Đêm tối nhất là đêm sáng nhất
“Từ điển tiếng Việt” (Trung tâm Từ điển học, bản mới nhất) giải nghĩa: “Đêm trừ tịch” là nói về khoảng thời gian thiêng liêng tiễn đưa năm cũ để đón năm mới với hy vọng những điều tốt lành sẽ đến”. Chiết tự từng từ, ta thấy “trừ” có nghĩa “qua đi, bỏ đi”, tịch là “đêm”. Vậy nói “đêm trừ tịch” là ta đã nói thừa chữ “đêm”. Nhưng đó là cái thừa mà ngôn ngữ học gọi là “độ dư hợp lý” (như bà quả phụ, cây cổ thụ, ngày sinh nhật...). Tuy nhiên, sao lại nói là “đêm qua đi” nhỉ?
Đêm trừ tịch tức là đêm cuối cùng của tháng cuối cùng năm âm lịch, còn gọi là đêm Ba mươi Tết (bất luận là tháng Chạp năm đó đủ hay thiếu). Trong tiềm thức dân gian, “tối như đêm Ba mươi” tức là nói về đêm Ba mươi tháng Chạp. Ngoài đặc thù trăng cuối tháng, trăng Ba mươi Tết cũng gần Đông chí (ngày Mặt Trời ở xa Trái Đất nhất về phía Nam xích đạo). Vì vậy, đêm Ba mươi Tết được coi là đêm tối nhất trong năm. Những ai ở nông thôn xưa, chắc còn nhớ những đêm Giao thừa tối đen như mực. Trời hôm đó trong, không mây, có sao còn đỡ, chứ trời mây bao phủ thì tối càng tối hơn. Đêm tháng Chạp cũng như đêm những tháng cuối năm thường rất dài, làm cho người ta cảm thấy ấn tượng về đêm càng đậm nét.
“Trừ tịch” là bỏ đi những gì đã qua, đón nhận cái mới. Nhưng trừ tịch còn bao hàm nhiều quan niệm khác. Theo Phan Kế Bính (trong “Việt Nam phong tục”) thì “trừ tịch” có nghĩa là trừ khử ma quỷ. Nguyên tục bên Tàu ngày xưa, cứ vào hôm ấy thì dùng 120 đứa trẻ độ 9, 10 tuổi, mặc áo thâm, đội mũ đỏ, cầm trống, vừa đi đường vừa đánh để trừ khử ma quỷ.
Đêm Ba mươi tối thật, nhưng đây là đêm đặc biệt nhất trong năm. Mọi người trong gia đình dù đi đâu, làm đâu cũng đều tề tựu đông đủ trong giờ phút này. Mọi hoạt động, mọi công việc chuẩn bị tất bật cho Tết đều đã ngừng. Trong mỗi căn nhà người Việt Nam, ngoài việc bày biện đủ thứ: Bánh các loại (bánh chưng, bánh mật, bánh khúc, mứt kẹo...), giò các loại (giò lụa, giò mỡ, giò thủ, giò lòng...), hương hoa, câu đối... thì người ta còn thắp đèn, nến sáng trưng. Ngoài kia mưa nhẹ, trời se lạnh, trong nhà không khí đoàn viên ấm cúng, thật là một khung cảnh rực rỡ, biểu thị sự thanh bình, no đủ.
Ông Hành Khiển: Khoảnh khắc chuyển giao
Cũng theo quan niệm dân gian, khoảng thời gian lúc 12 giờ đêm trừ tịch (chuyển sang ngày Mồng Một đầu năm mới) là một khoảnh khắc rất thiêng liêng. Đó là giờ phút Giao thừa. Giao với nghĩa “trao cho, trao đổi”, thừa với nghĩa “tiếp nối”, chỉ sự “bàn giao và tiếp nhận” của trời đất do một vị thần (gọi là ông Hành Khiển, hành: Làm, khiển: Sai khiến) chịu trách nhiệm thực hiện. Lúc đó, ông Hành Khiển đi từng nhà. Nhưng vì vội nên ông không vào trong nhà ai cả. Gia chủ sắm sửa lễ cúng (xôi thịt, bánh trái, hương hoa, vàng mã, rượu...) và đặt lộ thiên giữa trời và đất. Có sự chứng giám của ông Hành Khiển, công việc chuyển giao năm cũ-năm mới coi như hoàn tất. Từ giờ khắc đó, mỗi gia đình đón nhận cuộc sống với ý nghĩa hoàn toàn mới. Bình thường thì người ta đặt mâm cúng Giao thừa giữa sân hoặc trên gác thượng mỗi nhà. Nhưng bây giờ, vì hoàn cảnh mà mâm cỗ này đặt ngay trong ban thờ (vì nhiều gia đình ở chung cư không có điều kiện). Song cũng không phải vì thế mà mất đi ý nghĩa thiêng liêng của giây phút chuyển giao này. Mọi thứ sẽ linh thiêng nếu tâm nguyện của mỗi người thành kính và hướng thiện. Ông Hành Khiển vẫn sẵn sàng đi khắp nhân gian để chứng giám cho mọi nhà.
