Một là, một triết lý mới về giáo dục. Nếu chúng ta quan niệm giáo dục-đào tạo (GD&ĐT) là để dạy dỗ cho thế hệ trẻ về kiến thức và sự hiểu biết thì chúng ta khó có được nhân tài bởi vì quá khứ là không thể vượt qua. Ngược lại, nếu chúng ta quan niệm GD&ĐT là quá trình kiểm nghiệm và thách thức chân lý thì mọi chuyện sẽ khá hơn. Nếu chúng ta quan niệm GD&ĐT là quá trình đánh thức tiềm năng của từng cá nhân thì mọi chuyện còn khá hơn nữa. Ngoài ra, nếu cái phải học, phải làm lấn át và triệt tiêu cái thích học, thích làm thì nhân tài cũng khó xuất hiện. Bill Gates và Larry Ellison bỏ học không phải vì họ lười nhác hoặc yếu kém, mà đơn giản vì họ muốn dành thời gian để học và để làm những điều họ thích. Những điều họ thích lại là những điều nhà trường không dạy được.
Hai là, đầu tư đúng đối tượng. Những người có tố chất để trở thành nhân tài và những người có đủ điều kiện để học hành đến nơi đến chốn trong cuộc sống rất có thể là những người khác nhau. Đối với những người vừa có tố chất, vừa có điều kiện để học hành, sự quan tâm của Nhà nước chỉ là việc “đổ thêm nước vào chỗ trũng”. Đối với những người có đủ điều kiện học hành nhưng không có đủ tố chất, sự quan tâm này chỉ là việc “bón thêm phân cho đu đủ đực”. Toàn bộ sự anh minh nằm ở khả năng trợ giúp cho những người có đủ tố chất nhưng lại không có đủ điều kiện. Làm được như vậy, chúng ta không chỉ chi tiêu tiền ngân sách hiệu quả hơn mà đất nước cũng có được nhiều nhân tài hơn.
Cách làm hợp lý nhất ở đây là thành lập một quỹ trợ giúp nhân tài. Quỹ này sẽ cho những học sinh nghèo học giỏi vay tiền đi học để thành tài và sau đó kiếm tiền trả nợ Nhà nước. Sự ưu tiên, ưu đãi chỉ được thực hiện thông qua việc điều chỉnh lãi suất cho vay. Nhất quyết không bao cấp, nhất quyết không cho không. Lý do rất đơn giản: Bao cấp không chỉ làm suy giảm động lực phấn đấu và trách nhiệm học tập mà còn tạo ra bất công xã hội. Tại sao đã tài giỏi hơn lại còn được ưu tiên hơn?
Ba là, thúc đẩy việc hình thành hệ thống vốn đầu tư mạo hiểm (còn gọi là tư bản mạo hiểm). Sáng tạo là việc mà ai cũng phải làm để trở thành nhân tài. Tuy nhiên, muốn sáng tạo được phải có đầu tư. Đầu tư cho những ý tưởng sáng tạo là những đầu tư hết sức rủi ro và khó có thể thực hiện được bằng tiền ngân sách. Khó khăn lớn nhất hiện nay là đất nước ta còn ít nhà đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, chúng ta có thể thu hút các nhà đầu tư của nước ngoài. Gần đây, các nhà đầu tư mạo hiểm nước ngoài bỏ tiền đầu tư cho các dự án khởi nghiệp ngày một nhiều hơn. Đây là một tin vui. Chúng ta cần phải tạo điều kiện và khuyến khích mạnh mẽ hướng đầu tư này. Và khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước cũng là một việc cần làm.
Bốn là, bảo vệ quyền tài sản trí tuệ. Tài sản của các nhân tài là tài sản trí tuệ. Nếu chúng ta chỉ bảo vệ được chiếc xe máy nhưng lại kém hiệu quả trong việc bảo vệ quyền tác giả đối với một bản nhạc thì nhân tài thật khó có thể nảy nở trên đất nước ta. Xin lấy trường hợp của Bill Gates để phân tích. Ông này đã vay vốn mạo hiểm 50 triệu USD để phát triển phần mềm hệ điều hành Windows. Tuy nhiên, sau khi phần mềm được sáng tạo ra, việc ăn cắp nó lại không gì dễ bằng: Chỉ cần ấn nút con chuột máy tính là xong. Và Bill Gates chẳng thể nào khóa cửa 3 lần để bảo vệ phần mềm của mình. Tuy nhiên, nếu không bảo vệ được phần mềm, ông ta sẽ thua cháy túi và nợ đầm đìa. Bill Gates trở thành Bill Gates vì điều này không xảy ra. Nguyên nhân là vì quyền tài sản trí tuệ được bảo vệ nghiêm ngặt ở Mỹ và ở các nước phát triển khác.
Năm là, bảo đảm sự cạnh tranh trong quá trình thăng tiến và kinh doanh. “Ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”, chỉ có thử thách qua cạnh tranh trung thực và lành mạnh, những nhân tài mới có thể ngày càng trở nên tài năng hơn. Nhiều người đoạt huy chương vàng các cuộc thi quốc tế đã không trở thành nhân tài vì một vinh quang dù chói lọi đến đâu cũng không bao giờ đủ cho cả đời người.
Ngoài những điều nói trên, quyền tự do sáng tạo và tư bản xã hội cũng là những điều kiện quan trọng khác để nhân tài nảy nở trên đất nước ta. Những ưu tiên, ưu đãi có thể là cần thiết ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, cách làm như vậy chứa đựng rất nhiều rủi ro. Một trong những rủi ro mà dân tộc ta đã từng trải nghiệm là sự bùng phát của đội ngũ “chuyên gia giết rồng”. Những người này có thể là tài giỏi, nhưng chưa chắc đã có ích cho đời. Vấn đề là làm gì có rồng để giết! Phần thưởng và sự ưu tiên, ưu đãi của thị trường, của cuộc sống mới là thước đo quan trọng và đích thực của tài năng.
TS NGUYỄN SĨ DŨNG