Nói là đi thăm nhau ngày Tết nhưng người tinh ý không đi thăm nhau một cách xô bồ mà có lựa chọn. Người kỹ tính và có hiểu biết thường chọn giờ xuất hành đẹp, hướng xuất hành không chỉ có lợi cho mình mà còn cho cả người đến thăm, chí ít cũng đem lại niềm vui khi gặp mặt. Người không câu nệ chuyện này lắm thì cũng chọn thời gian không quá sớm, không quá muộn. “Mồng Một tết cha, Mồng Hai tết mẹ, Mồng Ba tết thầy”, câu ca ấy không biết có từ bao giờ nhưng đã được mặc nhiên như một thói quen, một quy định bất thành văn và hữu lý. Có thể quanh năm bận rộn làm ăn, nhưng mỗi dịp Tết đến, người Việt chúng ta thường dành thời gian đi thăm hỏi và chúc Tết người nhà, họ hàng, láng giềng, thầy giáo và bạn bè thân thiết... Phong tục ấy không chỉ có ý nghĩa nhớ đến nhau, chia sẻ với nhau chuyện gia đình, công việc làm ăn mà còn tạo sự gắn kết cộng đồng trong xã hội. Tết thầy dạy cũng như tết người thân, thầy dạy được mặc nhiên như người nhà vì thầy góp công lớn trong việc dạy con mình nên người.  Chúc Tết bên nội, bên ngoại và thầy dạy mình vào ba ngày Tết theo thứ tự sinh thành, dưỡng dục, dạy dỗ mình nên người như thế để tỏ lòng hiếu kính và biết ơn những đấng bậc đã góp phần lớn nhất cho mình được sống trên đời và làm người.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa

Thành ngữ có câu: “Sống tết, chết giỗ” là nói về nghĩa vụ và đạo lý của trò với thầy. Cả năm làm việc cùng nhau nhưng ngày Tết, trong không khí vui vẻ, tình cảm thầy trò cũng có những nét riêng. Nó tăng thêm sự gắn bó và trách nhiệm giữa người đi học với người dạy. Học trò khi còn thụ giáo lẫn khi đã trưởng thành thường rủ nhau mỗi khi đi thăm thầy. Trò còn nhỏ thì có cha mẹ đi cùng. Vừa là giữ lễ, vừa là dịp được diện kiến thầy để tỏ lòng biết ơn người đã dạy dỗ con cái mình, vừa để kết thân giữa gia đình và thầy giáo. Không hiếm trường hợp các môn sinh còn thờ thầy như cha mẹ, gia đình thầy có chuyện vui hay buồn các trò cũng tự nguyện tham gia như con cháu trong nhà...

Đi thăm nhau trong dịp Tết bao giờ cũng gắn với quà Tết. Thăm hỏi bậc sinh thành, dưỡng dục thì quà mang tính chất khác thăm bạn bè. Trước đây, món quà học sinh và các bậc phụ huynh đến thăm thầy giáo thường không nặng về vật chất mà chủ yếu nghiêng về tinh thần, mang ý nghĩa như quà mừng tuổi, lời chúc thầy cô nhân dịp năm mới. Tuy nhiên, nó cũng thể hiện sự tôn kính, trang nghiêm và tình cảm của người đi tặng gửi gắm. Tết thầy ngày xưa tiếng là không câu nệ nhưng cũng có sự chọn lựa tinh tế. Có thể là quả cam, hộp bánh, gói chè, hoặc những sản vật khác ở địa phương, nhưng trên hết là tấm lòng biết ơn và trân trọng công lao dạy dỗ của người thầy. Trong thời đại ngày nay, chuyện biếu quà, tặng quà Tết thầy cô ít nhiều, đâu đó đã bị biến tướng, không còn trong sáng như xưa, ở cả phía người biếu và phía người nhận quà. Thiết nghĩ chuyện ấy cũng thường tình bởi trong giáo giới, trong số học trò vẫn có những người không giữ đúng đạo lý, ngôi vị của mình, để lại tiếng xấu ở đời.

Ngày Tết gặp gỡ người thân, bạn bè, thầy cô, trò chuyện về những điều mình quan tâm, hỏi thăm sức khỏe của nhau, chúc nhau năm mới hạnh phúc, bình yên hơn là cầu chúc tài lộc. Thế nhưng, truyền thống ấy nay cũng bị cái xô bồ, thực dụng, pha tạp của những nhu cầu thời thượng làm nhạt nhòa đi. Đó là một điều đáng tiếc.

PGS, TS PHẠM QUANG LONG