Tết Nguyên đán gắn với văn minh lúa nước, cùng với văn hóa-văn minh sông Hồng, đã kết tụ và nảy sinh nhiều mỹ tục đặc sắc có ảnh hưởng lớn trong nền văn hóa dân tộc. Những nếp đẹp sinh ra trong thời hiện đại làm giàu thêm nền văn hóa lâu đời của chúng ta.

Từ tháng 11, khi hoa ngô trổ ở cánh đồng ngoại ô Hà Nội thì các nước châu Âu đã dựng cây thông đón Noel. Giáng sinh là lễ trọng của người theo Thiên Chúa giáo, đã thành hội lớn toàn cầu. Người châu Âu và Mỹ thường được hưởng kỳ nghỉ lễ một tuần mừng Giáng sinh và đón năm mới. Mọi ngôi nhà đều được dọn dẹp, trang hoàng, tỉa cỏ cây, trồng hoa trong vườn, hoa tươi cắm đầy bình lớn, nhỏ, bồn, chậu cảnh. Có gia đình  mua cây thông lớn để ngoài vườn trang trí rực rỡ, đèn lung linh từ trước Noel sang năm mới. Ở Việt Nam, quất vừa trĩu quả vừa có hoa, đào bích, đào phai, mai trắng, mai vàng... Hoa từ trại, bãi, lại có hoa lê từ vùng cao rợp các chợ hoa Hà Nội. Ai khấm khá thì bạo chi sắm hoa, cây cảnh. Mua sắm cho bản thân và gia đình; đề cao sự đoàn tụ, tặng quà, dành cho nhau nhiều lời chúc và niềm lạc quan trước thềm năm mới. Mỹ tục này là điểm tương đồng của người dân các châu lục. Do múi giờ, năm mới đến trước-sau một số nước, nhưng tập quán theo dõi Giao thừa ở những địa điểm nổi tiếng thế giới năm nào cũng gây hào hứng cho cả tỷ người.

leftcenterrightdel
"Bình minh xuân 2015" (sơn dầu)

Tết tạo nên sự hiệp đồng lớn trong xã hội khi mọi người được dịp thể hiện lòng nhân hậu, sẻ chia, nghĩa đồng bào, đồng loại với những số phận kém may mắn. Những năm qua, việc các doanh nghiệp, cá nhân chung sức xã hội hóa làm Tết càng ý nghĩa khi sự thực dụng và vô cảm đang căng thì người với người sống để thương nhau đánh thức lương tâm của nhiều người thường ngày không quan tâm ai khác. Cả ngàn vé máy bay, ô tô tặng, tíu tít những chuyến xe từ TP Hồ Chí Minh chở công nhân về quê miền Trung, miền Bắc hay các tổ chức, hội nhóm thiện nguyện quyên góp để có quà áo ấm, bánh chưng, gạo thịt cho người nghèo, trẻ em vùng cao đã thành mỹ tục của cộng đồng lớn-quốc gia. Tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” này phát huy từ truyền thống ngàn năm, dù không dư dật cũng tỏ ra xông xênh, hào phóng hơn thường ngày để mong năm mới gặp may, sung túc.

Trùng Khánh, Cao Bằng quê nội của tôi, ăn Tết to. Miền tây tỉnh địa đầu núi đá hùng vĩ là nơi tập trung những gì đẹp nhất Cao Bằng, từ phong cảnh đến đặc sản quý. Hạt dẻ to duy nhất Việt Nam chỉ có ở Trùng Khánh, danh thắng thác Bản Giốc mê hồn, động Ngườm Ngao (động Hổ) trứ danh. Cao Bằng,

Lạng Sơn là nơi sống tập trung chủ yếu của người Tày, Nùng. Tết Nguyên đán ăn to, rằm tháng Giêng ngây ngất tràn trề thức ngon sơn cước, rằm tháng Bảy cứ đếm đầu người trong nhà của khách mà đãi vịt quay, mỗi người một con, da quết mật ong, bụng vịt nhồi lá mắc mật... Trùng Khánh nên thơ, hùng vĩ, đẹp lạ, hiếu khách, phóng túng và thượng võ là ngôi sao kiêu hãnh của cả tỉnh Cao Bằng, là miền nghệ thuật của nhà thơ dân tộc Tày-Y Phương: “Lên Cao Bằng xin đừng làm lạ/ Mời rượu cả chum, mời quả cả cây/ Đi qua bản không vào nhà là người già trách đấy/ Tết tháng Giêng hẹn từ tháng Bảy/ Tin nhau không nói nhiều lời” (Lên Cao Bằng).

Tin nhau là cảm giác chủ đạo lan tỏa đầu năm. Mọi người thoải mái, rộng lượng, chiều ý nhau hơn. Ai cũng muốn vui vẻ, nhanh chóng. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, chúc cho người khác những điều tốt đẹp là mong cho bản thân, người thân, dòng tộc, xã hội. Tục “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” vẫn duy trì. Cuối năm sửa, xây nhà đẹp, tân trang mộ phần cho người quá cố. Trong năm, nhà nào có tang thì coi như “vận áo xám”, Tết không đến chơi nhà khác. Không cáu gắt, khóc lóc kìm nén và tạm quên những đau khổ, lo âu. Tết cho mọi người những ngày vui đầu năm chan hòa ấm áp, ấm từ trong lòng được quyền hy vọng.

Hẹn trước, sắp đặt hay tình cờ, người xông nhà đầu năm là khách hay chính thành viên trong gia đình, họ hàng, nhân vật đầu tiên đến, lời chúc tốt lành vang lên từ cổng sẽ khiến cả nhà hoan hỉ khi hợp tuổi, tính xởi lởi, công thành danh toại, họ sẽ đem đến phước lành, niềm vui, hanh thông năm mới. “Xin Trời Phật phù hộ cho... không bao giờ có những người không được thương yêu, không bao giờ có những cây không nảy lộc, những cặp mắt không sáng ngời và cũng không bao giờ lại có những con người xảo trá, tham tàn, độc ác...”. Như lời cầu nguyện mà nhà văn Vũ Bằng đã viết trong Thương nhớ mười hai, tôi coi xuân là mùa để sáng tạo và yêu thương.

Nhà thơ VI THÙY LINH