- Các đồng chí thân mến! Tết Kỷ Hợi đang đến gần. Xét trong mười hai con giáp: Tý, Sửu, Dần, Mão… duy nhất chỉ mình Hợi có chữ cái đứng đầu là H. Thế nên đón Tết Kỷ Hợi, chúng ta thi câu đối gồm các từ có chữ H đứng đầu. Anh em đón Tết tại đơn vị hợp thành Đội 1. Số anh em về quê hợp thành Đội 2. Trung đội trưởng làm trọng tài. Bây giờ, hai đội bốc thăm giành quyền đặt vế ra cho câu đối.

leftcenterrightdel
Minh họa: LÊ ANH

Theo kết quả bốc thăm, Đội 1 hội ý rồi nêu vế đối:

- Hăng hái, hài hước, hổn hển, ha hả hả. Giải nghĩa: Người trực Tết hăng hái thực hiện mọi nhiệm vụ được giao. Vui xuân cần có chút hài hước. Sau cuộc thi kéo co, lính thở hổn hển. Khi đón các chiến sĩ về quê trở lại đơn vị cùng thưởng thức hương vị Tết, lính vui cười ha hả.

Đội 2 chụm đầu tìm ý rồi đối lại:

- Hân hoan, hóm hỉnh, hồ hởi, hí hì hì. Giải nghĩa: Người được về quê đón Tết lòng đầy hân hoan. Lính nói chuyện đầu xuân với bạn gái ở quê cần có chút hóm hỉnh. Khi chào quê hương để trả phép thì mặt mày hồ hởi. Trở lại đơn vị, đồng đội hỏi trêu về chuyện người yêu ở nhà thì cười hì hì…

Trọng tài phấn chấn ra tay:

- Hai đội đối đáp đều phản ánh được chất lính ngày xuân. Bây giờ yêu cầu minh họa. Đội 1 cho rằng vui xuân cần có chất hài hước. Vậy hãy nêu ví dụ.

- Có ngay! Đội chúng tôi xin giới thiệu bài vè: “Tổ tăng gia bán lợn”.

Số là, tổ tăng gia của đại đội bán lợn cho nhà bếp nhưng để con lợn còi lại. Chú lợn này chậm lớn, nuôi mãi cũng chỉ to bằng cái phích đựng nước. Anh em mang ra chợ bán sắm Tết nhưng rất khó bán… May sao, có một ông lão mua để về nấu giả cầy, thế là các chiến sĩ cũng bán được chú lợn với giá tiền gần hòa vốn!

Phấn khởi với việc bán được chú lợn còi, lính ta quên béng chiếc cân ở chợ. Khi ra tìm thì không thấy cân đâu nữa nên phải mua bù cái khác. Bài học này được đặt thành vè để nhắc nhở các chiến sĩ. Nội dung như sau: Tổ ta có một con lờn (lợn)/ Bán đi lại ít tiền hơn mua về!/ Người kêu lợn giống con dê/ Người giễu bụng ỏng, người chê mông gù/ Bán lợn xong, sướng tít mù/ Ai ngờ ta lại phải bu cái cần! (bù cái cân)

Sau khi bài vè lan truyền, một cháu thiếu niên đi học về nhặt được chiếc cân, đã tìm đến đơn vị để trao lại.

Toàn trung đội cười như ngô nổ. Trung đội trưởng gật gù tâm đắc rồi quay sang phía Đội 2:

- Đội ở lại có chất hài hước rồi. Bây giờ đội về quê cho dẫn chứng về sự hóm hỉnh khi nói chuyện với bạn gái xem thế nào.

Đội về quê cử hai chiến sĩ ra diễn xuất. Một người đóng vai cô gái trẻ, nói giọng trách móc:

Hòa bình mấy chục năm rồi/ Sao anh đi mãi, xa rời tình em?

Chiến sĩ đóng vai người lính về quê đón Tết, tươi cười nhìn cô gái, đáp lại:

Em à, chịu đựng cho quen/ Chưa về, cũng bởi thương em vô ngần/ Nếu tất cả toàn quân đều nghỉ/ Để vũ khí han gỉ hay sao?/ Quân thù lợi dụng nhảy vào/ Hỏi còn hay mất núi cao, sông dài?

Tất cả lại vỗ tay nhiệt liệt. Trung đội trưởng xem xét tình hình thi của hai đội, nhận ra tình huống “kẻ tám lạng, người nửa cân” bèn quyết định: “Người ở, người về đều thắng!”.

Truyện vui của PHẠM XƯỞNG