leftcenterrightdel
GS Đỗ Hữu Châu (đứng bên phải) và GS Cao Xuân Hạo cùng các hội viên uống rượu cần mừng Xuân Đinh Sửu 1997. Ảnh do Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cung cấp

CHÚC TẾT BẰNG... Ô CHỮ

GS, TS Nguyễn Đức Dân (hiện là giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) vốn xuất thân từ dân toán. Trước khi làm luận án TS Ngôn ngữ ở Ba Lan, ông là giáo viên dạy môn Toán học bậc THPT. Sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội từng học chuyên đề “Ngôn ngữ học thống kê” của ông. Với tư chất toán, các vấn đề ngôn ngữ ông truyền thụ đều rất ngắn gọn và chính xác. Tôi nhớ, có lần lên lớp, giảng về từ “ai”, ông hỏi: “Theo các anh chị thì “ai” trong tiếng Việt có nghĩa là gì?”. Đa số sinh viên đều nói, đại loại: Ai là một đại từ nghi vấn, chỉ “một người nào đó” chưa xác định (như: Ai đánh vỡ bát? Ai là lớp trưởng?). Ông cười: “Ai chính là cả lớp ta đó” và nói: Nếu tôi có ví dụ “Cả lớp ai cũng không muốn nghe nữa” thì có nghĩa là “Cả lớp (ta) mọi người đều không muốn nghe nữa”. Như vậy, “ai = mọi người...”. Một lần khác, ông cho 5 âm tiết “nó, bảo, sao, không, đến” và dùng công thức chỉnh hợp toán “hoán vị” sẽ có tới 36 câu nói khác nhau: Nó bảo sao không đến, Nó bảo đến không sao, Bảo nó đến sao không…

Trở lại câu chuyện chúc Tết. Năm 1988, GS, TS Nguyễn Đức Dân chuyển vào miền Nam sinh sống và làm việc. Từ TP Hồ Chí Minh, ông gửi cho Tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống một phong bì, ngoài bìa ghi “Chúc mừng năm mới-Happy New Year”. Mấy anh em chúng tôi mở ra chỉ thấy mấy chữ: “Đây là một ô chữ đơn giản với những lời gợi ý giải ở dưới. Các bạn giải đúng sẽ nhận được một bông hoa bất ngờ đó”. Hì hục mãi rồi chúng tôi cũng giải xong. Ô chữ cho kết quả là NGỌC LAN. Điều thú vị là cả hàng ngang và hàng dọc (của ô chìa khóa) đều ra dòng chữ (Ngọc Lan) như thế.

Bất ngờ hơn, hè năm đó, GS, TS Nguyễn Đức Dân ra Hà Nội và chuyển thiếp báo hỷ cho chúng tôi. Hóa ra năm ấy ông cưới vợ (lần hai). Trong tấm thiệp, tên cô dâu là Trần Thị Ngọc Lang. Ông cười rất ý vị và nói: “Tên đúng của cô ấy là “Ngọc Lan”, nhưng lỗi phương ngữ nên biến thành tên khác. Bởi người Sài Gòn phát âm “Ngọc Lan” thành “Ngọc Lang”. Thế là cô nàng từ “hoa ngọc lan” trở thành “rau khoai lang”. Giải ô chữ, thấy cuộc đời/ Từ trong lời chúc đượm lời tình yêu.

TẶNG SÁCH NHƯ MỘT LỜI NHẮC

PGS Nguyễn Kim Thản (1927-1995) sinh tại làng Khương Thượng, nay thuộc quận Đống Đa, TP Hà Nội. Ông được coi là một “nhà bách khoa”. Không phải chỉ vì ông từng lãnh đạo Viện Từ điển Bách khoa (thuộc Viện KHXH Việt Nam) và sau đó là Trung tâm biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam mà ông còn là một trí thức rất toàn diện và sâu sắc. Một lần, khoảng giữa thập niên 1970, nhà ông (trong Khu tập thể Văn Chương) bị cháy. Ông rất đau khổ không phải vì mất nhiều đồ đạc mà xót xa cả một “thư viện” trong căn hộ tầng 5 “đi theo bà Hỏa”. Là chuyên gia về Ngữ pháp học, Nguyễn Kim Thản đã xuất bản rất nhiều cuốn sách: Động từ trong tiếng Việt; Nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt (2 tập); Rèn luyện về ngôn ngữ... Nhưng có một cuốn mà người Hà Nội nào cũng cần, đó là Lời ăn tiếng nói người Hà Nội (1993). Cuốn sách là một tập hợp những nghiên cứu mang tinh thần “Ngôn ngữ học xã hội” của ông về cách ăn nói của người Thăng Long-Hà Nội. Đó là các nghi thức kèm theo lời nói của dân “Kẻ Chợ” khi chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi, hỏi han, mắng chửi… Đặc biệt, người Hà Nội có những lời chúc tụng khi Tết đến, xuân về.

Tôi nhớ, hôm ấy nhân cuộc gặp cộng tác viên của Báo Hànộimới vào dịp cuối năm, PGS Nguyễn Kim Thản rút túi ra một chồng Lời ăn tiếng nói người Hà Nội tặng mấy cô gái trẻ. Trong khi các cô vui vẻ cảm ơn, ông nhẹ nhàng: “Các bạn nhớ đọc xem tôi viết có được không nhé. Đây là những bàn luận của tôi về lời chúc Tết của dân Hà Nội “ba sáu phố phường” đấy. Nó cũng giản dị, nhưng mang đậm lề thói, gia phong, phong tục của người Thăng Long hào hoa, kín đáo, thâm trầm, ý vị”. Ông cười và nói thêm: “Nhiều phẩm chất quá nhỉ? Nhưng các bạn cứ đọc đi. Rồi các bạn sẽ tham khảo và từ tham khảo, biết ứng dụng thích hợp cho lời chúc Tết thêm hay, thêm đẹp. Lời chào cao hơn mâm cỗ mà. Chúc sao cho người ta nhận ra mình là dân Hà thành thứ thiệt”. Cứ tưởng lời chúc dễ thôi/ Mà ta học suốt cuộc đời chưa thông…

CÓ THỰC MỚI VỰC ĐƯỢC ĐẠO

GS Đỗ Hữu Châu (1932-2006) là Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam (nhiệm kỳ 1995-2000). Là nhà ngôn ngữ nổi tiếng, ông còn là một nhà giáo (ông dạy tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội). Rất mực thước nhưng ông lại không mô phạm quá mức mà là một người rất trẻ trung, vui nhộn. Mặc dù tuổi cao, lại bị tiểu đường nhưng hằng ngày ông vẫn tới trụ sở hội (thuê ở Khu tập thể 16 Trần Hưng Đạo, TP Hà Nội) và leo cầu thang lên tận tầng 3 để họp hành. Dù rất mệt nhưng ông hay nói đùa “Leo cũng là hành động” để nhại lại câu nói của nhà ngữ học nổi tiếng thế giới J.Austin “Nói chính là hành động”. Có hôm vào phòng thấy mặt ông nhợt nhạt, thở không ra hơi, mấy cô văn phòng hội rất ái ngại, nói: “Thôi lần sau để cháu mang tài liệu đến nhà cho bác đọc. Hôm nào phải họp thì bác hãy đến”. Lần nào ông cũng gạt đi: “Khỏi phiền. Tớ vẫn đi được mà”...

Năm 1997, hội được Viện Ngôn ngữ học ưu tiên dành cho một phòng ở 20 Lý Thái Tổ. GS Đỗ Hữu Châu quyết định tổ chức họp mặt mừng xuân vào một ngày đầu tháng Giêng. Ông cười bảo: “Năm nay là Đinh Sửu, năm con trâu. Tớ tên Đỗ Hữu Châu cũng là một loại “trâu” đấy. Năm nay là năm của tớ. Vậy thì các cậu chuẩn bị đến văn phòng hội ta “họp báo” đầu năm nhé. Sẽ có bất ngờ đó”.

Mọi người hồi hộp chờ đợi xem vị Chủ tịch hội chuẩn bị gì mà bí mật. Có người đoán ông sẽ tặng mọi người cuốn Ngữ dụng học của ông mới xuất bản. Hoặc ông có quà từ nước Pháp (ông vừa đi công cán về) cũng nên.

Mồng 6 Tết, chúng tôi cùng kéo nhau tới cơ quan. Khi mọi người tề tựu đông đủ thì đột nhiên GS Đỗ Hữu Châu vào phòng, đi theo là mấy người lạ. Mọi người ồ lên khi nhận ra người đi cùng ông là GS Cao Xuân Hạo (lúc đó là Phó chủ tịch hội). Thì ra GS Cao Xuân Hạo vừa từ TP Hồ Chí Minh ra. Ngạc nhiên hơn là có hai thanh niên khệ nệ bê một cái gì đó, có vẻ khá nặng, bọc trong bao tải trùm vải đỏ, lại còn kèm theo gần chục cần trúc nữa. Không để mọi người đợi lâu, GS Đỗ Hữu Châu hô: “Mở!”. Thế là mấy thanh niên nhất loạt bỏ vải điều, bao tải. Hóa ra đó là một bình rượu cần to bự, màu da lươn. Vị Chủ tịch hội xoa tay: “Đây là bình rượu cần Mai Châu (lại là “Châu”) chính hiệu do học trò tôi vừa tặng. “Có thực mới vực được đạo”. Tôi muốn lời chúc của tôi đầu năm mới không chỉ có sức mạnh ngôn từ mà còn mang “vị men say” của rượu nồng trong cuộc sống. Nào chúng ta cùng vào cuộc để đón mừng năm Đinh Sửu “khỏe như trâu, bền lâu như lời chúc” của ông bà tổ tiên chúng ta truyền lại”.

Mọi người vỗ tay cười vang. Ôi, mấy lời thế thôi mà sao chí lý. Cũng như học phải có hành/ Rượu cần, lời chúc mới thành mùa xuân.

PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH