Tầm vóc Nguyễn Du

Đó là tầm vóc của một đại thi hào dân tộc Việt. Một đại thi hào với dấu ấn đặc trưng là bất cứ lúc nào, bất chấp mọi thay đổi của thời cuộc, của thể chế chính trị, của sinh hoạt văn hóa, tinh thần con người trong hơn 200 năm qua..., ông đều được đọc.

Nhưng không phải là một trạng thái đọc yên tĩnh và một chiều.

Mà là một sự đọc trong tranh cãi, bàn luận, khẳng định, điều chỉnh, bác bỏ... giữa người đọc với nhau, trong cùng một thế hệ, hoặc từ thế hệ này sang thế hệ khác, không lúc nào ngừng nghỉ.

Khen, khẳng định và ca ngợi những giá trị được tiếp cận theo nhiều cách khác nhau, trong những người đương thời và hậu thế, đương nhiên đó phải là hiện tượng được tính đến trước tiên, mà đại diện là Mộng Liên Đường, Phạm Quý Thích, Nguyễn Văn Thắng, Chu Mạnh Trinh, Đào Nguyên Phổ... cho đến cả một lớp người, trong tên gọi chung là công chúng:

      Mê gì mê đánh tổ tôm

     Mê ngựa Hậu Bổ, mê Nôm Thúy Kiều

Nhưng rồi sự thể sẽ càng trở nên phức tạp trong sự tiếp nhận, với một thế giới người đọc, người kể, người nghe bỗng trở nên quá rộng, từ một ông vua cao chót vót là Tự Đức đến thế giới bình dân, đủ mọi tầng lớp, số đông là mù chữ.

Rõ ràng là chỉ “Truyện Kiều” (có lúc xin gọi tắt là Kiều) mới quyến được một ông vua có tiếng hay chữ như Tự Đức. Tự Đức mê Kiều nhưng lại có lúc đe đòi nọc Nguyễn Du ra mà đánh cho vài chục trượng giá như Nguyễn Du còn sống. Ở đây mê là mê giá trị văn chương; nhưng dẫu sự mê hoặc của văn chương, là ông vua, Tự Đức vẫn không thể mất cảnh giác mà bỏ qua những khía cạnh vi phạm luân lý (trong một phần đời Kiều), và không chỉ là luân lý mà còn là chính trị (qua hành trạng của Từ Hải).

leftcenterrightdel
Bìa tác phẩm "Truyện Kiều" của Nhà xuất bản Giáo dục.

Nhưng thời thế đã chuyển đổi-ngay từ triều Tự Đức. Thời trung đại và thể chế phong kiến đến hồi tan rã đã làm xuất hiện một lớp nhà Nho-kẻ sĩ chỉ muốn tìm đến văn chương như một thú chơi, trong sự “mê Nôm Thúy Kiều”. Vậy là “Truyện Kiều”, với sức quyến rũ của nó đã mở ra được một kênh dẫn mới, cho con người tìm đến văn chương-nghệ thuật như một nhu cầu tự thân, khác với các nhu cầu chính thống.

Đầu thế kỷ 20, có một học giả chủ trương: “Truyện Kiều” còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”. Lập tức ngay sau đó, một nhà Nho-chí sĩ quyết đập cho tơi bời cái quan niệm đó, nên đã gán cho “Truyện Kiều” cái nội dung: Ai, dâm, sầu, oán, đạo, dục, tăng, bi - 8 chữ ấy không tránh đường nào cho khỏi. Và, từ điểm nhìn và định hướng đó, “Truyện Kiều” bị liệt vào dâm thư và nhân vật Thúy Kiều bỗng trở thành con đĩ.

Nửa sau thế kỷ 20, “Truyện Kiều” được huy động vào một cuộc chiến chống giai cấp phong kiến, nơi “Quyền sống của con người trong Truyện Kiều của Nguyễn Du” (Hoài Thanh, năm 1951). Mười năm sau, vào mùa xuân 1961, Nguyễn Du lại được Tố Hữu huy động làm đối ứng cho một bài ca xuân thắm thiết tình yêu chủ nghĩa xã hội trong buổi đầu xuất hiện:

            Trải qua một cuộc bể dâu

       Câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình

            Nổi chìm kiếp sống lênh đênh

        Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều!

                                                                                                                   (Bài ca mùa Xuân 1961)

Rồi, vào thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, dịp kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du, năm 1965, “Truyện Kiều” lại đến với người đọc như một nhịp trống hào hùng, giục giã người ra trận: Sông Lam nước chảy bên đồi/ Bỗng nghe trống giục ba hồi gọi quân... (Kính gửi cụ Nguyễn Du).

Càng về sau, “Truyện Kiều” càng có một giá trị được nhân lên nhiều lần nên đã cuốn theo biết bao nhiêu học giả vào một cuộc tìm kiếm, khảo sát không ngừng nghỉ về ngôn ngữ, về giá trị văn chương. Mục tiêu đi tìm một bản Kiều gần với nguyên tác là sự nghiệp của nhiều người, trong đó, học giả Hoàng Xuân Hãn gần như dành cả một đời cho việc đó và cho đến lúc qua đời, ông vẫn chưa xong. Một cuộc tìm kiếm đem lại vinh quang cho bao công trình, bao luận án khoa học mà chỉ riêng việc xác định đúng một chữ, một câu cũng đủ được xem là một phát hiện quý giá. Và đương nhiên là trong cuộc tìm kiếm bất tận đó cũng đã xảy ra không ít cãi vã, xô xát, do sự khác nhau trong cách khai thác và xử lý văn bản, tư liệu...

Trăm năm trong cõi...

Hẳn chưa có một tác phẩm nào của văn học cổ điển và văn học hiện đại có thể đưa đến một hiệu ứng đọc rộng rãi với mọi hình thái và cung bậc thưởng thức đa dạng đến thế trong các cách lẩy Kiều, tập Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều... Nếu vịnh Kiều, tập Kiều, lẩy Kiều là dành cho người trí thức, dành cho đám “tao nhân mặc khách”, dành cho những người tìm thấy ở Kiều sự đam mê của một thú chơi thì bói Kiều là một sản phẩm của dân dã, của công chúng ít học hoặc thất học, của những người “chân lấm tay bùn”. Họ, số đông là người thuộc và truyền tụng “Truyện Kiều”, qua Quốc ngữ và đến với Kiều như một nơi giãi bày, chia sẻ với cảnh ngộ và tâm trạng; cũng lại là nơi gửi gắm những ao ước trước các bí ẩn của đời.

Bói Kiều, bởi ở Kiều là cả một thế giới, gồm đủ các phương diện sống, đủ mọi hỉ, nộ, ái, ố, lạc mà trong đường đời và cõi người, ai ai cũng đều được (hoặc phải) nếm trải.

Bói Kiều, bởi ở Kiều có đủ mọi cung bậc cho mọi cảnh ngộ, từ đáy sâu của sự bần cùng, nhục nhã, ố bẩn đến đỉnh điểm của sự trong trắng, thanh cao, thắm thiết, hào sảng của thế giới tinh thần.

Bởi ở Kiều có một cái hậu sau Tiền Đường, cái hậu luôn luôn và hẳn còn lâu mới hết được sự bàn luận và tranh cãi, nằm ở hai cực của khen-chê.

Để hiểu thế giới “Truyện Kiều” là sự chưng cất mọi trải nghiệm của Nguyễn Du, là một sự dốc kiệt bản thân để viết ở  ông. Thế giới nhân vật “Truyện Kiều” là thế giới để mà yêu, mà ghét, mà thương, mà giận, mà trọng, mà khinh... Nhưng cũng có những nhân vật không thể ứng xử đơn giản, rạch ròi như thế-như Hoạn Thư-“Ở ăn thì nết cũng hay/ Nói điều ràng buộc thì tay cũng già”; như Thúc Sinh-anh nhà buôn lấy vợ nhà quan, quen thói bốc rời và sợ vợ, thế mà đã được hưởng ở Kiều một nỗi nhớ tuyệt vời đến thành cổ điển: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”.

Có như thế mới là thế giới người, là hiện thực đời người-“trăm năm trong cõi”...

Đọc “Truyện Kiều” dường như ai cũng có thể tìm thấy mình trong đó. Rất hiện đại, rất đương thời mà vẫn trong khuôn hình cổ điển; rất cổ điển mà vẫn có sức vượt thời gian để đến với thời hiện đại, với người hôm nay, người bây giờ-đó là một Nguyễn Du vĩnh cửu cho người đọc sau hơn 200 năm...

Phải bao gồm, phải kết hợp, phải xuyên thấm cả hai phương diện đó mới đúng là Nguyễn Du, mới làm nên sự sống trường tồn của tác phẩm Nguyễn Du.

Còn gần 100 năm nữa (tính từ ngày ông mất) để ứng nghiệm cái giới hạn mà Nguyễn Du từng băn khoăn: “Bất tri tam bách dư niên hậu”. Đến lúc ấy không biết có ai còn khóc Tố Như nữa không? Câu trả lời xin mượn của Tố Hữu:

           Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du

      Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày.

                                                                                                                         Tết Canh Tý 2020

GS PHONG LÊ (*)
___________

(*) Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam