Đó là những câu thơ hào sảng rộn ràng trong bài thơ “Bài ca Xuân 68” của nhà thơ Tố Hữu viết cách nay vừa tròn 50 năm-nửa thế kỷ.
Lịch sử dân tộc ta có nhiều mùa xuân gắn liền với những sự kiện trọng đại, mang tính bước ngoặt, liên quan đến vận mệnh quốc gia. Và mùa xuân năm 1968 là một cột mốc lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt đánh vào các căn cứ quân sự của Mỹ-ngụy khắp các đô thị miền Nam, mở ra một cục diện mới của sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước. Có lẽ vì thế mà cảm hứng chủ đạo của “Bài ca Xuân 68” là hình ảnh người chiến sĩ-anh Giải phóng quân-Bộ đội Cụ Hồ.
Tròn nửa thế kỷ đã trôi qua, không khí của mùa xuân tổng tiến công và nổi dậy, cùng hình ảnh những đoàn quân trùng trùng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” trong mùa xuân năm ấy vẫn nguyên vẹn trong ký ức của cậu bé lớp ba là tôi ngày ấy...
Làng tôi nằm bên nhánh rẽ của con đường chiến lược trước cửa ngõ chiến trường Trị Thiên. Những năm chiến tranh phá hoại của máy bay Mỹ, thỉnh thoảng lại có những đơn vị bộ đội hành quân “đi Bê” qua làng, thường là vào ban đêm. Nhưng từ cuối mùa xuân 1968, những cuộc hành quân như thế nhiều hơn và thường là ban ngày, vì sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đế quốc Mỹ buộc phải ngừng ném bom miền Bắc để ngồi vào bàn đàm phán ở Paris. Chao ôi, những chú bộ đội trẻ trung rắn rỏi, quân phục mới tinh, ba lô nặng trĩu, gương mặt đẫm mồ hôi, rầm rập trên đường làng thật oai phong hùng dũng biết bao! Lũ trẻ chúng tôi lăng xăng chạy theo bước chân của các chú từ đầu làng đến cuối làng, rồi lại chạy ngược lên đầu làng để “hành quân” cùng các chú đến cuối làng một vòng nữa, rồi lại tiếp như thế vòng nữa, vòng nữa... Đứa nào được các chú cho mượn chiếc mũ cối có ngôi sao vàng chụp lên đầu đi một đoạn, hoặc được mang giúp các chú cái ruột tượng đựng gạo vắt ngang trên ba lô, là sung sướng hãnh diện lắm lắm.
Hơn mười năm sau mùa xuân năm ấy, tôi nhập ngũ, chính thức trở thành anh bộ đội. Bấy giờ đất nước thống nhất đã được dăm năm, nhưng cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc lại vừa nổ ra. Nhiều đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam vẫn đang phải dầm mình trong những cánh rừng nước bạn để truy đuổi đám tàn quân Pôn Pốt, cứu dân tộc Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Chính đội quân tàn bạo ấy đã từng nống sang gây hấn, bắn giết dân ta ở Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang... hết sức dã man. Và ngoài kia Biển Đông, chủ quyền quốc gia cũng đang bị lăm le nhòm ngó...
Lại nhớ chuyện hơn mười năm trước đó, ngày lon ton chạy theo bước hành quân của các chú bộ đội trên đường làng, có chú xoa đầu bảo: Lớn nhanh lên, mai mốt hết giặc rồi, đi bộ đội không phải gian lao vất vả như các chú bây giờ nữa nhé! Vậy mà đến lượt chúng tôi tiếp bước các chú, giặc giã vẫn chưa hết, gian khổ vẫn chất chồng, đồng đội tôi nhiều người vẫn phải ngã xuống vì độc lập, tự do và vẹn toàn lãnh thổ...
Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ mùa xuân năm ấy, cậu bé là tôi từng hát vang “Bài ca Xuân 68” trong nhịp hành quân của các chú bộ đội trên đường làng, bây giờ đã là một cựu chiến binh hưu trí sau gần 40 năm trong quân ngũ. Ngần ấy thời gian gắn bó với cuộc đời người chiến sĩ, do điều kiện công tác, tôi đã được đến nhiều đơn vị đang làm nhiệm vụ khắp mọi miền đất nước; tiếp xúc với nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ thuộc nhiều quân chủng, binh chủng; chứng kiến sự trưởng thành, lớn mạnh không ngừng của Quân đội ta trên bước đường “Xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Thế hệ của những anh Giải phóng quân “như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi” đã khác xa thế hệ Vệ quốc quân “Áo anh rách vai, quần tôi có vài mảnh vá...”. Những chiến sĩ thuộc “thế hệ a-còng” hôm nay càng khác xa thế hệ “gác bút nghiên lên đường cứu nước” của chúng tôi. Nhưng bản chất của Quân đội nhân dân Việt Nam thì không hề thay đổi. Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ vẫn luôn luôn được gìn giữ và phát huy. Bối cảnh chính trị quốc tế và khu vực hiện nay đặt ra yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của Quân đội ta bao gồm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ mà dân tộc ta đã lựa chọn và đổ biết bao xương máu để dựng xây, gìn giữ.
Thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) và Việt Nam chúng ta cũng đang tích cực đón bắt, ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào các lĩnh vực. Có thể rồi đây máy vi tính sẽ làm thay nhiều công việc của các sĩ quan tham mưu-chỉ huy; trí tuệ nhân tạo sẽ cho ra đời những người lính rô-bốt thiện chiến, thông minh và có sức mạnh phi thường... Nhưng tất cả những thứ đó không thể thay thế được lý tưởng chiến đấu và phẩm chất chính trị của người lính bằng xương bằng thịt-những chiến sĩ của đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ! Thực tiễn mấy cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, quân và dân ta phải đương đầu và chiến thắng những đội quân xâm lược nhà nghề giàu mạnh và hiện đại bậc nhất thế giới, đã chứng minh điều đó. Chỉ mới cách đây ít ngày, nhân dịp kỷ niệm 45 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, nhiều bộ óc siêu đẳng của bộ máy chiến tranh Âu-Mỹ cùng bạn bè quốc tế vẫn chưa hết ngạc nhiên tại sao quân và dân Hà Nội với pháo phòng không thông thường cùng máy bay MiG-21 và tên lửa SAM-2 lại có thể hạ gục hàng loạt “siêu pháo đài bay B-52 bất khả xâm phạm” ...
Phải vậy chăng mà trong cuộc sống đôi khi còn lắm nỗi bức xúc phiền toái hôm nay, anh bộ đội vẫn là những người được dân mến, dân tin và là chỗ dựa vững chắc cho các cấp ủy đảng, chính quyền khi xã hội có những bất trắc về trật tự, an ninh, thiên tai, hoạn nạn... Đất nước đã sạch bóng quân xâm lược, nhưng cương vực của Tổ quốc vẫn thường xuyên bị nhòm ngó đe dọa; sự nghiệp cách mạng của dân tộc vẫn thường xuyên bị các thế lực thù địch chống phá, công kích; nên trọng trách của người chiến sĩ vẫn hết sức nặng nề... Tổ quốc và nhân dân vẫn gửi gắm vào các anh niềm quý yêu và tin cậy, như năm xưa: Cả năm châu, chân lý đang nhìn theo/ Bóng anh đi... và vành mũ tai bèo...
Sáng xuân nay trên khắp nẻo biên cương, hải đảo, những người lính vẫn vững vàng trên vị trí tiền tiêu, để đất nước thêm trọn vẹn một mùa xuân hòa bình, yên ấm. Những người lính vừa trở về từ những vùng bão lũ khắp miền Bắc, miền Trung, Nam Bộ... lại khẩn trương bước vào đợt thi đua mới “Mừng Đảng, mừng Xuân, ra quân quyết thắng” đầu năm. Và những cán bộ, chiến sĩ các đoàn kinh tế-quốc phòng trên các địa bàn chiến lược... vẫn phải bám đất, bám dân, giữ bình yên buôn sóc, bản làng để xuân sau đồng bào ấm no hơn xuân trước...
Chợt nhớ những câu thơ của một nhà thơ áo lính: Nếu em là vợ lính, dẫu thời bình/ Hãy xem bài cho con sau mỗi lần tan học/ Con khó bảo đừng một mình ngồi khóc/ Đừng đợi anh xách nước thổi cơm chiều/ Mẹ già ơi thương nhớ dẫu dâng trào/ Mẹ cứ nhắc tên con, đừng lo con vấp ngã/ Lối con đi-nào lối mòn thuở nhỏ/ Và mẹ là Mẹ Lính-dễ dàng đâu!... Xin cảm ơn những người mẹ nhân hậu và những người vợ đảm đang, hậu phương vững chãi của người chiến sĩ. Trong kháng chiến cứu nước cũng như trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thời bình, những người mẹ và những người vợ lính vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi, vất vả... Bởi thời nào, người chiến sĩ cũng phải chịu đựng những khó khăn, gian khổ, hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì những mùa xuân đất nước...
Và như thế, sáng xuân nay vẫn như mấy mươi xuân trước, xin được kính chào các anh, những Con Người Đẹp Nhất!
Tùy bút của MAI NAM THẮNG