QĐND - Dù phần lớn người Việt chưa từng đặt chân tới nước Nga, thế nhưng, âm nhạc Nga đã trở thành một món ăn tinh thần của bao thế hệ người Việt.
Bắt đầu từ những bài hát được dịch trên sóng phát thanh tại Nam Bộ, các ca khúc Nga đã lan rộng ra miền Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, trên các sân khấu ca nhạc, những câu lạc bộ sinh hoạt văn nghệ. Những ca khúc Nga có sức ảnh hưởng rất lớn và được hàng triệu thanh niên Việt thời đó yêu thích. Để rồi mãi sau này, âm nhạc Nga tiếp tục sống trong lòng công chúng yêu nhạc Việt.
 |
Nghệ sĩ nhân dân Trung Kiên, một trong những ca sĩ tạo dấu ấn ca khúc Nga trên sân khấu Việt.
|
Có thể điểm qua những ca khúc Nga “nằm lòng” người Việt. Đó là “Đôi bờ” của nhạc sĩ An-đrây Y-a-cô-lép-vích (Andrey Yakovlevich) về tình yêu chung thủy của người con gái với người con trai. Là “Chiều Mát-xcơ-va” của nhạc sĩ Va-xi-li Xô-lô-vi-ốp Xê-đô (Vasili Solovyov-Sedoy), ca khúc được nhân dân nhiều nước trên thế giới yêu mến. Pháp, Thụy Điển, Tây Ban Nha, I-ta-li-a (Italia), Trung Quốc... đều viết lời cho giai điệu bài hát này. “Chiều Mát-xcơ-va” nổi tiếng ở Việt Nam qua phần thể hiện của những nghệ sĩ tên tuổi như: Trung Kiên, Quang Thọ, Quang Huy... và được nhớ đến như là một trong những bài ca không quên làm thổn thức bao trái tim người Việt. Là “Triệu đóa hồng”, bài hát phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Nga An-đrây An-đrây-ê-vích Vô-nê-xen-xki (Andrey Andreyevich Voznesensky). “Triệu đóa hồng” gắn liền với tuổi trẻ, kỷ niệm tình yêu của nhiều chàng trai, cô gái. Tác phẩm không chỉ nổi tiếng ở Nga. Tại Nhật Bản, bài hát này được gọi là “biểu tượng của tình ca”. Ở Việt Nam, ca khúc này có sức sống bền bỉ, lay động nhiều thế hệ người Việt. Là “Kachiusa”, bài hát về tình yêu, gần gũi với người dân Liên Xô trong thời chiến và là niềm an ủi tinh thần cho những chiến sĩ Hồng quân. Là “Volga xinh đẹp”, “Cây thùy dương”, “Thời thanh niên sôi nổi”, “Chiều hải cảng”, “Tổ quốc”, “Tạm biệt Mát-xcơ-va”, “Đàn sếu”…
Hiếm có âm nhạc nước nào được dịch và “bén rễ” vào lòng công chúng Việt Nam như âm nhạc Nga. Nguyên nhân, trước hết nằm ở hoàn cảnh lịch sử. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Liên Xô trước đây là nước ủng hộ Việt Nam rất lớn cả về vật chất lẫn tinh thần. Hơn thế, Liên Xô khi ấy giao hữu với Việt Nam bằng tình anh em. Vì thế, con người Nga, văn hóa Nga, theo mối tình ấy, trở nên thân thiết với người Việt. Hơn nữa, trong và sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, rất nhiều người Việt đã học tập và công tác tại Liên Xô. Khi về nước, những con người ấy đã mang theo một phần nước Nga.
Tuy nhiên, điều căn cốt khiến các ca khúc Nga nói riêng, văn hóa Nga nói chung gần gũi với người Việt, là sự đồng cảm. Âm nhạc Nga trữ tình, hồn hậu, trong sáng, vì thế, rất phù hợp với tâm hồn của người Việt Nam. Đồng thời khi cần phải kiên định, hào hùng, quyết liệt, sâu thẳm thì chính những bài hát Nga lại thể hiện rõ nét nhất. Bởi vậy, những ca khúc, đặc biệt là những bài hát ra đời trong thời kỳ chiến tranh vệ quốc như “Thời thanh niên sôi nổi”, đến bây giờ nhiều người vẫn hát. Hay dù là khúc ca trữ tình như “Đôi bờ”, “Cây thùy dương”, “Chiều Mát-xcơ-va” hoặc những bản nhạc mang chất hành khúc như “Thời thanh niên sôi nổi”, “Cuộc sống ơi ta mến yêu người”... thì âm hưởng Nga đậm nét đều mang đến cho người nghe những cảm xúc chân thành, niềm tin yêu và tinh thần lạc quan phơi phới. Có lẽ chính chất nhân văn ấy đã khiến cho những giai điệu đẹp từ nước Nga vượt qua muôn trùng khoảng cách, đến với trái tim hàng triệu người yêu nhạc Việt Nam dù đã đến, hay chưa một lần đặt chân tới nước Nga.
Bài và ảnh: NGUYỄN THU NGA