Ông Chí hỏi người mang quân hàm trung tá:

- Những năm 1968-1970, đồng chí ở đơn vị nào?

- Lúc ấy em còn chưa đủ tuổi vào bộ đội mà-ông trung tá chợt nhìn kỹ người đối thoại, ánh mắt sáng lên, nói tiếp-Em

nhìn bác cũng thấy quen quen.

- Dạo ấy mình là Đội trưởng Đội Điều trị 35 ở Tà Vèn Oọc.

- Bác Chí à?

- Phải rồi, còn em?

- Em là Khăm Đi. Ngày đầu đưa bác với bác Nên đi tìm mật ong rừng, rồi được bác cứu trong trận B-52 rải thảm đấy.

- Ô, Khăm Đi!-Ông Chí choàng ôm Trung tá Khăm Đi hồi lâu, bỗng mắt ông nhòa lệ, mừng xiết bao khi gặp lại người bạn Lào sau bao nhiêu năm xa cách...

leftcenterrightdel

Các cựu chiến binh Việt Nam và bạn Lào tại Tà Vèn Oọc, Lào

(từ phải sang: Trung tá Khăm Đi và Đại tá, bác sĩ Trần Mạnh Chí).

Ngày ấy, cán bộ, chiến sĩ đội điều trị của ông còn phải quen dần với lối sống “du cư”. Đến đâu cũng phải xây cơ ngơi cho đàng hoàng. “Chuyên gia nhí” Khăm Đi đã giúp đội điều trị tìm thứ thuốc bổ là mật ong rừng. Đi trong rừng Tà Vèn Oọc mùa xuân, ai cũng cảm thấy như được ướp một thứ hương thơm đặc biệt, không nồng gắt như hoa sữa mùa thu, cũng không dễ thoảng qua như hương của các chùm phong lan rừng. Khi đó dường như ta nghe có tiếng vỗ cánh nhè nhẹ, âm âm u u của muôn ngàn con ong vô hình đang bay đâu đó, cùng khứu giác ta luôn cảm nhận được mùi hương đầy sức mê hoặc của rừng. Nhưng, nhìn kỹ xung quanh, hay ngẩng lên tịnh không thấy một bông hoa nào lộ diện. Khăm Đi bảo: Thứ hoa đó cũng không biết gọi tên là gì. Nó nhỏ li ti, mọc tít ngọn cây cao, trên những tán lá rậm rạp kia. Chỉ có ong mới tìm được nó thôi, loài hoa nhỏ xíu vậy mà bông nào nhụy cũng chứa đầy ắp một thứ mật ngọt thơm.

Nói rồi Khăm Đi dừng trước một gốc cây to bên con đường mòn rải đầy lá ải mục đen thẫm. Khăm Đi chỉ một miếng ván gỗ trắng táp vào chạc cây, trên ván có hình vẽ cánh hoa mai bằng vôi, một lỗ nhỏ khoét giữa, chốc chốc lại có chú ong chui ra vù bay đi ngay. Đấy là tổ ong của dân nuôi lấy mật và Khăm Đi đã truyền lại những bài học nuôi ong đầu tiên cho đội điều trị. Khăm Đi còn cho biết, ở đây thuộc huyện Dak Cheung, tỉnh Tà Vèn Oọc, một vùng mới giải phóng của Lào. Dân bản đặt tên núi là núi Ong, suối là suối Mật. Chính cụ cố sáu đời của Khăm Đi đã tìm ra ngọn núi này và dạy dân bản cách nuôi ong lấy mật. Nguồn mật dồi dào giúp trẻ con mau lớn, người đau chóng lành, người già sống lâu. Cho nên dân bản muốn nhường núi Ong cho bộ đội Việt Nam, giúp anh bộ đội bị thương mất nhiều máu và anh bộ đội bị ốm, sốt rét chóng hồi phục sức khỏe.

Thế rồi việc nuôi ong đang được Đội Điều trị 35 triển khai có kết quả thì xảy ra trận bom B-52 Mỹ rải thảm vào nửa đêm 20-3-1970. Trong giây lát, đất trời đảo lộn, ầm ầm rung chuyển. Chính trị viên Nên gọi: “Anh Chí! Vào hầm chữ A đi!”. Những tiếng nổ liên hồi kéo dài hơn đợt trước, lục bục rung ép trong lòng đất. Nên bảo, còn đợt ba nữa. Thương binh, bệnh binh sao rồi? Đội trưởng Chí chợt hỏi lại Chính trị viên Nên và nói không thể chờ đợt bom thứ ba, phải cứu thương binh, bệnh binh trước đã. Hai anh từ hầm vọt lên. Mặt đất tối om. Tiếng kêu cứu vang đâu đó. Hơi bom B-52 đã vặt sạch lá cây rừng, không hiểu bằng cách nào mà nó lại nghiền vụn tất cả, khi hai anh chạy lên mặt đất là chạy trên một thảm lá xốp bập bềnh ngập sâu đến tận đầu gối, cứ theo hướng có tiếng kêu mà tìm đến.

Anh chị em đội điều trị bới đất đưa lên một số thương binh, bệnh binh ở các hầm xung quanh. Nhiều người bị đất đá vùi và thêm vết thương mới. Hầm mổ tuy bị sạt một góc nhưng vẫn còn chỗ để mổ. Đội trưởng Chí bảo đưa ngay người bị thương nặng nhất lên bàn, dùng đèn pin soi mổ. Người nặng nhất lúc ấy chính là Khăm Đi. Cả ngày hôm trước, Khăm Đi dẫn đội hậu cần đi vắt mật gần một chục tổ ong nuôi trong rừng, rồi nghỉ lại đơn vị định sáng hôm sau cùng anh em đi vắt nốt số tổ còn lại. Khăm Đi bị liền hai vết thương, một bên phế nang phổi phòi ra khỏi lồng ngực. Anh Nên liền gột rửa chỗ ngoài vết thương của Khăm Đi bằng một bi đông nước đun sôi để nguội có sẵn, còn bác sĩ Chí vội dùng tấm gạc ép đưa phổi Khăm Đi vào, rồi bọc lót và khâu kín chỗ vết thương. May sao, không có đợt rải thảm thứ ba! Trời sáng rõ, mặt ai cũng đầy đất cát, máu và bụi khói. Sức trẻ cùng sự cấp cứu kịp thời giúp Khăm Đi tỉnh lại và Khăm Đi được chuyển ngay lên tuyến điều trị cao hơn.

Khăm Đi kể với bác sĩ Trần Mạnh Chí là sau khi được điều trị khỏi vết thương, Khăm Đi trở về bản tham gia đội du kích và nhập ngũ khi chưa đầy 18 tuổi, trở thành chiến sĩ Pathet Lào từ mùa xuân 1972, có thời gian khá dài là Huyện đội trưởng huyện Dak Cheung...

Trước khi đoàn cựu chiến binh lên đường, dân bản tặng mỗi người một chai mật quý, vàng óng màu hổ phách được bầy ong cần cù tinh luyện trong rừng Lào nguyên thủy...

Bài và ảnh: PHẠM QUANG ĐẨU