1. Năm 1989, lần đầu tiên tôi được vào sân xem một trận bóng đá. Không biết bằng cách nào bố kiếm được cặp vé chung kết Giải bóng đá A1 toàn quốc giữa Câu lạc bộ (CLB) Quân đội và Đồng Tháp, trận đấu diễn ra trên sân Hà Nội. Mãi sau này nghe mẹ kể lại, để có được cặp vé trên, bố đã âm thầm “tiễn” một cặp gà ra chợ.

Có thể nói bố đã chuẩn bị rất kỹ mọi mặt để cho tôi biết thế nào là bầu không khí bóng đá đích thực. Hôm đó, hẳn bố đã mơ về chức vô địch cho CLB Quân đội. Tôi vẫn nhớ hàng vạn người trên sân Hà Nội cũng có cùng ước mơ như bố nhưng bàn thắng của Phạm Anh Tuấn đã khiến bao con tim tan vỡ, trong đó có bố. Rất lâu sau khi trọng tài thổi còi kết thúc trận đấu, bố vẫn thẫn thờ trên khán đài. Tôi vẫn nhớ mình đã cố gắng xua tan bầu không khí u ám bằng những câu hỏi liên quan đến đội khách: “Bố ơi, đội Đồng Tháp ở xa không bố?”. “Xa lắm con à, tận trong miền Nam”. “Thế bố đã đến Đồng Tháp bao giờ chưa?”. “Rồi con à, nơi đó bố cùng đồng đội đã đặt chân đến trong chiến tranh”. “Thế bóng đá Đồng Tháp có mạnh không bố?”. “Thắng được Thể Công (bố thích gọi như vậy) đâu phải chuyện đùa”. 

leftcenterrightdel
Cầu thủ Đồng Tháp thất vọng cùng cực sau trận thua 0-1 trên sân Long An, phải xuống hạng Nhì ở mùa giải tới. Ảnh: DƯƠNG THU

Thế rồi từ đó trong tôi, có hai đội bóng đeo bám trong tâm trí: Thể Công và Đồng Tháp, dẫu rằng hồi học THPT, tôi và chúng bạn thường xuyên giặt quần áo cho các anh ở đội Công an Hà Nội tại khu bãi rác Thành Công.

Xem lại những tấm hình về đội Đồng Tháp vô địch Giải bóng đá A1 toàn quốc năm 1989, thấy Phạm Anh Tuấn, Trịnh Tấn Thành, Công Nhậm... thật hiền lành, chất phác. Nhưng tôi không thể quên được lứa cầu thủ của bóng đá xứ sen hồng đã quần cho CLB Quân đội một trận ra trò. Trận đó, theo trí nhớ của tôi thì đội bóng áo lính không có mấy cơ hội ghi bàn.

Đến năm 1996, tại giải bóng đá các đội mạnh toàn quốc, Đồng Tháp lên ngôi vô địch sau trận chung kết thắng Công an TP Hồ Chí Minh 3-1. Đó cũng là trận đấu khánh thành sân vận động Cao Lãnh.

2. Sau này, khi Giải bóng đá vô địch quốc gia đổi tên thành V-League, Đồng Tháp thi đấu khá lận đận, ngoại trừ mùa giải 2010 giành Huy chương Đồng, còn lại hầu như năm nào cũng lo trụ hạng.

Bốn năm trước, khi Đồng Tháp rớt xuống hạng Nhất, tôi đã hỏi chuyện Huấn luyện viên (HLV) Trần Công Minh, anh cười hiền khô: “Chưa phải thời điểm đội đặt mục tiêu thăng hạng”. Những mùa giải qua, Đồng Tháp không đặt mục tiêu trở lại V-League bởi không có tiền. Đã nghèo còn eo, bóng đá Đồng Tháp khó đủ đường. Có lần, HLV Trần Công Minh tự hào tâm sự với tôi: “Bóng đá Đồng Tháp có thể phận nhà nghèo nhưng bao giờ cũng hừng hực ý chí, khát khao chiến thắng, cống hiến, đá vì người hâm mộ”. Nghe hậu vệ lừng danh một thời tự hào về bóng đá quê nhà, tôi mừng cho bóng đá xứ sen hồng, mừng cho đội bóng Đồng Tháp và mừng cho cả HLV Trần Công Minh. Cứ thầm mong sẽ có ngày anh trở lại cầm quân ở Đồng Tháp, cùng các học trò trở về mái nhà V-League, nhưng mơ ước chỉ là ước mơ.

