Mẹ tôi đã ngồi ở hiên nhà và khóc nức nở. Mẹ đã rời khỏi mảnh đất ấy mười mấy năm. Và từ lúc rời đi, mẹ không về thăm ông ngoại được một lần nào. Đường sá xa xôi cách trở. Ông ngoại tôi trước khi mất có lẽ cũng canh cánh trong lòng về việc một trong những đứa con gái mà ông đặc biệt yêu thương đã phải rời xa quê nhà. Ở quê lúc ấy chỉ biết lờ mờ rằng bố mẹ tôi cùng với rất nhiều anh chị em họ hàng, làng xóm đang sống ở nơi nhọn nhất trên bản đồ Tổ quốc. Cái thời mà ai ai cũng sợ hãi khi nhắc đến vùng cao “rừng thiêng nước độc”, điện lưới không có, ô tô tuần chỉ có hai chuyến mà phải lên xuống ba, bốn chặng đường mới tới.
Mẹ tôi không kịp về để ông ngoại tôi biết rằng chúng tôi đang sống như thế nào, được đùm bọc yên ấm ra sao ở cái nơi “khỉ ho cò gáy” ấy.
Tôi không hình dung ra khi bắt đầu một cuộc sống mới, với cả một đàn con thì bố mẹ tôi đã phải bắt đầu bằng gì khi mà gần như tay trắng, ngoài mấy cái nồi niêu, soong chảo, bát đĩa.
Bố tôi từng là lái xe kéo pháo lên Điện Biên Phủ. Hết chống Pháp, ông phục viên và quay sang lái xe chở gỗ cho một lâm trường, mẹ tôi là cấp dưỡng cho chính đội xe của bố. Bố tôi mua mảnh đất dưới chân núi, gọn trong một thung lũng, của một gia đình người Tày, sát với rừng mả của họ. Chỉ có hai bàn tay, từng ngày một, ông dọn dẹp, san lấp, đào xới, cho đến khi tôi lẫm chẫm biết đi thì cả khu nhà, vườn, ao ấy đã tinh tươm đâu vào đấy.
Điều đáng nói nhất là chúng tôi đã sống những năm tháng xen kẽ, trộn lẫn cả về vật chất lẫn tinh thần với những gia đình người Tày trong ngôi làng ấy một cách hiền hòa, ấm áp kỳ lạ. Từ ngoài đường cái, phải đi qua một nhà nữa rồi mới vào đến nhà tôi. Đấy là một gia đình người Tày. Hai vợ chồng chủ nhà, một là công an vũ trang, một là hải quan, đều người Tày và đều bỏ dở công việc để về làm ruộng. Tôi cũng không hiểu tại sao đã đi thoát ly cả mà rốt cuộc họ lại bỏ việc để về làng. Nhà có một bà cụ. Năm tôi 5, 6 tuổi thì bà đã già lắm, lưng còng gập xuống. Do lao động từ quá sớm và quá nặng nhọc nên cứ mỗi ngày lưng bà lại thêm còng xuống. Người như chữ C. Bà phải dùng gậy chống. Hễ đi đường gặp ai, nghe thấy tiếng chào thì bà phải dừng lại, ngẩng đầu lên mới nhìn thấy. Bà hiền lắm. Chưa bao giờ quát mắng con cháu, mặc dù 3 đứa cháu nội của bà đều sàn sàn tuổi tôi thì nghịch như giặc. Thi thoảng bọn tôi lại đuổi nhau chạy muốn sập cả sàn, bà cũng chỉ nhắc rất khẽ.
Bà đã già tới mức tôi nghĩ là bà không thể già hơn được nữa. Tóc trắng phau, da dẻ nhăn nheo thành từng rãnh sâu. Răng móm mém hết cả. Duy chỉ còn đôi mắt là tinh anh kỳ lạ. Khi nhìn vào mắt bà, tôi luôn cảm thấy nó sáng lấp lánh như có hai đốm lửa.
Bà nấu nhiều món ăn rất lạ. Ví như đêm trước trời mưa ì ùng, bố của lũ trẻ đội đèn pin lên đầu đi soi ếch. Sáng ra, đầu hồi, chỗ máng nước dẫn từ rừng về, trong cái giỏ là lổm ngổm những con ngóe bé tí, trắng tinh. Ông gọi đấy là ếch nhưng mẹ tôi bảo không phải ếch, là ngóe, chão chuộc, vì chân nó dài và người nó rất bé. Bà lão thức dậy sớm, lò dò ra mở cái hom giỏ, ngó vào trong. Rồi bà lọ mọ bắc nồi lên bếp, thả măng chua vào. Nhà bà lúc nào cũng có một hũ măng chua thơm, vàng. Bà đun sôi măng, nêm mắm, muối, ớt rồi thình lình bà cầm nguyên cả giỏ ếch đổ tọt vào nồi. Ôi, lũ ếch ộp ấy nhảy lộp độp vài cái rồi im thít. Bữa sáng nhà họ được dọn ra, giữa mâm là một bát tô to, trong đấy là những con ếch-thôi thì cứ gọi như vậy-con nào con nấy vòng tay ôm trọn một bó những miếng măng vàng óng. Bát canh thơm lắm nhưng chưa bao giờ tôi dám ăn, dù lũ bạn trẻ con có chèo kéo thế nào đi nữa.
Bà đồ xôi ngon, làm bánh khảo ngon và gói bánh chưng gio thì cực kỳ ngon. Chúng tôi hay có cái lệ cứ Tết đến thì mang đồ nhà mình sang biếu hàng xóm. Chẳng biết cái lệ ấy có từ bao giờ nhưng cứ Tết đến là cả làng mang quà đi biếu nhau. Lũ trẻ con chúng tôi được giao làm sứ giả, bê cái rổ đi một vòng quanh làng. Ra đến cổng là gặp những đứa khác giống hệt mình, mặt mũi hớn hở, khệ nệ cắp nách những cái rổ đầy ự các thức hoa quả, bánh trái. Thế nên Tết nào thì nhà nhà cũng đầy ắp các loại bánh và cuối cùng thì chẳng khác gì cả làng ăn chung một bữa cỗ.
Tôi hay sang xem bà gói bánh chưng gù, gạo đen. Trông gạo nếp đen đen rất khó chịu nhưng ăn lại thơm ngon vô cùng và không hề bị ngán. Bà để dành những bó rơm nếp sau khi tuốt, phơi thật khô và một hôm nào đấy khô ráo nắng hanh, bà mang ra đốt. Đốt lấy tro của rơm nếp ấy, rây thật sạch, thật mịn, rồi hòa vào nước để ngâm gạo nếp. Nửa ngày sau vớt ra thì hạt gạo đã chuyển sang màu tro. Đấy là gạo để gói bánh.
Bà ngồi ở sàn phơi lúa, đầu gối quá tai, đôi tay gầy và nhăn nheo gói những cái bánh gù một cách cẩn trọng, chậm chạp. Riêng việc gói bánh không ai dám tranh với bà. Những chiếc bánh cứ mỗi lúc một đầy lên trong soong bên cạnh. Bà gói rất nhiều, đủ để chia cho cả làng mỗi nhà một, hai cái. Rồi bà làm bánh khảo. Những chiếc bánh khảo dẻo và thơm, gói trong giấy màu hồng. Rồi bà đồ xôi ba, bốn màu. Cái chõ xôi cao ngất ngưởng một cách bất thường trên bếp lửa, phả ra mùi xôi ngào ngạt…
Nhưng tôi thích nhất là đứng nhìn bà buộc những dải vải màu đỏ lên cán cày, bừa, cuốc… Tất cả những nông cụ ngày thường đều được rửa thật sạch, sạch bóng, phơi khô và được buộc lên những dải vải đỏ. Đấy là bà cho chúng cùng ăn Tết. Người được ăn Tết thì nông cụ cũng vậy, trâu, bò, gà, vịt cũng vậy. Những con nào không bị mổ thịt thì sẽ được ăn Tết.
Tôi bê cái rổ cam to tướng, lệch cả người sang nhà bà đầu tiên. Mẹ tôi dặn là đi đến cổng nhà ai thì để cái rổ cam ở ngoài cổng, rồi nhặt 5 quả bỏ vào túi ni lông mang vào nhà biếu người ta, chứ đừng có bê cả rổ đến trước mặt họ rồi nhặt ra 5 quả, còn đâu lại bê ra. Như vậy là không tế nhị. Tôi đưa 5 quả cam bằng hai tay, nói một cách thận trọng cái bài đã thuộc lòng nhưng lúc nào cũng rất nghiêm chỉnh: “Bố mẹ cháu biếu bà mấy quả cam để bà bày Tết ạ!”. Bà gật gật đầu, cười móm mém, dù tôi biết là bà chả nghe thấy gì. Mà có nghe thấy cũng chả hiểu gì. Bà không biết một câu tiếng Kinh nào. Rồi một lát sau, đứa cháu nội của bà cũng sẽ mang sang hai cái bánh gù kèm một gói bánh khảo và nói với bố mẹ tôi cái câu y như tôi vừa nói. Tôi lúc ấy đã nghĩ, sao bà không đưa quách chỗ bánh ấy cho tôi mang về, có phải đỡ công con bạn tôi phải mang sang không nhỉ? Nhưng mẹ tôi bảo, làm như thế là không lịch sự. “Của cho không bằng cách cho con ạ”.
Của cho không bằng cách cho, tôi cứ nhớ mãi câu này.
Rồi thì bà lão cũng một ngày từ căn nhà ấy đi ra rừng, đúng ra là bà được khiêng ra rừng. Những cái Tết về sau vắng bà, vắng cái dáng ngồi gập đôi người trên sàn phơi lúa, đi qua đi lại tự dưng thấy trống vắng thế.
Bà đã đi xa rồi, xa như những cái Tết nghèo mà ấm áp kỳ lạ năm nảo năm nào.
Tản văn của ĐỖ BÍCH THÚY