Trời chưa sáng lắm nhưng tôi cũng thấy được một chấm đỏ nhô lên trên vệt sẫm kéo dài kia. Đấy là cờ Tổ quốc tung bay giữa quần đảo yêu thương. Chúng tôi chuẩn bị xuống xuồng để vào đảo thì bỗng nhiên gió nổi lên, càng lúc càng lớn. Biển nhấp nhô sóng. Từng cơn sóng bạc đầu đuổi nhau vỗ ầm ầm vào mạn tàu. Bầu trời như bị ai đó kéo xuống thấp với những tảng mây đen kịt và mưa trút xối xả. Mưa. Mưa. Mưa. Tiếng mưa gõ loong coong dồn dập trên mặt boong tàu. Lần đầu tiên chứng kiến một cơn dông biển, tôi hiểu được phần nào sự thất thường dữ dội của thiên nhiên ở giữa trùng khơi mịt mùng này. Vệt đảo xa xa bị mờ khuất và đến lúc không còn thấy gì nữa trong mưa. Cơn dông biển đến đường đột nhưng rồi cũng tan đi rất nhanh. Tôi hết sức ngỡ ngàng khi thấy bầu trời bỗng nhiên quang đãng như có phép nhiệm màu chạm vào và biển lại êm ả, êm ả không chịu nổi thế kia. Một ban mai lộng lẫy như chỉ có trong huyền thoại hiện ra, mặt trời từ từ nhô lên phía đường chân trời, biển lăn tăn những nếp cờ thắm đỏ. Đảo bình minh sắc nét trước mắt mọi người, chấm đỏ là ngọn lửa thiêng bất tử trên cao. Xuồng được hạ xuống, từng tốp người được đưa vào đảo. Văn công cùng cánh báo chí được đưa vào những chuyến đầu tiên. Khi đặt chân lên cầu cảng rồi, tôi vẫn ngỡ trong mơ. Không còn Trường Sa ở trong phim ảnh, thơ ca nữa. Đây là Trường Sa tôi được cảm nhận rõ ràng và ấm áp từ cơ thể mình; cát san hô lạo xạo dưới chân, mây trắng bay trên đầu, gió mang vị biển mặn mòi thổi qua tóc, tán cây bàng quả vuông xanh trong tầm ngắm và những cái bắt tay, ôm chầm của những người lính biển. Không ai bảo ai, tất cả chúng tôi cùng ùa đến bia chủ quyền, lắng vào lòng mình lời Tổ quốc thiêng liêng, vọng đến từ ngàn xưa...
Những thiên niên kỷ đi qua, đã có bao thế hệ người dân đất Việt xả thân giữ nước, bây giờ đến lớp người đang sống trên dải đất mang dáng Rồng bay nhìn ra Biển Đông bao la này. Những người lính, người dân Trường Sa bám trụ vùng biển, đảo thiêng liêng, xa xôi nhất của Tổ quốc. Nơi gần đất liền nhất là đảo Đá Lát cũng khoảng 270 hải lý. Chuyến đi Trường Sa năm 2000, tôi được đặt chân đến các đảo Đá Lát, Trường Sa, Đá Tây, Trường Sa Đông, Phan Vinh, Tốc Tan, Thuyền Chài, Tiên Nữ, An Bang trước khi về một số nhà giàn DK1 ở Ba Kè, Quế Đường, Tư Chính. Dấu ấn sâu đậm nhất về Trường Sa chính là bài ca giữ nước mang âm hưởng tự hào, kiêu hãnh, ngoan cường nhưng cũng rất mực điềm tĩnh, tự tin, an hòa của quân và dân ta. Dấu ấn ấy càng rõ nét hơn khi tôi trở lại quần đảo yêu thương lần thứ hai vào mùa hè năm 2019 với hải trình qua Đá Lát, Trường Sa, Đá Tây, Phan Vinh, Núi Le, sau đó về Nhà giàn DK1/20 thuộc vùng biển Ba Kè nằm trong thềm lục địa phía Nam. Mười chín năm trở lại Trường Sa, tôi ngỡ ngàng mừng vui trước những đổi thay của các đảo và sau chuyến đi gần nửa tháng, tôi về nói với bạn bè rằng đây chính là nơi đáng sống nhất ở nước ta hiện nay. Một không gian sạch, xanh, đẹp đúng nghĩa; một cộng đồng ấm áp tình người. Tình đồng đội, tình quân dân, tình đất liền biển, đảo cứ vậy tỏa sáng mỗi ngày gian khổ làm nên giai điệu trữ tình của bài ca giữ nước nồng nàn.
Trong chuyến đi Trường Sa năm 2019, tôi gặp được một số chiến sĩ sinh năm 2000. Nghĩa là, các chiến sĩ ấy cất tiếng khóc chào đời đúng vào năm tôi vượt biển ra Trường Sa lần đầu. Những chàng lính mặt trẻ tóc già tôi gặp ở Trường Sa năm ấy bây giờ ở đâu, làm gì, sướng khổ ra sao tôi chưa được biết, nhưng họ đã thuộc lớp người đi trước viết bài ca giữ nước ở quần đảo phong ba này và con cái của đồng đội tôi chắc có những người đang nối tiếp cha mình làm nhiệm vụ nơi đây. Thời bình, đâu chỉ có mỗi chuyện phát triển kinh tế, vẫn lớp cha trước, lớp con sau có mặt nơi cõi bờ, cương vực của đất nước, vượt qua muôn vàn gian khó, hiểm nguy và phải chịu nhiều thiệt thòi nữa để gìn giữ chủ quyền thiêng liêng. Lòng yêu nước vẫn vẹn nguyên từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đấy là một trong những giá trị văn hóa cốt lõi của dân tộc Việt Nam được bảo lưu, gìn giữ và phát huy không ngừng từ bao đời nay.
Một lần ra Trường Sa, cả đời nhớ Trường Sa, với tôi là thế. Vẫn còn thao thức trong tâm hồn tôi tiếng chuông chùa vọng xa trên đảo Phan Vinh, đảo Trường Sa..., tiếng trẻ bi bô đọc bài, cánh diều vải lượn bay trong chiều cùng những đám mây biển, một cơn mưa bất chợt giữa trưa hè, màu da đen cháy của lính đảo cùng nụ cười, ánh mắt tỏa sáng... Tôi cũng không quên giọt nước mắt của một binh nhất từ gần hai mươi năm về trước khi nhận được thư nhà báo tin ông nội mất đã sáu tháng. Nhớ mãi những câu chuyện thấm đẫm tình chồng vợ, cha con từ cán bộ, chiến sĩ Trường Sa. Nỗi nhớ quê, nhớ nhà, nhớ người thân làm sao mà quen được chứ. Nhưng tất cả đều chấp nhận, không hề kêu ca. Vì Trường Sa, vì Tổ quốc, giản dị vậy thôi! Còn nữa, mấy nấm mộ đơn sơ của những người lính trẻ đã ngã xuống khi làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Bao nhiêu cung bậc trong một Trường Sa vững chãi trước bão táp và âm mưu hành động phá hoại của kẻ tham lam vô độ. Chúng là ai, đến từ đâu, không nói ra chắc ai cũng rõ. Và chúng ta càng thấm thía hơn bài học giữ nước muôn đời vẫn phải “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, vẫn “Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ,/ Kiên quyết, không ngừng thế tấn công;/ Lạc nước, hai xe đành bỏ phí,/ Gặp thời, một tốt cũng thành công” như Hồ Chí Minh đã ẩn dụ trong thi phẩm Học đánh cờ mà Bác viết khi ngồi trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch những năm 1942-1943. Nói thế tấn công, là như ông cha từ xưa, ta phải biết phòng giặc từ xa, luôn chăm lo cho phên giậu vững vàng, không lơ là cảnh giác. Tinh thần đó tôi thấy rất rõ ở Trường Sa, sự bình tĩnh, tự tin có ở trong từng người lính, người dân ngay giữa cuộc sống đời thường. Không ồn ào, ầm ĩ, không đánh bóng khuếch trương, người lính, người dân Trường Sa yêu nước bằng sự bình tĩnh, bằng niềm tin, bằng những việc làm có lợi nhất cho Tổ quốc. Nói khái quát là bằng văn hóa giữ nước của dân tộc, nhận biết đúng tâm địa, mạnh - yếu của đối phương để có đối sách phù hợp, cương - nhu tùy lúc, tùy nơi.
Đến Trường Sa, lòng tôi rưng rưng khi thấy đảo nào cũng khắc ghi bản Tuyên ngôn Độc lập thứ nhất từng âm vang trên phòng tuyến sông Cầu chống giặc Tống ở thế kỷ 11, bài thơ Nam quốc sơn hà. Lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam tiếp tục khai sinh những bản tuyên ngôn độc lập mới như Bình Ngô đại cáo do Nguyễn Trãi soạn ra ở thế kỷ 15 khi ta đánh tan tác giặc Minh và Tuyên ngôn Độc lập do Hồ Chí Minh viết và đọc trong ngày 2-9-1945, tại Hà Nội sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam) ra đời.
Khi đến đảo Phan Vinh, tôi gặp một chiến sĩ sinh năm 2000, quê ở Cần Giuộc, Long An. Tôi rủ chàng lính ra tấm bia có bài thơ Nam quốc sơn hà để chụp ảnh kỷ niệm. Tôi hỏi: “Thế cháu có thuộc bài thơ này không?”. Cười. Chẳng chút chần chừ, chàng lính đảo đọc: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư (Sông núi nước Nam, Vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời!)”. Tôi ôm chàng lính vào lòng như thể ôm con trai vậy. Cảm xúc thương mến ngập tràn. Chàng lính đảo, con trai ơi, bao thế hệ người Việt đã ghi tâm khắc cốt tinh thần Nam quốc sơn hà rồi.
Thế đấy, một dân tộc chưa bao giờ chịu khuất phục trước các kẻ thù cường mạnh lại rất thấm thía “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Sức nước mạnh bởi lòng dân tụ. Đúc kết ấy không có gì mới cả nhưng nó vẫn tràn trề sức sống, vẫn tươi tốt trong mỗi ngày ta sống. Trường Sa là minh chứng sinh động nhất của sự quy tụ lòng dân.
Mùa đông Kỷ Hợi 2019
Tùy bút của NGUYỄN HỮU QUÝ