Điều kiện khách quan

Ở Phú Xuân, Nguyễn Huệ nhận được tin cấp báo quân Mãn Thanh vào Thăng Long sau đó 4 ngày (tức ngày 21-12-1788). Ngay hôm sau, ông tổ chức lễ đăng quang, lên ngôi Hoàng đế tại núi Bân (nay thuộc xã Thủy An, TP Huế), lấy niên hiệu là Quang Trung và ra lệnh quân sĩ lên đường tiến đánh quân xâm lược.

Theo “Hoàng Lê nhất thống chí”, khi giao nhiệm vụ cho Tôn Sĩ Nghị, chủ tướng đạo quân xâm lược, Càn Long-hoàng đế nhà Thanh nhấn mạnh: “Cứ từ từ, không gấp vội. Trước hết hãy truyền hịch để gây thanh thế, sau cho bọn cựu thần nhà Lê về nước, tìm tự quân đưa ra đương đầu đối địch với Nguyễn Huệ. Nếu Huệ bỏ chạy thì cho Lê tự quân đuổi theo, mà đại quân ta thì đi tiếp sau. Như thế, không khó nhọc mà thành công, đó là thượng sách. Nếu như người trong nước, một nửa theo Huệ mà Huệ không chịu rút quân thì phải chờ thủy quân Mân, Quảng vượt biển, đánh vào Thuận, Quảng trước, sau đó lục quân của Tôn Sĩ Nghị mới tiến công. Cả hai mặt, đàng trước, đàng sau, Nguyễn Huệ đều bị đánh, tất phải quy phục. Ta nhân đó giữ cả hai”...

leftcenterrightdel
Minh họa: LÊ ANH

Ở đây, ta thấy Càn Long rất chủ quan, không biết người, biết ta, cứ tưởng là mình mạnh, có thể dùng quân đội đứng phía sau gây thanh thế, nhằm răn đe, kiềm chế, nhưng lại thường xuyên né tránh tác chiến, né tránh đổ máu, mà mưu dùng người Việt đánh người Việt, để rồi từ đó giành lấy thành quả. Còn hành động tác chiến của Tôn Sĩ Nghị như thế nào? Sau khi nhận được ấn kiếm chỉ huy, viên chủ tướng họ Tôn đinh ninh rằng sẽ đánh bại Nguyễn Huệ một cách dễ dàng nên đã tâu trình lên hoàng đế, nêu ra những điều kiện thuận lợi và cần thiết để tiến quân ngay vào Thăng Long. Do nóng lòng muốn chiếm đóng Đại Việt, Càn Long đã chuẩn y và hạ lệnh cho Tôn Sĩ Nghị vượt qua biên giới. Những hành động quân sự trên chiến trường được chia thành hai giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất, từ 25-11-1788, binh lính Mãn Thanh rời Quảng Tây đến 17-12-1788, khi đến Thăng Long đã chiếm được một vùng đất rộng lớn ở Bắc Hà và kinh thành Thăng Long mà không phải tiến hành một trận đánh lớn nào, 29 vạn quân xâm lược vẫn còn nguyên vẹn. Từ thành tích đó, được vua Càn Long khen thưởng và bị Nguyễn Huệ dùng thư trá hàng kích động, Tôn Sĩ Nghị càng kiêu ngạo hơn nên dừng tác chiến, tiến hành phòng ngự tạm thời.

Giai đoạn thứ hai, từ 17-12-1788 đến 30-1-1789, khi chúng bị đánh tan ở Ngọc Hồi và Thăng Long, bị động và bất ngờ. Thể hiện rõ nhất là bị động về phương án tác chiến. Cách tính toán của Tôn Sĩ Nghị hoàn toàn thiên về việc hành quân tác chiến ở xa mà không nghĩ đến địa bàn đang trú quân, chỉ nghĩ đến việc đánh người, muốn đánh lúc nào cũng được mà không nghĩ đến trường hợp bị đối phương đánh trả. Vì vậy, quân Mãn Thanh đã bị động cả về thời gian lẫn không gian tác chiến. Chủ tướng họ Tôn dự định xuất quân vào mồng 6 tháng Giêng, nhưng chiến sự lại diễn ra trước đó, đúng vào dịp Tết. Ông ta dự kiến chiến địa sẽ là vùng Thuận, Quảng như từng lớn tiếng với Nguyễn Huệ, nhưng thực tế chiến sự lại diễn ra ngay tại Thăng Long, thậm chí còn len lỏi đến tận phòng ngủ của viên chủ tướng. Chính vì không có phương án tác chiến cụ thể nên trước đòi hỏi của tình hình thực tế, Tôn Sĩ Nghị buộc phải “vá víu” lại để đối phó. Ví như ông ta phải đồng ý để vua tôi nhà Lê đưa một số lính bản bộ từ Sơn Tây xuống Gián Khẩu (nay thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), lập một số đồn tiền tiêu làm nhiệm vụ che chắn phía trước cho quân đội thiên triều. Và khi được tin đối phương chuẩn bị tiến ra Bắc Hà, Tôn Sĩ Nghị mới vội vã tăng cường lực lượng, củng cố lại các vị trí xung yếu, cử phó tướng Hứa Thế Hanh trực tiếp chỉ huy đồn Ngọc Hồi. Nhưng mọi việc làm của ông ta vào thời điểm này đã quá muộn. Đó chỉ là sự phòng thủ thụ động, sự chờ đợi để đỡ đòn khi đối phương mang quân tới tiến công.

