Những năm 80 của thế kỷ trước, kịch của Lưu Quang Vũ xuất hiện đã làm thay đổi tư duy của người biểu diễn cũng như của công chúng yêu sân khấu. Anh cũng là một trong những người đi tiên phong trong phong trào đổi mới văn hóa, văn nghệ, dùng ngòi bút của mình góp phần đem lại những điều tốt đẹp cho con người và xã hội.

leftcenterrightdel

Chân dung nhà thơ Lưu Quang Vũ. Ảnh do gia đình nhà thơ cung cấp.

Chọn cho mình con đường viết kịch, Lưu Quang Vũ đã tìm ra lối đi ngắn nhất để đến với công chúng khán giả, để có dịp được bộc lộ những gì mình đang ấp ủ. Mỗi một vở kịch là một mặt cắt của hiện thực. Ở đó hiện lên những số phận, những cảnh đời khác nhau. Có niềm vui, nỗi buồn, có khổ đau, hạnh phúc. Ngòi bút của anh khi đau đớn xót xa, lúc thâm trầm sâu lắng, khi mạnh mẽ đanh thép, lúc lại nghiệt ngã chua cay hoặc cao giọng phê phán. Anh gửi gắm trong đó những tâm tư, tình cảm, khát vọng, những trăn trở về tình yêu, hạnh phúc, những suy tư về lẽ sống, lẽ làm người, cả những dự cảm về sự sống và cái chết...

Trong quá trình sáng tác, Lưu Quang Vũ luôn tâm niệm rằng chỉ gắn bó với cuộc sống, sống hết mình với cuộc sống mới tránh khỏi sự khô cạn tài năng và tâm hồn, thứ hiểm họa luôn đe dọa người nghệ sĩ ở bất cứ lứa tuổi nào, địa vị nào. Hướng về cuộc sống, về nhân dân, đó là hạnh phúc, là trách nhiệm cao cả của người cầm bút. Bằng sự nhạy cảm của người nghệ sĩ, Lưu Quang Vũ luôn tìm thấy trong cuộc sống vốn ngổn ngang, gồ ghề nhiều điều cần trao đổi. Chưa bao giờ những vấn đề bức thiết của cuộc sống lại được Lưu Quang Vũ đưa lên sân khấu ào ạt như năm 1988-năm được mùa nhất những vở kịch của anh, đồng thời cũng là năm sân khấu nước nhà mất đi một nhà viết kịch tài năng, sung sức. Các vở kịch có giá trị nối tiếp nhau ra đời. Đặc biệt, vở “Lời thề thứ 9” mang niềm trăn trở về mối quan hệ giữa tiền tuyến và hậu phương người lính. Vở diễn đã khai thác thành công nỗi niềm tâm trạng của những người lính hằng ngày phải đối diện với chiến tranh ác liệt, trong khi luôn mang trong lòng những dự cảm, âu lo về cuộc sống hậu phương, về số phận người thân và gia đình họ.

Trong 10 lời thề của quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam, lời thề thứ 9 nói về mối quan hệ quân-dân. Bộ đội phải kính trọng, giúp đỡ, bảo vệ dân. Khi ông Thịnh-cha của chiến sĩ Xuyên đang chiến đấu bảo vệ biên giới-bị Chủ tịch UBND xã Quách Văn Tuần bắt giam dưới hầm tại trụ sở UBND xã, được tin, Xuyên cùng Hiến và Đôn, nhân được hưởng 3 ngày phép vì có thành tích chiến đấu dũng cảm diệt địch trong trận vừa qua, định kéo nhau về xã “hỏi tội” ông Tuần và giải thoát cho cha Xuyên. Nhưng vì không có tiền làm lộ phí và cứu đói cho gia đình, các chiến sĩ nghĩ cách đón đường trấn lột mấy tay buôn lậu ở biên giới. Trớ trêu thay, họ lại trấn lột nhầm ông Hà (Chủ tịch UBND tỉnh) đi lên đơn vị thăm con chính là chiến sĩ Hiến. Việc bị lộ, trung đoàn hạ lệnh bắt giam. Nhờ Vân-người yêu của Hiến ở cơ quan trung đoàn bộ báo tin, 3 chiến sĩ “vọt” luôn về xã. Ở xã, bà mẹ của Xuyên đã cùng Cúc-con dâu tương lai đi gõ cửa khắp nơi để giải oan cho chồng. Nhưng xã chỉ huyện, huyện chỉ lên tỉnh, tất cả đều im lìm. Cuối cùng, người cứu ông Thịnh chính là 3 chiến sĩ đến tận trụ sở ủy ban giải thoát cho ông và bắt ông Tuần thay thế vào chỗ hầm tối. Mặc dù được cứu thoát nhưng vợ chồng ông Thịnh vẫn lo lắng. Họ mắng 3 chiến sĩ và bắt phải quay về đơn vị ngay. Cùng lúc ấy, phái đoàn truy lùng cũng vừa đến nơi. Các chiến sĩ phải ẩn vào khu nhà truyền thống xã để phòng thủ. Họ kiên quyết không ra khi ông Tuần chưa bị trị tội. Bao nhiêu lời răn đe, hăm dọa, thuyết phục của Chủ tịch UBND tỉnh, của thủ trưởng trung đoàn đều không lung lay được họ. Chỉ đến khi người mẹ cất tiếng gọi, họ mới ngoan ngoãn đi ra. Bên người mẹ Việt Nam bao dung, nhân hậu, họ cúi đầu nhận lỗi.

Với tư cách là một người đã từng khoác áo lính, Lưu Quang Vũ đã nói lên những điều tâm huyết. Có được đất nước trong cuộc sống hòa bình hôm nay là nhờ có một quân đội trung với nước, hiếu với dân và một hậu phương vững mạnh, có lòng dân luôn son sắt. Nhưng cuộc sống đang bị xáo động vì những sự bê bối từ nhiều phía, do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, “dân không hỏng, bộ đội không hỏng” mà cái hỏng ở đây là bộ phận, là cái ung mà nếu không sớm cắt bỏ thì sẽ gây hoại thư toàn bộ cơ thể. Không phải ngẫu nhiên mà những người lính nơi biên cương ấy lại có hành động “trấn lột” để lấy tiền về quê trong 3 ngày thưởng phép. Mục đích của họ là để trừng trị những tên cường hào mới ở địa phương, giải thoát cho người thân của đồng đội bị giam giữ trái phép, bị oan khuất. Lưu Quang Vũ đã rất hiểu tâm tư của người lính. Họ chỉ có thể yên tâm chiến đấu khi phía sau họ là một hậu phương yên ổn, là lòng dân vững chắc, còn như nếu phía sau họ, gia đình, người thân phải chịu sự oan khuất, đau khổ thì họ sẽ tìm mọi cách để hành động, cho dù đó là những hành động sai lầm. Sự manh động của những người lính trong vở kịch đã chứng minh điều đó.

“Lời thề thứ 9” là một trong những vở kịch cuối cùng của Lưu Quang Vũ. Nhân vật trung tâm của vở là những người lính dám sống hết mình vì đồng đội, sẵn sàng xả thân để bảo vệ những điều tốt đẹp của cuộc đời. Tính nhân văn và những ý đồ nghệ thuật của vở diễn đã được đánh giá cao. Tác phẩm đã được nhận giải thưởng về đề tài chiến tranh cách mạng của Bộ Quốc phòng năm 1995. Đầu tháng 9-2000, Lưu Quang Vũ được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật. Phần đóng góp của anh đã được Nhà nước và nhân dân ghi nhận xứng đáng. Lưu Quang Vũ là tác giả trẻ tuổi nhất trong số những người được nhận phần thưởng cao quý này. Hai vở kịch được trao giải thưởng đều thuộc về đề tài hiện đại. Đó là vở “Tôi và chúng ta” và “Lời thề thứ 9”.

leftcenterrightdel
Một cảnh trong vở “Lời thề thứ 9”. Ảnh: QUANG KHẢI

Những vấn đề quan thiết từng được dự báo và đề ra từ rất sớm trong một số tác phẩm của Lưu Quang Vũ (tinh thần đổi mới trong cơ chế quản lý, sự công bằng, dân chủ trong mọi lĩnh vực của đời sống, nạn cường hào mới ở nông thôn) đã khiến các vở diễn của anh cập nhật được với đời sống hiện đại, mang tính dự báo cao. Lưu Quang Vũ còn có vở kịch “Người trong cõi nhớ” đoạt Huy chương Vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985. Kịch bản này có một lối kết cấu khá độc đáo. Các nhân vật xuất hiện đồng thời theo các bình diện không gian khác nhau. Những người đang sống và những người đã chết. Đã chết như chỉ là mất đi phần thân xác, còn tư tưởng, tinh thần, những khát vọng, ước mơ cao đẹp của họ vẫn sống. Sống trong sự nghiệp, trong nỗi nhớ thường ngày của những người còn sống hôm nay. Với tinh thần đó, cũng có thể nói Lưu Quang Vũ đã trở thành “Người trong cõi nhớ”.

Với hơn 20 năm cầm bút, Lưu Quang Vũ đã để lại một khối lượng lớn các tác phẩm văn học gồm nhiều thể loại. Anh là một hình mẫu nghệ sĩ tiêu biểu về tài năng và sức sáng tạo, là một hiện tượng nghệ thuật độc đáo của nền sân khấu đương đại nói riêng, nền văn học Việt Nam hiện đại nói chung. 

“Lời thề thứ 9” là một trong những vở kịch cuối cùng của Lưu Quang Vũ. Nhân vật trung tâm của vở là những người lính dám sống hết mình vì đồng đội, sẵn sàng xả thân để bảo vệ những điều tốt đẹp của cuộc đời.

PGS, TS LƯU KHÁNH THƠ