Tính từ thời điểm đó đến nay-hơn 60 năm qua-chỉ như là một chớp mắt so với lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc trong không khí mùa xuân đang ngập tràn đất nước, chúng ta lại tưởng nhớ tới Chủ tịch Hồ Chí Minh-trong sự nghiệp cách mạng cao cả cũng như trong cuộc sống thanh tao, đạm bạc, ung dung tự tại của Người. Và với riêng mỗi người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, những gì mà Bác Hồ đã ân cần nhắc nhở, dạy dỗ, vừa với tư cách là lãnh tụ, vừa là một nhà văn hóa lớn, hơn bao giờ hết, lại càng trở nên sống động, da diết và tha thiết đến nhường nào.

leftcenterrightdel
Cảnh trong vở "Ngọn đèn" của Nhà hát Kịch nói Quân đội. (Ảnh: THU HƯƠNG)

Cũng trong suốt nửa sau của thế kỷ 20 cho đến tận hôm nay, những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa, văn nghệ nói chung và về sân khấu nói riêng vẫn còn là những bài học lớn, sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Trong đó, đối với giới nghệ sĩ sân khấu, có một lời nhắn nhủ của Bác nghe nôm na, giản dị, chân tình, nhưng không kém phần sâu sắc và đầy tính lý luận. Đó là sau khi khen ngợi: "Tuồng tốt đấy, nhưng cần phải cải tiến", Bác nói tiếp: "Nhưng chớ “gieo vừng ra ngô”. Càng ngẫm nghĩ lời Bác, chúng ta càng thấy thấm thía, càng thấy sâu sắc và từ thực tiễn hoạt động sáng tạo nghệ thuật, quả thật, nhiều lúc chúng ta đã "gieo vừng ra ngô" mà không hề hay biết…

Đó là những năm 80 của thế kỷ 20, có một thời kỳ "cải tiến, cải lùi", cách tân dẫn đến phá chèo. Người ta biến chèo thành kịch có bài hát mới, vừa chắp vá, vừa nhộn nhạo, vừa ta lại vừa Tây. Người ta đưa cả ca khúc “sến”, với dàn trống, kèn Tây vào chèo, lấy cớ là ăn khách, để bỏ đi các làn điệu, lời ca của chèo cổ, cũng như bỏ đi bộ gõ, đàn nguyệt, đàn đáy, nhị, sáo, đàn bầu... trong sáng tác âm nhạc. Nhưng rất may, sau một thời gian không lâu như thế, chính người nghệ sĩ cũng đã nhận thức ra vấn đề và tự điều chỉnh những quan niệm sáng tạo về các loại hình nghệ thuật đã có từ nghìn xưa của ông cha. Rõ ràng đến nay, sự cách tân của chèo-tiếp thu những tinh hoa của truyền thống cùng những tìm tòi hiện đại, tiên tiến-đã mang lại những hiệu quả mới, những dấu ấn mới, những chất liệu mới, mặc dù chặng đường sáng tạo nghệ thuật còn rất nhiều khó khăn, thử thách. Cũng như chèo, nghệ thuật cải lương và ca múa nhạc cũng qua những thời kỳ "gieo vừng ra ngô" như thế. Người ta không diễn cải lương mà chỉ cần đứng ca, ca thật hay, không chỉ đổ 6 câu vọng cổ mà là "bắn" hàng trăm âm tiết liên hồi, liên tục. Rồi hóa trang, phục trang cứ như tích Tàu, La Mã-xanh xanh, đỏ đỏ lòe loẹt, kim sa, kim tuyến vô tội vạ. Trong ca nhạc thì không còn là hát nữa, mà là hú hét điên cuồng, trang phục hở hang, khêu gợi, nhảy nhót tán loạn, xập xí xập ngầu, vừa pha cả Úc, Phi, Mỹ, Á, Âu, ánh sáng lập lòe, khói bay mù mịt... Những người có tâm trong giới văn hóa, văn nghệ và khán giả thì không đồng tình. Báo chí, công luận lên tiếng kịp thời, đúng lúc. Vì thế, một trật tự, kỷ cương về văn hóa, văn nghệ đã dần được thiết lập-"vừng" phải trở lại là "vừng", chứ không phải là "ngô" nữa. Bài học "chớ gieo vừng ra ngô" của Bác Hồ lại càng thấm thía, sâu sắc hơn bao giờ hết…

Vâng! Mùa xuân mới Mậu Tuất 2018 đã về trên Tổ quốc Việt Nam ngàn đời yêu dấu! Và trong không gian đầm ấm bay tỏa trầm hương đón Tết âm lịch cổ truyền dân tộc, mỗi người nghệ sĩ lại luôn ghi nhớ những lời dạy gần gũi và thân thiết của Bác Hồ kính yêu!

NSND LÊ HUY QUANG