Đó là năm 1971, người con gái Điện Tiến, Điện Bàn bước chân vào trường học đặc công chính quy dù đã làm biệt động Đà Nẵng từ thuở 15, gan dạ có tiếng. Một lần có kẻ khai báo, chị bị địch bắt và đánh đập dã man, giam cầm gần một năm. Vào trường, sức khỏe còn yếu nhưng gương mặt tròn phúc hậu, đôi mắt đen láy, lời ăn tiếng nói nhỏ nhẹ, dịu dàng khiến ai nói chuyện cũng bị thu hút. Để ý và quan tâm săn sóc chị nhiều nhất là anh Nguyễn Thanh Tuấn. Anh là con gia đình “cộng sản nòi” ở Đại Lộc, nhà có 7 liệt sĩ, từng đi chiến đấu nhiều đơn vị trước khi vào trường. Trong 6 cô bạn nữ cùng học, anh đã “chấm” chị, nhưng đang thời chiến, tuổi đời cả hai cũng còn trẻ nên anh chỉ biết lặng lẽ chăm sóc chị, thường xuyên thay phần đi lấy gạo. Từ Trà Bồng, Quảng Ngãi xuống đồng bằng lấy gạo thường đi cả tuần, nhiều người đã hy sinh. Anh cũng nhiều lần suýt chết. 6 tháng trôi nhanh, anh vẫn không dám nói, chị thì cứ vô tư chưa nghĩ gì cho riêng mình. Buổi chia tay, anh viết cho chị vừa như người bạn, vừa bộc lộ tình cảm da diết: Lòng Tuấn khó nói Công ơi/ Nói sao cho hết những lời mến thương/ Gần nhau thì thấy bình thường/ Xa nhau tình cảm vấn vương càng nhiều. Có lẽ sợ quá ướt át, ủy mị mà sau 28 câu thơ thầm kín là đoạn tái bút đầy lửa: “Tuấn gặp Công trên con đường cách mạng, hiểu nhau, mến nhau… Tuấn chỉ mong Công hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, hướng đến lý tưởng con người”. Chị trêu, anh ngày đó đã có “máu” tuyên huấn!
Chị về đơn vị đóng ở Hòn Tàu. Anh được giữ lại làm giáo viên trường đặc công. Cả hai không hề liên lạc với nhau. Hai năm sau, trên đường dẫn học viên đi thực tế huấn luyện tại Hòn Tàu thì anh gặp chị. Sau này, anh trách sao chị “bơ” như người lạ, không tỏ ra vồn vã, cảm xúc khi gặp anh. Anh đâu biết rằng lúc ấy chị rất sợ chỉ huy chú ý, phát hiện điều gì đó bất thường. Chỉ đêm đến chị mới đem bài thơ anh tặng ra đọc và áp vào trái tim mình. Ngày giải phóng Đà Nẵng năm 1975, lúc này anh từ biệt động nội thành sang làm sĩ quan tác chiến Quận đội quận Nhì. Chị sau khi tham gia đánh Thượng Đức được cử đi học văn hóa ở Phước Sơn. Trường này đang dạy thì giải tán, chị lại được điều về quận Nhì và gặp anh. Khỏi phải nói anh vui như thế nào, cứ như trời xe duyên cho hai người. Trước đó, anh đã tự nhủ rằng, nếu sau này không gặp lại chị, anh cũng sẽ cưới ai đó giống chị, cũng phải nhỏ nhẹ, dịu dàng, chịu thương, chịu khó.
|
|
Vợ chồng Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn ngày mới cưới. Ảnh tư liệu |
Việc đầu tiên anh làm để gần chị là dồn tiền mua chiếc xe máy và kiếm cớ rủ đi ăn chè hằng đêm. Vẫn chưa dám nói điều gì. Thành phố còn bộn bề sau ngày giải phóng, lúc này đâu phải yêu đương. Chuyện cũng tới tai đơn vị. Trong cuộc họp chi bộ, có người phê bình: “Anh Tuấn yêu chị Công sao không báo cáo tổ chức?”. Anh cự lại: “Tôi chỉ yêu đơn phương, còn cô ấy có yêu tôi không, làm sao biết được mà báo cáo”. Mọi người thấy đúng. Sau chuyện ấy, anh không thể lần lữa được mà chính thức tỏ tình bằng cách viết thư bỏ vào ba lô chị. Chị vẫn e ngại không trả lời. Lần chị nghỉ phép về quê, nóng ruột, anh phóng xe đi tìm. Đường sá lúc đó chưa có, cũng chưa biết nhà ở đâu, không có phương tiện gì liên lạc, cứ vừa đi vừa hỏi rồi cũng đến nơi. Thấy tấm chân tình của anh, chị đồng ý và đến năm 1976 thì cưới, hai vợ chồng ở tạm căn phòng của Công ty Nông sản thực phẩm Đà Nẵng bên cơ quan chị cấp cho.
Chăm lo ba đứa con thời bao cấp để anh vẹn toàn việc quân, chị kiên cường không than thở một lời. Biết vợ vất vả mà mình không giúp được gì, quãng thời gian đi học các trường, anh rất siêng viết thư về. Đến bây giờ chị vẫn giữ gần một va li. “Chủ yếu anh viết chị đọc thôi, chứ chị đâu rảnh”-chị lại trêu. Tính anh vốn ngang nên đời binh nghiệp có lúc thăng trầm. Chị luôn bên cạnh động viên, an ủi như người tri kỷ. Sau này anh ra Hà Nội làm Cục trưởng Cục Tuyên huấn, chị rời Đà Nẵng, xa con để ra Thủ đô lo cơm nước cho chồng suốt 5 năm.
Người con gái tuổi 17 mà Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn xưng tên trong lưu bút ngày nào bây giờ tuổi đã 64. Với người khác, chừng này tuổi chưa là gì trong cuộc đời. Với bà là cuộc chạy đua với thời gian giành sự sống. Gần 4 năm nay, từ khi phát hiện ra căn bệnh nan y, bà bắt đầu những tháng ngày gắn bó với bệnh viện. Ông cũng xin được nghỉ hưu sớm để chăm sóc cho bà. Ở đâu có thuốc gì tốt, ông đi tìm mua bằng được. Người ông vốn đã nhỏ nhắn, nay gầy hơn. Hai năm gần đây, bà phải liên tục truyền hóa chất. Cứ 20 ngày, ông bà lại bay ra Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ở 5 ngày thì về, rồi loay hoay lại tiếp tục đi. Với uy tín của mình, về hưu, ông thường xuyên được mời đi nói chuyện khắp nơi. Có đợt đi mấy chục tỉnh, thành phố. Tất cả đều phải lên lịch sít sao để ông còn sắp xếp đồng hành với vợ. Con cái bận việc cơ quan và con nhỏ, chăm sóc bà chủ yếu là ông với tình yêu đằm thắm. Được quân đội quan tâm, đặc biệt là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tạo điều kiện tốt nhất mà những đợt điều trị của bà cũng đỡ phần vất vả.
Điều mà mọi người cảm nhận ở bà là nghị lực phi thường, luôn lạc quan, thanh thản, không bao giờ để người khác thấy mình yếu đuối. Nhiều đồng đội đến thăm phải thốt lên khâm phục: “Chị đúng là biệt động!”. Bà vẫn trêu chồng như ngày nào: “Thì ảnh cũng là biệt động mà!”.
HỒNG VÂN