Bằng các chứng tích khảo cổ, nghề tằm tang được xác nhận chắc chắn xuất hiện tại Trung Quốc khoảng năm 3.000 TCN, thậm chí có thể từ năm 6.000 TCN. Năm 2007, các nhà khảo cổ phát hiện ra những mẫu vải lụa được dệt và nhuộm một cách tinh xảo trong một ngôi mộ ở tỉnh Giang Tây có từ đời nhà Đông Chu (cách đây khoảng 2.500 năm). Người Trung Hoa cổ đại cũng nổi tiếng với “con đường tơ lụa” đưa vải vóc đến các tiểu lục địa Ấn Độ, Trung Đông, châu Âu và Bắc Phi.

leftcenterrightdel
Sắc màu lụa Việt. Ảnh: NGỌC PHONG

Theo truyền thuyết, My Nương Thiều Hoa, con gái Hùng Vương thứ sáu, có biệt tài nói chuyện với chim và bướm mỗi khi vào rừng chơi. My Nương khi trò chuyện với loài bướm đã biết được loài bướm nâu đẻ trứng thành sâu, ăn một loài cây (cây dâu) nhả ra tơ vàng. My Nương bèn xin giống trứng rồi về tìm cách đan tơ thành tấm. My Nương Thiều Hoa đặt tên cho những tấm sợi ấy là lụa, gọi bướm là ngài và giống sâu cho sợi ấy là tằm. Cách gọi này còn truyền đến ngày nay.

Về bằng chứng cụ thể, khi nghiên cứu di chỉ Bàu Tró (Đồng Hới, Quảng Bình), các nhà khảo cổ bắt gặp dấu vết của vải có dọi xe chỉ bằng đất nung có niên đại cách đây khoảng 5.000 năm. Trong “Hán thư” có ghi: “Người Lạc Việt biết trồng dâu, nuôi tằm và một năm có 2 vụ lúa, 8 lứa tằm”. Các sách cổ Trung Quốc như: “Thủy kinh chú”, “Tam đô phú”, “Tề dân yếu thuật” đều ghi: Giai đoạn đầu Công nguyên, khi Trung Quốc một năm chỉ nuôi được 3 lứa tằm thì năng suất tằm ở Giao Chỉ, Nhật Nam, Lâm Ấp một năm đạt được tới 8 lứa. Đây là điểm khác biệt lớn nhất về nghề tằm tang giữa hai nước Việt Nam và Trung Hoa. Người Việt cổ đã lai tạo ra được nhiều giống tằm khác nhau phù hợp với các loại thời tiết nóng, lạnh, khô, ẩm để có thể sản xuất quanh năm.

Không chỉ nổi tiếng với những tấm lụa tơ tằm tinh tế, cách đây nhiều thế kỷ, nghề tằm tang ở Việt Nam đã phát triển thành những vùng sản xuất tập trung, tiêu biểu là các làng nghề dệt truyền thống. Tại đó, từ khâu nuôi tằm đến in, nhuộm, thêu họa tiết đều thể hiện nét đặc sắc của ngành gia công tơ lụa địa phương.

Hiện tại, làng lụa Vạn Phúc (Hà Nội) có lẽ là nơi sản xuất lụa tơ tằm được nhiều người biết đến nhất. Làng nghề này có lịch sử hơn 10 thế kỷ. Sản phẩm của làng từng rất được ưa chuộng dưới thời nhà Nguyễn. Năm 1931, lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường thế giới tại Hội chợ Marseille, lụa Vạn Phúc đã gây tiếng vang lớn và được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm vô cùng tinh xảo của xứ Đông Dương. Lụa tơ tằm làng Vạn Phúc mềm mại, hoa văn phong phú, sắc màu tươi mới, đa dạng, có thể may thành phục trang với những kiểu dáng khác nhau, rất được lớp trẻ ưa chuộng. Năm 2011, sản phẩm tơ lụa Vạn Phúc được bình chọn là “Thương hiệu Vàng Thăng Long”.

Mỗi làng làm nghề tằm tang truyền thống ở Việt Nam đều có những phương thức riêng về mặt trồng dâu cũng như công nghệ dệt lụa. Ở làng lụa Duy Xuyên tại TP Hội An, lá dâu dùng nuôi tằm được hái từ những cây dâu đặc thù chỉ có trong rừng sâu thuộc tỉnh Quảng Nam. Vì vậy, chất liệu tơ tằm ở đây mềm mại khác thường so với những nơi khác. Kỹ thuật dệt lụa của người Chăm làng Duy Xuyên cũng hết sức độc đáo, thể hiện nét văn hóa truyền thống Chăm-pa vùng Quảng Nam.

Làng lụa Tân Châu (An Giang) có phương pháp nuôi tằm rất khác lạ. Nơi đây, người dân không chỉ hái lá mà cắt tỉa cả cành dâu để tiện cho tằm kéo kén, sau đó mới nuôi tằm. Đặc biệt, người làng Tân Châu sử dụng trái mặc nưa làm vật liệu nhuộm nên sản phẩm lụa có hoa văn độc đáo, đẹp mắt, lâu phai...

Với sự cộng hưởng của nhiều yếu tố thiếu thuận lợi, số lượng làng nghề tằm tang truyền thống ở Việt Nam ngày càng giảm sút. Tuy nhiên bù lại, trên địa bàn cả nước đã xuất hiện những vùng dâu tằm tơ với quy mô công nghiệp. Đặc biệt, trong khoảng 5-7 năm trở lại đây, khi giá tơ lụa trên thế giới tăng mạnh, ngành dâu tằm tơ trong nước đang phục hồi và phát triển. Hiện nay, cả nước có khoảng 10.000ha dâu. Trong đó, tại Lâm Đồng, mặc dù diện tích trồng dâu chỉ chiếm 50% nhưng sản lượng tơ lại chiếm đến 70% cả nước. Có được điều này là do vùng Lâm Đồng có điều kiện thời tiết thuận lợi, người làm nghề tằm tang nuôi được giống tằm lưỡng hệ quanh năm, mỗi năm có thể nuôi được 18-20 lứa và năng suất rất cao-bình quân đạt 2,5 tấn kén/ha. Tại huyện Lâm Hà, có hộ nuôi được tới 4 tấn kén/ha. Đặc biệt, do chất lượng kén ổn định, hiện nay, công nghệ dệt tơ ở Lâm Đồng hầu hết được làm trên máy tự động nên chất lượng tơ rất cao, giá xuất khẩu lên tới 64-65USD/kg.

Ngoài Lâm Đồng, nghề tằm tang đang phát triển mạnh tại nhiều tỉnh, như: Kon Tum, Đắc Nông, Phú Thọ, Thái Bình, Lào Cai, Sơn La...

Từ quá khứ xa xưa đến hiện tại, dù trải qua vô số thăng trầm nhưng nghề tằm tang ở nước ta vẫn luôn tồn tại và đã khẳng định được bản sắc riêng. Đó là những sản phẩm gần gũi với thiên nhiên và đậm dấu ấn bàn tay tinh hoa của người thợ Việt.

VŨ HOÀI ANH