Bà Vi Kim Ngọc là con gái ông Vi Văn Định-một quan lại xuất thân trong gia đình quý tộc Tày gốc Việt. Ngay từ nhỏ, các con của ông Định được học võ Tàu, cưỡi ngựa; các con trai được định hướng mỗi người theo một nghề, các con gái ngoài học cầm, kỳ, thi, họa đều được đến trường học. Ở tuổi thiếu nữ, Vi Kim Ngọc được biết đến là cô gái xinh đẹp khiến nhiều chàng trai ao ước, dinh thự của gia đình lúc nào cũng “dập dìu tài tử giai nhân”.
|
|
Bà Vi Kim Ngọc thời trẻ. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp |
Sinh thời, bà Kim Ngọc luôn chú trọng chăm chút ngoại hình của mình và người thân. Bà thường nhắc nhở con cái và các bạn trẻ nếu mình không làm đẹp cho mình, không biết tự tôn trọng mình thì làm sao người khác có thể tôn trọng mình được. Không chỉ coi trọng hình thức để làm đẹp lòng người thân, bà Ngọc còn luôn chú ý làm đẹp phần tâm hồn và hết lòng vì chồng, con.
Khi còn là một tiểu thư con nhà “trâm anh thế phiệt”, dù đã bổi hổi bồi hồi khi nghĩ về chàng thanh niên Nguyễn Văn Huyên và đã mấy lần Nguyễn Văn Huyên viết thư cầu hôn, nhưng phải đến khi nhận được thư Nguyễn Văn Huyên viết cho bố và có câu “gửi lời thăm em, người đáng yêu nhất” thì cô tiểu thư mới bằng lòng để nhà trai đến cầu hôn. Bà tự hào về sự tiến bộ của bố mẹ và ý chí vùng lên của chính mình để trai gái được phép tìm hiểu trước khi thành hôn. Hồi bà Ngọc 13 tuổi, ông Định hứa gả bà cho người họ Dương Thiệu. Đến năm 16 tuổi, bà biết chuyện, nhất định đòi bố sêu trả ba năm. Bà quyết tâm giành quyền quyết định hạnh phúc cuộc đời mình, không chịu chấp nhận “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”.
Quyết định hạnh phúc cho mình, bà hết mực yêu thương, hy sinh cho chồng, con, vun đắp hạnh phúc gia đình. Bà hiểu chồng, biết được tài năng của chồng, ước mong phụng sự nghĩa lớn của chồng mà ghé vai gánh vác. Khi đất nước còn trong khó khăn, để chồng được toàn tâm với công việc nghiên cứu, bà cùng chồng sống cuộc sống đạm bạc không màng phú quý. Thấu cảm được tấm lòng ấy của vợ, trong thư gửi vợ từ Pháp năm 1946, ông Huyên viết: “Huyên cũng như bao anh em sinh ra ở một nước nô lệ... Ngọc là người sinh ra trong một gia đình hào phú, cũng có trí cao thượng, không bo bo giữ cái lợi tức thời nên cũng trợ giúp Huyên tìm đường thoát ly khỏi cái vòng nô lệ”.
|
|
Bà Vi Kim Ngọc và ông Nguyễn Văn Huyên thời trẻ |
Đất nước bước sang trang sử mới, bà gác lại những ước muốn, cơ hội tiến kịp nhiều phụ nữ đương thời để nuôi con, lo sắp xếp đời sống gia đình êm ấm để chồng vượt qua giai đoạn đầu kháng chiến gian khổ mà yên lòng vì sự nghiệp giáo dục của đất nước… Dù từ nhỏ được hưởng điều kiện vật chất đầy đủ nhưng trong những năm kháng chiến, bà cũng trồng rau, nuôi gà, tăng gia sản xuất ở Hà Nội. Khi đi tản cư, bà tổ chức xay thóc, giã gạo có cám để nuôi lợn, gà. Thời điểm quá khó khăn, khi các con đang tuổi lớn, quần áo mau chật, thiếu vải, bà vẫn khéo léo cắt may quần áo cho các con từ những chiếc áo dài quý của mình. Ông Huy kể: “Mẹ tôi gửi bán cả những chiếc áo dài hoa ở phố Chiêm Hóa. Những lần đem áo đi bán, mở ra lại tiếc, chọn vài cái rồi lại cất đi. Cầm mỗi cái áo dài, mẹ tôi lại nói cho tôi biết về một kỷ niệm… Lần sau cần tiền lại mang đi bán tiếp”.
