Thầy giúp trò - trò giúp thầy
Đến trong đêm và ra đi lúc rạng sáng, một hành trình có thể nói là quá đỗi bình thường với các VĐV thể thao thành tích cao. Nhưng không hiểu sao, trong cái lạnh giá, rét đến buốt đầu ở Vũ Hán, nhìn bóng dáng hai thầy trò Đặng Anh Tuấn-Ánh Viên rời làng VĐV, tôi không khỏi chạnh lòng suy nghĩ.
Ở làng VĐV, mấy anh em chúng tôi ở chung phòng với HLV Đặng Anh Tuấn. Sáng 16-10, thấy HLV Đặng Anh Tuấn loay hoay ngoài ban công, tôi hỏi: “Anh có cần tôi giúp gì không?”. “À, tôi đang tìm hiểu cách sử dụng máy giặt. Lát nữa, Ánh Viên mang quần áo lên, tôi giặt đồ cho cháu”.
Cứ như chuyện Ánh Viên kể trong những lần anh em đi ăn trưa cùng nhau ở làng VĐV thì mọi chuyện bên Mỹ, thầy Tuấn chăm sóc tuốt tuồn tuột cho kình ngư số 1 Việt Nam. Ánh Viên bảo: “Em cũng có thể nấu ăn chứ bộ! Đơn giản lắm, món nào cũng nấu được. Bỏ đồ vào máy, bấm nút, rồi chờ máy nấu thức ăn cho mình. Ở Mỹ có máy nấu hộ mình, anh à”.
Ra là vậy. Trong những buổi tối hàn huyên cùng nhau, anh Tuấn có kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện về luyện tập thể thao đỉnh cao ở xứ cờ hoa. Đúng là nhiều khi ở nhà như “ếch ngồi đáy giếng” nên chuyện cũng chỉ biết dăm ba phần. Được nghe anh Tuấn kể chi tiết, tường tận trong 3 buổi tối, chúng tôi thêm hiểu những vất vả, cực nhọc mà hai thầy trò Đặng Anh Tuấn-Ánh Viên trải qua trong suốt 8 năm. Nhưng với tôi, chuyện anh Tuấn nỗ lực tự học để thi lấy bằng HLV dạy bơi cấp 4 ở Mỹ ấn tượng hơn cả.
Năm 2012, khi đưa nhóm VĐV sang Mỹ tập huấn, HLV Đặng Anh Tuấn mới hay muốn chỉ đạo học trò ở hồ bơi, trung tâm luyện tập thể thao dưới nước, anh bắt buộc phải có bằng HLV dạy bơi của Mỹ. Bằng không, “mời ông lên khán đài ngồi để VĐV tự tập dưới bể”-một bảo vệ hồ bơi đã nói với anh Tuấn như vậy khi phụ huynh Mỹ phản đối việc thầy Ánh Viên không có bằng dạy bơi của Mỹ nhưng vẫn đi lại quanh thành bể.
Bên Mỹ, gần như làm gì cũng phải có bằng cấp. Nếu làm chui, cảnh sát bắt thì ráng chịu. Cái khó ló cái khôn. Trong khoảng thời gian một tháng ngồi trên khán đài quan sát Ánh Viên tập bơi, HLV Đặng Anh Tuấn tranh thủ ôn thi để có thể lấy bằng HLV cấp 1 của Mỹ.
|
|
Hai thầy trò Đặng Ánh Tuấn-Ánh Viên đã sát cánh bên nhau, chia sẻ mọi vui buồn trong suốt 8 năm qua. |
Trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần, anh Tuấn nhớ lại: “Tôi chỉ có 3 tuần để chuẩn bị cho việc thi. Có 180 câu hỏi trong bài thi trắc nghiệm. Thi lấy bằng dạy bơi mà có đủ câu hỏi từ tự nhiên tới xã hội. Làm đúng 170 câu trở lên mới được cấp bằng”. Phải nói là trình độ tiếng Anh của anh Tuấn rất tốt. Hơn nữa, anh cũng thông minh, ham học hỏi, lại thương trò nên chỉ sau gần một tháng ôn luyện đã lấy được bằng HLV cấp 1.
