Nhớ lại những trời xuân thuở trước, khi thời gian và mùa màng vẫn còn được quan niệm theo một nhịp tuần hoàn (xuân đi xuân lại lại), thơ văn trung đại đã đượm một vị xuân an lạc: “Xuân đi, trăm hoa rụng/ Xuân đến, trăm hoa cười... Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua, sân trước một nhành mai” (Có bệnh bảo mọi người-Mãn Giác thiền sư); “Ngủ dậy ngỏ song mây/ Xuân về vẫn chửa hay/ Song song đôi bướm trắng/ Phấp phới sấn hoa bay (Xuân hiểu-Trần Nhân Tông); “Cỏ xanh như khói bến xuân tươi/ Lại có mưa xuân nước vỗ trời” (Bến đò xuân đầu trại-Nguyễn Trãi); “Cỏ non xanh rợn chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa” (Truyện Kiều-Nguyễn Du)… Trong cảm quan của các thi sĩ trung đại, xuân đi rồi xuân lại lại, bởi thế, sự bằng an, lạc quan là điều dễ nhận ra. Cũng chính ở đó, trong những vần thơ xuân trung đại, các nhà thơ đã chuyển tải ý niệm “vô kỵ” của cái tôi phi ngã. Vô kỵ là không sợ, bởi thời gian không trôi mất, thời gian sẽ trở lại trong nhịp điệu vĩnh cửu của đất trời. Con người trung đại sống bằng hệ giá trị đồng nhất, mang tính quy ước, đặt cộng đồng lên trên cá nhân, vì thế, thế giới quan của họ về căn bản vẫn vận hành trong các thang bậc có sẵn. Xuân hay các hiện tượng đời sống xã hội, con người đều quy về các mối tương quan mật thiết với giá trị quy ước, điển lệ, tập tục của cộng đồng. Thế nên, xuân trong thơ trung đại (dĩ nhiên, không hoàn toàn tuyệt đối) chính là sự hiện diện rõ rệt nhất của trạng thái bằng an vĩnh cửu trong đời sống con người.

leftcenterrightdel
Minh họa: XUÂN HUYỀN

Bước sang thời cận-hiện đại, văn chương viết về thời gian nói chung và mùa xuân nói riêng đã mang một cảm quan khác. Đó là cảm quan của cái tôi cá nhân, ý thức một cách cao độ về sự hiện diện của mình giữa dòng thời gian. Thời gian lúc này là thời gian tuyến tính-một đi không trở lại, thế nên, xuân đã mang dáng hình của hiện tại, quá khứ và cả tương lai.

Thơ mới đã phá vỡ khung khổ ước lệ của thơ trung đại để thoát ra, kiến tạo những không gian, thời gian xuân mang tính cá nhân với sự phong phú, đa dạng trong cảm nhận và biểu hiện: “Trong làn nắng ửng: Khói mơ tan/ Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng/ Sột soạt gió trêu tà áo biếc/ Trên giàn thiên lý, bóng xuân sang” (Mùa xuân chín-Hàn Mặc Tử); “Của ong bướm này đây tuần tháng mật/ Này đây hoa của đồng nội xanh rì/ Này đây lá của cành tơ phơ phất/ Của yến anh này đây khúc tình si/…/ Xuân đang tới, nghĩa là xuân đương qua/ Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già” (Vội vàng-Xuân Diệu); “Nằm im dưới gốc cây tơ/ Nhìn xuân trải lụa muôn tờ lá non” (Trông lên-Huy Cận); “Đây, pháo đỏ lập lòe trong nắng chói/ Đây, hoa đào mỉm miệng đón xuân tươi” (Xuân về-Chế Lan Viên); “Nước hồ xanh trong suốt ánh pha lê/ Nắng xuân rắc kim vàng trong bụi cỏ” (Mùa xuân-Đoàn Văn Cừ); “Trời hơi lạnh và nắng vàng hơi hửng/ Lúa xanh đồng rợn sóng tận chân mây” (Ngày xuân-Anh Thơ); “Cây vươn cao lên, nắng tỏa gần/ Vàng bay vài lá, ý bâng khuâng” (Đường xuân gặp gió-Yến Lan)…

Mùa xuân trong cảm quan của thi sĩ Thơ mới mang những nguồn sống mạnh mẽ hơn, khỏe khoắn và tân kỳ như chính chủ thể tri nhận về nó. Con người cá nhân tư sản trong đô thị phương Tây đã nhìn xuân bằng đôi mắt của riêng mình, cảm xuân bằng trái tim, bằng hơi thở của riêng mình. Bởi thế, xuân không chỉ đẹp, rực rỡ, ấm áp, vui vầy mà xuân còn ẩn chứa bao âu lo của đời sống cá thể trước bước đi của thời gian: “Buồn hết nửa đời xuân/ Mộng vàng không kịp hái” (Mưa… mưa mãi-Lưu Trọng Lư); “Tóc xanh như cỏ trên mồ/ Đời hoang chôn cả xuân thu một thời” (Độc hành ca-Trần Huyền Trân); “Xuân này đến nữa đã ba xuân/ Đốm lửa tình duyên tắt nguội dần” (Cô lái đò-Nguyễn Bính); “Sắc tàn, hương nhạt, mùa xuân rụng!” (Xuân rụng-Xuân Diệu); “Đời mất về đâu, hỡi tháng, năm?/ Xuân không mọc nữa với trăng rằm!” (Buồn-Huy Cận); “Hoang sơ tuổi đá bừng cơn mộng/ Cúi mặt u huyền khép áo xuân” (Lạc hồn ca-Đinh Hùng); “Năm nay đào lại nở/ Không thấy ông đồ xưa/ Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?” (Ông đồ-Vũ Đình Liên)…

Trong văn xuôi trước năm 1945, xuân-Tết cũng hiện diện trong sáng tác của nhiều tác giả. Có thể kể đến Nguyên Hồng (Những ngày thơ ấu), Nguyễn Công Hoan (Người ngựa, ngựa người), Nhất Linh (Lạnh lùng, Đoạn tuyệt, Gánh hàng hoa); Nhất Linh-Khái Hưng (Đời mưa gió)… Trong các tác phẩm văn xuôi trước năm 1945, xuân-Tết hiện ra theo tâm trạng của nhân vật và bối cảnh câu chuyện. Có khi đó là: “Mùa xuân như đưa lại cho người ta một quãng thiếu thời... Ta không có cảm tưởng rằng ta già thêm một tuổi, nhưng trái lại, ta chỉ thấy ta trẻ thêm lên một tí, hình như sự ấm áp, êm đềm của thời tiết đến làm mất những nếp răn mà mùa đông rét mướt, khô khan đã vẽ lên mặt ta” (Gánh hàng hoa-Nhất Linh). Có khi, xuân-Tết lại gợi lên bao lẻ loi, cô độc, sầu nhớ của con người-như Chương trong Đời mưa gió. Cũng có khi, mùa xuân đánh thức những xốn xang, rung động thầm kín, e lệ nhưng không dám vượt qua sự kiềm tỏa của lễ giáo, sự thiêng liêng của danh phận như Nhung trong Lạnh lùng. Ở khía cạnh khác, Tết lại là niềm ai oán, tủi hổ, xót xa của phận người dưới ách thuộc địa thực dân Pháp như trong Người ngựa, ngựa người (Nguyễn Công Hoan), Tối Ba mươi (Thạch Lam)…

Các nhà văn trước năm 1945 đã cảm nhận Tết theo nhiều chiều kích, nhiều góc độ, dựa trên cảm nhận cá nhân và thời đại về thân phận con người trước bước chuyển của lịch sử, thời gian. Trên báo chí tiền chiến, từ rất sớm, những người làm báo đã có ý thức trong việc xuất bản ấn phẩm đón xuân đặc biệt. Tạm thời, có thể xem Nam Phong (số Xuân Mậu Ngọ 1918) là tờ báo Tết đầu tiên ở nước ta. Như thế, nét văn hóa này đã có lịch sử hơn 100 năm. Nhìn lại những số báo xuân xưa, lòng ta không khỏi bồi hồi, xốn xang vì cảm nhận được bước đi của thời gian, sự ngưng đọng của ý niệm con người trước vận hành miên viễn của vũ trụ. Số báo Nam Phong đánh dấu sự khởi đầu của một mỹ tục, đến giờ vẫn tỏa ra dư vị trong trời xuân thuở trước. Lời thưa trong số báo này định hình một sắc thái, dẫu đã qua cả trăm năm vẫn còn nguyên niềm hân hoan: “Cả năm có một ngày Tết là vui. Vui ấy là vui chung cả mọi người, vui suốt trong xã hội... Buổi đầu xuân năm mới, giời ấm khí hòa, cảnh vật tươi cười, lòng người hớn hở”. Bởi thế, dù là tờ báo nghiêng về hàn lâm, học thuật, Nam Phong cũng phải chỉnh trang để trở nên “một cái quà phù hợp với cảnh năm mới”. Gác lại mọi bận bã ngày thường, Nam Phong nhắc con người về một mùa xuân mới, “nếm miếng bánh đường, nhắp chén rượu ngọt cho khoan khoái tinh thần... Thắp hương, rải hoa, hun bút, mở giấy mà mừng tuổi cho nước nhà” (Lời thưa). Có lẽ, tinh thần ấy đã trở thành điển lệ cho tục làm báo Tết hơn 100 năm qua.

Cách mạng Tháng Tám thành công (1945), toàn quốc kháng chiến (1946), văn học Việt Nam cũng bước vào cuộc trường chinh vĩ đại cùng dân tộc. Trong những năm tháng khói lửa đạn bom, các nhà văn vẫn dành cho xuân-Tết những khoảnh khắc an lành, ấm áp, gợi lên hy vọng những mùa xuân rực rỡ cho nhân dân, đất nước. Văn học 1945-1975 ghi nhận những mùa xuân tái sinh, tươi non, đầy hy vọng, tin tưởng, lạc quan cách mạng trong thơ Hồ Chí Minh: “Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay/ Vượn hót, chim kêu suốt cả ngày/ Khách đến thì mời ngô nếp nướng/ Săn về thường chén thịt rừng quay/... Kháng chiến thành công ta trở lại/ Trăng xưa, hạc cũ với xuân này” (Cảnh rừng Việt Bắc, 1947); Nguyễn Đình Thi: “Ngô xanh ngắt bãi phù sa/ Gió mát rượi sóng Hồng Hà/ Mùa xuân đến rồi-chim én/ Bay về từ những núi xa... Hỡi em gánh nước bên sông/ Thắm tươi như đóa hoa hồng/…/ Mùa xuân đã ấm quê hương” (Chim én, 1959). Mùa xuân thực sự đã đem về cho lòng người cảm giác ấm áp, chan hòa với đất trời, cảnh vật. Đó là những mùa xuân trong Đường chúng ta đi (Hoàng Trung Thông, 1960); Những cánh buồm (Hoàng Trung Thông, 1964); Mưa xuân trên biển (Huy Cận, 1959); Tiễn bạn cuối mùa đông (Nguyễn Khoa Điềm, 1972). Sắc xuân tỏa ra gần gũi, thân thương và trìu mến, đầm ấm như trong Cái Tết của mèo con (Nguyễn Đình Thi, 1961)… Các nhà văn đã nâng hình ảnh mùa xuân thành biểu tượng cho những gì tươi đẹp, hứa hẹn, sinh sôi và đơm kết. Bởi thế, dù trong hoàn cảnh chiến tranh, mùa xuân vẫn ánh lên sắc điệu của niềm tin vào tương lai rạng rỡ: “Bao giờ về bên kia sông Đuống/ Anh lại tìm em/ Em mặc yếm thắm/ Em thắt lụa hồng/ Em đi trẩy hội non sông/ Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh” (Bên kia sông Đuống-Hoàng Cầm, 1948)…

Đất nước thống nhất, ngày hội non sông đã làm bừng lên sắc xuân trong đất trời và trong văn chương nghệ thuật. Nhà thơ Thanh Hải trong bài Mùa xuân nho nhỏ (1980) đã bày tỏ cảm xúc, suy tư của mình trước mùa xuân mới của đất nước. Cùng với sự ấm áp, tươi vui, rạng rỡ của đất trời và lòng người buổi sang xuân, trong văn học thời kỳ này, ta cũng bắt gặp những cái nhìn hoài niệm về thời gian và đời người. Mùa xuân hay là phần thanh xuân tươi trẻ của con người, sự sum vầy đoàn tụ hay cảm thức ly tán, gặp gỡ hay cách ngăn, hy vọng hay thất vọng… trong cái nhìn thế sự đời tư, nhiều khi gợi lên sự tiếc nuối, suy tư trong những tác phẩm của Lê Lựu (Thời xa vắng), Thùy Dương (Mặt trời bé con của tôi), Đỗ Chu (Cánh đồng không có chân trời), Nguyễn Quang Thiều (Hai người đàn bà xóm trại), Phan Thị Vàng Anh (Mười ngày)… Mùa xuân tươi đẹp và rạng rỡ có khi lại gieo vào lòng người nỗi âu lo về thanh xuân, tuổi trẻ sẽ đi qua không trở lại. Vì thế, trong văn chương đương đại, cảm thức âu lo về thời gian lại lần nữa hiện diện. Người ta phải sợ hãi cái chết, sự tàn úa đến thế nào mới bừng lên ánh sáng của niềm hân hoan được sống, được hiện hữu như thế. Họ khát vọng phải sống như mùa xuân tươi đẹp. Họ phải yêu đương, phải ân ái, phải sinh sôi để sự sống không dừng lại hay biến tan... Con người tận khai xuân sắc, tận hưởng xuân thì, trì níu xuân xanh: “Vẫn tìm anh suốt dọc thanh xuân, những tinh mơ, những chiều lạnh lẽo/…/ ngày anh đến mùa tình lên” (Mùa tình-Vi Thùy Linh); “Xuân đi đuổi những héo mòn/ Tóc anh hoa muối nuối con sông gầy/ Em ơi tình đã về đây/ Giao bôi ly mẻ rót đầy lòng nhau” (Dạm lòng-Mạc Mạc)…

Bên chén trà ấm áp, bên ly rượu ngọt ngày xuân, giữa cảnh sum vầy của gia đình, sự rộn rã của lòng người, nhấm nháp vị xuân-Tết dọc đường văn chương quả cũng là một mỹ vị đáng để thưởng thức. Như một biểu tượng của thời gian và niềm hy vọng, mùa xuân, ở phần rộng lớn, phổ biến nhất của nó, đã níu vào văn chương một sắc điệu tươi vui, an lành, ấm áp. Từ đó, lòng người như chan hòa, rộng mở để đón đợi những mùa xuân hy vọng ở tương lai.

TS, nhà văn NGUYỄN THANH TÂM