Còn người Việt chúng ta thì có rất nhiều câu nói lưu truyền trong dân gian về cách ứng xử trong cuộc sống. Nhân dịp Tết Mậu Tuất 2018, chúng ta cùng mở kho tàng thành ngữ, tục ngữ Việt Nam để tìm hiểu một vài câu trong số đó.

"Lời chào cao hơn mâm cỗ"

Đi đến nơi nào lời chào đi trước/ Lời chào dẫn bước con đường bớt xa/ Lời chào thành quà khi gặp các cụ già/ Lời chào thành hoa nở ra bao việc tốt. Đó là những câu trong bài hát “Lời chào của em” của Nghiêm Bá Hồng (thơ Nguyễn Hoàng Sơn). Chào hỏi là nghi thức đầu tiên, “khơi mào” cho mọi cuộc giao tiếp. Ai cũng biết, khi gặp người lạ thì tuổi tác là tiêu chí đầu tiên để xác định ngôi thứ (theo thứ tự gia tộc vốn có): Chim gặp bác Chào Mào, chào bác/ Chim gặp cô Sơn Ca, chào cô/ Chim gặp anh Chích Chòe, chào anh/ Chim gặp chị Sáo Nâu, chào chị… Nghi thức và cách thức chào như thế đã quá quen thuộc với mỗi chúng ta.

Nhưng với người Việt, chào hỏi không chỉ là câu chuyện ngôn từ mà còn là vấn đề của văn hóa giao tiếp. Câu tục ngữ “Lời chào cao hơn mâm cỗ” mà ta vừa nói ở trên muốn chuyển tải một thông điệp: Lời chào hay tiếng chào thường được coi trọng hơn nhiều so với việc được mời đi ăn một bữa cỗ (vốn là chuyện hiếm và là một cơ hội thưởng thức món ăn mà ngày xưa rất ít khi được ăn). Vì đối với mọi người, tình nghĩa, sự trọng thị bao giờ cũng quý hơn tiền bạc rất nhiều.

Cũng theo quan niệm của nhiều người, lời chúc Tết đầu năm chính là một lời chào đặc biệt. Buổi sáng đầu tiên của năm mới (Nguyên đán: Buổi sáng đầu năm) khi đến nhà ai đó, ta phải có lời chúc: “Em chào anh! Năm mới, em chúc anh chị mạnh khỏe, hạnh phúc, làm ăn tấn tới…”; “Chúng cháu chúc hai bác năm mới dồi dào sức khỏe, vui vẻ, sống lâu…”; hoặc “Chúc mừng năm mới nảy tài sai lộc” v.v.. Người ta chúc nhau năm mới để bày tỏ một mong muốn đem đến điều hay, điều tốt lành đối với người thân, anh em, bạn bè… trong cả năm đó. Chính vì thế, lời chào không chỉ “cao hơn mâm cỗ” mà cao hơn mọi giá trị vật chất ở đời: Chẳng vị mâm cao cỗ đầy/ Chỉ vị một tấm lòng này đó thôi…

"Đói cho sạch, rách cho thơm"

Xã hội nào, thời đại nào cũng có sự phân hóa giàu-nghèo “người ăn không hết, kẻ lần đến mệt chẳng ra”. Thiếu ăn, thiếu mặc chính là biểu hiện rõ nhất của sự thiếu thốn vật chất. Thói thường, cái nghèo thường dẫn đến cái hèn. Vì miếng cơm manh áo mưu sinh mà không ít người bất chấp mọi lẽ đời cần ứng xử sao cho phải. “Đói ăn vụng, túng làm liều” là hành vi biểu hiện rõ nhất của một số kẻ khốn cùng trong cuộc sống. Vì sự sống còn của bản thân mình mà họ dám vượt qua lằn ranh đạo đức, thậm chí bán rẻ nhân cách để đạt được lợi ích vật chất mong muốn. Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao ngày trước là một điển hình của sự tha hóa nhân cách đó. Từ một thanh niên hiền lành, lương thiện, anh Chí làng Vũ Đại đã dần dần biến chất, hiện nguyên hình là “con quỷ của làng Vũ Đại”, sẵn sàng đốt quán, thậm chí giết người để có rượu uống, thịt chó hay chuối xanh nhắm rượu… Ai cũng phải ăn để sống, nhưng vì cái ăn mà biến chất, lưu manh hóa như Chí Phèo năm xưa quả là đáng xấu hổ lắm thay!

Câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” muốn nhắc nhở, người ta ở đời cần thấm nhuần một lẽ sống: Dù có đói khát đến mấy cũng phải giữ cho lòng trong sạch, dù có rách rưới đến mấy đi nữa cũng phải cố gắng giữ gìn thanh danh không bị hoen ố. Không ai muốn mình rơi vào cảnh đói nghèo, thiếu cơm ăn, áo mặc. Nhưng nếu chẳng may gặp phải cảnh đó thì phải luôn luôn lấy nhân cách làm trọng. Phải giữ gìn và bảo vệ nhân phẩm của mình. Nếu không, như dân gian thường nói: “Miếng ăn quá khẩu thành tàn”. Ăn tham, ăn tạp, ăn hối lộ, ăn chặn,… đều là những thứ “ăn” không hay, không đẹp, không nên. Đạo Phật cũng từng có lời khuyên người ta hướng thiện, lưu ý tới những hành vi thể hiện nhân cách, trong đó có việc ăn uống nói chung: Thiếu cơm rách áo, không sao/ Nhân cách là thứ còn cao hơn nhiều…

"Đánh nhau chia gạo, chào nhau ăn cơm"

Trong kho tàng "Truyện cổ nước Nam" (tác giả Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc) có một câu chuyện nói về mấy bà hàng xáo (buôn bán gạo và các sản phẩm từ việc xay giã) ở chợ quê xưa. Chỉ vì đong thiếu một vài lẻ gạo thôi mà họ đã dùng cả đấu gỗ để choảng nhau chí tử. Thế mà khi lỡ độ trời mưa, phải tạm ở trọ qua ngày, họ lại nấu cơm mời nhau rất thịnh tình. Lúc ấy, khách ăn thêm một bát có khi lại làm cho người mời vui lòng, mở mày mở mặt.

Đó là hai hiện tượng rất bình thường trong cuộc sống. Chả cứ gì mấy bà hàng xay hàng xáo, chúng ta cũng rất hay gặp những chuyện như thế. Cãi nhau ỏm tỏi vì một lẻ gạo đong thiếu, đong điêu, nhưng có vẻ vốc gạo kia chả là “cái đinh gì” khi người ta dọn mâm mời khách. Anh chàng nọ chờ bằng được cô thủ quỹ đi đổi tiền lẻ về để thối lại cho anh hai nghìn đồng. Nhưng sau đó, anh không ngần ngại tặng cô thêm vài chục nghìn để cô đủ tiền mua một món quà tặng mẹ. Hai tình huống rất gần nhau song đó lại là hai hành vi ứng xử khác xa nhau. Vấn đề ở đây là người ta phải cư xử thế nào cho phải lẽ.

Trước hết, đó là nguyên tắc sòng phẳng cần tôn trọng trong các mối quan hệ: Mua và bán, cho và nhận, lợi ích mà hai bên phải có trách nhiệm làm tròn bổn phận. Tôi và anh cùng "chung lưng đấu cật" phối hợp với nhau làm một công việc nào đấy (góp vốn để mở một cửa hàng thời trang hay cùng chung một xưởng sản xuất chẳng hạn), hiển nhiên là lợi nhuận và các lợi ích khác phải được phân bổ phù hợp với sự đóng góp hay công sức tham gia của mỗi người. Sự đánh giá có thể sân siu với độ dung sai cho phép, nhưng khi đã nhất trí thì cả hai đều phải tuân thủ luật chơi. Không thể có chuyện qua quýt, nhập nhằng trong việc ăn chia. “Ăn cho đều, kêu cho sòng”, “Đồng tiền liền khúc ruột” mà! Đồng tiền là thước đo giá trị lao động và cũng là thước đo các giá trị sống. Trong cuộc sống, chẳng hiếm trường hợp không minh bạch trong các hoàn cảnh mà người ta cần phải tuân thủ. Vay tiền quên trả, hoặc trả sai hẹn; hoặc ăn chia bớt xén, không sòng phẳng, không rõ ràng. Có những cái không chỉ là lẽ đời phải làm, mà còn là những ràng buộc mang tính pháp lý (tôi làm công cho anh, anh phải trả lương đủ theo hợp đồng). Lại có những điều tùy thuộc vào cái tâm mà lẽ thường không bắt buộc ta nhưng lại khuyên ta là nên thế (trong khó khăn hoạn nạn, hãy cùng nhau chia sẻ, của ít lòng nhiều, "lá lành đùm lá rách"). Âu cũng là chuyện thường tình.