Tuần trước, khi Đồng Tháp thua 0-1 trên sân Long An trong cuộc chiến trụ hạng, đội bóng xứ bưng biền đã rớt xuống giải hạng Nhì. Tôi không hỏi thăm HLV Trần Công Minh vì biết anh rất buồn và đau khổ. Dẫu đã rời đội bóng lâu ngày, an phận làm công tác đào tạo trẻ ở TP Hồ Chí Minh nhưng tôi biết trong anh, tình yêu với bóng đá Đồng Tháp chưa bao giờ tắt.

Nói gì thì nói, làm bóng đá phải có tiền, rất nhiều tiền. Có bận, HLV Trần Công Minh viết đề án kinh phí hoạt động của đội Đồng Tháp. Số tiền rơi vào cỡ 30 tỷ đồng/mùa giải. Lãnh đạo chê “con nhà nghèo không biết tiết kiệm”. HLV Trần Công Minh về viết lại đề án, số tiền còn non nửa. Sếp duyệt cái “xoẹt” nhưng tiền về với đội cứ nhỏ giọt như cà phê phin.

Không có tiền, Đồng Tháp phải bán hàng loạt cầu thủ trụ cột để đội bóng tồn tại. Đó là chưa kể việc kiện tụng, tranh chấp hợp đồng giữa cầu thủ và đội bóng khiến bóng đá xứ bưng biền buồn càng buồn thêm. Năm 2016, Đồng Tháp chấm dứt hợp đồng với trung vệ Lê Hải Anh. Đơn vị chủ quản cho rằng, người lao động không tuân thủ nội quy. Sự ra đi của Lê Hải Anh là giọt nước tràn ly, tinh thần của cầu thủ Đồng Tháp khi đó chạm đáy bởi thu nhập của họ không tỷ lệ thuận với công sức bỏ ra.

Giữa năm 2020, 11 cầu thủ trẻ Đồng Tháp dính vào bán độ ở giải trẻ quốc gia. Chuyện của cầu thủ trẻ non nớt, dại dột nhưng trách nhiệm quản lý của người lớn ở đâu?

Bóng đá Đồng Tháp không thiếu HLV. Nhưng Trần Công Minh đã an phận với công tác đào tạo trẻ ở một nơi xa quê hương. Không còn thấy hình bóng của HLV Phạm Công Lộc đâu nữa. Bùi Văn Đông là thế hệ tiếp theo phải nhường ghế cho Trang Văn Thành vì lý do hậu trường. Tiếng là HLV Trang Văn Thành thay thế nhưng người chỉ đạo lại là Nguyễn Anh Tông.

Nội tình đội bóng bất ổn như vậy, kể ra trụ được 4 mùa giải ở hạng Nhất cũng đã là quá sức. Ông Vương Thanh Trung, từng có thời là Phó giám đốc điều hành CLB Đồng Tháp, giờ là người của Liên đoàn Bóng đá Đồng Tháp là một nhân vật cực kỳ am hiểu bóng đá quê nhà. Ông Trung từng có thời lặn lội, gõ cửa các doanh nghiệp để xin tài trợ cho đội bóng Đồng Tháp nhưng chuyện nhiều khi cười ra nước mắt. Có doanh nghiệp đồng ý cho tiền nhưng lại đưa ra một tập giấy ghi nợ, kêu đi đòi được thì coi như có tiền tài trợ. Trời ơi, đòi nợ thuê à?

Lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch họp lên họp xuống với các doanh nghiệp trên địa bàn, để tìm cách tiếp sức cho đội bóng quê nhà nhưng tiền tài trợ về đội luôn là bài toán khó.

