“Đồ cổ quý hiếm”
PGS, TS Đỗ Thị Hảo là người con gái Hà Nội chính gốc. Bà sinh ra trong một gia đình nhiều đời sống ở các quận nội thành Hà Nội với nền nếp gia phong chuẩn mực. Tiếp xúc với bà, hẳn ai cũng sẽ cảm nhận được vẻ đẹp khiêm nhường, giản dị, tinh tế… Từng đỗ Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vì yêu thích văn học cổ đại từ nhỏ, nhưng cơ duyên lại đưa bà đến với lớp đại học Hán Nôm đầu tiên do Viện Văn học thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) mở vào năm 1965. Lớp học ấy chỉ có 18 học viên, phần lớn là giảng viên các trường đại học, hoặc chuyên viên nghiên cứu văn học, chỉ có bà và hai học viên khác là vừa tốt nghiệp phổ thông. Đến nay, nhiều học viên thế hệ ấy đã qua đời, chỉ còn lại rất ít người vẫn theo đuổi sự nghiệp. Vì lẽ đó nên PGS, TS Đỗ Thị Hảo được nhiều người gọi vui là “đồ cổ quý hiếm”.
Năm nay, dù ngoài 70 tuổi nhưng bà chưa bao giờ ngừng nghỉ công việc. Bà vẫn nghiên cứu lịch sử, văn hóa đất nước có liên quan đến Hán Nôm, hướng dẫn luận án cho nghiên cứu sinh; tổ chức, tham dự hội thảo liên quan đến lễ, tết, phong tục tập quán và văn hóa Hà Nội... Ngoài ra, bà còn kiêm rất nhiều việc trên cương vị Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật Hà Nội. Đặc biệt, cứ gần đến Tết Nguyên đán hay trước các dịp lễ trọng trong năm, PGS, TS Đỗ Thị Hảo lại bận “trăm công nghìn việc”. Gần 40 năm qua, nữ chuyên gia Hán Nôm này trở thành chỗ dựa của rất nhiều người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận. Người thì nhờ làm câu đối để chạm khắc lên gỗ, người nhờ tư vấn việc thờ cúng tổ tiên hoặc thờ các vị thần, thành hoàng làng tại đình, đền ở địa phương. Lại còn các cơ quan báo đài nhờ bà đi về các làng quê tư vấn nội dung quay các chương trình về phong tục Tết Việt...
Làm việc ở một lĩnh vực hiện ít người trẻ theo đuổi, nhưng PGS, TS Đỗ Thị Hảo lại luôn cảm thấy có một sức hút kỳ diệu bởi di sản văn hóa mà các cụ ta để lại. Bà phải tranh thủ đọc sách mọi lúc, mọi nơi để bổ sung kiến thức. Cứ ở đâu có phong tục hay, lạ là bà lại tới đó tìm hiểu đưa vào kho tàng văn nghệ dân gian Việt Nam. Hầu như bà có mặt ở tất cả các di sản văn hóa của đất nước để lấy tư liệu, tư vấn phục chế các hiện vật, bảo tồn vốn quý của dân tộc. Riêng văn hóa Hà Nội và phụ nữ là hai chủ đề bà tâm huyết hơn cả. Có những công trình bà và các cộng sự đến thư viện nghiên cứu suốt 4-5 năm liền mới hoàn thiện. Nữ chuyên gia miệt mài làm việc với mong muốn cung cấp những thông tin bổ ích với đời sống nhân dân.
Hơn nửa thế kỷ qua, PGS, TS Đỗ Thị Hảo là tác giả và chủ biên rất nhiều cuốn sách được bạn đọc yêu thích, như: “Sự tích các nữ thần Việt Nam”, “Sự tích các bà thành hoàng làng”; “Các nữ tác gia Hán Nôm Việt Nam”, “Phụ nữ Việt Nam qua thư tịch Hán Nôm”, “Làng nghề, phố nghề Thăng Long-Hà Nội”, “Ẩm
thực Thăng Long-Hà Nội”, “Dấu xưa, chuyện cũ Thăng Long-Hà Nội”, “Chợ Hà Nội-xưa và nay”; “Tục hay, lệ lạ Thăng Long”; “Sự tích các thành hoàng Thăng Long-Hà Nội”… Nhiều cuốn sách trong số đó đã được trao tặng Giải thưởng Thăng Long và văn học-nghệ thuật Thủ đô.
Tục hay ngày Tết
Cả cuộc đời gắn bó với công việc nghiên cứu, bảo tồn văn hóa nên dường như các phong tục truyền thống của dân tộc đã thấm sâu vào tâm hồn người phụ nữ Hà Nội này. Cũng dễ hiểu khi bà cùng các bậc thầy như GS Trần Quốc Vượng, cụ Nguyễn Xiển kiên quyết phản đối quan điểm sáp nhập Tết ta với Tết tây mà nhiều chuyên gia đã và đang tranh luận trong suốt thời gian qua.
