Đó là hai danh hiệu lớn cho cuộc đời hoạt động không mệt mỏi của người chiến sĩ cách mạng đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng nền văn hóa Việt Nam. Sự tôn vinh những danh hiệu cao quý cho Người là niềm vinh dự cho cá nhân, cũng là niềm vinh dự chung cho cả dân tộc. Trong lịch sử của các nước, không dễ có một danh nhân nào kết hợp được hai danh hiệu Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất. Sự tôn vinh ấy dựa trên quá trình đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho sự nghiệp của dân tộc và cho phong trào giải phóng các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Những phẩm chất và những giá trị về tư tưởng văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng tiêu biểu cho sự kết hợp giữa truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam với văn minh nhân loại, giữa văn hóa phương Đông và phương Tây và sự tiếp nhận có hiệu quả những giá trị văn hóa của nhân loại. Kể từ năm 1911, trên hành trình đi tìm đường cứu nước, Người đã hoạt động và đi qua hơn 30 nước, đặc biệt là có những hoạt động xuất sắc ở một số cường quốc về kinh tế, khoa học kỹ thuật và văn hóa. Người tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, tham gia hoạt động trong Quốc tế Cộng sản, rồi trong Ban Chấp hành và Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân... Người đã sáng lập ra các tờ báo quan trọng và viết hàng trăm bài báo bằng nhiều thứ tiếng. Người cũng là tác giả của nhiều cuốn sách quan trọng, như: Bản án chế độ thực dân Pháp, Đường kách mệnh, Nhật ký trong tù, Đời sống mới, Sửa đổi lối làm việc… Đặc biệt, Người đã đề xuất nhiều luận điểm quan trọng về văn hóa và văn nghệ. Có thể nói, toàn bộ những hoạt động văn hóa-văn nghệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một di sản lớn cho nền văn hóa-văn nghệ Việt Nam thời kỳ hiện đại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội. Ngay trong thời kỳ trước cách mạng, trong cảnh tù đày ở nhà tù Tưởng Giới Thạch, Người đã ghi trong cuốn sổ chép thơ một định nghĩa về văn hóa: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sử dụng tổng hợp mọi phương thức sinh hoạt cùng với những biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Cách mạng Tháng Tám thành công, trước tình cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, thù trong giặc ngoài, cuộc sống còn đói kém, đa số dân mù chữ..., Người kêu gọi chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Người cho rằng, một dân tộc dốt thì không thể nào có sức mạnh. Phong trào diệt dốt được phát động khắp nơi, thông qua các lớp bình dân học vụ, qua các lớp học ở cơ quan, đơn vị...

Là danh nhân văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ vai trò và sức mạnh của văn hóa nên đã sớm hơn nhiều chính khách ở các quốc gia là chỉ ra vai trò của văn hóa trong quốc sách dân tộc. Năm 1946, trong đại hội văn hóa, Người chỉ rõ: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Và ngay trong năm đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, Người viết cuốn Đời sống mới (ký bút danh Tân Sinh) là một công trình thảo luận về văn hóa hết sức kịp thời và thiết thực. Đặc biệt, trong kháng chiến chống Pháp, Người nhấn mạnh phương châm “Kháng chiến hóa văn hóa” và “Văn hóa hóa kháng chiến”. Người nêu lên một tư tưởng cơ bản có tính chiến lược: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Quan điểm chỉ đạo này có ý nghĩa quan trọng, xem văn hóa như một mặt trận giống như các mặt trận kinh tế, chính trị. Gọi là “mặt trận” cũng hàm nghĩa phải mang tính tranh đấu, nhất là trong những năm kháng chiến giải phóng dân tộc, văn hóa phải là mũi nhọn về tư tưởng để phê phán những luận điệu xảo trá của kẻ thù, chống lại các ấn phẩm văn hóa nô dịch. Người xác định các văn nghệ sĩ cách mạng phải là chiến sĩ. Danh hiệu “Nhà văn chiến sĩ” là danh hiệu cao đẹp, có ý nghĩa khích lệ và nhấn mạnh trách nhiệm của những người hoạt động trên lĩnh vực này. Người còn nhấn mạnh văn hóa phải phục vụ con người, vì con người. Xây dựng văn hóa là trách nhiệm chung của nhân dân... Những ý kiến trên đây càng chứng tỏ tài năng, những suy nghĩ chiến lược về văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ sau cách mạng thành công và trong kháng chiến cứu nước muôn vàn gian khổ.

Với quan niệm văn hóa-văn nghệ phải thiết thực đóng góp vào nhiệm vụ cứu quốc, Người đã viết nhiều bài thơ cách mạng trong thời kỳ hoạt động bí mật, những bài thơ đóng góp trực tiếp trong phong trào Việt Minh như: Ca đội tự vệ, Bài ca du kích và các bài thơ kêu gọi công nhân, nông dân, phụ nữ, thiếu nhi… tham gia phong trào đánh đuổi Nhật, Tây. Nhiều bài thơ đã đi vào phong trào quần chúng, góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần cho phong trào cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa. Quan niệm về thơ ca là thế, nhưng không phải Người chỉ chú ý đến tính phổ cập, đến tác dụng tuyên truyền mà xem nhẹ giá trị nghệ thuật. Nhà thơ Quách Mạt Nhược (Trung Quốc) cho rằng, trong tập Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh có nhiều bài thơ để lẫn với thơ Đường, thơ Tống cũng khó phân biệt. Đây là cách nói của tác giả về khía cạnh nghệ thuật, còn nội dung tất nhiên là khác biệt. Cách mạng Tháng Tám thành công, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Người đã sáng tác những bài thơ rất hay thể hiện tấm lòng yêu nước, yêu cảnh thiên nhiên tươi đẹp của non sông đất nước, khích lệ tinh thần chiến đấu của quân dân. Các bài thơ tiêu biểu của Người như: Cảnh khuya, Rằm tháng Giêng, Cảnh rừng Việt Bắc, Lên núi... là những bài thơ hết sức đặc sắc. Thơ ca đối với Người cũng là một niềm vui trong thưởng thức và sáng tạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh có những bài thơ viết tự nhiên trong một số hoàn cảnh, như: Chúc mừng năm mới, mừng tuổi thọ… mang một ý nghĩa riêng sâu sắc.

Tìm hiểu, nghiên cứu di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta thấy sự đóng góp của Người về văn hóa-văn nghệ không bó hẹp trong phạm vi của đất nước mà có ý nghĩa nhân loại. Những luận điểm về văn hóa-văn nghệ của Người có giá trị lâu dài, không chỉ cho hôm nay mà còn cho những thế hệ mai sau.

GS HÀ MINH ĐỨC