Trong bộ trang phục lễ hội của người con gái Ê Đê, Tuyết Nhung mang vẻ đẹp thật mộc mạc, tài sắc vẹn toàn... Hơn thế, trong trái tim chị có ngọn lửa luôn rực cháy niềm đam mê văn hóa, ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Tây Nguyên...

Ngọn lửa đam mê luôn bừng cháy!

Trong ngôi nhà nhỏ của TS Buôn Krông Thị Tuyết Nhung, mọi không gian gần như đã nhường hết cho sách vở, hiện vật, kỷ vật trong suốt hơn 25 năm tích cóp của vợ chồng chị. Đó là những tập sách, sổ ghi chép ngổn ngang, những dụng cụ trong sinh hoạt, lao động, nghi lễ của đồng bào các dân tộc thiểu số mà vợ chồng chị sưu tầm được. Dù đó chỉ là những sợi chỉ, chiếc vòng đeo cổ, hay vài cái lông chim, chiếc răng thú rừng; những bức ảnh các họa tiết, vân hoa của tượng nhà dài, nhà mồ... Với vợ chồng chị, đó là khối tài sản to lớn và quý báu nhất của gia đình.

Tuổi thơ của Buôn Krông Thị Tuyết Nhung gắn liền với dòng sông mẹ Krông Ân (buôn Mlớt, xã Ea Bông, huyện Krông Ana, tỉnh Đắc Lắc). Từ nhỏ, Tuyết Nhung rất thích thú với những lễ hội, những điệu múa, câu hát của người Ê Đê. Càng lớn, Tuyết Nhung càng xinh đẹp, học giỏi với vầng trán cao và đôi mắt sáng. Rồi một ngày, cô bé Tuyết Nhung thi đậu vào Trường Đại học Tây Nguyên, cả làng mổ heo ăn mừng...

leftcenterrightdel
Vợ chồng Tiến sĩ Buôn Krông Thị Tuyết Nhung và Tiến sĩ Văn Ngọc Sáng

Tốt nghiệp đại học năm 1995, Buôn Krông Thị Tuyết Nhung ở lại trường trực tiếp tham gia giảng dạy Ngữ văn. Năm 2006, chị bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Trên cương vị Trưởng bộ môn Ngữ văn kiêm Phó giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Tây Nguyên, khối lượng công việc dày đặc và nhiều áp lực. Chồng lại làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài nên chị vừa cáng đáng việc nước, việc nhà, vừa nuôi con nhỏ, vừa tham gia nghiên cứu, phản biện các vấn đề liên quan đến ngôn ngữ, văn hóa, xã hội và phát triển cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, bảo tồn các giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số...

Hơn 20 năm công tác tại Trường Đại học Tây Nguyên, TS Buôn Krông Thị Tuyết Nhung luôn xác định rằng, con đường nghiên cứu khoa học là trường kỳ, nhiều chông gai. Trên hành trình ấy đã đọng lại trong chị nhiều kỷ niệm vui buồn, những khó khăn trong quá trình nghiên cứu. Đó là những lần gặp rủi ro, không tìm được những gì mình mong muốn, những vấn đề mình nghiên cứu đã mai một, biến mất khỏi cộng đồng. Ngược lại với khó khăn ấy, chị luôn có nguồn động viên rất lớn. Đó là mỗi lần chị trở về các buôn làng, được hòa mình vào văn hóa bản địa của bà con, được bà con thương yêu, đùm bọc, bỏ việc lên nương rẫy để ở nhà giúp... Kết quả đó giúp chị có được những công trình nghiên cứu dày công, đầy đủ như: “Văn hóa mẫu hệ qua sử thi Ê Đê”, “Lễ hội truyền thống của người Ê Đê ở Đắc Lắc”, “Dân ca Ê Đê”; chị đã cùng chồng sưu tầm được nhiều bộ chữ viết để biên soạn từ điển điện tử các dân tộc như: Gia Rai, S’tiêng, M’nông, Chăm; sưu tầm, biên dịch câu đàm thoại thông dụng Việt-Ê Đê. Nhiều cuốn sách chị viết phục vụ cho công tác nghiên cứu, học tập như: “Văn hóa ẩm thực Ê Đê”; “Sử thi Y’Khing Jú-H’Bia Ju Yâo”; “Sử thi Ê Đê”; “Bài tập bổ trợ môn Tiếng Việt lớp 3” (dành cho học sinh dân tộc thiểu số)…

Ngoài thời gian trên lớp, Tuyết Nhung còn tham gia viết nhiều tham luận, viết bài cho tạp chí chuyên ngành. Trong công tác giảng dạy, mỗi bài giảng bao giờ cũng được chị đầu tư nghiên cứu rất kỹ để tìm ra nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp, đạt hiệu quả cao. Chị cũng luôn “truyền lửa” cho sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học. Mỗi khi sinh viên có nhu cầu đăng ký nghiên cứu đề tài khoa học cấp trường, chị luôn khuyến khích và tận tình hướng dẫn các em thực hiện.

TS Buôn Krông Thị Tuyết Nhung trăn trở: “Hiện nay, trước ảnh hưởng từ mặt trái của hội nhập phát triển kinh tế nên ý thức bảo tồn văn hóa ở cộng đồng các buôn làng có nơi đang bị mai một, quên lãng. Trước thực trạng ấy, việc sưu tầm, nghiên cứu, đưa ra những biện pháp bảo tồn văn hóa dân gian của các dân tộc anh em vùng Tây Nguyên là việc làm hết sức cần thiết để gìn giữ di sản văn hóa của cha ông”. Chị cũng mừng trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa và cho rằng, vấn đề hiện nay cần quan tâm là cách tổ chức để chủ thể bản địa trong mỗi lễ hội giữ vai trò trung tâm...

“Cặp đôi hoàn hảo”

Trên bước đường thành công trong công tác nghiên cứu, TS Tuyết Nhung luôn tự hào về người bạn đời của mình. Anh chị luôn được đồng nghiệp gọi vui là “cặp đôi hoàn hảo”. Chị kể: “Mình đã lao vào việc là ăn, ngủ phải gác lại, đến lúc nào gỡ rối được những vấn đề còn vướng mắc mới rời khỏi bàn làm việc. Biết điều đó nên ông xã rất tâm lý, thường xuyên lo mọi việc nhà, chăm sóc con. Và ngược lại, những lúc anh ấy ngồi trước máy vi tính, mình cũng phải “tránh xa” để anh yên tâm làm việc...”. Người bạn đời của chị là đồng nghiệp và cũng tham gia nghiên cứu khoa học. Vợ chồng chị đã bảo vệ thành công công trình Số hóa điện tử một số từ điển song hành giữa tiếng Việt và tiếng các dân tộc thiểu số. Công trình nghiên cứu của vợ chồng chị được ứng dụng hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, nghiên cứu khoa học của nghiên cứu sinh, sinh viên, học sinh...

Tận tâm trong công tác giảng dạy, đảm đang, chu toàn mọi việc gia đình, trước những trở lực trong nghiên cứu khoa học, chưa lúc nào chị tỏ ra chán nản, bỏ cuộc. Vấn đề nào còn vướng mắc, chị tập trung dồn sức để giải quyết, vấn đề nào thuận lợi thì “làm ráng cho xong”. Được biết, chị đang tiếp tục tham gia viết sách và tập trung nghiên cứu những vấn đề bao quát về văn hóa bản địa vùng Tây Nguyên.

Anh Ythim Byă, một đồng nghiệp của chị Tuyết Nhung nhận xét về “cặp đôi hoàn hảo”: Trong tổ ấm của họ có ngọn lửa luôn rực cháy, ngọn lửa của tình yêu thương, ngọn lửa của niềm đam mê. Chị luôn tự hào về ông xã-TS Văn Ngọc Sáng, từng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Viện Công nghệ Thông tin châu Á ở Thái Lan, là điểm tựa giúp chị vượt lên mọi khó khăn, gian khổ để có ngày hôm nay. Ngồi bên mẹ, khi nói về ba, cô con gái Wiya Podam trách yêu: “Ba mẹ cháu yêu văn hóa, ngôn ngữ đến bỏ bê cả việc chăm sóc cháu”. Còn TS Văn Ngọc Sáng lại khoe: “Nhà trường đã hoàn tất hồ sơ đề nghị phong hàm Phó giáo sư cho bà xã anh ạ. Tin vui này gia đình và bà con sống trên đôi bờ dòng sông mẹ Krông Ana vui mừng, tự hào và chờ đợi lắm...”.

Bài và ảnh: HẠNH VĂN