Từ xưa ở nước ta, đời nào cha ông cũng coi trọng văn hóa gia đình, mặc dù các cụ không gọi đích danh. Gia pháp nhà Trần rất nghiêm về danh phận trên-dưới và kỷ cương trong-ngoài. Tác giả Việt sử tiêu án Ngô Thì Sỹ viết rằng: “Gốc thiên hạ ở tại gia đình. Có dạy bảo được gia đình, mới dạy được người trong nước”. Thời Lê, Nguyễn Trãi là người có hiếu nổi tiếng, mang nặng lòng canh cánh lời dặn của cha ở ải Nam Quan, ngày đêm nuôi chí lớn phục thù, thì việc ông soạn Gia huấn ca là một hiện tượng hợp logic.

leftcenterrightdel
Minh họa: LÊ HẢI

Để có một gia đình hạnh phúc, một xã hội ổn định thì nhà nước không chỉ xây dựng chương trình lương thực, kế hoạch dân số, bảo vệ tài nguyên, giữ gìn môi trường sinh thái… mà còn phải tiến hành đấu tranh chống mọi tệ nạn xã hội, giữ gìn bản sắc và bản lĩnh văn hóa dân tộc, tức là việc tu rèn đạo đức cá nhân (tu thân), xây dựng kỷ cương gia pháp (tề gia) là điểm khởi đầu, khi đó mới nói đến quản lý nhà nước (trị quốc). Không phải ngẫu nhiên mà một quốc đảo nhỏ chỉ hơn 5 triệu dân trở thành một nước giàu, ổn định, có mức sống cao như Singapore lại vận dụng 5 phạm trù trung, hiếu, nhân ái, lễ nghĩa, liêm sĩ của Nho giáo để biến thành những chuẩn tắc hành động cụ thể cho từng người dân, từng gia đình, được các chủng tộc chấp nhận. Ở Trung Quốc, những nhân tố tích cực của đạo Khổng được thừa nhận. Chữ hiếu được đề cao, chức năng của gia đình được nhấn mạnh. Ở Nhật Bản, cơ cấu gia đình đã biến đổi, loại gia đình nhỏ, hạt nhân đang phát triển; sự vắng mặt của ông bố, vị trí của người vợ, người mẹ trở nên quan trọng. Ở các nước Tây Âu, thay vì xu hướng gia đình không dựa trên cơ sở hôn nhân phát triển vào những năm 60 và 70 của thế kỷ 20, hiện nay, người ta có xu hướng quay trở lại những giá trị truyền thống, đề cao trách nhiệm giáo dục gia đình.

Ở nước ta, văn hóa gia đình được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra rất sớm. Ngày 10-10-1959, trong bài phát biểu tại Hội nghị cán bộ thảo luận dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình, Người nói: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa gia đình, Đảng ta đã có nhiều văn bản về văn hóa gia đình và xây dựng gia đình văn hóa. Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng ghi rõ: “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, làm cho gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi người; phát huy trách nhiệm của gia đình trong việc lưu truyền những giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác”. Nghị quyết Đại hội IX của Đảng cũng ghi: “Nêu cao trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng và bồi dưỡng các thành viên có lối sống văn hóa, làm cho gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội”. Tất cả nội dung đó là văn hóa gia đình.

Thành ngữ xưa đúc kết: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Đó là biểu tượng truyền thống tốt đẹp của một gia đình, một dòng họ, rộng hơn là một cộng đồng. Có lẽ vì thế mà các giá trị văn hóa gia đình được lưu giữ bền vững hơn ngoài xã hội. Mỹ tục thờ cúng tổ tiên là một ví dụ: Thờ cúng tổ tiên là một hiện tượng hiếu để làm gương cho con cháu đời sau. Cứ mỗi lần đứng trước bàn thờ tổ tiên, ông bà… con cháu chắp tay trước ngực để cầu khấn cho linh hồn các cụ siêu thoát, cũng đồng thời mong muốn các cụ phù hộ độ trì cho con cháu gặp may mắn. Nghi thức thờ cúng, lễ vật hiến dâng người đã khuất, ở mỗi nhà một kiểu nhưng đều gặp nhau ở lòng thành. Thờ tổ tiên là tục lệ ăn sâu vào tâm tư, tình cảm người Việt Nam. Chính vì vậy mà dù “vật đổi sao dời”, đất nước hòa bình hay loạn lạc thì việc thờ cúng tổ tiên vẫn canh cánh bên lòng người con hiếu thảo, nhất là vào ngày rằm, mồng một, giỗ chạp… Xã hội đổi thay đã nhiều, nhất là trong thời hiện đại, nhưng nội dung những câu khấn, thiết chế thờ cúng, nghi thức bái lạy, lễ vật cúng tiễn… từ xưa đến nay rất ít thay đổi. Những câu thành ngữ được đúc kết từ lâu đời vẫn tồn tại bền vững cho đến hôm nay và có thể cả mai sau. Trong quan hệ với con cái là “gọi dạ bảo vâng”, “đi thưa về trình”. Trong quan hệ thứ bậc thì “kính lão đắc thọ”; “kính trên nhường dưới”; “chị ngã em nâng”… Trong quan hệ vợ chồng thì “một điều nhịn, chín điều lành”; “thuận vợ, thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn”…

Ngày nay, trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, vấn đề gia phong, gia lễ của từng gia đình bị chi phối bởi các nhân tố: Kinh tế, văn hóa vật chất, pháp luật, lối sống, chất lượng sống, vấn đề công danh, mưu sinh lập nghiệp, thị hiếu và giải trí… Sự bộc lộ mâu thuẫn giữa các thành viên, các thế hệ trong gia đình thể hiện công khai hơn, dễ nhận thấy hơn. Nhưng, cách giải quyết lại thỏa đáng hơn nhờ lòng bao dung, “sự thể tất” rất tâm lý của cả hai phía. Nếu như trước đây, phương thức giải quyết mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái thường đi đến kết cục thắng-bại mà phần thắng thuộc về bề trên thì ngày nay, phương thức giải quyết áp đặt, nhất là bằng bạo lực gia đình ít tỏ ra có tác dụng, trừ khi xung đột xảy ra phải nhờ pháp luật. Mặt khác, cuộc sống ngày nay đòi hỏi các bậc cha mẹ, ông bà cũng cần có những suy nghĩ mới bằng những phương thức giáo dục mới có sức thuyết phục, làm gương cho con cháu noi theo. Việc xây dựng gia phong, gia lễ của từng gia đình nên bắt đầu bằng việc giáo dục bậc làm cha, làm mẹ. K.Marx nói: Những người giáo dục cũng cần được giáo dục. Thương yêu, tôn trọng, phê phán, nhắc nhở, thậm chí răn đe là điều cần thiết, nhưng tuyệt đối không nên dùng bạo lực, lăng nhục, nhất là đối với trẻ em.

Văn hóa gia đình trong điều kiện lịch sử xã hội nào cũng đều liên quan tới lối sống của cộng đồng, liên quan tới nhiều thế hệ, liên quan tới nhiều giá trị mà bản sắc dân tộc, cốt cách dân tộc đóng vai trò trung tâm. Bất cứ một sự khuyên bảo, một hành vi giáo dục nào đối với lớp trẻ đều cần sự kết hợp đồng bộ giữa các mặt. Đồng thời, lòng khoan dung, hành vi hòa hiếu của ông bà, cha mẹ trong một gia đình không chỉ là phương tiện mà còn là mục đích. Bởi suy cho cùng, bản chất của văn hóa là hòa giải. Văn hóa gia đình không vượt ra khỏi bản chất đó của văn hóa nhân loại nói chung.

GS HỒ SĨ VỊNH