Thế nhưng, ở bài thơ Năm mới chúc nhau lại ngược hẳn với tập tục truyền thống chúc Tết của dân tộc. Vì sao? Vì vào thời mà xã hội nửa thực dân-nửa phong kiến, thời mà Tú Xương sống, trước cảnh đất nước chìm đắm trong bần cùng nô lệ, trong cay đắng tối tăm đè nặng lên mỗi phận người, kiếp đời thì nỗi đau khổ ấy đã đẩy đến độ khốn cùng, trong đó có bản thân Trần Tế Xương và gia đình ông. Không thể chịu đựng được thói giả dối, tham lam; sự hợm hĩnh lố lăng của một tầng lớp người ô trọc giàu có nhưng ngu dốt nên suốt 4 khổ thơ dài 16 câu, Trần Tế Xương không ngần ngại vạch trần bộ mặt, tâm lý giả dối và thói vô đạo đức của xã hội phong kiến đương thời.
Mở đầu bài thơ “Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau” đã cho ngay một thông điệp về tư thế ứng xử. Tác giả, với tư cách là người bề trên, đứng bên trên, bên ngoài, đang quan sát nhìn xuống cái sự “chúc nhau” của đám người “nó”. “Nó” là đại từ chỉ để gọi một lớp người có vị trí thấp hơn mình, vừa xa cách, vừa mang tính miệt thị coi thường. Ở đây câu thơ ngầm ám chỉ về cái sự “chúc” không bình thường sắp xảy ra của đám người “nó”. Chúng chúc nhau cái gì? “Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu”. Hóa ra, chúng chúc nhau sống lâu, sống thọ. Ngày xưa, khi mà cuộc sống còn nghèo nàn lạc hậu, đa số nhân dân chìm đắm trong cảnh bần cùng, đói nghèo, bệnh tật, thì người sống đại thọ, cùng lắm cũng chỉ tới bảy mươi đã được coi là của hiếm “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”-“Người thọ bảy mươi xưa nay hiếm”. Vậy mà đám người này chúc nhau “trăm tuổi bạc đầu râu” thì quả là đại đại thọ. Là triệu người may có một, hai. Nhưng nếu sống thọ mà thiện lương, trong sáng, có ích, sống thọ khỏe mạnh, mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho gia đình, con cháu thì cũng là đáng quý. Chứ sống đến trăm tuổi mà như tác giả nói, chỉ ngồi một chỗ vênh vang hưởng thụ sự giàu có, răng rụng không còn một chiếc thì còn tích sự gì. “Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu”. Vì không còn răng nên mới mua cối để giã, rồi bỏm bẻm nhai trầu “nhàn cư vi bất thiện”, lại nảy sinh tật xấu, nung nấu trăm phương nghìn kế hại người, hại xã hội thì quả là tệ hại.
Và, cái mà chúng ta dự báo đã được tác giả làm rõ về thân phận đám người này: “Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang/ Đứa thời mua tước, đứa mua quan”. Đám người đó, chúng là ai? Chúng chính là một bọn ma cô chuyên làm nghề buôn vua bán chúa, được tác giả định danh rành mạch là “mua tước, mua quan”. Một lớp người mà như ngôn ngữ ngày nay gọi là mafia, hay là bọn cơ hội lưu manh chính trị. Bọn người này thường xuất hiện tràn lan trong một xã hội đã mục ruỗng suy tàn. Ở đây, giai cấp thống trị đã tỏ ra đồi bại thối nát. Chúng biến chất và tha hóa đến không còn nhân tính nên chuyện mua bán quan tước trở nên phổ biến. Đối với một xã hội lành mạnh và tử tế, con người ngoài việc bảo đảm cho mình một đời sống ổn định, còn không ngừng rèn luyện và tu dưỡng tư thế sống sao cho thanh tao lịch thiệp. Người ta ở đời không phải chỉ chăm chăm chức tước mà còn cần một trí tuệ mẫn tiệp, một tâm hồn trong sáng, cao thượng. Nên nếu có làm quan cũng phải là “Y phục xứng kỳ đức”. Có như vậy mới thực sự có giá trị, mới được người đời tôn vinh, trân quý. Đằng này, cái thời đại mà Tú Xương sống, quan quyền, chức tước chỉ là thứ mua đi bán lại của đám người ô trọc giàu sang. Cái chức tước mua bán ấy là thứ trang trí bên ngoài lăng xăng lố nhố, kệch cỡm và vô học hiện ra giữa chốn quan trường nhếch nhác, thật đáng khinh mà thôi.
Thói thường, bọn người dám mua quan bán tước chúng cũng có gan “bán trời không văn tự”. Chúng sẵn sàng bất chấp luân thường đạo lý, thường kết bè kéo cánh, tạo lợi ích phe nhóm. Chúng đạp lên dư luận, đạp lên lẽ phải, ruồng bỏ những người chính trực có lương tri và nhân cách, gạt ra bên lề những người không cùng lợi ích phe nhóm. Bởi vậy tác giả đã không ngần ngại vạch trần chúng bằng một nụ cười giễu cợt, đả kích mạnh mẽ và cay độc vào bộ mặt giả dối của lớp người giàu có, dị hợm đương thời...
