Tôi đã về Cao Bằng nhiều lần, được đến thăm tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh, được người Cao Bằng Mời rượu cả chum, mời quả cả cây/ Tết tháng Giêng hẹn từ tháng Bảy như lời của nhà thơ Y Phương, nguyên phóng viên Báo Quân khu Một, sinh ra và lớn lên ở Cao Bằng. Đồng chí Dương Mạc Thăng (con trai của đồng chí Dương Mạc Thạch, tức Xích Thắng-Chính trị viên đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân), hơn hai chục năm trước, khi còn là Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, đã “kết nạp” tôi làm “công dân danh dự của tỉnh”. Gần đây nhất, vào cuối năm 2016, tôi cùng Trung tướng Ma Thanh Toàn, nguyên Tư lệnh Quân khu 2, đến huyện Thạch An (Cao Bằng) quê hương ông gần một tuần để gặp gỡ nhân chứng, bổ sung hồ sơ đề nghị Chính phủ công nhận Di tích lịch sử Địa điểm Chiến thắng Biên Giới năm 1950 tại xã Đức Long là Di tích Quốc gia đặc biệt. Sau đó, tôi lại cùng Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 799 (Quân khu 1) làm công tác dân vận gần nửa tháng ở huyện nghèo nhất của tỉnh Cao Bằng và cũng là một trong những huyện nghèo nhất cả nước mang tên Bảo Lâm. Có thể nói, Cao Bằng quá thân thương, quen thuộc với tôi, vậy mà lần này trở lại, mới xa cách hai năm, tôi đã thấy ngỡ ngàng.

Khi trở lại Cao Bằng/ Con đường tươi màu nắng/ Tiếng chim hót trên cao/ Giữa rừng già im ắng... Lời bài hát “Trở lại Cao Bằng” của nhạc sĩ Tân Huyền cứ văng vẳng bên tai tôi trên Quốc lộ 3 từ Thái Nguyên ngược lên phía Bắc, nhưng đến địa phận Cao Bằng, chúng tôi nhận ra không còn cảnh “rừng già im ắng” nữa bởi rất nhiều công trường đang xây dựng. Ngay tại xã khó khăn nhất của tỉnh là xã Đức Hạnh, thuộc huyện Bảo Lâm, với câu vè từ thế kỷ trước Xa Yên Thổ, khổ Đức Hạnh, chúng tôi cũng thấy dường như đã thức dậy sau giấc ngủ đông. Thiếu tá Lê Bá Hùng, cán bộ Đồn Biên phòng Cốc Pàng được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Đức Hạnh, phấn khởi báo tin: Năm 2018, được sự quan tâm của huyện Bảo Lâm, sự giúp đỡ của Đoàn KT-QP 799 và Đồn Biên phòng Cốc Pàng, xã Đức Hạnh đã giảm được hơn 5% số hộ nghèo và xóa được toàn bộ số hộ đói. Ngành điện đang triển khai đưa điện quốc gia đến 9 bản khó khăn trong xã, theo kế hoạch thì đến Tết Kỷ Hợi 2019, lưới điện quốc gia sẽ đến được với bà con của 9 bản này. Có điện, cuộc sống của bà con dân tộc Mông ở đây sẽ đổi thay, trong đó thay đổi lớn nhất theo Thiếu tá Lê Bá Hùng là sẽ giảm được tình trạng đẻ sớm, đẻ nhiều con. Thiếu tá Lê Bá Hùng dẫn chứng: Hiện xã có 3 bản được sử dụng điện lưới quốc gia, số cặp vợ chồng trẻ sinh từ 3 con trở lên rất ít, nhưng tại 15 bản chưa có điện lưới, số cặp vợ chồng có từ 4 con trở lên rất nhiều. Có cặp vợ chồng đẻ đến 9, 10 người con; kết hôn sớm từ 14, 15 tuổi.

leftcenterrightdel
Thác Bản Giốc - thắng cảnh nổi tiếng của Cao Bằng. Ảnh: TRỌNG HẢI

Tại Đức Hạnh, chúng tôi đã đến thăm gia đình cháu Vừ Mí Chứ, dân tộc Mông, ở bản Lũng Mần. Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang do Bộ tư lệnh Quân khu 1 xây tặng từ giữa năm 2017, cháu nghẹn ngào xúc động nói bằng tiếng Kinh không sõi, rằng: “Nhờ đồng chí Tường (Thiếu tướng Phan Văn Tường, Phó tư lệnh Quân khu 1-PV) giúp đỡ, 7 anh em cháu không còn bị đói nữa. Cháu vừa bán một con lợn để lấy tiền sắm Tết”.

Các đồng chí lãnh đạo xã Đức Hạnh kể cho chúng tôi nghe câu chuyện hai năm về trước. Nhân dịp xuân mới Đinh Dậu 2017, Thiếu tướng Phan Văn Tường thay mặt Đảng ủy và Bộ tư lệnh quân khu đến thăm, chúc Tết xã biên giới đặc biệt khó khăn Đức Hạnh. Khi tặng quà các gia đình nghèo của xã tại trụ sở UBND, đồng chí ngạc nhiên thấy một cháu bé loắt choắt mà lại được giới thiệu là chủ hộ lên nhận quà. Hỏi chuyện, đồng chí xúc động khi biết cháu bé đó là Vừ Mí Chứ, 15 tuổi, là anh cả trong một gia đình gồm 7 anh chị em (5 trai, 2 gái) mồ côi cả cha lẫn mẹ ở bản Lũng Mần-bản khó khăn nhất của xã Đức Hạnh.

