Vàng son một thuở
Làng Đông Hồ nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 35km. Đi theo Quốc lộ 17 chừng 15km qua chùa Sủi, Keo, Dâu đến ngã tư Đông Côi rẽ trái vào đường Âu Cơ, đi thẳng hơn 3km là tới thị trấn Hồ. Đến ngã tư Chợ Hồ thì rẽ trái khoảng 1km là tới làng Đông Hồ.
Theo các cụ cao niên trong làng, làng Đông Hồ vốn có truyền thống hiếu học. Các nhà Nho rất coi trọng việc khai bút đầu năm. Có nhiều cách khai bút đón xuân, trong đó có lối viết chữ đại tự. Sau khi viết xong, người viết điểm thêm vài nét hoa lá, chim muông… để bức đại tự thêm sinh động. Từ đó mà ra đời tranh dân gian Đông Hồ. Tranh Đông Hồ là một trong 4 dòng tranh dân gian lớn nhất Việt Nam, bên cạnh tranh Hàng Trống (Hà Nội), tranh Kim Hoàng (Hà Tây trước đây, nay là Hà Nội) và tranh Làng Sình (Thừa Thiên-Huế). Về thời điểm ra đời tranh Đông Hồ, hiện chưa có tài liệu khẳng định chính xác, song nhiều nhà nghiên cứu nghiêng về ý kiến cho rằng, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ xuất hiện vào khoảng thế kỷ 16, 17.
Nghề làm tranh của làng Đông Hồ dưới thời phong kiến rất phát đạt. Nhất là độ Tết đến, xuân về, làng Đông Hồ tấp nập, người phương xa đổ xô về “cất tranh”, “ăn tranh”, đưa tranh đi khắp các vùng, không khí như ngày hội. Khoảng ngày mồng 6 tháng Chạp, dân làng sửa lễ dâng thần rồi mới khai chợ, bán tranh. Chợ tranh đông vui, sầm uất được tổ chức ngay trong đình làng, gọi là cầu tranh. Chợ gồm những lều quán của dân làng dựng lên trong và xung quanh đình. Mỗi năm chỉ 5 phiên chợ chính diễn ra trong dịp Tết Nguyên đán, vào các ngày mồng 6, 11, 16, 21 và 26 tháng Chạp.
Trong suốt thời kỳ phong kiến, làng Đông Hồ là nơi cung cấp chủ yếu tranh dân gian cho hầu hết các làng xã vùng châu thổ sông Hồng. Cho đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, làng có 17 dòng họ thì cả 17 đều làm tranh. Đội ngũ nghệ nhân giỏi nức tiếng, trong đó có các cụ như: Nguyễn Đăng Khiêm, Nguyễn Đăng Sần, Trần Nhật Tấn, Vương Chí Long, Nguyễn Thế Lãm…
|
|
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế |
Biến đổi
Đầu thế kỷ 20, xã hội có sự biến động lớn. Cũng như hầu hết các loại hình văn hóa dân gian khác, tranh dân gian nhanh chóng thay đổi từ hình thức đến nội dung để phù hợp với yêu cầu mới. Ngoài sự thay đổi về chất liệu (xuất hiện thêm loại tranh hàng do sự du nhập của giấy báo nước ngoài), đề tài thể hiện của tranh Đông Hồ cũng có nhiều chủ đề mới nhằm tố cáo, đả kích chủ nghĩa thực dân (Văn minh tiến bộ-Phong tục cải lương, Nhảy đầm...). Trong số các tranh mới khắc của mình, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế tâm đắc nhất với bức Không cho chúng nó thoát. Ông kể: “Trong 12 ngày đêm giặc Mỹ ném bom Hà Nội, tôi được tận mắt chứng kiến Hà Nội chống trả và sự khốc liệt của chiến tranh trong 3 đêm đầu tiên. Đến ngày thứ tư tôi đi sơ tán ở Đoan Hùng, Phú Thọ và sáng tác bức Không cho chúng nó thoát. Bức tranh diễn tả không khí toàn dân anh dũng đánh giặc”.
Về nội dung thể hiện, các nghệ nhân đều khẳng định có sự biến đổi, nhưng không nhiều và tùy thuộc vào mỗi bức tranh. Đơn cử tranh Tứ bình, Tứ quý, về cơ bản vẫn tôn trọng các khuôn mẫu truyền thống, chỉ thay đổi, cải biến một vài chi tiết trang trí sao cho thanh thoát hơn. Hoặc tranh Tố nữ, màu sắc, đường nét đã có cải biến do sự kết hợp của phong cách tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống. Không chỉ thế, trên cơ sở tranh Tố nữ truyền thống, các nghệ nhân còn sáng tác bộ tranh mang hơi thở thời đại là Tố nữ quan họ.
Ngoài ra, các nghệ nhân cũng cải biến tranh khắc gỗ dân gian (theo lối khắc in âm bản) thành tranh khắc gỗ (khắc in dương bản) với hai màu đen, trắng để đáp ứng các yếu tố thẩm mỹ, nghệ thuật, đồng thời mang lại giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, các nghệ nhân còn làm tranh trổ trên giấy điệp (hình 12 con giáp), tranh trổ lé (tranh tứ linh) hoặc dùng giấy dó quét điệp đóng thành sổ ghi chép, ghi thơ, nhật ký…
Tiếp nối dòng chảy
Chợ tranh Đông Hồ giờ đây chỉ còn trong ký ức dân làng. Nhắc đến nghề thủ công, lực lượng nòng cốt chính là các nghệ nhân. Bởi không có nghệ nhân thì không có làng nghề, càng không thể có làng nghề lừng danh. Hiện số người làm tranh tại Đông Hồ còn rất ít. Người làng đa phần bỏ sang làm nghề hàng mã, chỉ còn lại hai gia đình làm tranh là gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế (83 tuổi) là đời thứ 20 nối tiếp trao truyền nghề tranh dân gian ở làng Đông Hồ. Trăn trở trước tình trạng sa sút, mai một nghề tranh của làng, ông chắt chiu, tìm mua bằng được những bản khắc mà một số gia đình trong làng còn giữ được, sau đó sửa sang, phục chế những bản khắc đã bị hư hại. Bộ ván in cổ nhất ông giữ được là bộ 26 ván in tranh Ngũ sự (tranh 5 đồ thờ tự, gọi tắt là đỉnh, hương, nến, hoa, quả). Phải ghép cả 5 bức lại mới tạo thành bức Ngũ sự. Theo ông, đây là bộ ván khắc có cách đây hơn 200 năm, thuộc đời thứ 8 kể từ đời ông trở về trước. Hiện nay, gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế sở hữu gần 1.000 ván khắc gỗ, trong đó có 150 ván khắc cổ, sản xuất thường xuyên khoảng 180 loại tranh, trong đó, nếu tính trung bình mỗi bức tranh có 1 ván nét, 4 ván màu thì sẽ có khoảng 900 ván in thường xuyên được sử dụng.
Các bậc tiền bối trong dòng họ của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam (1930-2016) từng sáng tạo được nhiều ván khắc gỗ nổi tiếng, như: Lợn đàn, Gà đàn, Cá chép trông trăng, Mục đồng thổi sáo, Đám cưới chuột, Hứng dừa, Tứ quý, Tứ bình… Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam có 5 người con, nhưng chỉ có gia đình người con trai cả và con trai thứ hai hiện vẫn kiên trì với nghề làm tranh truyền thống. Trong đó nổi bật là hai nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh (59 tuổi)-con dâu trưởng và Nguyễn Hữu Quả (56 tuổi)-con trai thứ hai của ông Sam. Đến nay, gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam có hơn 800 ván khắc, trong đó có gần 200 ván khắc cổ. Các ván khắc tuy đã trải qua hàng chục năm sử dụng nhưng vẫn rất rõ, sắc nét, đường nét uyển chuyển, sống động. Tất cả ván khắc đều được làm bằng gỗ thị.
Lực lượng tiềm năng ở các gia đình là khá đông, nhưng những người trực tiếp làm nghề ở địa phương tính ra chỉ khoảng 20 người. Trong số này, những người có tay nghề cao, là nghệ nhân thực sự có thể đảm đương những công đoạn khó như ra mẫu, khắc ván, pha màu rất ít, mỗi gia đình chỉ có 1, 2 người kế thừa được. Để hỗ trợ việc bảo tồn tranh Đông Hồ, những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Bắc Ninh có nhiều giải pháp như: Xúc tiến quảng bá sản phẩm; thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề; cho thuê mặt bằng...
Hưởng lợi từ những chính sách ấy, gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế được địa phương cho thuê hơn 5.500m2 để mở rộng cơ sở sản xuất và quảng bá tranh dân gian Đông Hồ. Đây vừa là nơi sản xuất, vừa là nơi tham quan, trưng bày, bán sản phẩm. Tham quan không gian trưng bày tại nhà anh Nguyễn Đăng Tâm (47 tuổi), con trai thứ năm và cũng chính là người nối nghiệp nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, du khách được chiêm ngưỡng bộ tranh cổ nhất mà ông Nguyễn Đăng Chế còn lưu giữ được, đó là bộ tranh nói về tích truyện Thạch Sanh, gồm 4 bức (nay đã hỏng một bức). Theo anh Tâm kể thì ngoài việc làm tranh để bán, chương trình tham quan, trải nghiệm làm tranh tại gia đình đã đem lại nguồn thu lớn bởi có những đoàn hơn 400 người tới tham quan. Mô hình này hoạt động khá thành công trong thời gian qua.
Gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam và Nguyễn Đăng Chế đã góp công lớn trong việc giữ gìn, quảng bá một nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc vùng Kinh Bắc. Trong bối cảnh các gia đình ở làng đều đã bỏ nghề, hai gia đình trên vẫn quyết tâm tiếp tục sản xuất các mẫu tranh truyền thống và các mẫu mới, phù hợp với nhu cầu thị trường như lịch tranh, các ấn phẩm lưu niệm bằng giấy dó, sổ tay, bưu thiếp, bán các ván khắc phiên bản để du khách mua về có thể tự làm tranh… Tuy nhiên, để duy trì và phát triển làng nghề truyền thống lâu đời này, cần có sự ủng hộ của cộng đồng, xã hội, du khách và đặc biệt là các ban, ngành, chính quyền địa phương...
Bài và ảnh: HOÀNG LIÊN VIỆT