Cao Dy dáng người mảnh khảnh, toát lên vẻ mộc mạc, chân tình như hạt bắp, củ mì. Anh bộc bạch, nhờ có chút năng khiếu nên sớm cảm nhận được không gian văn hóa đắm say và linh thiêng của đồng bào Ra Glai. Những thanh âm, điệu múa của đồng bào Ra Glai ngấm dần vào Cao Dy qua những đêm nổi lửa, Lễ mừng cơm mới… Giờ Cao Dy đã 42 mùa cây rừng thay lá nhưng chưa lúc nào niềm say mê âm nhạc ngừng cháy trong tim.
|
|
Cao Dy biểu diễn với chiếc khèn Salakhen. |
Dừng câu chuyện, Cao Dy vào nhà, trở ra với bộ trang phục của người Ra Glai khoác trên mình. Bộ trang phục chỉ có hai màu đen và trắng. Cao Dy bảo, trang phục giản dị, mộc mạc như chính người Ra Glai vậy. Rồi anh dẫn chúng tôi lên sườn đồi sau nhà, diễn tấu một vài nhạc cụ dân tộc Ra Glai. Anh tâm sự: “Văn hóa, văn nghệ của người Ra Glai chúng tôi luôn song hành với các phong tục, tập quán cùng các hình thức nghi lễ cầu cúng. Tất cả đều xoay quanh “vòng đời người, vòng đời cây lúa”, tái hiện những nét sinh hoạt cổ xưa của người Ra Glai khi canh tác như múa “phát rẫy”, “làm nương” hay “mời rượu”. Người Ra Glai dùng các loại nhạc cụ trong những hoàn cảnh khác nhau, có những bài hát mà chỉ một loại nhạc cụ có thể biểu diễn được. Ví như bài “Chiều bên suối” chỉ có thể thổi bằng sáo Tacung; bài “Gọi bạn” dùng sáo Talebiloi… Hoặc khi đánh chiêng, có chiêng khi đánh sẽ ra bài gọi nhau về sum họp, hoặc bài chào khách, bài mô phỏng theo tiếng thác đổ ầm ào, tiếng mưa đá thống thiết, bài mơ màng như tiếng chong chóng quay ngoài gió lộng cao nguyên.
Từ nhỏ, Cao Dy đã thuộc không ít làn điệu dân ca, dân vũ cùng nhiều bản Mã La cổ truyền trong các nghi thức lễ hội của người Ra Glai. Anh am hiểu cách sử dụng, chế tác các loại nhạc cụ của người Ra Glai như khèn Salakhen (khèn bầu), một nhạc cụ có ý nghĩa tâm linh và chỉ những người có vị thế trong cộng đồng mới được dùng. Anh nhớ lại: “Salakhen được bố mẹ tôi cất rất kỹ vì đó là vật quý giá nhất của gia đình. Trẻ con không được phép đụng vào. Người Ra Glai quan niệm, mỗi vật hiện hữu đều có một vị thần, do đó khi muốn sử dụng Salakhen, người đó phải làm lễ”. Sự ham thích đã thôi thúc, khiến Cao Dy bất chấp những phong tục đó để tìm cho bằng được và học “lỏm” thứ nhạc cụ “thần bí” này. Dần dần, niềm thích thú, say sưa với âm nhạc giúp Cao Dy chơi được rất nhiều loại nhạc cụ. Những tiết mục độc tấu đàn đá Khánh Sơn, các nhạc cụ bằng tre nứa như đàn T’rưng, đàn Đinh pá, sáo Ta cung lãng mạn về tình yêu, nồng nàn gọi bạn như Đin tút cùng với tiếng khèn bầu đầy quyền lực. Rồi anh lại chơi Kà tét, một loại nhạc cụ giống tù và, được dùng để báo hiệu hay mô phỏng tiếng chim kêu, vượn hú, rồi lại chuyển qua chơi Lu ro, một nhạc cụ giống như đàn môi dùng để bày tỏ tình cảm.
Các nhạc cụ, như: Sáo, đàn Goong, đàn Chapi… chất đầy ngôi nhà của anh và được anh làm để bán cho du khách. “Du khách, đặc biệt là người nước ngoài khi đến Khu du lịch Yang Bay rất thích các loại nhạc cụ mà anh em trong đội văn nghệ biểu diễn”, Cao Dy nói. Cuộc sống gia đình Cao Dy nay đã đủ đầy. Nhiều bà con trong xã tới học hỏi anh cách chơi nhạc cụ, cách làm kinh tế. Anh cũng đi nhiều nơi để giao lưu, biểu diễn, đưa những giá trị văn hóa của đồng bào mình tới mọi người.
Bài và ảnh: HOÀNG VIÊT