Nhà riêng của GS, TS Đặng Cảnh Khanh, con trai trưởng của GS Vũ Khiêu ở Hà Đông, TP Hà Nội hiện treo một bức hoành phi cổ có 4 chữ “Học giả chỉ nam” (kim chỉ nam cho người học hành). Bức hoành phi này có tuổi đời hơn 100 năm, do các học trò làm tặng cụ Đặng Vũ Lễ, ông nội của GS Vũ Khiêu khi cụ từ quan về quê dạy học. Sau bao nhiêu năm gìn giữ, gần đây, GS Vũ Khiêu mới bàn giao cho con trai cùng với một kho sách, những câu đối như bảo vật của truyền thống gia đình.

leftcenterrightdel
GS Vũ Khiêu viết câu đối tặng con cháu dịp Tết 2014. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp

“Xét về mặt truyền thống thì gia đình tôi cũng giống như những gia đình trí thức Việt Nam khác chịu nhiều ảnh hưởng của Nho giáo. Thái độ học hành, tôn trọng chữ nghĩa thường được xem là nếp sống, một thứ “nghiệp” từ xưa trong gia đình”-GS, TS Đặng Cảnh Khanh mở đầu câu chuyện với chúng tôi. Ông chỉ vào góc tường có treo một chữ “Tri” do GS Vũ Khiêu viết, bên dưới có thêm mấy chữ như để giải thích và răn dạy thêm con cháu: “Sinh nhi tri, học nhi tri, khốn nhi tri”, nghĩa là người ta sinh ra là để hướng tới tri thức, học hành cũng vì tri thức và rồi sau này có khốn khổ cũng sẽ vì tri thức... Các cụ tổ tiên trong gia đình hầu hết là những người học hành đỗ đạt. Cụ Đặng Vũ Lễ trước là giáo thụ xứ Kinh Bắc. Các con cháu của cụ tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, trong đó có bà Đặng Thị Nhâm là vợ của chí sĩ Phạm Tuấn Tài tham gia rất sớm trong nhóm cách mạng của nhà yêu nước Nguyễn Thái Học. Cha mẹ của GS Vũ Khiêu cũng đều là những trí thức đam mê sách vở.

GS Vũ Khiêu được thừa hưởng truyền thống hiếu học của gia đình và quê hương. Ông sinh tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định-là một trong hai vùng đất học nổi tiếng ở miền Bắc nước ta với câu thành ngữ: “Bắc Cổ Am, Nam Hành Thiện”. Học hành là mục tiêu cao nhất của người dân trong ngôi làng mà người có chữ luôn được trọng hơn người giàu có... Lớn lên, do kinh tế gia đình rất khó khăn nên ông phải ra Hà Nội tự học tập, bươn chải để mưu sinh, như: Làm lao công ở một bệnh viện của Pháp, sau đó mở lớp tư thục dạy học thêm. Vốn kiến thức uyên thâm về Nho học và Tây học phần lớn đều do ông tự học và tích lũy trong quá trình làm việc. Theo GS, TS Đặng Cảnh Khanh thì việc học tiếng Pháp của GS Vũ Khiêu cũng rất đặc biệt. Ngày đó, không có nhiều sách giáo khoa nên ông đến với tiếng Pháp chủ yếu bằng cách học thuộc lòng tất cả các từ trong một cuốn từ điển. Chẳng mấy ai ngờ được rằng từ cách học như thế cộng với việc chịu khó biên dịch và giao tiếp, ông lại có khả năng sử dụng tiếng Pháp chẳng khác gì một người Pháp thực thụ.

Nhờ vốn kiến thức sâu rộng và thông thạo ngoại ngữ mà những năm 1962-1963, GS Vũ Khiêu đã dịch nhiều tác phẩm nước ngoài để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Đến bây giờ, GS Khanh vẫn nhớ như in cảnh cha mình dịch cuốn tiểu thuyết “Rừng thẳm tuyết dày”-một tác phẩm văn học hấp dẫn về các chiến sĩ cách mạng Trung Quốc, bản dịch được đăng trên Báo Thời mới (tiền thân của tờ Hànộimới hiện nay). Ông kể lại: “Hằng ngày, đi làm về, sau bữa cơm tối và làm xong các việc còn lại của cơ quan, bố tôi lại ngồi vào bàn cầm sách để dịch. Mẹ tôi vừa là thư ký, vừa là biên tập viên đầu tiên cho những trang dịch này. Ông dịch sách theo cách đọc trực tiếp từng trang cho bà chép. Chép xong câu nào, bà đọc và chỉnh lại văn phong ngay lúc ấy. Đều đặn, cứ khoảng 4-5 giờ sáng thì phóng viên của tòa báo lại đến lấy bản thảo chép tay để mang đến nhà in. Khi đó, báo đã chừa sẵn một ô trống ở trang 3, nên tối nào ông cũng phải dịch xong một đoạn vừa đủ ô đó, còn bà thì phải viết chữ thật đẹp, chuẩn và dễ đọc để không gây khó khăn cho người xếp chữ ở nhà in. Ông dịch xong thì bà cũng hoàn thiện bản thảo”.

Việc giáo dục trong gia đình GS Vũ Khiêu cũng mang đậm phong cách Nho giáo. Ông là người ít nói, cốt cách nhẹ nhàng, từ tốn. Ông bà sống với nhau hơn nửa thế kỷ nhưng rất hòa thuận, thương yêu, hầu như không bao giờ to tiếng với nhau. Sau khi vợ mất (năm 1994), nhớ thương bà, GS Vũ Khiêu đã viết câu đối “Nửa mảnh trăng tà soi lạnh gối/ Một nhành mai nhỏ thức thâu canh” và thường xuyên treo bên giường ngủ của mình. Với các con, ông là người cha rất nghiêm khắc nhưng cũng rất mực thương con. Ông không ép buộc các con theo ý mình mà chỉ định hướng để các con tự giác học tập, tự do sáng tạo để phát huy sở trường. GS Vũ Khiêu mong muốn con đi làm sớm để có thu nhập bằng sức lao động của mình. Là người phóng khoáng nhưng ông ít khi cho tiền các con mà thường tìm cách giao việc cho con để có thu nhập, như: Dịch thuật, thu thập thông tin, tư liệu khoa học... Ông luôn giữ những nguyên tắc có tính truyền thống trong mọi sinh hoạt gia đình và trong việc xử lý các mối quan hệ xã hội. GS Khanh kể, hồi còn làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên Việt Nam, có lần ông đưa cán bộ trong viện đến thăm cha mình ở nhà riêng. “Khi đó, ông cụ bảo trong trường hợp này tôi không được ngồi cùng hàng với nhân viên của mình vì họ là khách của cụ. Đồng thời cũng không thể ngồi cùng hàng với cụ mà phải ngồi nép vào một bên. Khi cụ chụp ảnh với khách, tôi cũng phải đứng phía bìa ngoài”.

leftcenterrightdel
GS, TS Đặng Cảnh Khanh bên bức thư pháp của GS Vũ Khiêu tặng con cháu dịp Tết 2014. Ảnh: MINH THÀNH

GS Vũ Khiêu luôn dạy các con rằng: “Tiền bạc không phải là thứ quan trọng nhất mà tri thức mới là quan trọng” và đó cũng là kim chỉ nam hành động của ông trong suốt quãng đời của mình. Thực tế là từ lúc hoạt động cách mạng đến năm ngoài 90 tuổi, GS Vũ Khiêu vẫn ở căn nhà công vụ. Trong nhà, đồ dùng thì ít mà nơi nào cũng thấy sách vở ngổn ngang. Phương châm coi trọng tri thức hơn tiền bạc của GS Vũ Khiêu đã được thẩm thấu vào các thế hệ con cháu trong nhà. Bốn người con của ông đều học hành thành đạt, có vị trí riêng trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, giáo dục, văn hóa-nghệ thuật. Riêng GS, TS Đặng Cảnh Khanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển, ngoài công tác chuyên môn nghiên cứu khoa học, giảng dạy, viết báo, ông còn vẽ tranh sơn dầu, viết thư pháp, chơi đàn piano và làm thơ. Một số bài thơ của ông đã được chính con trai của mình phổ nhạc...

Gần một năm nay, GS Vũ Khiêu bệnh nặng. Vị Anh hùng Lao động từng say mê lao động, cống hiến không biết mệt mỏi, nay sức khỏe đã không cho phép ông nghiên cứu và nghĩ về các vấn đề thời cuộc được nữa. Giờ đây, niềm vui của giáo sư thật giản dị là mong được gặp gỡ con cháu hằng ngày, trò chuyện với mọi người qua cây bút và các mẩu giấy. Mặc dù không đi lại được, mọi sinh hoạt, ăn uống phải nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ và người thân, nhưng giáo sư vẫn minh mẫn, da dẻ vẫn hồng hào. Đặc biệt, thời gian qua, mọi người đến thăm ông rất đông, từ người bình thường đến cán bộ cấp cao. Ai đến thăm, biếu giáo sư tiền là ông lại xếp xuống gối. Khi gặp những người bạn đến thăm mà trước đây ông biết họ nghèo khó, ông lại lấy tiền từ dưới gối ấy đưa tặng họ. GS Vũ Khiêu thường dạy con cháu rằng: “Cho đi rồi sẽ lại có...”. Ông quả là một người cha mẫu mực, một tấm lòng quảng đại, nhân ái bao la.

HÀ THANH MINH