơn, Telemor còn có giá cước tốt, cộng cách tính theo block 1 giây + 1 giây (mạng khác là 1 phút + 1 phút) và cho gọi miễn phí mỗi ngày 10 phút. Chưa hết, mạng di động đến từ Việt Nam còn tặng miễn phí sim di động cho học sinh, sinh viên, giáo viên, quân đội, cảnh sát… Nhờ đó, lượng khách hàng của Telemor đạt 200.000 chỉ sau 6 tháng.
Chưa hết, Đông Timor rất nhỏ nên mọi động thái của Telemor được truyền đi tự nhiên nhanh chóng. Người dân truyền tai nhau về việc tặng sim, giá cước, mạng rộng, máy đầu cuối rẻ… và nhiều hoạt động từ thiện xã hội Telemor thực hiện. Đây là nhân tố giúp Telemor tăng trưởng rất mạnh trong thời gian ngắn.
Những gì mà Viettel làm được tại quốc gia nhỏ bé Đông Timor từng được Thủ tướng nước này, ông Xanana Gusmao đánh giá: “Telemor đã tạo ra những khác biệt và biến đổi nhanh chóng” đối với diện mạo ngành viễn thông của Đông Timor.
Bài và ảnh: THANH THÚY