Nhưng nếu chỉ thế thì chẳng lẽ, trên đời lại không có gì là bất biến sao? Và, thế thì những chữ “bất biến”, “vĩnh cửu”, “trường tồn” ... sinh ra để làm gì? Mà nếu không có “bất biến”, dù chỉ là tương đối, hỏi lấy đâu ra “truyền thống”, “kế thừa”?

Tìm về cha anh vậy, xem sao! “Nét cười đen nhánh sau tay áo”, “Áo đỏ người đưa trước giậu phơi” (thơ Lưu Trọng Lư) là xưa. Nay, chắc phải viết: “Áo đỏ người thuê hiệu giặt khô”, “Nét cười trắng muốt sau tay áo”?

“Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/ Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương” (thơ Nguyễn Duy) là xưa. Giờ, chắc phải viết: “Ngồi buồn nhớ mẹ ta nay/ Nuôi ta sữa ngoại, suốt ngày pha chai”?

Xưa răng đen, giờ răng trắng; xưa sữa mẹ/ cơm búng, giờ sữa Tây/súp Tàu. Đó là đổi thay, nhưng mẹ ta là bất biến, tình mẫu tử là bất biến chứ?

“Khẩu súng trường tinh vi và ngắn lại/ Đường chúng tôi ra trận lại dài thêm” (thơ Hữu Thỉnh) là đổi thay, nhưng hai dòng chữ khắc trên hai thanh gươm Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng vua Mèo Vương Chí Sình: “Bất thụ nô lệ” (Không chịu làm nô lệ) và “Tận trung báo quốc” (Trung đến cùng để đền ơn nước) là bất biến chứ?

leftcenterrightdel
Minh họa: QUANG CƯỜNG

“Sen tàn cúc lại nở hoa” ("Truyện Kiều") là đổi thay, nhưng “Em không nghe mùa thu/ Dù ta còn hay thác/ Gió thu vẫn qua rừng/ Kêu những chiều diệp lạc” (thơ Đỗ Trung Lai) là bất biến chứ?

Xưa, quan là cha mẹ (phụ mẫu) dân. Nay, cán bộ là đầy tớ của dân. Đó là đổi thay, nhưng “chăn dân” hay “hầu dân” thì việc lo cho dân hạnh phúc là việc bất biến chứ?

Xưa nay, “Miệng nhà quan có gang có thép”. “Gang thép” là pháp luật, quyết đoán, sắc nhọn, rắn rỏi. Vì hạnh phúc của dân mà “gang thép” thì tốt, thì bất biến.

Xưa nay, giấy tờ hành chính của Nhà nước các cấp đều như pháp luật vì đều từ pháp luật mà ra. Khi nào dân kêu: “Nén bạc đâm toạc tờ giấy”, là khi bất biến đã đổi thay! Nhưng tưởng thế thôi, chứ xưa nay chưa ai dám công khai rằng thượng tôn pháp luật không còn là bất biến. Tức là, nguyên tắc ấy không thể đổi thay-đổi thay là loạn! Không thể đổi thay, đó là bất biến.

Xưa, thầy (dạy học) còn hơn cả cha (quân-sư-phụ), chỉ dưới vua. Lúc mà một học trò (hư) công nhiên “bảo” thầy: “Thầy nhận tiền của bố mẹ tôi rồi, thầy cứ dạy chữ thôi. Tôi sống thế nào là việc của tôi”, là đổi thay. Nhưng đạo thầy-trò là bất biến. Hư thì thiệt! Ít người hư thì họ thiệt. Đông người hư thì nước thiệt! Tôn thờ và duy trì lẽ bất biến hay kệ cho mọi cái tha hồ đổi thay, là việc không chỉ của hai thầy-trò vừa nói.