Bởi thế, khi nhận được tín hiệu sắp sửa bị tiến công thì ông ta hoàn toàn bị bất ngờ. Lần thứ nhất (ngày 18-1-1789), được tin Nguyễn Huệ đang tuyển quân ở Nghệ An, Thanh Hóa và chuẩn bị tiến ra Bắc Hà, tuy có ngỡ ngàng nhưng ông ta vẫn bình tĩnh, tìm cách đối phó. Lần thứ hai (ngày 28-1-1789), nghe tin quân Tây Sơn đã chiếm Hà Hồi và chuẩn bị công kích Ngọc Hồi, ông ta bắt đầu hoảng hốt, lập tức cho quân tăng viện mặt trận phía nam và chờ tin Ngọc Hồi. Lần thứ ba (đêm 29, rạng sáng 30-1-1789), mọi sự chú ý của Tôn Sĩ Nghị đang hướng về phía có chiến sự thì đột nhiên tiếng súng nổ ngay tại cung Tây Long. Sự bất ngờ quá đỗi này khiến hắn hoang mang đến cực độ và không có con đường nào khác là nhảy lên lưng ngựa tháo chạy, mặc cho quân lính tan tác...

Nỗ lực chủ quan

Bên cạnh những điều kiện khách quan, quân Tây Sơn có những nỗ lực chủ quan đáng kể.

Trước hết là yếu tố bất ngờ, từ bất ngờ chiến lược đến bất ngờ chiến thuật.

Bất ngờ chiến lược mà Quang Trung giành được là đánh địch ở thời gian và không gian do mình lựa chọn, vào dịp Tết ngay tại Thăng Long.

Bằng hành quân thần tốc của bất ngờ chiến thuật, quân Tây Sơn đã đánh chiếm liên tiếp 10 đồn, tiêu diệt quân địch đông hơn mà tất cả chỉ diễn ra trong vòng 5 ngày đêm, khiến quân địch lâm vào thế hoàn toàn bị động.

Ban đầu, Tôn Sĩ Nghị yên tâm với hệ thống đồn phòng thủ liên tiếp, nương tựa lẫn nhau, đợi cho quân nghỉ ngơi đến mồng 6 Tết mới ra quân. Nhưng quân Tây Sơn đã hành quân quá nhanh, tới Tam Điệp từ trước Tết, buộc ông ta phải thay đổi kế hoạch. Từ chủ định tiến công, nhưng vì quá bất ngờ không kịp điều quân thực hiện ý định đó nên buộc phải phòng ngự tạm thời để chờ đối phương.

Trong cuộc hành quân Bắc tiến, đạo quân chủ lực do đích thân Quang Trung chỉ huy là đạo quân giao chiến nhiều nhất. Liên tiếp hạ các đồn Gián Khẩu, Nguyệt Quyết, Nhật Tảo rồi Hà Hồi, tưởng chừng như mũi chủ công đang trên đà thắng lợi này sẽ sấn ngay đến Ngọc Hồi. Thấy quân Tây Sơn tiến quá nhanh và đã bị choáng váng vì mất liền mấy đồn từ Hà Hồi về phía nam nên quân Thanh đành phải sẵn sàng nghênh chiến ngay ngoài cửa ngõ Thăng Long. Việc Quang Trung hạ các đồn tiền tiêu quá nhanh khiến quân Thanh ở Ngọc Hồi rất bị động, không dám chủ động tác chiến. Đó chính là lúc “biến ảo” nhất trong chiến thuật quân sự bất ngờ của Quang Trung ở lần Bắc tiến này.

Đến trước đồn Ngọc Hồi, Quang Trung bất ngờ dừng lại, không đánh, chỉ phô trương thanh thế cho đạo quân của Đô đốc Long, tưởng như sẽ đánh vào đạo quân Vân Quý của Ô Đại Kinh ở Sơn Tây, thì lại rẽ ngoặt, quyết định đánh vào Khương Thượng-cung Tây Long, tổng hành dinh của quân Thanh-nơi Tôn Sĩ Nghị không ngờ đến nhất. Cuộc tập kích của Đô đốc Long bất ngờ và mạnh mẽ đến mức, khi đồn Ngọc Hồi-lá chắn tin tưởng nhất của quân Thanh-chưa mất, Nghị đã bỏ chạy. Mục tiêu trước mắt của Quang Trung, chỉ sau một đêm, lại không còn là trở ngại lớn như ban đầu nữa. Đó mới là lúc ông thúc quân đánh chiếm Ngọc Hồi.

Đại doanh tan vỡ, chủ soái bỏ chạy khiến đạo quân Vân Quý không bị đánh mà phải tự rút. Rõ ràng, chiến thuật bất ngờ vừa gấp gáp lại vừa thư thả, giương đông kích tây, tránh chỗ mạnh, nhằm chỗ yếu hơn ở Ngọc Hồi, Khương Thượng đã đạt tới đỉnh cao trong nghệ thuật quân sự của Nguyễn Huệ. Trong 3 đạo quân Thanh, cánh quân có vị trí quan trọng nhất là của Tôn Sĩ Nghị và cánh quân ít nhất, yếu nhất là đạo quân Điền Châu của Sầm Nghi Đống. Nguyễn Huệ đã chọn mục tiêu là đánh vào đạo quân Điền Châu-lực lượng trực tiếp bảo vệ cơ quan tổng hành dinh, lại dùng kỳ binh đánh bất ngờ, vào thời điểm nửa đêm, nên khả năng chiến thắng rất cao. Xét trên toàn cục, với lực lượng ít hơn (10 vạn), thực tế Quang Trung chỉ đương đầu với khoảng già nửa số quân Thanh (không đụng đến đạo quân Vân Quý của Ô Đại Kinh) mà vẫn có chiến thắng lớn trên toàn mặt trận, đuổi được quân thù ra khỏi bờ cõi. Thứ hai là công việc tạo thế để phản công chiến lược.

Như lịch sử đã ghi lại, trước mọi cuộc chiến tranh giữ nước, thường phải hình thành hai giai đoạn nối tiếp nhau: Tạo thế (thường là nhiệm vụ của chiến tranh nhân dân địa phương) và phản công (nhiệm vụ chính là phương thức tiến hành chiến tranh của quân chủ lực). Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc năm 1789 cũng như vậy, nhưng Nguyễn Huệ đã có nhiều phương pháp hành động đầy sáng tạo.

Trong giai đoạn tạo thế, một kinh nghiệm quý báu được kế thừa là rút lui chiến lược, nhưng cuộc rút lui đó đều là “biện pháp tình thế”, ít nhiều còn mang tính bị động. Trái lại, cuộc rút lui chiến lược năm 1788 đã được suy tính từ trước rất kỹ càng. Cùng với việc phát tin, đánh lạc hướng nhằm lừa địch là việc quấy rối, làm chậm tốc độ tiến công, để quân ta rút lui được nhanh chóng, an toàn. Chẳng những thế, cuộc rút lui không chỉ là bảo toàn lực lượng mà còn nhằm mục đích hình thành thế trận phòng ngự ở Biện Sơn-Tam Điệp để ngăn chặn từ xa, không cho quân địch có thể dễ dàng tiến công vào hậu tuyến, nơi quân chủ lực ta đang chuẩn bị phản công.

Không giống như mọi cuộc chiến tranh xâm lược khác, trong cuộc chiến tranh này, quân địch hoang tưởng, cho rằng quân ta ở “thế yếu, không dám chống cự” nên chủ quan, khinh thường và không có hành động “tìm diệt”. Đó cũng là một khó khăn cho các lực lượng vũ trang địa phương của ta trong việc tiêu hao, tiêu diệt nhỏ quân địch. Bởi lẽ quân địch luôn “án binh bất động”, không hề ra khỏi Thăng Long. Vậy phải dùng biện pháp nào?

Nguyễn Huệ đã vận dụng hình thức “mưu phạt tâm công”, đánh thẳng vào tinh thần chủ quan khinh địch bằng việc gửi đến Tôn Sĩ Nghị một bức thư trá hàng rất nhún nhường, cung kính: “Nay đại nhân vâng lệnh Thiên hoàng đế, hỏi tội thần về việc đuổi chúa, cướp nước. Thần biết bao run rẩy, sợ hãi. Chuyến này đến đây, thần sẽ tới chỗ để chờ đại nhân phân xử”. Thật là một cách tiến công tài tình và độc đáo, không bằng bạo lực mà bằng “sức mạnh mềm”, lễ nghi và nhún nhường. Quả nhiên, Tôn Sĩ Nghị trúng kế nên đã ra lệnh: “Hãy rút quân về Thuận Hóa để chờ phân xử”. Tiếp đó, ông ta dõng dạc tuyên bố trước ba quân: Bây giờ đã hết năm, đại quân xa xôi tới đây cần phải nghỉ ngơi, không nên đánh vội. Giặc gầy mà ta đang béo, hãy để tự chúng đến nộp thịt.

Như vậy, phương hướng hành động của viên tướng họ Tôn đã lộ rõ: Không xuất kích trong những ngày Tết Nguyên đán và địa bàn tác chiến không phải ở Thăng Long. Khốn nỗi, những thời gian và không gian mà quân địch không hề nghĩ tới để ứng phó, chúng có biết đâu rằng chính là lúc, là nơi quân ta đang sắp sửa giáng đòn sấm sét. Một bên ra sức chuẩn bị kỹ lưỡng để tiến đánh, còn một bên lại thả sức chơi bời thì chiến bại nhanh chóng và nặng nề là điều khó tránh khỏi.

Nhà nghiên cứu văn hóa quân sự DƯƠNG XUÂN ĐỐNG