3. Hai năm trước, khi lứa U.19 Đồng Tháp vô địch VCK U.19 quốc gia tại Huế, HLV Trần Công Minh rất phấn khởi. Ông điện thoại cho tôi giọng ấm áp, chan chứa tình cảm. Tôi cảm nhận được lâu lắm rồi, ông mới vui, mới tự hào về bóng đá quê hương đến thế. Không chỉ HLV Trần Công Minh mà nhiều nhân vật khác cũng mừng cho bóng đá trẻ xứ bưng biền. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Một năm sau, 11 cầu thủ U.21 Đồng Tháp bán độ ở vòng loại U.21 quốc gia 2019. Vụ việc bùng nhùng kéo dài cho tới tận tháng 5-2020, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) mới ra quyết định kỷ luật 11 cầu thủ trẻ Đồng Tháp. Chủ mưu Huỳnh Văn Tiến bị cấm tham gia các hoạt động bóng đá 5 năm do VFF quản lý, 10 cầu thủ còn lại bị đình chỉ tham gia các hoạt động bóng đá 6 tháng do VFF quản lý.

Những tưởng chuyện đến đây là kết thúc. Nào ngờ, FIFA hồi tháng 7-2020 đã ra án phạt tương tự với 11 cầu thủ trẻ Đồng Tháp nhưng mở rộng phạm vi ra toàn thế giới. Huỳnh Văn Tiến bị FIFA cấm thi đấu 5 năm trên toàn thế giới, thời gian từ ngày 11-5-2020 đến 11-5-2025. 10 cầu thủ còn lại bị FIFA cấm thi đấu 6 tháng trên toàn thế giới, thời gian từ ngày 11-5 đến 10-11-2020.

Trong số 11 cầu thủ trẻ tham gia cá cược, có đến 8 cầu thủ được đôn lên đội 1 Đồng Tháp tham dự giải hạng Nhất 2020 trước thời điểm bị phanh phui tiêu cực. Vì thế, sau khi VFF ra án phạt, 8 cầu thủ này cũng được CLB Đồng Tháp trả về cho Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Đồng Tháp.

Không có tiền hoạt động, cầu thủ bị cấm thi đấu, Đồng Tháp như đám lục bình lập lờ trôi dạt ở giải hạng Nhất 2020. Để rồi vào ngày 30-10, họ đã tự “bắn vào chân” trong cuộc đua trụ hạng với đối thủ Long An. Chỉ cần hòa là Đồng Tháp trụ hạng nhưng thầy trò nhà Nguyễn Anh Tông lại thua 0-1. Đáng tiếc, trong hiệp 2, khi được hưởng phạt đền thì Công Thành (vua phá lưới giải hạng Nhất 2020 với 12 bàn thắng) lại đá bóng đúng xà ngang.

16 trận đấu ở giải hạng Nhất 2020, Đồng Tháp thắng 4 trận, hòa 3 trận, thua tới 9 trận. Theo dõi các trang mạng của Hội Cổ động viên (CĐV) Đồng Tháp, dễ nhận thấy sau trận thua Long An, CĐV xứ bưng biền gần như im lặng, họ không trách móc, không đổ lỗi cho ai. Nhưng thất bại ngày hôm nay của bóng đá Đồng Tháp phải có người đứng ra nhận lỗi chứ? Không lẽ người ta lại vô cảm đến vậy?

4. Ngẫm về hành trình đi xuống của bóng đá Đồng Tháp trong một thập niên qua, tôi lại nhớ về bóng đá trẻ xứ sen hồng nhiều hơn. Tôi thích cách CĐV Đồng Tháp đi theo các đội U.17, U.19 của tỉnh nhà, cổ vũ nhiệt tình con em tranh tài. Sau mỗi trận thua, số ít CĐV Đồng Tháp đi theo đội luôn được ban huấn luyện giải thích cặn kẽ vì sao đội nhà thua trận. Đó là một điều rất hay, là sự kết nối tuyệt vời giữa đội bóng-CĐV. Tiếc là ở đội 1 Đồng Tháp, sự kết nối đó từ lâu đã không còn. Sợ rằng từ đây, bóng đá Đồng Tháp như lục bình trôi sông.

KHOA MINH