Xưa, thời kháng chiến, “Xếp bút nghiên theo việc đao cung” ("Chinh phụ ngâm") là chuyện bất biến. Hòa bình, cần dựng xây nhiều, Nhà nước ta quy định, nếu có giấy gọi học đại học thì tạm miễn làm nghĩa vụ quân sự. Gần đây thấy cần, lại phải xếp “lệnh nhập ngũ” trước giấy gọi học đại học. Đó là những đổi thay. Đổi thay vì nước thì phải tuân, bất kể là ai, vì “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” (Nước còn hay mất, thịnh hay suy, kẻ vô học cũng còn có trách nhiệm). Thế là sau những đổi thay, lại gặp bất biến. Trốn lời non nước thì học cũng chẳng để làm gì! Người của đế quốc La Mã xưa nói: “Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome”. Ta xưa nay, mọi con đường đều dẫn về ích nước. Ích nước-lợi dân là bất biến. Thế cho nên Cụ Hồ mới khuyên cán bộ, việc gì có lợi cho dân thì phải làm, việc gì có hại cho dân thì phải tránh. Hóa ra, Đông-Tây-kim-cổ, trong đổi thay, người ta đều tìm ra bất biến. “Dĩ bất biến ứng vạn biến”-năm 1946, khi vận nước như trứng để đầu gậy, trước lúc sang Pháp để cố hòa đàm, Cụ Hồ chẳng dặn quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng thế hay sao? Cứ dựa vào một nguyên tắc sắt đá (dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc-độc lập, tự do, hạnh phúc) mà giữ cho bằng được chính quyền cách mạng, mà ứng xử với mọi đổi thay, biến động! Đó chẳng phải là lời dặn vĩ đại giữa vạn biến của một bậc lão thực Đông phương đó sao?

Thế giới ngày nay như một mái nhà chứ không lắm nhà biệt lập/khép kín như cũ, nhỏ chứ không to như cũ. Thế giới ngày nay “phẳng” hơn chứ không “cong” như cũ. Thế giới ngày nay đã và đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0... Đường lối ngoại giao ta giờ cũng đa phương hơn, không chỉ “liên hoành” hay “hợp tung” như thời Xuân Thu-Chiến Quốc. Thanh niên ta bây giờ thích thử-thử nghiệm-cho giống với thế giới mới, kể cả “sống thử” v.v... và v.v... Đó là đổi thay, là vạn biến. Lấy bất biến nào để ứng vạn biến đây?

Xưa, dựa vào con người “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”. Nay "trí" không chỉ còn nằm ở Kinh Thư/Kinh Thi, nó còn nằm ở công nghệ hiện đại và cách mà ta hội nhập cùng thế giới. Quyết học thì sẽ thành. Nhưng thử hỏi quá lên, nếu người ta vì thế-vì thực tế/thực dụng-mà đột nhiên bất nhân, bất nghĩa, bất tín, vô lễ thì hội nhập với ai? Ai hội nhập với ta?

Hỏi được, là đã xuyên qua đổi thay, nhìn thấy bất biến. Hỏi được, là đã hỏi đến ngành giáo dục/nghiệp giáo dục ta. Ngành là Bộ Giáo dục và Đào tạo, nghiệp là của muôn nhà. Tinh giản chương trình phổ thông-đủ chữ, đủ số, đủ kỹ năng, đủ sức vóc, đủ đức-để học sinh ta thành công dân trẻ, có thể học được mọi nghề cũng như sẵn sàng học cao hơn; đương đại hóa và hiệu quả hóa chương trình đại học để bằng cử nhân ta được thế giới công nhận; để số bằng tiến sĩ ta tỷ lệ thuận với số/chất lượng các công trình khoa học ta công bố... là việc phải làm.

Được thế, thì dù trời đất và đời sống có đổi thay thế nào, ta vẫn bất biến đáng được tự hào, được tôn trọng, được hạnh phúc như ai.

Bằng không, mãi mãi ta cứ sa lầy trong những đổi thay thời sự/thời cuộc ta tự sa vào, vừa làm mất đi những bất biến vĩ đại mà tổ tiên để lại, vừa chẳng bao giờ có bất biến vĩ đại nào dành cho con cháu!

Văn chương cũng vậy. Viết giống thiên hạ thì không dễ, nhưng viết bằng tiếng Việt, lối Việt mà hay như hoặc hay hơn thiên hạ mới khó. Khó mà làm được thì tính bất biến tất sẽ cao hơn, ít ra là trong lòng người Việt!

SONG QUẾ