Không thướt tha, kiêu sa như áo dài hay cầu kỳ sắc màu như áo tứ thân, áo bà ba giản dị mà vẫn toát lên vẻ dịu dàng, kín đáo, gắn liền với hình ảnh người phụ nữ Nam Bộ. Ẩn chứa trong đó là sự kiên trung, bởi nó thấm đẫm mồ hôi và cả máu của những người phụ nữ đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.

Có một thời ở thôn quê miền Tây chỉ toàn thấy thôn nữ với trang phục áo bà ba. Trên đồng ruộng lúa mùa một vụ, áo bà ba vẫn duyên dáng theo từng luống mạ xanh non. Đến mùa gặt cũng chỉ thấy áo bà ba và nón lá, với dáng mẹ, dáng chị nhanh tay gom từng bông lúa chín vàng. Bên cối xay, bên chày giã gạo, chiếc nia, chiếc sàng tất bật, nhanh tay cho hũ gạo nuôi quân luôn đầy. Và trong cái thời mà đất nước sục sôi khí thế, áo bà ba lại theo các bà, các mẹ đi tải đạn, tiếp lương, giao liên, cầm súng chiến đấu, đưa quân cách mạng vượt sông hay áo bà ba duyên dáng trên sân khấu để động viên tinh thần bộ đội hăng say giết giặc... Hình ảnh người phụ nữ Nam Bộ mạnh mẽ, trung kiên luôn gắn liền với 3 món đồ bất ly thân là nón lá, khăn rằn và áo bà ba. Thương sao những đội du kích tóc dài đã bao phen gây khiếp đảm cho kẻ thù, tạo nên khúc tráng ca hào hùng mang tên Đồng khởi. Những cô giao liên, người nữ cán bộ cách mạng với áo bà ba, súng quàng vai đã tạo nét đặc trưng cho trang phục chiến đấu.

leftcenterrightdel
Hoa khôi Cần Thơ Huỳnh Thúy Vi đẹp dịu dàng với áo bà ba

Chiến tranh đi qua, chiếc áo bà ba lại đi về giữa những tiết nhịp của thường nhật. Áo bà ba thơm mùi khói bếp, đảm đang giữa chợ đông người hay thấp thoáng trên những nhịp cầu tre lắt lẻo, mềm mại trên những chuyến đò ngang, trên xuồng ba lá và bay bổng, lãng mạn quyện hòa trong những câu hò, điệu lý. Theo thời gian, dưới bàn tay khéo léo của các nhà thiết kế, từ chiếc áo bà ba đen thuần khiết ban đầu đã được tăng vẻ thanh thoát, cao sang bằng những cung bậc bổng trầm của màu sắc, họa tiết, hoa văn.

Áo bà ba xưa không có cổ áo, thân áo được ghép một mảnh vải nguyên ở phía sau và hai mảnh ở phía trước được cài bằng dãy khuy vừa vặn gần như bó sát thân hình người mặc. Áo được chít eo, xẻ tà vừa phải ở hai bên hông, thường chỉ kết hợp với quần đen hoặc trắng, nay áo bà ba được chế tác biến tấu, nửa thân trên bóp lại có eo, tay áo rộng và dài, có thêm thắt hoa văn, thân áo cũng rộng hơn và phía trước có gắn cườm với màu sắc đa dạng để tăng thêm phần sinh động cho chiếc áo. Áo bà ba xưa từng theo các mẹ, các chị xông pha trận mạc thì nay, chiếc áo bà ba không những xuất hiện trong đời sống hằng ngày mà còn sống trong sân khấu thời trang, hòa nhịp với tiết điệu đời sống thời hiện đại, truyền tải những thông điệp đẹp nhất về văn hóa và con người Việt Nam với bạn bè năm châu. Đặc biệt vào dịp Tết đến, xuân về, trên khắp các đường phố, dọc các chợ nổi trên sông rộn ràng, phấp phới những tà áo thân thương đó. Những cô gái thướt tha trên phố xuân hay trên chiếc xuồng ba lá, nghiêng nghiêng vành nón vẫy chào du khách tham quan, mua sắm trên chợ nổi ngày xuân hòa quyện vào những lời ca, tiếng hát ngọt ngào lại càng tăng thêm nét đẹp dịu dàng của chiếc áo bà ba.

Trải qua bao biến cố lịch sử, những thăng trầm của đời sống, áo bà ba vẫn còn đó, trường tồn vượt thời gian và là nét văn hóa độc đáo biểu trưng hoàn mỹ nhất cho vẻ đẹp của người phụ nữ Nam Bộ. Dù có phá cách, thêm màu sắc, hoa văn rực rỡ, áo bà ba vẫn giữ được “cái thần” của mình như nét duyên dáng, dịu hiền của người phụ nữ Nam Bộ. Để rồi những ai một lần về với miền Tây sông nước và bắt gặp “chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm” sẽ thấy “một lần thương là thương đến trọn đời”.

THÚY AN