Thượng tướng Trần Quang Phương tâm sự: “Có một kỷ niệm thiêng liêng mà tôi luôn nhớ mãi, cho dù thời gian đã trôi qua. Năm nào cũng vậy, cứ vào những ngày lễ lớn của dân tộc là tôi lại nhớ đến hình ảnh người đồng đội đã hy sinh. Ngày đó, trước lúc ngã vào lòng đất, Hợi vẫn là con trai. Bức thư viết vội dưới đáy ba lô vẫn chưa kịp gửi”.
Anh Phương kể: “Mùa hạ 1986, tôi về nhận công tác tại Sư đoàn 2 (Quân khu 5), giữ chức Chính trị viên Đại đội 11 (Tiểu đoàn 3) đóng quân bên đất bạn Campuchia. Thời kỳ này, nhiệm vụ của người lính miền biên ải vẫn còn muôn vàn khó khăn, thử thách. Các thế lực thù địch tìm cách phá hoại tình đoàn kết giữa các quốc gia, vì thế, giải quyết công tác tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ rất khó khăn. Bộ đội thiếu nước sạch, thiếu cả lương thực và thực phẩm. Mùa khô nóng ghê người. Mùa mưa lũ trắng rừng. Đơn vị tôi có nhiệm vụ phối hợp với đơn vị bạn truy quét tàn quân Pol Pot và chống gây hấn ở ngã ba biên giới Lào-Campuchia-Thái Lan. Chiến tranh đã lùi xa nhưng không có nghĩa là đã hết những mất mát, hy sinh... Ngày ấy, sau khi nhận nhiệm vụ truy quét tàn quân địch, đơn vị cấp tốc hành quân. Đêm đến, đại đội đóng quân giữa rừng sâu. Cả ngày mệt nhoài vì vượt qua bao đèo, dốc và lả đi vì đói, chúng tôi tranh thủ nghỉ lấy sức. Quá nửa đêm, bất ngờ địch tập kích vào đội hình. Nghe tiếng súng nổ, tôi bật dậy, cầm khẩu AK điểm xạ từng loạt ngắn về phía địch, bỗng nhiên nghe một tiếng nổ lớn. Sau màn khói trắng đục, tôi nghe tiếng một đồng đội thì thầm: “Anh Phương ơi! Đồng chí Hợi hy sinh rồi!”.
|
|
Thượng tướng Trần Quang Phương trò chuyện với cán bộ, giảng viên Học viện Chính trị |
Tim tôi nhói đau. Hồi chiều, Binh nhất Nguyễn Văn Hợi còn tếu táo: “Đánh xong trận này nhất định em sẽ gửi thư về ngỏ lời với cô ấy!”. Vậy mà... Hợi đã ra đi. Lĩnh trọn quả B40 của địch, đồng đội tôi hy sinh trong đau đớn. Hôm đó, tôi nhặt từng phần thi thể của Hợi mà nghẹn ngào nuốt nước mắt vào trong. Nén đau thương, chúng tôi xốc lại đội hình, truy quét toàn bộ quân địch dạt qua biên giới, tiêu diệt 12 tên...
Năm 1989, tình hình trên đất bạn tạm ổn. Đơn vị tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế cao cả, được lệnh di chuyển về nước. Ngày ấy, những người lính “Sư 2” đóng quân trên vùng đất Hà Tam (sát chân đèo Mang Yang) đói nghèo, xơ xác. Doanh trại đơn vị tạm bợ, nhà cửa sơ sài. Tôi và các anh trong ban chỉ huy đơn vị xắn tay cùng bộ đội lên rừng chặt tre, nứa, lá về dựng lại nhà cửa. Chiến tranh, bom cày, đạn xới, đất đai hoang hóa, bạc màu. Với phương châm “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”, chúng tôi động viên nhau đẩy mạnh tăng gia sản xuất cải thiện đời sống. Đến rồi đi, tôi và đồng đội đã không biết bao lần di chuyển đơn vị. Cứ mỗi lần như thế là bản lĩnh người lính lại được thử thách...”.
“Người chỉ huy phải thương yêu cán bộ, chiến sĩ như ruột thịt...”. Đó là lời tâm sự chân tình của Thượng tướng Trần Quang Phương khi nói về mối quan hệ cán-binh, cũng là điều mà anh rút ra từ những năm tháng gian khổ, hiểm nguy. Và điều ấy được thể hiện bằng chính sự quan tâm, lo lắng của anh đối với cuộc sống hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ khi còn là Chính ủy Quân khu 5 cho tới bây giờ trên cương vị mới.
Xác định việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở là khâu quan trọng góp phần hoàn thành nhiệm vụ, anh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện nghiêm nền nếp ngày chính trị, văn hóa tinh thần. Căn cứ vào tình hình cụ thể, hằng tháng, cơ quan chính trị tập trung giải quyết dứt điểm những vướng mắc về tư tưởng, đời sống và mối quan hệ cán-binh. Tuy bận rộn nhiều công việc nhưng anh vẫn dành thời gian trao đổi với mọi người, cho dù đó là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ hay công nhân viên quốc phòng. Mỗi lần như thế, anh đều tranh thủ động viên tư tưởng, đề cao trách nhiệm; chỉ ra những mặt còn thiếu, yếu cho từng đối tượng, xác định hướng khắc phục, sửa chữa. Thể hiện sự sâu sát của mình, anh thường xuyên bám nắm cơ sở, trực tiếp kiểm tra, lắng nghe ý kiến, đề đạt của cán bộ, chiến sĩ.
Anh vẫn thường nói: “Với người lính, dù thời bình cũng như thời chiến, có an cư mới lạc nghiệp. Để chuẩn bị tâm lý vững vàng trong bất kỳ nhiệm vụ nào, người chiến sĩ cần được sự quan tâm thấu đáo của các cấp lãnh đạo, chỉ huy. Sự quan tâm đó không đơn thuần là những lời thăm hỏi động viên tinh thần, mà bằng những việc làm cụ thể, thiết thực”.
PHAN TIẾN DŨNG