Nói thì đơn giản nhưng để được bước vào kỳ thi này (chưa nói chuyện thi đỗ), thí sinh Đặng Anh Tuấn phải có đủ các chứng chỉ khác “giắt” quanh mình: Nào là chứng chỉ về cứu hộ, bảo vệ VĐV, hiểu kỹ thuật an toàn trên hồ bơi và lý lịch phải trong sạch.
Vậy là ban ngày lo cho các VĐV đi theo mình luyện tập, ăn uống, học ngoại ngữ… ban đêm, anh Tuấn cày cật lực để lấy được các chứng chỉ trên, rồi thi đậu HLV dạy bơi cấp 1 vào cuối tháng 2-2012.
Ở Mỹ, bằng HLV dạy bơi có 5 cấp. Nếu lên cấp 5 thì đủ trình độ dạy bơi trên toàn thế giới nên anh Tuấn quyết tâm “dùi mài kinh sử”. Ác nỗi, muốn lấy bằng HLV cấp 2, HLV phải có VĐV vô địch giải cấp bang mới được đăng ký thi. Muốn thi lấy bằng HLV cấp 3 phải có VĐV do mình trực tiếp huấn luyện đạt chuẩn A Olympic. Năm 2015, sau khi tuyển thủ quân đội Ánh Viên đạt chuẩn A dự Olympic, anh Tuấn có đủ điều kiện để đăng ký thi lấy bằng HLV cấp 3. Vậy là trò đã giúp thầy.
Thể thao đỉnh cao là khổ luyện
Tháng 3-2018, anh Tuấn đăng ký thi lấy bằng HLV cấp 4. Với bằng HLV cấp 3, anh hoàn toàn có thể dễ dàng kiếm được một công việc huấn luyện trong trường trung học hoặc đại học ở Mỹ với mức lương 100.000USD/năm, chưa kể có thể làm thêm ngoài giờ. Đây là mức lương cao, nhưng anh Tuấn nhận thức rõ nhiệm vụ của mình là hướng dẫn, chăm sóc, huấn luyện, hỗ trợ huấn luyện Ánh Viên và các VĐV khác của đội tuyển bơi Việt Nam trên đất Mỹ.
Nhớ lại quãng thời gian ở Mỹ từ năm 2012 đến nay, HLV Đặng Anh Tuấn trải lòng: “Ở nhà, ai cũng mừng cho tôi và Ánh Viên được đi Mỹ tập huấn, kêu đi như vậy sướng quá rồi. Mọi người nói chỉ đúng một phần. Đi chơi mới sướng, chứ đi làm, mà ở đây là lao động, luyện tập, thi đấu thể thao đỉnh cao thì không sướng. Bởi thể thao đỉnh cao là khổ luyện”.
Mấy năm gần đây, lãnh đạo Tổng cục Thể dục thể thao đều khẳng định sẽ sớm tìm HLV khác, chuyên gia mới cho Ánh Viên. Nhưng chuyện đâu có đơn giản như vậy. Với bằng HLV cấp 4 của Mỹ trong tay, HLV Đặng Anh Tuấn có thể viết ra giáo trình phù hợp tốt nhất cho Ánh Viên. Không ai hiểu Ánh Viên bằng anh và ngược lại, Ánh Viên chính là động lực, nguồn cảm hứng để anh Tuấn lấy được bằng HLV cấp 4, cũng như trang bị cho mình rất nhiều kiến thức, thi đạt nhiều chứng chỉ trong quãng thời gian qua.
Cho dù Ánh Viên đã được một số chuyên gia Mỹ dạy bảo, dìu dắt (hiện tại là chuyên gia Christopher Anderson, có bằng HLV cấp 4 như anh Tuấn) nhưng công bằng mà nói, HLV Đặng Anh Tuấn không những chỉ bảo cho “tiểu tiên cá” các kỹ thuật trên đường đua xanh mà còn truyền cảm hứng cho Ánh Viên trong cuộc sống.
Với các đội tuyển bơi như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia… họ sang Mỹ tập huấn có cả một đoàn chuyên gia, nhân viên đi theo giúp việc. Cũng không thể thiếu nhóm chuyên ghi chép, ghi hình, tìm hiểu kỹ các phương pháp huấn luyện, chế độ ăn uống, dinh dưỡng để sau này sao chép. Còn quân mình, hai thầy trò luôn động viên, sát cánh bên nhau trong những thời điểm khó khăn. Thầy trò như hai cái cánh vậy, giúp cho chuyến tập huấn thu được kết quả tốt nhất.
Nói đến bơi trên thế giới thì Mỹ thiên về sức mạnh, Nhật Bản thiên về kỹ thuật, còn
Australia thiên về sức bền. Nhưng tại sao kình ngư Australia và Nhật Bản vẫn sang Mỹ tập huấn triền miên? Đó là vì Mỹ vẫn và sẽ luôn là cường quốc số 1 trên đường đua xanh. Vậy không sang Mỹ thì có thể tập huấn ở đâu? Sang Mỹ là tốn kém, là phải đầu tư rất nhiều tiền. Như thầy trò Đặng Anh Tuấn-Ánh Viên đi Mỹ một năm tốn đến vài trăm nghìn USD nhưng sau này, chắc chắn chuyến tập huấn ở Mỹ của thầy trò Ánh Viên sẽ mang lại nhiều bài học giá trị, nhiều kinh nghiệm quý cho thể thao Việt Nam. Cũng không phải vô cớ trong thời gian ở Mỹ, HLV Đặng Anh Tuấn quyết tâm lấy cho được các bằng cấp HLV về bơi. Nếu anh ra bể bơi, giới thiệu tôi là HLV dạy bơi cấp 3, cấp 4 thì được dân tình ngưỡng mộ. Giới thiệu tôi là HLV dạy bơi cấp 5 thì thiên hạ cứ gọi là bái phục. HLV có bằng cấp càng cao, càng được phép truy cập vào mạng cơ sở dữ liệu để nghiên cứu kiến thức tổng hợp. Với bằng HLV dạy bơi cấp 4, anh Tuấn được cấp một tài khoản để truy cập vào hệ thống dữ liệu của Hiệp hội Bơi lội Mỹ (USA Swimming), tra cứu thông tin không giới hạn.
Đi ăn cùng thầy trò Ánh Viên, thấy tuyển thủ quân đội này cũng ăn uống như bao tuyển thủ khác, tôi hỏi: “Hình như em ăn kém hơn thường lệ, do đồ ăn ở đây (Vũ Hán) không ngon chăng?”. “Không anh, đồ ăn Trung Quốc rất ngon, rất dễ ăn”. “Anh thấy ngày trước em ăn khỏe lắm cơ mà”. “À, em hiểu rồi”. Năm 2013, không rõ lấy thông tin ở đâu mà truyền thông Việt Nam đưa tin rầm rộ mỗi bữa Ánh Viên ăn hết 1kg thịt bò, 50 con tôm, 1 đĩa mì to… Anh Tuấn bảo: “Thực ra, mỗi bữa Ánh Viên chỉ ăn nửa cân thịt bò, 250gram mì Ý sốt, một ly trái cây xay, nửa lít nước trái cây. Nếu không ăn thịt bò, Ánh Viên có thể ăn ức gà hoặc cá hồi”. Chờ thầy nói xong, Ánh Viên bảo tôi: “Chuyện tập huấn ở bên Mỹ của hai thầy trò, nếu nhìn lại, em cũng không tưởng tượng nổi sao mình lại có thể vượt qua được nhiều thời điểm cực kỳ khó khăn. Những lúc đó, thầy (Tuấn) luôn ở bên động viên em. Thầy chăm cho em và các bạn ở đội tuyển đi cùng từng li từng tí, thương bọn em như con cháu trong nhà. Em biết thời gian qua, thành tích của em đi xuống. Đó là do em dở chứ không phải lỗi của thầy”…
Nhìn bóng dáng hai thầy trò Đặng Anh Tuấn-Ánh Viên rời làng VĐV trong đêm tối, tôi thấy HLV Đặng Anh Tuấn như người lái đò lặng lẽ trong đêm.
THU HIỀN