Chúng tôi đến xóm Nậy thuộc xã Sơn Phúc (Hương Sơn), từ xa đã thấy cây thị xanh tốt. Đây thuộc vườn đồi nhà bà Trần Thị Nhuận, 80 tuổi. Năm được mùa, thị sai lúc lỉu, quả to tròn, chín vàng ruộm, thơm nức. Nếu tính từ cuộc Lam Sơn tụ nghĩa, cộng với tuổi cây khi nhị vị tướng quân đứng dưới gốc thề chung sức đánh giặc Minh, chắc hẳn cây đã sống với thời gian ngót nghìn năm. Dưới gốc cây, từ xa xưa, người dân đã xây một bệ thờ, có dòng khắc trên đá: “Mùa thu năm Ất Tỵ(1425) Lê Lợi-Nguyễn Tuấn Thiện tuyên thệ: Thệ phát sơ thù minh thị hạ/ Quyết tâm bất dịch trợ hòa đao” (tạm dịch: Thề có cây thị làm chứng/ Quyết trợ giúp nhau bằng gươm đao).
|
|
GS, TSKH Phạm Thái (bên trái) và tác giả dưới gốc cây thị cổ. Ảnh: HÙNG VIỆT |
Thầy Đinh Phạm Thái nói với tôi: “Lê Lợi sử sách đã nói nhiều, lạ là Nguyễn Tuấn Thiện thì còn ít người biết”. Quả vậy, chính sử nước ta như “Đại Việt sử ký toàn thư” chỉ có đôi dòng ngắn ngủi nói về vị danh thần này, sau chiến thắng được đổi theo họ vua thành Lê Thiện. Vậy mà bao đời nay, dân vẫn truyền tụng công đức “Thánh Nguyễn Tuấn Thiện”, có đền thờ hương khói quanh năm. Theo nhà nghiên cứu Thâm Giang Trần Gia Ninh, người đã tìm hiểu về thời kỳ Lê Lợi: “Cuộc hội thề của Lê Lợi và Nguyễn Tuấn Thiện tôi lấy tư liệu từ thần phả ở địa phương, huyền sử của vùng Hương Sơn. Lâu nay Nguyễn Tuấn Thiện ít được nói đến. Song điều bất ngờ là chính sử Trung Quốc như cuốn “Minh thực lục” mà tôi được đọc bản gốc chữ Hán lại viết khá kỹ về chiến công của nhân vật này. Đời Lê Sơ, một số khai quốc công thần, trong đó có Nguyễn Tuấn Thiện, khi nước đã yên bình bị nhà vua ruồng rẫy, ông liền bỏ đi ở ẩn” (trở về Hà Nội, tôi được Thâm Giang Trần Gia Ninh mở máy vi tính cho xem ảnh chụp bản gốc chữ Hán cùng bản dịch trong “Minh thực lục”: “Ngày 12-11-1426, tướng Vương Thông tấu với Minh Thành Tổ về việc bị Nguyễn Tuấn Thiện chặn đánh, diệt 3 tướng chỉ huy là Đào Sâm, Tiễn Phu và Triệu Trinh, diệt 500 quân Minh và bắt sống đô chỉ huy là Tổ Lượng...”).
Khí trời xuân Hương Sơn thật thoáng mát, dễ chịu. Thầy Đinh Phạm Thái và tôi đi tiếp đến thôn Ninh Xá thuộc xã Sơn Ninh, nơi có đền Kim Quy. Đây là nơi thờ tự Thánh Nguyễn Tuấn Thiện. Trước đền để tấm đá nặng chừng vài tạ, trên mặt tảng đá khoét một lỗ hình quả trám, có dòng chú thích: “Ngài được triều đình ban thưởng voi chiến. Tấm đá xích buộc voi từ thế kỷ 15 để lại. Theo di chúc sau khi ngài mất, voi được trả về rừng”. Cụ thủ từ Nguyễn Văn Hương cho biết, quê gốc ngài thuộc xã Sơn Phúc tiếp giáp xã này, ở đây còn có vài chục hộ là hậu duệ của ngài. Rồi cụ dẫn chúng tôi vào thắp hương, mái đền khá thấp, theo cụ, đấy là chủ ý của người xưa, ai đến đây cũng phải đi khom, cúi đầu biểu thị sự kính trọng. Tượng thờ ngài không rõ tạc từ bao giờ, nom rất hiền từ mà vẫn toát lên uy vũ của vị dũng tướng. Phía bên phải đền có một nấm mộ cỏ phủ xanh mướt, lớn hơn hẳn mộ thông thường. Cụ thủ từ nói rằng đã trông coi đền nhiều năm, thấy mộ ngài cứ to dần. Phía trước mộ là tấm bia đá ghi công đức: “Thái Bảo Huân Quận công Nguyễn Tuấn Thiện sinh năm Tân Tỵ (1401) tại thôn Phúc Đậu, xã Phúc Dương, huyện Đỗ Gia, nay là xã Sơn Phúc, huyện Hương Sơn. Lớn lên trong cảnh đất nước bị giặc Minh đô hộ, ông đứng ra lập đội quân Sơn Cốc để bảo vệ xóm làng. Năm 1425, Bình Định vương Lê Lợi kéo quân vào Đỗ Gia xây dựng căn cứ. Đội quân Sơn Cốc cùng nghĩa quân Lam Sơn đánh tan quân Minh trong trận Khuất Giang (Vực Nầm). Sau chiến thắng, Lê Lợi cùng Nguyễn Tuấn Thiện giết ngựa trắng cắt tóc ăn thề, nguyện một lòng giết giặc cứu nước. Ông tiếp tục tham gia đánh thắng trận Lam Thành, Tốt Động, Chi Lăng... Ông mất ngày 18 tháng Giêng năm Giáp Dần (1445) và được dân lập đền thờ”.
Đền đài, ngôi mộ Nguyễn Tuấn Thiện đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Nhưng vẫn chưa có sự gắn kết thực sự nào với cây thị thề ở cách đó không xa, mà trong lòng dân từ lâu, cây thị đã trở thành một biểu tượng thiêng liêng, sống động về truyền thống đoàn kết chống giặc ngoại xâm trên đất Hương Sơn địa linh nhân kiệt!
PHẠM QUANG ĐẨU