Sau thời khắc đó, mỗi gia đình đón nhận cuộc sống với niềm hân hoan mới mẻ. Người ở ngoài đầu tiên đến nhà sau Giao thừa được coi là người xông đất gia chủ. Người xông đất giữ một sứ mệnh rất quan trọng. Họ có thể đem đến điều may mắn, tốt lành hoặc điều “xung” bất lợi. Mà chuyện này phụ thuộc rất nhiều vào giới tính (đàn ông hay đàn bà), tuổi tác (cầm tinh con gì, có bị “xung” không), đặc điểm thực tế (bình thường hay đang có họa, như chịu tang ai (nhất là đang đại tang) chẳng hạn...). Nhưng bất luận thế nào, người đầu tiên đến nhà cũng phải có lời chúc Tết gia chủ. Lời chúc ấy coi như được “vận” vào người được chúc. Cho nên người ta rất thận trọng khi chọn lựa, nhiều gia đình “kén” người xông đất. Họ phải “com-măng” (tiếng Pháp là commande: Đặt hàng) trước với những ai hợp tuổi, không có “dớp” gì, tính tình vui vẻ phóng khoáng, làm ăn thành đạt... Nếu không, “đen” cả năm chưa biết chừng... Và cũng chính vì thế, nhiều người ngại và tránh, không muốn “lĩnh ấn tiên phong” đi chúc Tết trước. Ta thấy sáng Mồng Một Tết, làng quê, phố xá nói chung đều vắng. Phần vì người ta ngủ muộn sau đêm đón Giao thừa, phần vì còn lo cúng gia tiên sáng đầu năm. Nhưng phần cũng có ý nấn ná đợi cho khách khứa đến chúc Tết chủ nhà rồi mới mạnh dạn vào. “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” mà. Mình là người đến sau, có sao cũng yên tâm.
Chúc Tết rõ ràng là một việc ai cũng cần (và nên) làm trong dịp đầu năm mới. Người ta có thể quên một việc gì đó (như quên sắm Tết hoặc quên chơi Tết) nhưng gặp gỡ và chúc tụng nhau nhân dịp Tết thì chắc chắn là không ai quên. Lời chúc Tết không chỉ là một lời chào. Nó cao hơn hành vi chào hỏi ở tâm nguyện sâu xa từ cả hai phía: Người chúc và người được chúc. Chúc Tết thì ai cũng chúc được, nhưng chúc sao cho phải là cả một vấn đề. Chúc Tết, hiển nhiên là bắt đầu từ lời nói. Nhưng để tăng thêm thịnh tình, người ta phải kèm theo lễ Tết. Lễ cũng năm, bảy đường lễ. Đối với người trên thân thiết ruột thịt như bố mẹ, ông bà, hoặc thầy dạy học (như thầy đồ ngày trước) thuộc hàng thiết thân “sống Tết, chết giỗ” thì phải sắm lễ trọng, như xôi gà, thủ lợn, rượu thịt, nấm, măng, miến, sản vật quý hiếm... Bây giờ, người ta có thể thay đổi đôi chút, như chỉ mang gạo nếp, gà trống thiến (tùy người), rượu, bánh kẹo và cả... tiền nữa.
Còn sang ngày Mồng Một Tết, người ta cũng có thể chúc Tết kèm với quà mang giá trị vật chất, nhưng ít thôi. Lúc đó, nếu có thì chỉ có nghi thức mừng tuổi (nghi thức đón một tuổi mới, coi như là cái lộc lớn nhất của trời đất). Ngày xưa, sáng Mồng Một, con cháu các thế hệ quây quần bên bố mẹ, ông bà chúc tụng. Lúc đó, một người cao tuổi có vai vế nhất trong gia tộc đứng ra mừng tuổi tất cả. Thường là một chút tiền chinh lấy “khước”, để con cháu có “vốn liếng” mà làm ăn. Do đó, không ai mừng tuổi nhiều. Con cháu nếu hiếu thảo thì biếu bố mẹ, người trên một chút tiền dưỡng già (xem “Việt Nam phong tục”, Phan Kế Bính).
*
* *
Như vậy, mọi sự kiện của năm mới đã bắt đầu từ đêm trừ tịch. Ngày xưa có “pháo nổ Giao thừa”. Bây giờ, ta sẽ thấy pháo hoa sáng rực trên bầu trời, đưa mọi người bước vào một năm mới với những hy vọng gặp nhiều điều may mắn, tốt lành và hạnh phúc trong cuộc sống.
Kìa đêm trừ tịch đến rồi
Dân gian chứng kiến đất trời chuyển giao...
PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH