Nằm ở xã Tân Nhuận Đông, mảnh đất Nha Mân được nhiều người biết đến bởi là nơi sinh ra nhiều cô gái đẹp, duyên dáng, yêu kiều. Chả thế mà bấy lâu nay, câu thơ Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh/ Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân cứ như mời gọi, níu kéo khách thập phương về với vùng miệt vườn thanh bình này. Người ta gọi Nha Mân với nhiều cái tên mỹ miều, như: Miền gái đẹp bậc nhất miệt sông nước Cửu Long, vùng quê con gái “mắt phượng mày ngài”, nhan sắc Tân Nhuận Đông... Và thiếu nữ Nha Mân cũng được xếp thứ ba (sau Tuyên Quang và Hà Nội) của 10 vùng đất có con gái đẹp nổi tiếng nhất nước ta đã được chia sẻ trên YouTube.

leftcenterrightdel
Nét duyên Nha Mân.

Anh bạn là bác sĩ Bệnh viện Nhân Dân 115 từng tha thiết mời tôi về Nha Mân quê anh ngắm chợ hoa. Chả là đã có lần tôi kể cho anh nghe những dịp về Nha Mân khi còn công tác tại TP Cần Thơ. Tôi thích nhất là được đi chợ Tết lựa hoa, ngắm con gái miệt vườn, hay đứng giữa sân trường trung học phổ thông nhìn những tà áo trắng thướt tha của các nữ sinh Nha Mân. Nghe câu chuyện của tôi, anh bạn cười lớn, bảo: “Con gái Nha Mân giờ vẫn duyên dáng, nhưng đẹp thì dường như đã phai nhạt đi ít nhiều...”.

Tôi còn nhớ Tết Giáp Thân (2004) ở Nha Mân vui lắm. Mấy thím, mấy cô nghe tôi nói xạo chưa có vợ là tin liền. Thím Hai Nhung nhà có 3 cô con gái. Cô lớn thi trượt đại học giờ phụ bán hàng rau ngoài chợ với má, cô thứ hai đang học lớp 12, còn cô thứ ba học lớp 10. Ngó thấy tôi có vẻ vui tánh, dễ gần, thím tuyên bố xanh rờn: “Mi làm con rể tau đi. Muốn chọn đứa nào cũng được, nhưng mà phải ở rể Nha Mân tau mới chịu”. Nghe vậy, chú Ba Chương nhà kế bên cười ngất: “Tui chọn nó trước bà rùi. Thằng này lai rai khá lắm, bộ đội còn biết hò Đồng Tháp và ca cổ nữa đó. Có nó làm rể, mấy ngày Tết vui phải biết”. Không chỉ thím Hai Nhung, chú Ba Chương mà nhiều người trong ấp cũng tếu táo muốn chọn tôi làm rể. Anh bạn cùng đi với tôi cười nghiêng ngả: “Khéo ông bị giữ ở lại Nha Mân mất thôi”.

Thật ra, về miền gái đẹp Nha Mân, tôi chỉ muốn tìm lại những nét xưa của những thiếu nữ nơi đây. Vào mùa nước nổi năm 2000, tôi có gặp cụ Phan Thị Lợi, một trong những cô gái “sắc nước hương trời” của Nha Mân thuở trước. Từ cụ Lợi và những người lớn tuổi ở Nha Mân, tôi được nghe nhiều câu chuyện về tích gái đẹp của miền sông nước Cửu Long.

Cho đến tận bây giờ, nhiều người đều nói con gái Nha Mân trước đây đẹp là do cuộc binh biến giữa quân của Nguyễn Ánh và quân Tây Sơn. Câu chuyện bắt đầu từ trận Rạch Gầm-Xoài Mút đêm 19, rạng ngày 20-1-1785. Ngày đó, trên đường truy nã Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ đã bố trí quân bao vây khu vực Rạch Gầm-Xoài Mút. Khu vực này có khoảng 2 vạn quân Xiêm lấy cớ Nguyễn Ánh cầu cứu, đã kéo sang từ giữa năm trước. Liên quân Xiêm-Nguyễn tưởng vậy là có thể trụ vững và bẻ gãy các cánh quân Tây Sơn, ai dè bị quân của Nguyễn Huệ đánh cho tan tác. Nguyễn Ánh bỏ chạy về Nha Mân cùng đoàn thê tử hàng trăm người. Đến đây, Nguyễn Ánh vẫn bị quân Tây Sơn truy sát gắt gao. Để thoát thân, Nguyễn Ánh phải bỏ lại cả trăm cung tần mỹ nữ để “nhẹ gánh chinh phu”, cùng lời hứa sau này làm nên sự nghiệp sẽ quay lại đón rước. Nhưng lời hứa ấy không thành nên các thê tử của Nguyễn Ánh phải lấy chồng, sinh con và lập nghiệp ở Nha Mân. Hưởng nét đẹp từ mẹ, các cô gái Nha Mân được sinh ra đều duyên dáng, yêu kiều, khiến trai thập phương phải ngất ngây, nghiêng ngả.

Câu chuyện về người đẹp Nha Mân được nhiều người biết và truyền tụng nhất chính là chuyện về cô Hai Hiên với nhiều tình tiết ly kỳ. Chuyện rằng, vợ chồng ông bà Hương cả Phạm Văn Cần sinh được người con gái đặt tên là Phạm Thị Liên (thường gọi là Hai Hiên). Bước vào tuổi dậy thì, cô Hai Hiên xinh đẹp như một nàng tiên, chẳng có cô gái nào ở Nha Mân sánh bằng. Bao chàng trai tuấn tú khắp miệt vườn sông nước Cửu Long biết đến đã mang trầu cau xin dạm hỏi, nhưng cô đều từ chối. Mỹ nữ của gia đình ông bà Hương cả đón chào tuổi mười tám bằng buổi dạo chơi bên bờ sông Nha Mân. Trong khi “gót son” đang nhẹ lướt trên bờ cỏ, cô Hai Hiên bỗng nghe thấy tiếng gọi đò. Một bà lão tuổi cao, sức yếu cố gọi nhưng không thấy người lái đò đâu. Thương người, cô Hai xuống chèo đò giúp cụ. Tuy nhiên, ra đến giữa dòng, con nước chảy xiết đã làm lật đò khiến hai người rơi xuống sông. Khi mọi người cứu vớt lên bờ, cô Hai Hiên đã tắt thở. Ông Hương cả quá thương con nên đã lấy bức tượng Quan Vân Trường đắp lên phần mộ con gái để có người che chở dưới cõi âm. Cũng từ đó, nhiều người nói là hay gặp cô Hai Hiên ngoài chợ. Có người còn kể chuyện cô Hai “quá giang” ghe bầu ra Huế. Những lúc gặp nạn, chỉ có ghe mà cô quá giang là an toàn. Từ đó, người Nha Mân lập miếu thờ với tên gọi “Cô Hai Hiên”. 

leftcenterrightdel
Những cô gái Nha Mân ngày xuân. Ảnh: PHÚ HƯNG

Những sự tích về miền gái đẹp Nha Mân đến giờ vẫn chưa ngã ngũ. Ai đó từng về Nha Mân đều nhận thấy ở nơi đây cảnh đẹp ngất ngây. Rạch Nha Mân bắt đầu từ một nhánh của sông Tiền, chảy uốn cong hàng chục cây số tưới tiêu cho những khu vườn, thửa ruộng xanh tốt, rồi nối vào rạch Ba Càng của Vĩnh Long đổ ra phía sông Hậu. Người ta bảo nước rạch Nha Mân ngọt mát, cây trái thơm hương đã làm cho da dẻ các thiếu nữ vùng đất Cái Tàu Hạ trắng trẻo, mịn màng, giọng nói thanh tao, dáng đi như tiên giáng trần. Những cái tên như: Cô Tư Nga, cô Ba Xê, chị Bảy Nhẫy, chị Tám Ngự, chị Mười Xinh... bao đời nay đã làm nên dáng vóc và niềm tự hào của con gái Nha Mân.

Khi kể về con gái quê mình, cha của anh bạn tôi là chú Tư Nghĩa tự hào: “Con gái Nha Mân không chỉ đẹp người, đẹp nết mà còn dũng cảm can trường”. Những năm kháng chiến chống Pháp và nhất là những năm đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược, rất nhiều dì cơ sở, cô du kích, chị giao liên ở Nha Mân đã lập những chiến công khi liều mình che giấu cán bộ, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng trong những trận càn của địch hay mưu trí, dũng cảm mang công văn, tài liệu mật qua mặt quân thù. Chú Tư Nghĩa cũng kết hôn với một người đẹp Nha Mân trong chiến tranh là cô Chín Khanh và sinh được hai người con. Người đầu là anh bạn tôi bây giờ, người sau là con gái, hiện buôn bán ở Cần Thơ. Năm 1969, cô chú cùng công tác ở một đơn vị du kích địa phương, chú là chiến đấu viên, cô là y tá. Trong một trận chống quân địch càn trên kênh Cái Tàu Hạ, quân ta bị thương rất nhiều. Cô Chín Khanh cùng đồng đội lao ra cứu chữa cho thương binh. Không may trong lúc cõng đồng đội về nơi an toàn, cô và người thương binh bị pháo địch bắn trúng. Từ khi vợ hy sinh, chú Tư Nghĩa ở vậy nuôi hai con cho đến ngày hôm nay.

Người Nha Mân vẫn luôn tự hào: Đàn bà xứ này đẻ 10 con gái thì có tới 9 người xinh đẹp. Vui là vậy, nhưng người Nha Mân cũng có nỗi buồn man mác. Vì cuộc sống mưu sinh, những người con gái Nha Mân phải đi khắp nơi. Họ có thể là một cô dâu xứ Hàn, một công nhân trên đất Sài thành hoa lệ, hay một nhân viên bán hàng ở đất Tây Đô. Muốn ngắm thiếu nữ Nha Mân thì phải đến cổng trường trung học phổ thông, hay đợi dịp chợ Tết. Đó cũng là lý do mà bạn tôi nói sắc đẹp của con gái Nha Mân đã phai nhạt ít nhiều.

Dịp Tết này, tôi là người may mắn. Đi dọc theo các bờ kênh, bờ rạch, hay ra chợ, bóng dáng các thiếu nữ Nha Mân vẫn nườm nượp, thướt tha trong những tà áo dài, hay mặn mà với tà áo bà ba bên những dãy hàng hoa. Bên cạnh những “bóng hồng” ấy, thi thoảng có dáng người chiến sĩ cầm cành mai nở nụ cười hạnh phúc. Chắc là mấy anh lính trẻ có thành tích tốt trong huấn luyện được đơn vị thưởng cho về nghỉ Tết...

Bút ký của LÊ PHI HÙNG