“Đánh nhau chia gạo, chào nhau ăn cơm”. Hai hoàn cảnh, hai tình huống, hai hành vi, hai thái độ ứng xử. Đó là một thông điệp hết sức đơn giản nhưng vô cùng hàm súc, rõ ràng mà ông cha ta gửi lại cho chúng ta từ quá khứ. Ngày xưa, đó là chân lý các cụ ta cho là đúng. Và bây giờ chúng ta ngẫm lại thấy vẫn rất đúng. Đó là bài học của lẽ đời mà mỗi người cần phải học và học sao cho thấm: Công bằng lẻ gạo phải lo/ Rộng lòng bữa tiệc mời cho nghĩa tình…

"Có chí thì nên"

Câu tục ngữ trên có hàm ý nhắc nhở chúng ta rằng: Ai đó nếu có lòng kiên trì, nhẫn nại theo đuổi một mục đích lớn lao, hoặc một điều gì đó đem lại điều tốt đẹp trong cuộc sống thì tất sẽ thành công. Đó là một lời khuyên rất chí tình, chí lý cho bất cứ ai trên con đường lập thân, lập nghiệp.

Câu này cũng có nguồn cội từ một câu chuyện trong dân gian.

Cũng theo "Truyện cổ nước Nam", ngày xưa có hai người bạn chơi rất thân với nhau nhưng họ lại hoàn toàn khác nhau về tư chất: Một người hay chữ còn một người thì dốt đặc cán mai. Hai người hay đi chơi cùng nhau. Nhưng trong khi anh chàng hay chữ nói năng văn hoa, lưu loát, thông tường mọi thứ khiến cho ai ai cũng thán phục thì anh chàng dốt đặc kia lại đứng im như phỗng, chẳng nói được câu nào ra hồn. “Xấu chàng hổ ai”, anh hay chữ lấy thế làm thẹn lắm. Về nhà, anh mới tỉ tê khuyên bạn mình nên đi học thì mới nên người.

Anh chàng dốt kia đỏ mặt ngượng ngùng, tìm cớ thoái thác rằng: "Tôi đây phận hèn, trí mỏng, dạ tôi tối, học làm sao được?". Sự mặc cảm làm anh mất tự tin và chẳng có hứng thú gì với việc học hành. Nhưng khốn nỗi, không học thì ngay cả chuyện đi cày với con trâu kia cũng chẳng dễ.

Thương bạn, chàng hay chữ dẫn chàng dốt đặc đi tìm thầy dạy. Khi đến một hẻm núi, thấy một cái suối nước chảy rì rì, nhưng dưới kia là cả một vực sâu thăm thẳm đầy nước, chàng hay chữ bèn lặng lẽ đọc câu thơ rằng: Nước trong hang đá chảy ra/ Ban đầu nho nhỏ dần dà thành sông...

Anh dốt đặc lặng nghe và ngẫm nghĩ hồi lâu. Rồi anh quả quyết về nhà quyết tâm dùi mài việc đèn sách. Chẳng bao lâu, anh thấy mình mở trí, thông thạo việc đời và thật kỳ lạ, chí ham học đã giúp anh trở thành người giỏi giang có tiếng.

Thế mới hay, ai có chí thì nên cơ nghiệp. Bác Hồ của chúng ta cũng từng khuyên thanh niên bằng bài thơ mà chắc chúng ta đều thuộc: Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên...

PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH