Cứ thơ phú đối đáp như thế suốt kỳ phép, cuối năm, chàng trung úy cưới được cô giáo.
Tai nạn vì thơ
A trưởng giục các chiến sĩ nộp thơ làm báo tường dịp Tết. Bí quá, một chiến sĩ gãi tai: “Báo cáo! A trưởng xem thơ thế này được không: Xuân về lục bát mấy câu/ AK bài một ba xâu điểm 10. Một chiến sĩ khác xúm vào xin trình thơ bằng miệng: Lựu đàn (đạn), bộc phá, bò toài/ Xin mừng A trưởng lai rai mấy chùm. Trước tình thế có nguy cơ chỉ được nhận thơ báo tường bằng “văn bản miệng”, không để cậu thứ ba lên tiếng, A trưởng kết luận luôn: “ĐKZ kết luận luôn/ Vừa cộc, vừa nhạt, hổ lùn, báo non. Phạt đào hào!”.
Thắng lớn nhờ thơ
A trưởng về phép, buổi chiều đến thăm bạn gái. Đang loay hoay không biết làm thế nào để xin phép phụ huynh đưa người yêu ra bờ đê thoáng mát tâm sự, ông bố, cũng từng là người lính, biết ý tặc lưỡi: Oong đơ điểm xạ đi thôi/ Chần chừ hết buổi chiều rồi còn đâu? Hiểu ý bố vợ tương lai đã “bật đèn xanh”, A trưởng mạnh dạn: Ngoài đê có mấy cánh diều/ Cháu xin ý kiến chú điều em ra/ Trâu ta ăn cỏ đồng ta/ Cùng là bộ đội trong nhà với nhau! Bố cô gái tủm tỉm, mắng yêu: “Tôi đồng ý, quyết định điều…”. Không để ông bố vợ tương lai nói thêm, A trưởng đứng nghiêm: “Báo cáo! Rõ!”.
Thi thơ trên đảo
Người viết bài này còn được chứng kiến một cuộc thi thơ trong ngày Tết vô cùng hy hữu của nhóm chiến sĩ trên một đảo chìm do Chính trị viên Thơ Phú làm trưởng ban. Năm ấy là năm con trâu nên ban giám khảo quyết định tổ chức cuộc thi thơ lục bát với chủ đề con trâu. Xin giới thiệu những giải cao nhất của các nhà thơ trên đảo chìm.
Chính trị viên Thơ Phú ra đề:
Quanh năm canh gác đảo chìm
Dưới thì cá lội, trên chim suốt ngày
Nguyên tiêu lục bát thi nay
Chủ đề Kỷ Sửu trâu cày đồng xa.
Một chiến sĩ đen như củ súng, có dáng ông đồ Nghệ, đứng ngay dậy, đọc:
Tết này nghé ngọ mấy câu
Ra Giêng lại vắt họ trâu đi cày
Ước ao cho đến một ngày
Ta mang chú nghé vực cày đảo xa.
Một chiến sĩ nom rất đỏm dáng, tóc tai chải mượt, đằng hắng đọc:
Ai mong nghé chóng thành trâu
Ta cưa sừng cộc còn lâu mới già.
Một cậu thấy cần phải chấn chỉnh anh chàng đỏm dáng này, tiến ra đọc:
Cưa sừng làm nghé dễ đâu
Trâu già nhai lại mấy câu rơm vàng.
Chính trị viên thấy không khí bắt đầu nhộn nhịp, đọc luôn:
Thơ ta gặm chữ đồng ta
Giọng quê đâu sợ phố xa bắt bò.
Các chiến sĩ thấy thủ trưởng hăng say như thế, lại chuyển sang cả món bò, một cậu đọc luôn:
Em xin phép “ngáp” vài câu
Chân quê khoai, sắn, con trâu nhà mình
Ghếch sừng nghé ngọ thơ tình
Nửa thành giấy góa, nửa rình cỏ xanh.
Chiến sĩ có dáng đồ Nghệ xem chừng ngứa ngáy lắm, lại giơ tay xin đọc:
Ta bay mãi với gió diều
Trâu quê gặm sạch nắng chiều quê xa
Đảo chìm canh đất quê ta
Đồng xa trâu bước làm ra mùa vàng.
Chưa hết câu đã có hai cánh tay giơ lên, một cậu nhanh nhảu:
Ngai vàng cung điện chìm sâu
Sân đình diễn tích ngài trâu đi cày.
Cậu kia đọc luôn:
Người tìm những thứ tuột tay
Người tìm những khói, những mây trên giời
Nâng niu từng sợi rơm rơi
Đêm đêm nhai lại trâu cười trơ răng.
Chính trị viên Thơ Phú xem ra chất lượng cuộc thi đều đã đạt quá nhiều giải nhất, giải nhì, e rằng cứ thi nữa thì hậu cần đảo chìm nhỏ bé đảm nhiệm sao hết, bèn kết luận:
Anh em đảo nhỏ xa xôi
Nguyên tiêu chắp nhặt mấy lời rạ rơm
Gửi về Đất Mẹ thảo thơm
Hẹn trâu mùa tới lại đơm nắng vàng.
Các chiến sĩ vỗ tay rào rào, tranh nhau lên nhận giải thưởng thơ ngày Tết.
Mới biết các “tướng” chiến sĩ nhà ta ăn Tết lính quả là vô cùng phong phú vậy.
PHƯƠNG VĂN