Từ một phụ nữ nội trợ, chăm sóc 4 người con, cùng chồng tham gia kháng chiến, rồi chứng kiến lý tưởng mà chồng dâng hiến cho dân tộc, tất cả đã thúc giục bà Ngọc phải tự vươn lên. Khi các con đã dần trưởng thành, bà bắt đầu làm việc xã hội. Bà theo học và tốt nghiệp y sĩ, chuyên ngành ký sinh trùng học, đồng thời theo học lớp tiếng Nga, rồi tự học nâng cao tiếng Pháp để phục vụ chuyên môn. Năm 1953, bà công tác tại Phòng Thí nghiệm ở bệnh viện thực hành của Trường Đại học Y Dược khoa. Viết thư cho các con, bà kể: “Học tập chuyên môn cũng thích thú, trước kia chưa đi làm tưởng cao xa lắm, nhưng khi bắt tay vào làm thấy thừa khả năng. Học được là làm được, không có gì khó, chỉ sợ lòng không bền mà thôi”. Bí quyết thành công của bà là làm từ việc nhỏ, việc dễ, thích hợp để tiến lên mãi cùng chị em, bạo dạn dần lên… như lời chồng bà khuyên. Qua bao thăng trầm của những năm công tác, bà cùng các y sĩ, bác sĩ xây dựng bao tài liệu quý cho công việc nghiên cứu khoa học, giảng dạy và phát triển bộ môn Ký sinh trùng.
Đến khi nghỉ hưu, bà không muốn sự an nhàn nên quyết định đi vào hội họa. Nếu trước đây khi còn công tác, nguồn vui của bà là công việc thì khi nghỉ hưu, bà tìm nguồn vui mới, đưa cái đẹp vào cuộc sống, nâng cao thẩm mỹ của con người. Rời cây bút sắt và mực nho để cầm bút lông với những bảng màu, có lúc bà ham vẽ, muốn bỏ cả ăn, ngủ, vẽ ngày vẽ đêm. Dù ban đầu thành công ít, thất bại nhiều nhưng được sự giúp đỡ, động viên của những người bạn, đặc biệt là người chồng am hiểu hội họa và sự cố gắng của bản thân, bà được công nhận là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, để lại nhiều tác phẩm hội họa giá trị…
Trước khi mất một năm, bà Vi Kim Ngọc viết thư cho cháu trai Kim Hiền đang là bộ đội: “Bà không tự hào mãn nguyện nhưng bà thấy có thể mỉm cười trước tuổi ngoài 70 này. Suốt cuộc đời tâm tâm niệm niệm làm điều tốt cho mình, cho người, trong tâm không có điều gì phải ân hận... Với gia đình ta, bà đã xây đắp từng viên gạch nhỏ đầu tiên... cứ thế cần cù, kiên trì tin tưởng, phấn khởi bằng mọi khả năng của mình xây đắp tổ ấm hạnh phúc... Từ viên gạch đầu cho đến khi hoàn thành... những người được hưởng ắt phải giữ gìn và tô điểm thêm...”.
Câu chuyện cuộc đời bà Vi Kim Ngọc, tấm gương của bà, những điều bà để lại cho con cháu đã hun đúc cho tâm hồn thế hệ sau về khát vọng sống đẹp.
THU HÒA