Ngay sau khi tặng quà, Thiếu tướng Phan Văn Tường cùng một số cán bộ của Đoàn KT-QP 799 đã đi bộ xuyên núi đến thăm nơi ở của cháu Vừ Mí Chứ. Đoàn công tác xót xa trước cảnh ngôi nhà mà Chứ và các em của cháu ở dột nát, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Năm 2013, mẹ Chứ mất, đến năm 2015, bố của Chứ cũng qua đời. 7 anh chị em mồ côi không nơi nương tựa phải tự nuôi nhau. Chứ và em gái thua Chứ một tuổi phải đi làm nương, đến tối mịt mới về. Trong gia đình chỉ có người em thứ ba là Vừ Mí Na được Đồn Biên phòng Cốc Pàng trợ cấp cho đi học, còn lại chưa ai được đến trường.

Sau chuyến công tác đầu xuân ấy, Thiếu tướng Phan Văn Tường báo cáo với Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 1 về hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của gia đình cháu Vừ Mí Chứ và đề xuất giải pháp giúp đỡ gia đình cháu ổn định cuộc sống. Đảng ủy, Bộ tư lệnh quân khu thống nhất trích từ Quỹ “Vì người nghèo” của quân khu 50 triệu đồng, đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài quân đội ủng hộ kinh phí làm nhà mới tặng gia đình cháu Vừ Mí Chứ. Chỉ trong thời gian ngắn, cuộc vận động thu được 218 triệu đồng. Nhiều tập thể và cá nhân ngoài quân đội nghe tin có cuộc vận động tình nghĩa của Quân khu 1 giúp đỡ gia đình cháu Vừ Mí Chứ cũng nhiệt tình hưởng ứng.

Sau hơn một tháng triển khai xây dựng, căn nhà đẹp nhất bản Lũng Mần do bộ đội xây dựng đã hoàn thành. Để giúp các cháu ổn định cuộc sống, nhiều tổ chức, cá nhân cũng trao tặng các cháu gia súc, đồ dùng sinh hoạt trong buổi lễ giao nhận nhà. Đến nay, sau một năm rưỡi, con bò do phụ nữ Quân khu 1 tặng đã sắp đẻ, đàn lợn, đàn gà do các nhà hảo tâm tặng đã tăng gấp ba. Thấy bộ đội gọi nhau bằng đồng chí, Chứ cũng gọi là “đồng chí Tường”.

Không chỉ có gia đình cháu Vừ Mí Chứ mà hầu hết các gia đình trong bản Lũng Mần trong năm 2018 đều có thu nhập cao hơn năm 2017 do được bộ đội Đoàn KT-QP 799 tư vấn cách thức làm ăn. Trưởng bản Sầm Mý Chí khoe, Tết này Lũng Mần rất vui vì vừa được mùa ngô, xe ô tô vào được đến tận bản nên giá bán cao hơn năm trước.

Đi thăm một số địa phương trong tỉnh, chúng tôi thấy đúng là “Cao Bằng đã thức giấc”. Theo đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, năm 2018, kinh tế của tỉnh bứt phá mạnh mẽ, tăng trưởng công nghiệp hơn 24%, xây dựng tăng gần 12% so với năm 2017. Các khu kinh tế cửa khẩu đã thu hút được 60 dự án đầu tư, trong đó có 9 dự án vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 11 triệu USD và 51 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 8.417 tỷ đồng...

Thế nhưng, nếu nhìn vào các con số thống kê và so sánh với các địa phương trong cả nước thì Cao Bằng vẫn còn khoảng cách khá lớn. Chỉ tính riêng số liệu thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh cả năm 2018 dù có vượt dự toán nhưng mới được khoảng 1.200 tỷ đồng, không bằng số thu ngân sách Nhà nước của TP Hồ Chí Minh trong một ngày.

Nguyên nhân dẫn đến sự nghèo khó của Cao Bằng có nhiều, trong đó, điểm nghẽn lớn nhất theo phân tích của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh là hạ tầng giao thông. Thế nhưng vào Xuân Kỷ Hợi này, điểm nghẽn đó sẽ từng bước được khai thông khi dự án đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng) được khởi công xây dựng. Các điểm nghẽn khác về nguồn nhân lực và cơ chế, chính sách cũng đang được tháo gỡ. Tỉnh đang tập trung thực hiện phát triển mạnh trên 3 trụ cột, là: Dịch vụ du lịch; nông-lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kinh tế cửa khẩu...

78 năm về trước, vào mùa xuân năm 1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đặt dấu chân đầu tiên trở về Tổ quốc tại Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng). Từ đây, ngọn lửa cách mạng được Người thắp lên, tỏa sáng một vùng non nước biên cương rồi lan rộng ra khắp cả nước... Hơn 3 năm sau, cũng tại Cao Bằng, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay đã ra đời... Cao Bằng còn có núi Báo Đông (huyện Thạch An), nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp theo dõi diễn biến và chỉ đạo trận mở màn Chiến dịch Biên Giới tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Khê… Các địa danh và truyền thống cách mạng đang là điểm tựa để Cao Bằng hôm nay vững vàng đi tới...

Trên đường trở về Hà Nội, tôi đã hình dung ra chuyến đi về Cao Bằng mùa xuân năm sau, khi đó, đường cao tốc Lạng Sơn-Cao Bằng thông tuyến, những đặc sản Cao Bằng như bánh cuốn, vịt quay, lạp xưởng, hạt dẻ... mang về Thủ đô vẫn còn nóng hôi hổi và người, xe “đi trẩy nước non Cao Bằng” nườm nượp...

Bút ký của ĐỖ PHÚ THỌ