Hãy nghe chúng tiếp tục chúc nhau: “Chúng lại chúc nhau cái sự giàu/ Trăm, nghìn, vạn mớ để vào đâu?”. Quả là, cái bọn giàu có bằng con đường bất chính lại có lòng tham không đáy. Chúng đã có trăm, nghìn, vạn mớ, tiền của nhiều đến mức vương vãi như thóc rắc cho gà ăn: “Phen này, ắt hẳn gà ăn bạc”, nhưng rồi vẫn muốn có trăm, nghìn, vạn mớ nữa. Thường những kẻ trọc phú, ngu dốt thì luôn hãnh tiến, tham lam. Chúng khao khát quyền lực, khao khát tiền bạc. Lòng tham đối với chúng là khôn cùng, không có điểm dừng. Vì tiền và quyền, chúng có thể tìm mọi cách, mọi thủ đoạn, kể cả những thủ đoạn tàn nhẫn nhất để đạt mục đích. Chúng sẵn sàng đạp lên lợi ích của nhân dân, của số đông. Chúng đè đầu cưỡi cổ những người lương thiện để lấy đi mồ hôi nước mắt của họ. Chúng có quyền thì mặc nhiên có tiền, có người nâng kẻ rước, nịnh hót cơ hội bu bám như ruồi nhặng xung quanh, nên chúng càng ham. Rồi nữa, chúng mua quan bán tước, làm giàu không chỉ cho riêng mình mà còn lo cho cả gia đình, con cái, bầu đoàn thê tử nhiều đời. Thì đây: “Nó lại mừng nhau sự lắm con/ Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn”. Chúng chúc nhau sinh con đẻ cái đầy đàn đầy lũ. Chúng càng sinh con đẻ cái nhiều thì càng ra sức bóc lột nhân dân. Vì chỉ có như thế chúng mới kiếm được nhiều tiền để lại cho con dòng cháu giống. Con cháu chúng nhiều đến mức “Phố phường chật chội người đông đúc”. Và cũng vì thế mà tác giả đưa ra lời cảnh tỉnh: “Bồng bế nhau lên nó ở non”…
Có lẽ vì phải sống và chứng kiến tận mắt những cảnh lố lăng kệch cỡm của đám quan quyền ô trọc nên Tú Xương không thể kìm nén nỗi uất ức đã dồn nén qua bao ngày tháng, đến lúc phải bung ra bằng tiếng cười chua cay đau đớn, sắc như lưỡi mác đâm thẳng vào mặt lũ người giàu có, hãnh tiến, tham lam. Với Tế Xương, khi nhắc đến ông là người ta nghĩ ngay đến ngòi bút trào phúng đau đớn chua cay mà mạnh mẽ quyết liệt. Ông không thỏa hiệp với cái ác, cái xấu. Tiếng thơ ông cất lên như ngọn roi vút vào da thịt lũ người nhố nhăng vô đạo, không biết trời đất là gì. Ông tuyên chiến với chúng, xác định rõ ràng chúng là kẻ thù không đội trời chung. Ông căm phẫn và khinh ghét chúng đến tột cùng. Bởi lẽ đó, trong suốt bài thơ, ông liên tục gọi lũ người hám danh trục lợi này là “nó”, “đứa” và xưng “ông” với chúng. Đây là một thái độ châm biếm không khoan nhượng của nhà thơ. Thái độ châm biếm không khoan nhượng này còn được lặp đi lặp lại nhiều lần: “Nó chúc nhau”, “đứa giã trầu”, “nó chúc sang”, “đứa mua quan”, “nó lại mừng nhau”…
Bằng một bút pháp châm biếm đả kích độc đáo, Trần Tế Xương sử dụng mọi biện pháp cường điệu, ngoa dụ, thậm chí là phóng đại, nhằm lột tả tận cùng bản chất ngô nghê vừa bật cười, vừa khinh bỉ của tác giả với đối tượng được phản ánh, mà cụ thể ở đây là bọn mua quan bán tước. Năm mới chúc nhau là một bài thơ mà ngọn roi trào lộng của tác giả không chút e dè ngần ngại, vụt thẳng vào bộ mặt già nua kệch cỡm, thói rởm đời của những kẻ giàu có ô trọc, sống trên mồ hôi nước mắt của đồng loại. Những kẻ dối trá bịp bợm bán chúa buôn vua, sống phè phỡn trong bạc vàng tiền của mà làm ngơ trước nỗi đau, sự khốn cùng ngột ngạt của nhân dân lao động dưới chế độ thực dân, phong kiến.
Đã gần một trăm năm trôi qua, Năm mới chúc nhau đang còn văng vẳng lời chúc Tết ồn ào, chướng tai của lớp người giàu sang hãnh tiến, làm bật ra bao tiếng khóc cười, vừa uất ức ngột ngạt, vừa căm phẫn khinh bỉ. Hồn thơ Tú Xương như còn phảng phất đâu đây, vọng vang lời cảnh báo về một xã hội suy đồi đã qua, nhưng chắc hẳn vẫn còn nguyên tính thời sự với ngày hôm nay.
Nhà thơ TRẦN ANH THÁI