Theo PGS, TS Đỗ Thị Hảo, Tết Nguyên đán (hay còn gọi Tết Cả) là cái tết quan trọng nhất trong năm của người Việt. Là tâm tư, tình cảm, mong ước của người dân được nghỉ ngơi sau một năm vất vả với những mùa vụ bội thu. Đây là dịp để tất cả mọi người trở về cội nguồn sum họp, đoàn tụ với gia đình, với quê hương, đất nước. Dù ai đi làm ăn xa, dù đi đâu về đâu cũng muốn sắp xếp để về quê ăn Tết.
|
|
Gia đình PGS, TS Đỗ Thị Hảo vẫn thường xum họp vào ngày đầu năm mới |
Trước đây, người dân háo hức, mong chờ đến Tết nên chuẩn bị rất công phu. Để có nồi bánh chưng ngon, có khi phải chuẩn bị trước cả tháng. Vì đồ thờ cúng năm mới thiêng liêng nên phải chọn nguyên liệu rất kỹ, từ gạo nếp, đỗ xanh thật ngon, đụng thịt lợn ở đâu… Thời bao cấp, nhiều gia đình trong khu tập thể nơi bà sinh sống còn chung nhau nồi bánh chưng. Người đi tìm gạch, kiếm củi nhóm bếp, người đi lên chợ Bưởi chọn mua lá dong, dây lạt. Gạo nếp, thịt lợn thì mỗi nhà góp một ít vào gói chung. Khi gói thì đếm tất cả các nhà có bao nhiêu trẻ em thì gói thêm từng ấy cái bánh chưng con con. Vui nhất là thời gian nấu bánh. Người lớn, trẻ em quây quần trò chuyện rôm rả xung quanh nồi bánh chưng đang sôi sùng sục. Ngày ấy tuy khó khăn nhưng không khí Tết rộn ràng, đầm ấm vô cùng, cộng đồng gắn kết, tình làng nghĩa xóm keo sơn... Bây giờ nhớ lại, bà Hảo cùng một số chị em trong khu tập thể lại ước ao: “Bao giờ cho đến ngày xưa?”.
“Nếu ngày Tết ai cũng đóng cửa nhà đi du lịch nước ngoài thì đến một lúc nào đó những phong tục truyền thống sẽ không còn. Không giữ được các phong tục truyền thống thì đâu còn bản sắc văn hóa của Tết Việt”, bà nói.
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, người Việt đã xây dựng nên biết bao phong tục tốt đẹp mỗi khi năm hết, Tết đến. Nhiều nơi có những tục lệ vô cùng độc đáo và nhân văn. Chẳng hạn, ngày xưa cứ đến Ba mươi Tết, các gia đình ở Hà Nội đều quét dọn nhà cửa sạch sẽ, trang trí bàn thờ, bày mâm ngũ quả, cắm cành đào, treo câu đối đỏ hoặc tranh dân gian Hàng Trống, Kim Hoàng vui tươi, rực rỡ. Bởi trong tư duy người Việt, Tết là mở đầu năm mới, phải chọn màu sắc mang lại may mắn. Thế nên câu đối thường được viết trên nền giấy đỏ, nội dung hướng đến những điều tốt đẹp về sức khỏe, làm ăn thuận lợi, con cháu học hành thi cử đỗ đạt. Với những gia đình trí thức, có vị đỗ khoa bảng thì thường khắc câu đối lên nền gỗ rất công phu để lưu truyền tinh thần hiếu học từ đời này sang đời khác.
Ở làng Hoàng Xá, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa (tỉnh Hà Tây, nay là Hà Nội) trước đây nổi tiếng với tục cắt đúm vào phiên chợ cuối năm (họp vào 23 tháng Chạp-ngày ông Công, ông Táo lên chầu trời). Đúm là một cái túi vải xinh xinh đựng một thứ gì của con gái như gương, lược, đôi khuyên tai, cau trầu, ít đồng xu… buộc hờ hờ sau lưng để anh chàng nào thấy ưng thì cắt trộm. Cứ vào phiên chợ ấy, trai chưa vợ, gái chưa chồng, nhất là những trai gái duyên muộn đều háo hức đi chợ và nhiều đôi đã nên duyên từ phiên chợ cắt đúm này. Còn ở thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên, từ bao đời nay vẫn duy trì phiên chợ Hiếu Nghĩa. Chợ họp duy nhất một lần trong năm, vào sáng 27 Tết và bán món cháo rất ngon. Vào ngày đó, những người bán hàng chuẩn bị sẵn bát đựng để con dâu, con gái đi chợ mua về biếu ông bà, bố mẹ ăn, thể hiện tấm lòng hiếu nghĩa với bậc sinh thành...
Nhiều nơi khác còn có tục thau rửa tất cả bình, chum, vại trong nhà vào ngày Ba mươi Tết rồi đổ đầy nước để cầu mong sang năm mới của cải sinh sôi. Còn trước cổng nhà thì dùng vôi vẽ một vòng tròn rồi vẽ thêm một mũi tên chỉ ra ngoài đường, ý muốn xua đuổi tà ma, xua đi những điều xấu trong năm mới. Những phong tục này hiện rất ít nơi thực hiện trong dịp Tết cổ truyền.
PGS, TS Đỗ Thị Hảo cho rằng, dù kinh tế-xã hội đổi mới thì vẫn cần phải giữ lại những phong tục hay trong ngày Tết của dân tộc. Đó là dịp để gắn kết tình cảm mọi người trong gia đình, dòng họ, đoàn kết cộng đồng làng xã, khu phố với nhau. Đặc biệt, Tết đến, xuân về, người ta thường ước mơ, khát vọng hướng đến những điều tốt đẹp, có được tương lai xán lạn. Đó là tư duy rất đáng trân trọng, rất cần khích lệ để phát huy với thế hệ trẻ ngày nay. Có mong ước, khát vọng tốt đẹp như thế con người ta sẽ nỗ lực biến thành hành động, việc làm hướng thiện, góp phần xây dựng xã hội ngày càng giàu đẹp, văn minh. Các cụ có câu: “Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân” (tức là Trời không phụ những người có lòng tốt). Mình cứ làm việc thiện thì nhất định mình sẽ đạt được mong ước.
Bài và ảnh: HÀ THANH MINH